Hãy Sám Hối- Suy niệm lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng- A

0
106

Hãy Sám Hối- Suy niệm lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng- A

Suy niệm

Bài đọc Cựu Ước cho chúng ta biết vào thế kỷ VIII trước công nguyên, dân Do Thái thời đó đang thất vọng chán chường về những ông vua chỉ lo cho bản thân và gia đình mình chứ không lo cho dân; xã hội đầy dẫy bất công, luân lý suy đồi, tín ngưỡng suy thoái. Đang khi họ mang tâm trạng đó thì ngôn sứ Isaia xuất hiện và loan báo: sẽ có ngày Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước Thiên Chúa. Ngài xét đoán công minh, bênh vực người hiền lành, trừng trị những kẻ áp bức, và dân chúng sẽ sống trong cảnh thái bình thịnh trị (x.Is 11,1-10).

Đến thời Tân Ước, người Do Thái cũng buồn bã vì đã bốn trăm năm mà không có ngôn sứ nào, tiếng nói của các ngài đã im bặt. Bỗng nhiên Gioan Tẩy giả xuất hiện và lời rao giảng lại vang lên: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Dân chúng nhìn nhận Gioan là một ngôn sứ, vì thấy ông là ánh sáng phơi bày sự dữ, là tiếng nói hiệu triệu con người đến với sự công chính, là bảng chỉ đường để con người đến cùng Thiên Chúa. Nơi ông có một dáng dấp uy quyền và tính cách linh thiêng, là những điều chỉ có được khi đã ở lâu dài với Thiên Chúa.

Sứ điệp nòng cốt và khẩn thiết mà Gioan kêu gọi dân chúng là phải sám hối để đón nhận Nước Trời. Ông là người dám nói dám làm; dám đối đầu với sự ác. Thế nên ông đã mạnh dạn tố cáo tình trạng tội lỗi dưới mọi hình thức: dám đả kích cuộc hôn nhân bất chính của vua Hêrôđê; dám nói thẳng với nhóm Pharisêu và phái Xađốc là “nòi rắn độc”. Họ là hàng thủ lãnh tôn giáo chính thống, đã không góp phần chấn hưng đời sống dân Chúa, mà còn sống giả hình, kiêu căng, vụ hình thức trong các nghi lễ, áp dụng luật lệ cách khắt khe:“chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi…”. (Lc 11, 46).

Gioan Tẩy giả tố cáo những điều tiêu cực nhưng cũng nêu lên những điều tích cực; lên án quá khứ nhưng mở ra một tương lai; loại trừ sự ác để hướng con người tới sự thiện. Tất cả đều khởi đầu từ việc sám hối. Trong tiếng Hy Lạp, từ “Sám hối – Metanoia” được dùng 24 lần trong Tân Ước, chỉ sự thay đổi (meta) tư tưởng và tâm hồn (nous). Sám hối bao hàm sự hoán cải chứ không chỉ hối tiếc buồn rầu vì những lỗi lầm đã qua. Sám hối đòi ta phải cải đổi tinh thần, bằng một lối sống mới phù hợp với đường nẻo của Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa này mà các Rabbi cho rằng, hoán cải là điều vĩ đại, vì nó đem đến sự chữa lành cho thế gian, và đạt đến ngai vinh hiển của Thiên Chúa.

Từ “hoán cải” trong tiếng Do Thái là “Tesubah”. Đó là danh từ của động từ “Shub”, có nghĩa là “quay lại”: quay lại với điều lành, quay lại với cách ăn nết ở sao cho đúng với đời sống luân lý và tôn giáo của mình. Một cách sâu xa là quay về với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Chúng ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà cơ bản là sự hiệp thông với Thiên Chúa để sống trong tình yêu mến với mọi người, biết nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài.

Gioan còn tố giác nhóm Kinh sư: “Ðừng tưởng rằng mình đã có tổ phụ Abraham”. Lời đó cũng cảnh giác chúng ta đừng rơi vào ảo tưởng của sự tự mãn. Là Kitô hữu, chúng ta dễ tưởng rằng mình đã nắm chắc phần rỗi. Nhưng rồi vấn đề không phải là Kitô hữu, mà là sống tinh thần Kitô hữu. Điều quan trọng là“hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Hoa quả đó chính là tình yêu trong hành động, để đem lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân.“Thà bàn tay hơi dơ nhưng đầy quà tặng dâng lên Chúa, hơn là bàn tay tinh sạch mà lại trống rỗng” (Raoul Follereau). Không có sám hối thì cũng không có tình yêu, không có đổi mới. Chính tinh thần sám hối mới giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”. (Bênêđictô XVI).

Mùa Vọng, mùa sám hối để đón Chúa đến. Chúa đã đến, Ngài đang đến và lại đến trong vinh quang. Sám hối cụ thể là “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. “Đường” và “lối” ở đây là những quan niệm, chủ trương, lập trường, cách ứng xử… Có những đường lối còn đầy tăm tối, quanh co, gai góc, hiểm trở… không xứng hợp với Chúa. Mỗi người là một con đường, cần dọn cho sạch đẹp, cần làm cho bằng phẳng, cần được nâng cấp mỗi ngày hoàn mỹ hơn, để Chúa đến với nhân loại và để nhân loại đến với Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Tình Chúa thương vẫn từng ngày mở lối,
nhưng cho ai biết sám hối mà thôi,
không sám hối đời con vẫn tăm tối,
vẫn vô minh trôi nổi theo tháng ngày.

Đón nhận Chúa con càng phải sám hối,
vì đời con bao tội lỗi phủ che,
nên không nghe bước chân Ngài đang tới,
cũng không thấy bóng dáng Chúa trong đời.

Con sám hối không phải vì sợ hãi,
hay quá lo phần thưởng ở ngày mai,
nhưng chính vì con được Chúa yêu thương,
nên quyết tâm buông bỏ những tầm thường,
và dẹp bỏ những gì là gai chướng,
để con dọn cho Chúa một con đường.

Con đường được xây sửa bằng tình yêu,
nên ngay thẳng và sáng trong không thiếu,
con đường đẹp chẳng đáng giá bao nhiêu,
con vẫn muốn dâng tặng Chúa thật nhiều.

Nhưng bản thân con phận hèn sức yếu,
chỉ làm được những điều bé nhỏ thôi,
con cầu mong ơn thánh Chúa tài bồi,
để sống hơn những gì con đang sống.

Xin cho con đừng bao giờ tự mãn,
đừng nghĩ mình xứng đáng với ân ban,
nhưng thấy mình còn lầm lỗi muôn vàn,
để con luôn biết chấn chỉnh sửa sang,
biết tân trang cho tâm hồn trong sáng,
không để cuộc đời mình phải ngổn ngang,
nhưng bình an trong tâm thế sẵn sàng,
chờ Chúa đến rạng ngời trong ánh quang. Amen.

Lm. Thái Nguyên