HẠ MÌNH XUỐNG ĐỂ ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO- Suy niệm Chúa Nhật XXII Thường Niên C

0
50

Những người tị nạn, những người vô gia cư, những cô gái được giải thoát khỏi các động mại dâm… là những thành phần ít được người khác để ý đến, hoặc để ý với cái nhìn dè chừng, khinh bỉ. Ấy vậy mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm họ, đã mời họ dùng bữa với ngài, đã tạo điều kiện cho họ đi tắm biển trong mùa hè nóng bức, sau đó được ngài mời ăn tối trong nhà hàng có máy lạnh… Những chuyện hết sức bình thường dành cho những người an cư, những người ở những quốc gia bình yên, những người có tiền, những người có thế giá; nhưng đối với những hạng người nghèo nói chung như những người tị nạn, những người vô gia cư, nhũng cô gái mại dâm…thì đó là những chuyện họa hiếm. Để có thể làm được điều đó, cần phải có “sự hiện diện khiêm hạ”.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
  2. Bài Đọc I: Hc 3, 17-18.28-29

Tác giả sách Huấn Ca dạy cho con cái mình rằng: “Càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3, 18). Việc khiêm tốn, tự hạ dựa trên nền tảng “Quyền năng Đức Chúa được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3, 20). Ngược lại: “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng vì sự xấu xa đã ăn sâu và mọc rễ trong nó” (Hc 3, 28). Vì vậy người khiêm tốn, tự hạ là người có Đức Chúa ngự trị trong tâm hồn. Còn ngược lại hành động kiêu ngạo là hành động của ma quỷ.

  1. Tin Mừng: Lc 14, 1.7-14

Từ hình ảnh thực khách thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc, ban đầu Đức Giêsu chỉ là người thầy nhân bản để dạy về cách đối nhân xử thế để làm sao hình ảnh của mình được đẹp trong mắt người khác, nhưng sau đó Ngài còn là bậc thầy tu đức để dạy cho họ về đức khiêm nhường, phải biết hạ mình xuống để được Thiên Chúa nâng lên như lời của tiên tri Êdêkiel: “Mọi sự đều thay đổi, cái thấp được nâng cao, cái cao bị hạ thấp” (Ed 21, 31). Ở đây không phải là kiêu ngạo, tìm kiếm những sự lớn lao, nhưng khao khát đích thực của một con người là được vinh dự trong Thiên Chúa chứ không phải trong vinh quang của người đời.

Cũng nhân dịp bữa ăn, Đức Giêsu khuyên người đã tiệc “đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có” (Lc 14, 12b), nhưng “Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14, 13). Đây không phải là sự bắt buộc, nhưng chính là lòng hào hiệp.

Lòng hào hiệp này ngược hẳn với quan niệm của người đời. Nếu làm theo lời khuyên của Đức Giêsu, thì bữa tiệc chỉ toàn những người tàn tật vì vậy thật khó coi. Nhưng đó lại là cung cách của Thiên Chúa, Ngài quan tâm đến những con người ít được người khác quan tâm. Đó cũng là lòng thương xót của Ngài. Muốn trở thành môn đệ của Ngài, muốn sống năm thánh lòng thương xót, chúng ta phải học và tập cho bằng được cung cách đó.

  1. HẠ MÌNH XUỐNG ĐỂ ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO
  2. Hạ mình xuống

Đức Giêsu chính là gương mẫu cho sự hạ mình. Ngài: “Vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. (Pl 2, 6).

Như vậy nòng cốt của sự hạ mình là quên đi bản thân mình để nghĩ đến người khác. Hay nói ngược lại, vì chỉ nghĩ đến bản thân mình, không nghĩ đến người khác nên đã sinh ra kiêu ngạo, lúc nào cũng muốn ở trên, ở trước, trỗi trang hơn người khác.

Tôi không nhớ rõ tên vị thánh đi xin cho người nghèo. Người ta sỉ nhục, khạc nhổ lên mặt Ngài. Ngài sẵn sàng đón nhận và nói: “Đó là phần cho tôi, còn phần của người nghèo đâu?”Đứng trước sự hạ mình đến tận cùng của vị thánh đó, người ta buộc phải bố thí cho người nghèo của Ngài. Phải quên đi bản thân mình mới có thể nghĩ đến người khác được.

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp cũng đã quên mình chấp nhận cái chết để cứu những giáo dân đang bị nhốt cùng với Ngài được sống.

Nói tóm lại, sự khiêm tốn hạ mình xuống chỉ có được khi người ta biết quan tâm, nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác.

Đó là điều làm cho mỗi người chúng ta phải suy nghĩ để nhìn lại xem đời sống của mình đã biết hạ mình xuống vì người khác chưa? Hay ngược lại, còn bắt người khác phải hy sinh vì mình? Dĩ nhiên cuộc sống cần phải hy sinh cho nhau, nhưng nếu mỗi người đều ý thức để hạ mình xuống vì người khác thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu. Đó cũng là hình ảnh bữa tiệc trong Nước Trời khi mỗi người biết sống tình yêu thương đích thực.

  1. Quan tâm đến người nghèo

Những loại người: “Nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” trong bài Tin Mừng hôm nay là đại diện cho những người nghèo nói chung. Đức Giêsu đã dành cho họ một sự ưu ái đặc biệt khi khuyến khích lòng hào hiệp của chủ nhà để mời họ đến dự tiệc, một việc làm mà có lẽ chủ nhà không bao giờ muốn. Còn những người nghèo, chắc chắn họ rất vui vì có lẽ ít khi nào, và có khi là không khi nào họ được mời dự tiệc vì thân phận hèn hạ của mình.

Đức Giêsu đã nói lên sự thật nơi những người nghèo là “họ không có gì để đáp lễ”. Vì lẽ đó mà họ sẽ nhớ ơn người đã mời họ. Qua đó Ngài nhắc đến hoàn cảnh khốn cùng của mỗi chúng ta. Chúng ta là những người nghèo đích thực của Thiên Chúa, chúng ta lẽ ra đã phải chết vì tội lỗi của mình, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương và sai Đức Giêsu đến cứu độ chúng ta. Quả thật con người chúng ta không thể làm gì để đáp trả lại tình yêu thương đó. Vì vậy, Đức Giêsu nhắc chúng ta thái độ biết ơn là cần thiết cho người đã thụ ơn mà không có khả năng để đền trả.

Giáo Hội Công Giáo và nhất là đất nước Ấn Độ đang háo hức chuẩn bị cho ngày đại lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa Calcutta vào ngày 04/09 tới đây. Tổng Giáo phận Calcutta đã cho thiết kế logo cho ngày đại lễ này với chủ đề: “Mang lấy lòng trắc ẩn và tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa”. Việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa trong năm thánh lòng thương xót thật ý nghĩa vì lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể nơi những con người nghèo khổ, bị bỏ rơi, ít được người khác để ý đến. Mẹ là người nghèo của Thiên Chúa, vì vậy Mẹ dành cả cuộc đời của mình để phục vụ cho những người nghèo. Mẹ là hiện thân của lòng thương xót Chúa vì Mẹ biết quan tâm đến những người nghèo.

Năm thánh lòng thương xót đã gần kết thúc, thử hỏi mỗi người chúng ta đã thực thi lòng thương xót một cách cụ thể chưa? Trong năm qua chúng ta đã lần nào giúp đỡ, bố thí cho người nghèo chưa? Chúng ta đã lần nào đi thăm viếng người láng giềng, hay bà con họ hàng khi hay tin họ nằm nằm bệnh viện chưa?…

Nếu trái tim chúng ta đã từng rung động trước những cảnh khổ và đôi tay chúng ta đã biết mở ra, thì cám ơn Chúa vì chúng ta đang thực thi lòng thương xót của Chúa. Nếu chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến những người nghèo nói chung, thì khi ra khỏi nhà thờ này, chúng ta hãy thực hiện ngay và liền tức khắc. Đừng để những giáo huấn của Chúa chỉ gói gọn trong nhà thờ, mà phải đi vào trong thực tế đời sống chúng ta.

Để sống được lời Chúa hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho mình được trở nên bé nhỏ để nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong những anh em mình, nhất là những người nghèo khổ.

Lạy Chúa, “Xin cho con trở nên bé nhỏ để con dễ nghe tiếng Chúa, để con thấy Chúa hiện diện trong hết mọi biến cố đời con. Xin cho con tình yêu thắm nồng để con sống trong niềm hy vọng, biết âm thầm lặng lẽ hy sinh, phụng sự Chúa với lòng trung trinh”.

Lm. Giuse Nguyễn