Diễn từ về Giê-ru-sa-lem đổ nát – Suy niệm Chúa Nhật XXXIII thường niên – C

0
121

Diễn từ về Giê-ru-sa-lem đổ nát

1. Diễn từ này bắt đầu bằng một lời khuyến cáo (cc. 8-9). Chủ đề chỉ được đề cập với các câu 10-11: mô tả các tai họa trong vũ trụ. Diễn từ này bị gián đoạn vì lời khai triển dài dòng về các biến cố sẽ phải đến “trước tất cả các điều đó”, là các biến cố không có giá trị dấu chỉ tiên báo ngày chung cục sắp đến: một đàng là các cuộc bách hại người Kitô hữu sẽ phải chịu (cc.12-19), đàng khác là hình phạt sắp giáng xuống Giêrusalem (cc.20-24). Lúc đó bài diễn từ mới bàn tiếp các tai họa vũ trụ sẽ phải xảy ra khi đến ngày thế mạt (cc.25-33). Diễn từ kết thúc bằng một lời khuyến cáo mới (cc.34-36). Đây là lược đồ qui tâm (expose concentrique) của diễn từ.

A. Lời khuyến cáo đầu tiên (cc. 5-9)

B. Các tai họa vũ trụ (cc. 10-11)

C. Điều xảy ra trước:

a) bách hại người Kitô hữu (12-19)

b) hình phạt Giêrusalem (20-24)

B’. Các tai họa vũ trụ ngày thế mạt (25-33)

A’. Lời khuyến cáo cuối cùng (34-36)

Như vậy đoản văn chúng ta chú giải dừng lại ở giữa bài diễn từ. Tuy nhiên đừng quên rằng mỗi một thành tố đều có ý nghĩa trong toàn thể.

2. Câu người ta hỏi Chúa Giêsu ở câu 7 có hai phần: trước hết hỏi về thời gian (“khi nào?”), đoạn hỏi rõ ràng hơn về dấu chỉ để nhận ra biến cố thực sự đang xảy ra. Cách đặt câu hỏi như thế giống với hai phúc âm nhất lãm kia. Nhưng biến cố Lc nhắm đến là việc phá hủy đền thờ, còn Mt và Mc đi từ việc phá hủy đền thờ sang ngày thế mạt. Rõ ràng hơn Mc 13,4, Mt đặt câu hỏi như sau: “Khi nào các điều đó xảy ra và đâu là dấu chỉ điềm báo ngày Ngài quang lâm và ngày thế mạt đến?” (Mt 24,5). Việc phá hủy Giêrusalem, việc Con Người đến và ngày thế mạt liên hệ mật thiết với nhau. Lc hủy bỏ mối liên hệ đó. Việc phá hủy đền thờ không là thành tố của các biến cố đó. Trong suốt bài diễn từ, Lc cố ý tách rời việc phá hủy đền thờ khỏi biến cố thế mạt, loại bỏ mọi tương quan giữa hai sự kiện đó. Ngay từ đầu, ông đã muốn tránh mọi lầm lẫn giữa hai biến cố. Ông tạm thời lưu tâm đến số phận đền thờ và chỉ đề cập đến ngày thế mạt khi ông có thể minh chứng thế mạt không liên hệ gì đến biến cố năm 70. Câu hỏi trong câu 7 rõ ràng nhắm đến số phận đền thờ, và toàn bộ bố cục diễn từ cũng xác quyết điểm đó.

3. Chúa Giêsu nói lời cứng rắn mạnh mẽ chống lại đền thờ và nói đó được xem như là thời điểm cao nhất trong việc rao giảng phúc âm, vì lời đó tiên báo Israel sẽ bị kết án và loại bỏ. Theo Lc, Chúa Giêsu nói lời đó ngay chính trong đền thờ, sau khi đã thanh tẩy đền thờ, điều đó cho thấy Ngài thực sự quản lý vật sở hữu của Ngài. Đền thờ là dấu chỉ cụ thể Thiên Chúa đang hiện diện giữa dân Người; Israel thấy đền thờ là lý do tồn tại của mình trong tư thế là dân được tuyển chọn. Việc phá hủy từ đây ám chỉ họ đã bị bỏ rơi và cùng khổ, nhục nhã, là những điều mà tiên tri Malakia đã tiên báo (3,21). Trong lúc mọi người hết lời ca tụng, ngưỡng mộ vẻ đẹp đền thờ, Chúa Giêsu chỉ thấy đổ nát thiêu hủy. Qua sự kiện này, Ngài tiếp nối sự nghiệp các tiên tri liên tục tiên báo các sự đổ nát đã xảy ra (Mi 3,9-12; Giêr 7,14; 26,18; Ez 2,21). Đến lượt mình, Chúa Giêsu nói tiên tri và hoàn tất sự đổ nát, vì từ đây Ngài là dấu chỉ duy nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại.

4. Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi về ngày giờ và dấu chỉ cuộc phá hủy Giêrusalem. Thay vì trả lời như thế, c.8 đề phòng các Kitô hữu coi thường các kẻ gian manh sẽ tìm cách đánh lừa họ. Lc trước hết lấy lại phương cách mà Lc đã gán cho họ: họ là những kẻ tự xưng là đến “nhân danh” Chúa Giêsu, họ nói: “chính ta đây”, và tìm cách làm thiên hạ kính trọng họ như là Đấng Kitô. Mc chú tâm nhiều đến hiểm họa Kitô giả, đến nỗi đã nhắc lại trong phần cuối bài diễn từ (Mc 13,21-23); họ sẽ làm nhiều dấu chỉ và phép lạ, và lừa gạt được nhiều người. Lc loại bỏ lời khuyến cáo thứ hai, và việc đề phòng của ông, ở c.8 không xác quyết là họ sẽ thành công trong việc lừa gạt thiên hạ.

Ngược lại Lc thấy trước một hiểm họa khác, đối với ông xem ra khẩn trương hơn: hiểm họa các người gian manh loan báo “thời giờ đã đến gần đến”. Theo Lc, đó là “thời giờ” nào? Dựa vào câu hỏi ở c.7, người ta có thể nghĩ đó là thời gian tàn phá đền thờ. Nhưng chắc chắn Lc không nghĩ đến điều đó. Ta thấy được điểm này nhờ câu thiếp theo, là câu nói đến tai ương mà người ta chỉ có thể kết luận là “ngày tàn” của các tai ương đó sắp chấm dứt. Diễn từ tiếp tục đề cập đến các dấu chỉ, theo đó có thể biết là “sự cứu thoát các con đã gần kề” (c.28), và “Nước Thiên Chúa đã gần đến” (c.31). Sai lầm mà Lc muốn người Kitô hữu đề phòng là sai lầm trong ông lưu ý trong 19,11: “Chúa Giêsu lại nói thêm một dụ ngôn nữa, vì Ngài đã đến Giêrusalem, và người ta tưởng rằng liền ngay đó nước Thiên Chúa sẽ xuất hiện”. Đây là hiểm họa làm Lc lo lắng: là các Kitô hữu háo hức nghe theo ảo giác của những kẻ tưởng giờ thế mạt đã gần kề, rằng Nước Thiên Chúa sắp tỏ hiện trong vinh quang, rằng Con Người sẽ ngự xuống trên đám mây. Các lời loan báo như thế tạo nên một cơn sốt tạm bợ và sẽ gây thất vọng và khủng hoảng đức tin: người ta sẽ thôi chờ đợi, không sống trong hy vọng nữa. Chính vì thế Lc nhấn mạnh: “Các con chớ nghe theo chúng”.

Câu 9 cũng cản giác một nguy hiểm tương tự: nguy hiểm giải thích các biến cố (không chút liên hệ đến thế mạt) như là dấu chỉ ngày thế mạt đã gần kề. Theo Mc, người ta sẽ nghe nói về chiến tranh giặc giã; Lc xác định rõ hơn: “Có chiến tranh và hoan lạc”, là chữ chỉ các cuộc nổi dậy, phản động, và người ta nghĩ ngay đến cuộc nổi dậy của dân Do thái. Lúc bấy giờ chớ sợ hãi. Mc giải thích: “các điều đó sẽ phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận thế”. Ở đây Lc cũng xác định và nhấn mạnh rõ: “Các điều đó phải đến trước, nhưng chưa phải là tận cùng ngay đâu”. Đối với Mc, chiến tranh giặc giã chỉ là dấu chỉ xa của ngày tận thế thì ra chúng biểu hiện “giờ đau khổ đã điểm” (Mc 13,8). Trong Lc, chiến tranh, nổi loạn không có giá trị dấu chỉ tiền phong, dù là dấu chỉ xa; chúng không liên hệ gì với ngày tận thế. Chúng phải xảy ra trước, nhưng không phải là lời loan báo về ngày tận thế.

Lc biết ngày tận thế không thể đến ngay. Ông sợ các ảo giác về vấn đề này sẽ làm lung lạc đức tin của Kitô hữu, khiến họ phải thất vọng. Lời khai mào diễn từ cánh chung đã bị ảnh hưởng bởi mối ưu tư về nguy hiểm trên.

Vì chính vì biết ngày tận thế không đến ngay, nên Lc đã không mô tả các dấu chỉ tiền phong của ngày tận thế: chỉ cần hai câu để mô tả là đủ (cc.10-11). Vả lại, các dấu chỉ đó không cho biết thêm điều gì. Các đối thoại viên của Chúa Giêsu đã xin một dấu chỉ, nhưng không phải dấu chỉ về ngày thế mạt, nhưng là dấu chỉ về việc tàn phá Giêrusalem. Chúa Giêsu không cho một dấu chỉ, nhưng nhiều dấu chỉ và các dấu chỉ này không liên hệ tới việc tàn phá Giêrusalem, nhưng liên hệ tới ngày thế mạt. Hơn nữa, các dấu chỉ này mơ hồ đến nỗi bất cứ thời nào cũng cảm thấy bị chúng ảnh hưởng. Nhưng ngoài bối cảnh lu mờ đó, có một điều rõ ràng: ngày tận thế sẽ không đến ngay.

5. Càng nói phớt qua và không minh xác các dấu chỉ tiền phong đó, Lc càng nhấn mạnh đến thái độ người Kitô hữu phải có cho đến ngày thế mạt. Vì thế ngày thế mạt xa dần trong một tương lai bất định, người Kitô hữu càng cần phải sống trong thời gian, đương đầu với lịch sử. Đặc biệt họ phải anh dũng đối đầu với các cuộc bách hại. Và trong lúc Lc ghi lại diễn từ này, các lời Chúa Giêsu tiên báo về việc bách hại trong tương lai đã thực sự thể hiện trong lịch sử; sách Cvsđ đã minh chứng điều đó (Cvsđ 8 và 12).

Lc đã lưu tâm đến đoản văn liên hệ đến các cuộc bách hại đó. Người ta có cảm tưởng ông muốn khích lệ các người bị bách hại khi nhấn mạnh đến các lý do nhằm làm họ tin tưởng cậy trông trong các cuộc thử thách đó. Như thế lòi tiên báo đã biến thành lời mời gọi tin tưởng phó thác. Và Lc làm nổi bật tất cả những gì đem lại lợi ích cho người bị bách hại.

“Điều đó sẽ giúp các con làm chứng” (c.13). Cách dịch này chẳng để ý gì đến việc thay đổi nhãn quan. Ông đặt mình về phe người bị bách hại, để cho thấy lợi ích của các cuộc thử thách họ phải chịu: đây là bằng chứng chắc chắn cho thấy họ sẽ được cứu rỗi. Do đó đúng hơn phải dịch là: “Điều đó sẽ là dịp để các con làm chứng”. Đây là một lời khuyến khích chịu đựng các đau khổ, chúng là chiến tích hùng hồn biện hộ cho họ trước tòa án Thiên Chúa.

Phải đặt lời khuyên đừng lo lắng phải biện hộ thế nào trước mặt vua chúa quan quyền trong chiều hướng khuyến khích đó, vì lời khuyến khích là sứ điệp thiết yếu của diễn từ. Không những Thiên Chúa sẽ lo liệu bằng cách ban khôn ngoan và miệng lưỡi, nhưng còn lo liệu cho lời nói đó đừng trở nên cớ vấp phạm. Không gì có thể thắng nổi lời nói đó. “Ta sẽ cho các con miệng lưỡi và khôn ngoan, làm kẻ nghịch các con hết thảy đều vô phương chống lại hay bắt bẻ các con” (c.15). Cuối cùng Lc thêm lời hứa: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng chẳng hư mất” (c.17). Câu này được gặp lại ở chỗ khác, trong một bối cảnh khác hẳn (x. Lc 12,7; Mt 10,30) được đặt ở đây, trong cuối đoản văn mô tả các cuộc bách hại, câu đó đưa ra một viễn ảnh đen tối và nặng nề; nó nhắc lại sự che chở đã được hứa trước. Đây cũng là lời mời gọi mới để tín hữu thêm can đảm và tín thác ngay khi gặp phải cảnh bắt bớ gian truân.

6. “Các con sẽ giữ mạng sống nhờ biết bền đỗ” (c.19). Đây là một câu ngắn của Lc, có một nghĩa tổng quát: nó không còn liên hệ với hoàn cảnh lịch sử của những người sống ngay trước ngày thế mạt. Nó có giá trị trong mọi thời. Thực ra, Lc đã không ám chỉ đến ngày sau hết có trong Mc: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mc 13,13). Lc biết ngày sau hết không phải là gần đến; ông kết án là gian manh những kẻ chủ trương như thế (c.8). Đó là tất cả ý nghĩa việc Lc đọc lại viễn ảnh cánh chung học của Mc: các cuộc bách hại không liên hệ với thời sau hết. Đúng hơn chúng biểu thị thân phận người Kitô hữu trong thế giới, trong lịch sử nhân loại đang còn tiếp diễn.

Sự bền đỗ đó là sự kiên tâm bền chí giúp người Kitô hữu can đảm tin tưởng đương đầu với những vô vị của cuộc sống thường nhật cũng như các hoàn cảnh đặc biệt của thời bách hại. Đó là quộc thử thách đức tính kiên nhẫn mà Giêremia đã nói, ông là người đã hết lòng tin tưởng vào Chúa, nhưng rồi cũng đã thất vọng vì đó: “Lạy Giavê, Ngài đã dụ dỗ tôi, và quả thật tôi đã bị dụ dỗ, Ngài đã bắt tôi và đã thắng tôi. Mỗi ngày tôi biến thành trò cười, nọi người ai cũng chế nhạo tôi” (Giêr 20,7). Sự bền đỗ theo phúc âm biểu thị “những người nghe lời với thái độ tốt, đã đào sâu lời đó và mang lại nhiều hoa quả nhờ kiên tâm bền chí” (Lc 8,15); sự bền đỗ đó chắc chắn giúp ta được sống cũng như được vào vương quốc (x. Cvsđ 14,22). Nó được Thiên Chúa hứa và minh chứng lòng tín thác vào đấng hoàn tất lời hứa.

KẾT LUẬN

Thời của giáo hội là thời bách hại. Thời gian này đang tiếp tục. Việc giải phóng và ơn cứu độ hoàn toàn chỉ bắt đầu với việc Con Người đến nhưng Ngài chưa đến gấp. Do đó phải kiên nhẫn và bền chí đứng vững.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Đứng bên Chúa Giêsu, có nhiều người trầm trồ khen ngợi Đền thờ và lấy làm hãnh diện sung sướng về các viên đá tốt và các lễ vật quí người ta dâng cúng. Thật thỏa mãn và vui mừng biết bao khi thấy ở chính Giêrusalem có một dấu chỉ minh nhiên sự hiện diện của Chúa. Nhất là hãnh diện biết bao, vì đền thờ nguy nga lộng lẫy là công trình của toàn dân, đồng thời nói lên lòng trung tín của các tín hữu cũng như sự che chở của Đấng toàn năng. Tất cả điều đó khiến họ hài lòng thỏa mãn.

Trước sự ngưỡng mộ chính đáng và quan yếu đó, Chúa Giêsu phán: “những gì các ngươi nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào, tất cả sẽ bị tàn phá”. Nghe vậy chắc các thính giả xôn xao lo lắng lắm. Đền thờ bị phá hủy thì còn đâu sự che chở của đấng Tối Cao, đâu còn chứng tích của lòng trung tín?

Chính vì thế, họ tò mò và quan ngại: “Thưa thày, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến ?”

Qua câu hỏi này, thính giả Chúa Giêsu cho thấy họ đã nhận thức tầm quan trọng của việc chuẩn bị sống các biến cố đó. Phải khắc phục các tai ương đó, chứ đừng bị chúng bắt chợt. Niềm tin vào đền thờ, nơi Đấng tối cao đang hiện diện, càng sống động. Đền thờ càng trở nên quan trọng vì là dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện này, do đó người ta càng khó chịu khi thấy đền thờ bị tàn phá.

Ngày nay phải chăng người ta cũng có một tâm tưởng như thế, khi nghĩ là giáo hội đang trên đường diệt vong? Trước những biến đổi sâu xa do công đồng đem đến, nhiều người tức tối, nuối tiếc phụng vụ cổ xưa, các bài giảng ngày trước, việc bình thản nhàn hạ đã có từ lâu. Niềm tin của các bạn trẻ hôm nay, được biểu lộ một cách khác xưa, có còn là niềm tin nữa không? Các linh mục liên hệ với cộng sản là vô thần, có còn là linh mục nữa không? các nữ tu đến sống với các những nghèo trong các ổ chuột tồi tàn có còn là nữ tu nữa không? Cuối cùng, dù với những ý tưởng ngay lành của thế giới, người ta sẽ chẳng phá hủy giáo hội sao? Cũng như dân Do thái ngày xưa muốn bảo trì đền thờ Giêrusalem của họ, ngày nay người ta cũng muốn giữ gìn giáo hội và những cái gọi là truyền thống của giáo hội, nhưng giáo hội mới cứu người tín hữu.

2. Sau các câu hỏi mà giờ đây chúng ta đã hiểu rõ, Chúa Giêsu mới bắt đầu lên tiếng. Ngài không cho biết khi nào sẽ xảy ra cuộc tàn phá Giêrusalem, cũng như các dấu chỉ tiên báo cuộc tàn phá đó. Ngài không bao giờ trả lời để thỏa mãn tính tò mò hay xoa dịu nỗi ưu tư xao xuyến. Ngài giúp ta can đảm và bình thản đón nhận biến cố. Chính vì thế, Ngài nói trước các nguy hiểm, các sai lệch hoặc các cuộc đào tẩu bội phản có thể xảy ra; đoạn cho biết phải sử dụng năng lực của mình như thế nào cho hợp lý.

Trước tiên là các nguy hiểm và ảo tưởng. Chúa Giêsu canh chừng thính giả khỏi mắc mưu các Messia giả. Vào thời hoan lạc, con người quá xao xuyến đến nỗi phải tìm đến người có thể trấn an và hướng dẫn họ cách quyền uy. Chúa Giêsu cảnh giác họ đừng vội tin những người bịa đặt những phép lạ dễ dãi và những thày phù thủy chữa bệnh tâm tư phiền muộn; đừng vội theo những ai đơn giản hóa sự việc bằng cách đồng hóa đức tin với các hệ thống kinh tế hoặc chính trị của họ.

Chúa Giêsu đề phòng chống lại các ngày thế mạt giả mà chúng ta thường tin cách dễ dàng: chiến tranh, động đất, ôn dịch, đói kém… đó là những lệnh báo động giả, nhiều khi rất đánh động, nhưng chúng ta đừng vì đó mà xao lãng hoặc quên mất điều cốt yếu.

Điều cốt yếu là sống đức cậy trông Kitô giáo trong thế giới, là giữ vững đức tin. Niềm tin luôn làm thế giới chống đối: Chúa Giêsu nói đó là điều không thể tránh được. Môn đệ không hơn thày. Người Kitô hữu có thể bị cám dỗ hoảng sợ và kinh hãi những tội phạm vì lòng yếu đuối của mình. Chúa Giêsu cho họ biết là trong họ có một sự hiện diện siêu phàm đang ngự trị. Khi đến giờ làm chứng tá, người Kitô hữu không phải chuẩn bị đối phó, tự vệ: chính Chúa Giêsu sẽ linh ứng cho họ điều phải nói. Do đó ngay bây giờ phải sống hiện tại cách tin tưởng hoàn toàn phó thác vào Chúa: không một sợi tóc trên đầu chúng ta rụng đi mà không có sự thỏa thuận đồng ý của Ngài. Điều quan hệ là hôm nay hãy sống đời môn đệ Chúa Kitô cách trung tín ngày qua ngày, luôn kiên trì trong đời Kitô hữu. Đó là đường duy nhất đưa đến cứu rỗi.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt