HÃY MỞ RA- Suy niệm CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – B

0
99

chua-chua-nguoi-mu

Có một đôi nam nữ rất yêu nhau. Họ hẹn ước sẽ cưới nhau lúc chàng trai đi du học về. Sau khi chàng trai ra đi ít lâu, cô gái bị một tai nạn giao thông khủng khiếp. Sau đó, cô được cứu sống. Nhưng điều bi đát hơn cả là cô bị mất đi giọng nói. Bác sĩ bảo rằng tai nạn đã gây tổn thương não, khiến cô bị câm, không thể nói được nữa.

Cô gái bị suy sụp tinh thần hoàn toàn. Cô không muốn cho người yêu biết và cũng không muốn trở thành gánh nặng cho anh nên viết thư cho anh và nói rằng cô không còn kiên nhẫn đợi chờ anh được nữa. Cô trả lại cho anh chiếc nhẫn đính hôn. Chàng trai đã gửi hàng trăm bức thư và gọi biết bao cuộc điện thoại, nhưng cô không trả lời mà chỉ khóc. Cha mẹ cô quyết định chuyển nhà đến nơi khác để cô quên đi những gì đã xảy ra. Cô gái học ngôn ngữ bằng tay dành cho người câm và bắt đầu một cuộc sống mới. Chàng trai sau đó cũng về nước và không liên lạc với cô gái nữa. Cô nghĩ rằng chàng đã quên cô.

Một năm trôi qua, ngày kia, một người bạn đến trao cho cô gái thiệp mời đi dự lễ thành hôn của chàng trai, người yêu của cô. Trái tim cô tan nát. Khi mở thiệp cưới ra, cô giật mình khi thấy tên mình trong tấm thiệp. Ngước mắt lên, cô thấy chàng trai đang đứng trước mặt. Chàng xuất hiện đúng vào lúc bất ngờ nhất.

Chàng dùng tay để nói với cô : “Một năm qua anh đã dành thời gian để học ngôn ngữ bằng tay này. Hãy cho anh có cơ hội để nói với em : Anh yêu em”. Chàng xỏ chiếc nhẫn vào tay cô. Cô gái đã khóc, khóc vì hạnh phúc lại trở về với cô.

Câu truyện tình yêu trên đây thật đẹp. Chàng trai không thể mở miệng lưỡi cho cô gái câm nói được. Nhưng với tình yêu, chàng đã mở ra cho cô một khung trời hạnh phúc, nhất là mở trái tim cô để đổ vào đó tràn đầy tình yêu của mình.

Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Marcô thuật lại : cũng với tình yêu, Chúa Giêsu đã mở miệng lưỡi và đôi tai cho một người bị câm điếc. Phải chăng khi chữa lành cho anh, Chúa Giêsu cũng muốn mở ra cho anh một khung trời hạnh phúc và qua đó, cũng muốn mở rộng trái tim anh để anh cũng biết đón nhận tình yêu của Ngài ?

Hãy mở miệng lưỡi và đôi tai

Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ chữa lành người câm điếc ở “giữa miền Thập Tỉnh”, nghĩa là miền đất của người ngoại giáo. Vì thế, có thể suy đoán người bệnh chính là một lương dân. Nhưng anh ta và bạn bè thân hữu đã có một lòng tin vào Chúa Giêsu rất mạnh mẽ, khi họ quyết tâm dẫn anh đến cùng Chúa Giêsu và xin Ngài chữa bệnh. Như thế, niềm tin là động lực thúc đẩy phép lạ xảy ra : lòng tin đã đưa họ đến với Chúa, và cũng vì họ có lòng mạnh tin mà Chúa đã chữa lành cho bệnh nhân.

Chúa Giêsu đã không chữa bệnh công khai, nhưng đưa bệnh nhân ra khỏi đám đông để chữa lành cho anh ta. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ Ngài chưa muốn biểu lộ quyền năng công khai vì “giờ” Ngài chưa đến. Vì thế, sau phép lạ, Chúa đã cấm họ kể lại phép lạ chữa bệnh cho người khác. Đồng thời, Chúa Giêsu không muốn dân chúng theo Chúa vì óc hiếu kỳ hoặc vì muốn lợi lộc vật chất. Nhưng Chúa chỉ muốn họ theo Chúa với một đức tin chân thành. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn chữa bệnh trong một khung cảnh riêng tư thân mật, nói lên sự trìu mến thân thương hơn là một hành động phô trương giữa đám đông.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu càng cấm dân chúng nói ra những gì họ vừa chứng kiến, họ càng loan truyền những điều mắt thấy tai nghe cách mạnh mẽ hơn. Họ thán phục và ca tụng Chúa đã làm mọi sự thật tốt đẹp. Điều đó cho thấy : Chúa đã mở miệng lưỡi và đôi tai của người bệnh, nhưng đồng thời người cũng mở lòng trí anh ta và mọi người. Mở miệng lưỡi và đôi tai thể lý là điều quan trọng, nhưng mở lòng trí và trái tim lại cần thiết hơn. Đôi tai cần nhạy bén để đón nhận chân lý, miệng lưỡi cần can đảm để rao truyền sự thật.

Đôi tai và miệng lưỡi là cửa ngõ giúp cho con người đón nhận nhau và đón nhận thế giới. Thế nhưng, đôi tai và miệng lưỡi tâm linh lại quan trọng hơn để ta đón nhận lời Chúa và loan truyền lời Chúa.

Hãy mở rộng tâm hồn

Khi Chúa Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc, Ngài đã mở ra cho anh ta một khung trời đầy hạnh phúc. Bởi vì khi bị câm điếc, người ta bị giam hãm trong một thế giới đầy sự câm nín và cô độc. Đối với người bị câm điếc, nhịp cầu cảm thông và liên lạc với tha nhân bị gãy đổ hoàn toàn. Họ bị tách lìa khỏi thế giới. Vì thế, khi Chúa Giêsu đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh, rồi nói : “Ephpheta, nghĩa là : Hãy mở ra !”. Lập tức, tai anh được mở ra và lưỡi anh được tháo cởi. Ngay lúc ấy, anh như được giải thoát khỏi xiềng xích giam hãm anh bấy lâu nay. Tâm hồn anh được mở ra với một thế giới đầy tươi sáng. Chúa sờ vào tai và lưỡi anh để đưa anh trở về hòa nhập với xã hội và cộng đồng.

Lời phán truyền của Chúa Giêsu : “Ephpheta, hãy mở ra !”không phải là lời bùa chú của một phù thủy. Nhưng đó là lệnh truyền của một Thiên Chúa cao cả đã từng truyền lệnh cho cả vũ trụ hiện hữu trong công trình tạo dựng.

Lời phán truyền của Chúa Giêsu : “Ephpheta, hãy mở ra !”cũng phản ánh dung mạo Thiên Sai nơi Chúa Giêsu, Đấng đến để giải thoát muôn dân. Thời Thiên Sai ấy đã được tiên tri Isaia loan báo cho dân chúng trong bài đọc I : “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai và người câm sẽ nói được”. Đó chính là công việc của Đấng Thiên Sai được áp dụng cho Chúa Giêsu.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục phán truyền với chúng ta :“Ephpheta. Hãy mở ra !”. Không phải Ngài muốn mở đôi tai và miệng lưỡi thể lý của chúng ta, nhưng là muốn mở rộng tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn biết nghe và nói lời yêu thương, nhất là nghe và nói lời Chúa.

Hãy mở ra những đôi tai ích kỷ, để chúng ta biết lắng nghe lời kêu cứu của tha nhân và đưa tay ra giúp đỡ.

Hãy mở ra những đôi tai đang đầy ứ những điều thô tục, để chúng ta biết nghe lời Chúa và đem ra thực hành.

Hãy mở ra những miệng lưỡi cứng cỏi, để chúng ta biết nói những lời an ủi, động viên với những ai đang buồn sầu thất vọng.

Hãy mở ra những miệng lưỡi nhát đảm, để chúng ta biết nói sự thật, làm chứng cho chân lý, nhất là biết rao giảng Tin Mừng cho mọi người.

Trên tờ báo “Tuổi Trẻ Cuối Tuần” ngày 18/6/2006 có in một tấm ảnh độc đáo trên trang bìa. Đó là hình ảnh một lỗ hổng lớn trên mặt cầu Văn Thánh 2, Thành Phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh tấm ảnh là tựa đề : “Lỗ Hổng Trách Nhiệm, ai chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng, lãng phí nổi cộm vừa qua ?”. Tấm ảnh đó đã đoạt giải nhất về thể loại ảnh Giải Báo Chí Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2006. Tấm ảnh đó là của tác giả Nguyễn Công Thành, báo Tuổi Trẻ.

Nhiều người đã đi qua và đã nhìn thấy cái “lỗ hổng trách nhiệm” ấy nhưng đã im lặng. Chỉ có tác giả tấm ảnh đã biết mở mắt, mở tai để nhìn và nghe những điều “trái tai gai mắt” và can đảm mở miệng nói lên sự thật. Chúng ta hãy xin Chúa luôn mở mắt, mở tai chúng ta mỗi ngày để chúng ta cũng biết mở miệng để ca tụng Chúa, làm chứng cho sự thật, và loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Logos Năm B