GIA ĐÌNH LÀ CHIẾC NÔI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT- Suy niệm Lễ Thánh Gia

0
57

Mừng Lễ Thánh Gia Thất trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm dung mạo Lòng Thương Xót Chúa ở một khía cạnh khác, khía cạnh của gia đình. Dĩ nhiên Lời Chúa vẫn là nguồn mặc khải cho chúng ta thấy rõ dung mạo đó.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
  2. Bài Đọc I: 1Sm 1,20-22.24-28

Đoạn sách này kể về gia đình của ông Encana và bà Anna. Hai ông bà son sẻ nhưng vẫn một lòng tin tưởng, cầu xin và Chúa đã nhậm lời. Ông Encana đã lên đền thờ “để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình”. Còn bà Anna thì “đợi cho đến khi đứa bé cai sữa”, bà sẽ đưa nó đi “nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi”.

Qua đó chúng ta thấy được một gia đình trung thành với  Chúa thể hiện qua việc họ luôn chạy đến kêu xin và trung tín giữ những lời khấn hứa với Ngài. Nhờ sống trong một gia đình như thế mà sau này Samuel đã trở thành thủ lãnh để cứu dân của Chúa thoát khỏi tay người Philitinh.

  1. Tin Mừng: Lc 2, 41-52

Bài Tin Mừng lại là hình ảnh của một gia đình thánh. Gia đình này “hằng năm trẩy hội đền Giêrusalem”. Theo  luật Do Thái buộc phải hành hương mỗi năm 3 lần. Thánh Giuse và Đức Maria thi hành luật này một cách nghiêm chỉnh không phải chỉ vì luật lệ, mà còn vì họ yêu mến Thiên Chúa. Họ biết mình đang thực thi sứ mạng của Thiên Chúa, vì vậy phải gắn bó với Ngài.

Chúng ta đặc biệt để ý đến hình ảnh cậu bé Giêsu. 12 tuổi, nghĩa là tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo. Điều cậu quan tâm tìm tòi là gì? Thưa đó là những giá trị linh thánh, ngồi giữa những bậc thầy tôn giáo để nghe và hỏi họ. Ngài đã nói với cha mẹ Ngài: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Đây là những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin mừng Luca. Lời này cho chúng ta thấy quan hệ giữa Người với Chúa Cha phải được đặt lên trên mọi quan hệ khác.

Như vậy phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật những gia đình biết gắn bó, trung thành với Chúa. Chính điều đó sẽ làm cho mọi người trong gia đình biết đặt Chúa lên trên mọi thứ tự ưu tiên, để từ đó gia đình của họ sẽ hạnh phúc. Mà hạnh phúc chính là được Thiên Chúa thương xót. Vì vậy, gia đình chính là chiếc nôi của Lòng Thương Xót. Chính gia đình sẽ tạo lập cho mọi thành viên trong đó biết quy hướng về Chúa.

  1. ĐỂ TRỞ THÀNH CHIẾC NÔI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
  2. Gắn bó với Chúa

Để gia đình có thể trở thành chiếc nôi của Lòng Thương Xót, nghĩa là để từ gia đình, mỗi thành viên sẽ được hưởng Lòng Thương Xót của Chúa, thì mỗi người trong gia đình đó phải biết chạy đến kêu xin với Chúa và trung tín với Ngài, nói ngắn gọn lại là biết gắn bó với Chúa.

Ông Encana và bà Anna; Thánh Giuse và Đức Maria là mẫu gương cho mọi gia đình về việc họ luôn ưu tiên cho việc thờ phượng Chúa. Họ đến đền thờ, họ khấn xin với Chúa, họ giữ lời hứa với Chúa…

Thánh  Louis và Zelie Martin, cha mẹ của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu vừa mới được Đức Thánh Cha tuyên thánh vào tháng 10 vừa qua đã dạy cho con cái mình ngay từ nhỏ việc đọc kinh cầu nguyện, thái độ khao khát Chúa; lớn lên hướng dẫn chúng nó đi lễ, yêu mến Bí tích Thánh Thể, siêng năng xưng tội, lần chuỗi Mân Côi…

Còn những gia đình thời đại của chúng ta thì sao? Cám ơn Chúa có một số gia đình mà cả vợ chồng đều đạo đức, hoặc ít ra là không bê bối trong việc sống đạo.

Tuy nhiên có một số gia đình chỉ vợ hoặc chồng sống đạo, còn người kia khô khan, thậm chí là bê bối. Việc giáo dục con cái giống như chèo ghe đưa con đến bến hạnh phúc. Nếu chỉ một mái chèo, thì đương nhiên vất vả hơn là 2 mái. Thậm tệ hơn nữa nếu mái kia không chèo mà còn cản nước. Bởi vậy cha ông ta mới nói: “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”.

Thật cay đắng xót xa cho những gia đình chỉ một mình con cái đi lễ, giữ đạo, còn cha mẹ vì nhiều lý do đã bỏ bê việc thờ phượng Chúa. Cay đắng xót xa vì chính họ đã không giữ lời thề trong ngày thành hôn: “Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội thánh không?” Họ đã tuyên bố công khai trước mặt mọi người: “thưa có”. Nhưng bây giờ nhìn lại xem, có hay không? Họ đã lỗi lời thề hứa với Chúa.

Cay đắng xót xa cho chính đứa bé này, liệu nó có giữ được sự trung thành với Chúa cho đến tuổi trưởng thành trong khi cha mẹ nó đã thất tín với Chúa không? Đó là một trong những nguyên nhân vì sao xã hội ngày càng xuống cấp. Vì con cái không có điểm tựa vững chắc.

  1. Chọn lựa giá trị tốt

Đức Giêsu năm 12 tuổi đã biết chọn lựa những giá trị tốt, và đối với Ngài tốt nhất là “bổn phận ở nhà của Cha” Ngài. Nhờ vậy mà Ngài “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta”.

Tôi muốn nói đến sự chọn lựa của các bạn trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Từng giây phút, chúng ta được đặt trước sự chọn lựa. Nếu cuộc đời chúng ta được dệt kết bằng những chọn lựa tốt thì sẽ trở nên tốt. Nếu nó là một chuỗi liên hoàn những chọn lựa xấu thì chắc chắn cuộc đời đó sẽ tệ hại.

Hơn thế nữa, chúng ta là người trẻ Công giáo, là người bạn của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy trong những chọn lựa của chúng ta phải làm sao để trở nên giống người bạn Giêsu, biết hướng đến những giá trị cao thượng, linh thánh.

Để có những chọn lựa tốt, nhất là những giá trị linh thánh, chúng ta phải rèn luyện cho ý chí của mình một sự mạnh mẽ, dứt khoát; cho con tim của mình những tình cảm ngay chính; nhất là cho tâm hồn của mình một sự trong sáng.

Những chọn lựa của chúng ta chẳng những liên hệ đến chính bản thân mình, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và Giáo hội nữa. Tôi nghĩ tôi có quyền, có tự do để làm những điều tôi thích. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. Đúng thôi! Nhưng trách nhiệm đó đâu phải chỉ một mình chúng ta ghánh, còn gia đình, xã hội và Giáo hội. Một bạn trẻ phạm tội giết người có phải chỉ liên hệ đến một mình bạn ấy không? Một cô gái “chữa hoang” có phải chỉ một mình cô ấy tủi nhục không?

Vì vậy các bạn trẻ phải rèn luyện để bỏ đi những chọn lựa xấu hầu có những chọn lựa tốt. Sự tập luyện này phải khởi từ những việc rất nhỏ hằng ngày như việc sử dụng điện thoại, xe cộ, tiền bạc, giờ giấc… của mình.

Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội rất tốt để những bậc làm cha mẹ nhớ lại lời cam kết ngày thành hôn, để có bổn phận chăm lo đức tin cho con cái; cho con cái biết chọn lựa những giá trị tốt, nhất là những giá trị linh thánh để mình được lớn lên trong ơn nghĩa Chúa.

Mừng lễ Thánh Gia Thất là dịp để mỗi người trong gia đình ý thức bổn phận nên thánh để biết trung thành với Chúa và chọn lựa những giá trị tốt. Chính lúc đó, gia đình trở thành nơi thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa, vì gia đình đã thực sự là một tổ ấm khi mỗi người đều sống thánh thiện.

Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cầu cho mỗi gia đình chúng con!

Lm. Giuse Trực