Đấng giải phóng – Suy niệm lời Chúa Chúa nhật XXIII thường niên B
Kinh Thánh trình bày với chúng ta Thiên Chúa vừa là Đấng Sáng tạo, vừa là Đấng Giải phóng. Là Đấng Sáng tạo, Ngài làm cho vạn vật từ hư vô trở thành hiện hữu; là Đấng Giải phóng, Ngài dẫn đưa con người tới bến bờ của tự do. Như thế, người tin Chúa luôn cảm thấy vinh dự và tự hào, vì được Chúa dựng nên, đồng thời cũng được Ngài cứu thoát. Lịch sử dân tộc Do Thái đã chứng minh điều này.
Bài Sách thánh thứ nhất trích ngôn sứ Isaia. Tác giả mời gọi chúng ta hãy can đảm và đừng sợ. Đừng sợ! bởi vì Thiên Chúa sắp can thiệp. Ngài sắp đem lại cho dân Ngài chiến thắng. Đoạn sách này được viết trong bối cảnh dân Do Thái còn đang lưu đày tại Babylon, vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Nơi lưu đày tha hương đất khách, ngày đêm họ tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa cứu giúp, giải phóng và đưa họ về quê cha đất tổ. Chính lúc họ đang âu sầu khổ cực, Chúa nói với họ qua ngôn sứ Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: can đảm lên đừng sợ! đã đến thời Thiên Chúa cứu thoát“. Với giọng văn hùng hồn mạnh mẽ, vị Ngôn sứ diễn tả ngày Chúa can thiệp bằng những hình ảnh rất vui tươi sinh động: người mù sẽ nhìn thấy, kẻ què sẽ đi được, người điếc sẽ nghe thấy và người câm sẽ reo hò. Ước vọng nóng bỏng của người mù là có thể nhìn, của người què là đi được, của người câm là có thể nói, của người điếc là có thể nghe. Qua hình ảnh diễn tả, vị Ngôn sứ muốn khẳng định rằng, vào ngày Thiên Chúa can thiệp, con người sẽ đạt được tất cả những gì mong muốn chờ đợi. Thiên Chúa sẽ bù đắp cho họ nỗi thống khổ họ đã phải chịu trong quá khứ và ban cho họ tràn đầy niềm vui. Sau gần 40 năm lưu đày tại Babylon, Chúa đã dùng Vua Kirô người Ba Tư để trả tự do cho người Do Thái vào năm 538. Kirô là vị vua giải phóng dân Israen khỏi cảnh lưu đày. Ông được coi như sứ giả Chúa gửi đến. Từ đây, cảnh lưu đày chấm dứt. Vua Kirô cũng là người cho phép dân Do Thái hồi hương, tái thiết Đền thờ và quê hương xứ sở. Sau những tháng ngày xa quê, họ trở về trong niềm vui vỡ òa. Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện. Người Do Thái hát vang bài ca: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng như trong mơ…” (Tv 126,1).
Với nhãn quan Kitô giáo, cuộc trở về của người Do Thái từ kiếp lưu đày là hình bóng cho cuộc giải phóng con người mà Thiên Chúa sẽ thực hiện. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã đến giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi và dẫn đưa họ về với Chúa Cha. Người hứa ban cho họ tự do đích thực, không còn bị tội lỗi chi phối và điều khiển. Người tin vào Chúa Giêsu sẽ không còn là nô lệ của tội lỗi, nhưng được mặc lấy sự thánh thiện. Những dấu chỉ Thiên sai đã xuất hiện vào thời Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô đã ghi lại một phép lạ Chúa chữa người vừa câm vừa điếc. Nhờ tác động của Chúa, “tai anh ta mở ra và lưỡi như hết bị buộc lại”. Kiểu nói của Mác-cô muốn diễn tả người bị câm điếc cũng giống như một tù nhân. Anh ta bị nhốt kín nên giờ được mở ra, bị xiềng xích gông cùm nên giờ được tháo cởi. Nói tóm lại, anh được giải phóng khỏi cảnh tù tội và được đưa trở lại hội nhập với cuộc sống bình thường. Thánh Mác-cô cũng là một tác giả hay nói đến việc Chúa Giêsu cấm người ta loan tin, sau mỗi khi Người làm phép lạ. Đây là lối trình bày có chủ ý, vì thánh Sử muốn liên hệ đến những “trào lưu thiên sai” thời bấy giờ, muốn chủ trương một đấng thiên sai theo kiểu trần tục, mang màu sắc chính trị. Chính vì thế, Chúa Giêsu không muốn người ta đồn thổi về Người như một vị anh hùng của thời đại theo nhãn giới trần gian.
Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian để giải phóng con người khỏi quyền lực tà thần. Quả thật, con người được Thiên Chúa sáng tạo có ý chí và tự do, nhưng con người cũng bị cầm buộc bởi biết bao thứ quyền lực: tiền bạc vật chất, đam mê dục vọng, ghen ghét hận thù, ích kỷ vô tâm. Con người vừa bị giam cầm bởi những quyền lực bên ngoài, vừa bị giam cầm bởi những khuynh hướng bên trong, tức là do chính bản thân mình. Chúa Giêsu giúp chúng ta thoát khỏi những ràng buộc đó để trở nên những con người tự do, không còn bị lệ thuộc, để rồi chúng ta toàn tâm toàn ý phụng sự Thiên Chúa trong tình con thảo thân thương.
Hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Giải phóng hướng chúng ta về niềm hy vọng. Quả vậy, trong cuộc sống hôm nay, đối diện với sự dữ, thiên tai, chiến tranh, bạo lực, nhất là đại dịch Covid-19, nhiều người cảm thấy hoang mang. Nhiều người khác lại phàn nàn kêu trách Chúa trước thảm hoạ mà nhân loại đang phải gánh chịu. Là những người tín hữu, chúng ta tin rằng Chúa không dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người. Chúng ta tin rằng Ngài sẽ can thiệp để cứu giúp chúng ta. Nếu trong Phúc âm, nhiều lần Chúa Giêsu đã chữa lành người liệt, người mù, người câm, người bị quỷ ám và thậm chí đã cho người chết được sống lại, thì chúng ta tin rằng người không bỏ rơi chúng ta trong hoạn nạn đau thương. Sứ điệp của Lời Chúa là sứ điệp của niềm hy vọng. Đời sống người Kitô hữu cũng được ghi dấu bởi niềm hy vọng vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài là Cha yêu thương và là Đấng Giải phóng con người.
Ephata – Hãy mở ra! Đó là lệnh truyền kèm theo phép lạ để chữa người điếc và ngọng. Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa quyền năng mở tai chúng ta để lắng nghe Lời Chúa, mở mắt chúng ta để nhận ra những nhu cầu và nỗi thống khổ nơi anh chị em xung quanh. Bằng một lối hành văn rất đơn sơ cụ thể, Thánh Giacôbê, trong bài đọc II, đã giáo huấn chúng ta bằng những ví dụ cụ thể, cho thấy ở đời này, chúng ta có khuynh hướng trọng người giàu, khinh người nghèo. Một người giàu có thì được đón tiếp trọng vọng, trong khi một người nghèo khó thì được đón tiếp miễn cưỡng và hững hờ. Hậu quả của quan niệm đầy thành kiến đó là một thứ bác ái bằng môi miệng. Theo thánh Giacôbê, điều nguy hại là thái độ phân biệt này tồn tại ngay trong các buổi hội họp của cộng đoàn hoặc trong các cử hành phụng vụ. Thánh nhân mời gọi chúng ta hãy nhận ra nơi những anh chị em nghèo sự phong phú giàu có của Đức tin. Lý do để sống bình đẳng còn dựa trên ơn gọi chung của mọi tín hữu, đó là ơn gọi thừa hưởng vương quốc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. Như vậy, giữa cuộc sống còn nhiều thiếu thốn và khổ cực, tình liên đới của người Kitô hữu với anh chị em mình sẽ góp phần diễn tả lòng thương xót của Chúa, góp phần loan báo Tin Mừng của Người.
Cuộc sống này bao la và vô cùng phong phú. Có những điều chúng ta không thể cảm nhận bằng con mắt giác quan, nhưng còn bằng lý trí, bằng con tim và nhất là bằng Đức tin. Xin cho chúng ta có con mắt tâm hồn sáng suốt. Con mắt tâm hồn trong sáng sẽ giúp chúng ta nhận ra đâu là con đường chính trực; đôi chân nhiệt thành sẽ giúp chúng ta ra khỏi vỏ bọc ích kỷ của mình để đến với tha nhân; đôi tai tinh thông sẽ giúp ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa; môi miệng chân thành sẽ giúp ta nói những lời thân thiện. Xin Chúa mở miệng chúng ta để chúng ta biết ca ngợi Chúa và dùng lời nói nối kết tình hiệp thông. Như thế, chúng ta đã thực sự được Thiên Chúa giải phóng và trở nên con người tự do, sự tự do của những ai tin tưởng phó thác nơi Ngài.
Chúng ta hãy tâm niệm lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Không bao giờ được chán nản, đừng mất niềm tin, đừng bao giờ để cho niềm hy vọng của các con bị dập tắt. Thực trạng có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. Các con hãy tìm cách là những người đầu tiên mang lại điều tốt lành, đừng học thói quen làm điều ác, nhưng đánh bại nó bằng điều tốt lành.”
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên