GIAO THỪA – GIÂY PHÚT ĐOÀN TỤ- Suy niệm lễ Giao thừa

0
47

Giao thừa được hiểu là giây phút chuyển giao giữa cũ và mới. Giữa hiện tại và tương lai. Đó là giây phút lịch sử. Giây phút mà người ta vẫn chờ đợi những gì tốt lành nhất đến với mọi nhà, mọi người.

Đối với truyền thống Việt Nam đây là giây phút đoàn tụ gia đình, và cũng là giây phút để đón nhận những lời chúc phúc tốt đẹp nhất từ ông bà, cha mẹ. Từ những người thân thương nhất của mình. Có lẽ, đó cũng là giây phút cô đơn nhất của những ai xa nhà, những ai không có một mái ấm gia đình thực sự. Ngày xưa mỗi độ xuân về, mà nghe lời hát “Xuân này con vắng nhà” là một lần nghe lòng tái tê, là một lần nhắc nhở mỗi người hãy nhớ rằng mình còn có một mái ấm gia đình. Hãy nhớ mình còn có những người thân thương đang ngóng trông. “Con nhớ xuân này mẹ chờ tin con. Khi pháo giao thừa rộn ràng muôn nơi. Năm trước con hẹn mùa xuân sẽ về. Trông bánh chưng chờ đợi sáng. Đỏ hây hây như đôi má hồng”.

Vâng, mỗi khi nghe giai điệu bài hát này ai cũng cảm thấy lòng bồi hồi gợi nhớ lại bao kỷ niệm thân thương về một đêm giao thừa đoàn tụ với cha, với mẹ trong nôi ấm gia đình. Và ai cũng mong muốn được trở về với gia đình, được đoàn tụ với những người thân yêu trong giây phút linh thiêng nhất của một năm.

Giây phút đó, giờ đây đang dần đến với chúng ta. Ai cũng mong được hạnh phúc trong giây phút đầu năm. Ai cũng mong được sống đoàn tụ quây quần với những người thân yêu trong giây phút hết sức linh thiêng này. Giây phút này chúng ta mới thấy cần có một mái ấm gia đình. Giây phút này chúng ta mới thấy gia đình là một quà tặng thật qúy giá mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. Thế mà đã bao lần chúng ta lại muốn ly tán gia đình! Đã bao lần chúng ta gây nên biết bao thương tổn cho những người thân yêu nhất của chúng ta! Đã bao lần chúng ta đã sống khờ dại như cha ông ta vẫn nói: “khôn nhà dại chợ”. Đã bao lần chúng ta sống thiếu trách nhiệm với gia đình, trở thành gánh nặng cho gia đình, vì lười biếng, vì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”, hay “việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng”.

Có lẽ đây là giây phút thật thuận tiện để chúng ta xin lỗi về cả một quá khứ. Về những việc chúng ta đã làm có lỗi với nhau. Về những việc chúng ta đã quá thiếu sót với nhau. Về cả những lời nói mà chúng ta đã xúc phạm đến nhau. . . Đây là giây phút lịch sử để chúng ta làm lại cuộc đời. Giây phút này không ai muốn làm phiền lòng nhau và càng không muốn phiền hà đến ai. Chúng ta hãy dành những cử chỉ, những lời nói tốt đẹp nhất cho nhau. Hãy chân thành chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, một năm tràn đầy hồng ân Chúa.

Song song với tinh thần đoàn tụ gia đình, truyền thống Việt Nam còn có một thói quen là xông nhà. Chúng ta ao ước có một người tốt phúc tới xông nhà, để cầu phước cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, cho một năm an bình thịnh vượng. Tôi ước mong qúy ông bà và anh chị em hãy mời Chúa đến “xông nhà” chúng ta. Hãy lắng nghe Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta. Năm nay với chủ đề “Gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót”, với điểm nhấn của năm nay là mời gọi các thành viên gia đình hãy có tình thương với nhau. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta đựơc sống hiệp nhất yêu thương nhau, mỗi người biết sống phục vụ lẫn nhau trong tinh thần trách nhiệm và tròn bổn phận. Thiên Chúa là tình yêu, nguyện xin tình yêu Chúa ở lại luôn mãi trong các gia đình, để tình yêu của Ngài được thể hiện qua từng ngôn ngữ, từng hành vi mà chúng ta dành cho nhau. Vì chưng, giá trị của một con người không hệ tại ở sự giầu có, không hệ tại ở chức vụ quyền qúy cao sang, mà hệ tại ở tư cách của một con người biết sống kính trên nhường dưới, biết sống trên thuận dưới hoà và biết sống yêu thương mọi người. Vì thế, một gia đình hạnh phúc không hệ tại ở giầu sang phú quý mà hệ tại ở một cuộc sống trên thuận, dưới hoà, người người biết yêu thương nhau.

Và cuối cùng trước thềm một năm mới, nguyện xin Chúa luôn cư ngụ trong mỗi gia đình, xin Ngài chúc lành cho các gia đình được hưởng những giây phút giao thừa thắm được tình Chúa, tình người. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền