“CHÚNG TÔI RAO GIẢNG ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH”- Suy niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

0
93

Hôm nay Giáo hội Việt Nam vui mừng tạ ơn Chúa và hân hoan mừng kính các thánh tổ tiên chúng ta đang vui hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Mừng kính các vị Tử đạo tại Việt Nam năm nay trùng vào dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót cho các Giáo hội địa phương, trong đó có Giáo phận Cần Thơ. Chúng ta nhận ra được lòng thương xót của Thiên Chúa hết sức rõ ràng. Lòng thương xót đó trao tặng cho chúng ta một Đức Giêsu Kitô, nhưng là một “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh”. Cha ông chúng ta đã mạnh dạn rao giảng về một Đấng như thế, nên các Ngài đã được hưởng lòng thương xót một cách trọn vẹn, vì các Ngài đã sống trọn vẹn cho lòng thương xót. Từ đó xin phép được gợi lên một ý tưởng để tiếp tục sống lòng thương xót theo gương các thánh Tử đạo tại Việt Nam bằng việc “rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh”.

I.       CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM RAO GIẢNG ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH

1.      Bằng niềm tin

Muốn rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, các Ngài đã nhận biết, tin tưởng và thờ phượng Đức Kitô. Sự nhận biết, tin tưởng và thờ phượng này đối với một số vị nhiều khi chưa được sâu sắc, và thậm chí còn rất hời hợt.

Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã viết về thánh Phaolô Hạnh như sau: “Thánh Hạnh đã từng qui tụ một nhóm đàn em choai choai trong vùng Gia Định, Sàigòn, Chợ Lớn, lang thang đây đó chuyên cướp giật khắp vùng. Hạnh sống ung dung, rượu chè trai gái với tiền cướp giật được do chân tay đàn em cung phụng. Khi bị tóm cổ nộp cho quan toà ở Bà Quẹo và bị tra hỏi: “Có phải anh đã liên lạc với người Pháp âm mưu làm loạn không?”, thì Hạnh trả lời: “Tôi không bao giờ liên lạc hay giúp bọn người mọi rợ Âu Châu.” Thế mà khi bị hỏi: “Anh có phải là người theo đạo Gia Tô không?”, thì Hạnh, dù biết mình không có giữ đạo tử tế, nhưng cũng ngang nhiên công nhận: “Phải, tôi là người theo đạo Gia Tô!” Với 32 tuổi xuân, thánh Hạnh đã lãnh triều tiên tử đạo bằng án bị chém đầu ngày 28 tháng 5 năm 1859”.

Chính niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng sẽ cho các Ngài được sống lại trong hạnh phúc viên mãn đã vượt lên trên tất cả những hiểm nguy, kể cả mạng sống minh.

2.      Bằng lòng nhiệt thành hăng say Truyền Giáo

Kế đến, lòng nhiệt thành hăng say truyền giáo chính là động lực để các Ngài sẵn sàng chịu chết.

Xin được trân trọng nêu gương của thánh Jean Charles Cornay đã mạnh dạn từ bỏ gia đình theo tiếng gọi truyền giáo. Một hôm trên đường đi, chuyến xe lửa chở Ngài dừng lại ở một nhà ga gần quê cũ. Tức thì cha mẹ, anh chị em và bà con túa ra đón chào và hỏi thăm. Vì quá thương con, cha mẹ đã khá luống tuổi của Ngài bèn nằm lăn ra trên đường đi, cố ngăn cản không cho con mình tiếp tục sứ mệnh Chúa đã giao phó. Nhưng Cornay đã can đảm quyết tâm bước qua mình cha mẹ già để sang Việt Nam giảng đạo. Khi giảng đạo ở Ðàng Trong với khí hậu và thời tiết của vùng nhiệt đới, Ngài bị đủ các chứng bệnh, như sốt rét, thương hàn, nhức đầu, đau tai, nhức răng, đau mắt v.v. Nhiều người khuyên Ngài trở về Pháp quốc để chữa trị, nhưng Ngài nói: “Chúa đã sai tôi đến đây. Tôi chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của tôi rồi, nếu có phải chết, tôi xin chết tại đây. Tôi không đi đâu nữa”. Khi bị dụ dỗ phản đạo, Cha lắc đầu chối: “Nếu quan lớn tha thì tôi về, còn việc bước qua Thánh Giá thì không bao giờ có thể xẩy ra được”. Bị ép buộc quá, cha thẳng thắn trả lời: “Thưa các quan lớn, tôi chỉ chuyên lo giảng dạy đạo thật cho người ta, luôn khuyên bảo làm lành lánh dữ, dạy con cái thảo hiếu với cha mẹ, dạy dân chúng phải tùng phục vua quan, cầu nguyện cho vua quan biết thương dân trị nước. Như vậy làm sao tôi có thể làm ngược lại những điều chúng tôi khuyên dạy người dân? Không bao giờ tôi khuyên dân làm loạn. Ai báo cáo với các quan là tôi xúi dân làm loạn, đó là điều vu khống. Tôi phủ nhận hoàn toàn”.

Lòng nhiệt thành hăng say truyền giáo giống như bước chân của Đức Giêsu không bao giờ mỏi mệt, miễn là làm sao để “Danh Cha được cả sáng”, lòng nhiệt thành đó được chứng minh bằng chính cái chết của các Ngài.

3.      Bằng đời sống thân ái với mọi người

Mặc cho chiếu chỉ cấm đạo của nhà vua hết sức gắt gao, nhưng tình tương thân tương ái giữa những người Công giáo với nhau, và với cả chính quyền cũng hết sức rõ ràng.

Ví dụ khi bị giảm trong tù, Thánh Linh mục Gioan Đạt làm cho viên cai ngục rất có cảm tình, nên ông đã nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ”.

Tình tương thân tương ái đó chính là phản ánh tình yêu của Đức Giêsu khi Ngài đến thế gian này. Ngài gần gũi, chia sẻ với mọi cảnh huống cuộc đời của nhân loại chúng ta.

4.      Bằng đời sống tình nghĩa với gia đình

Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang sống trong chế độ phong kiến: “Trai năm thê bảy thiếp” là chuyện bình thường. Nhưng nhờ đạo Chúa, những người Công giáo đã làm nên một nét đẹp cho đời sống gia đình, là một vợ một chồng. Đó cũng chính là đạo đức thủy chung của dân tộc Việt Nam trong truyện Trầu Cau. Tuy nhiên cũng có những vị sa ngã, có lúc có vợ bé, hoặc “lập phòng nhì” như Binh sĩ Huy hay quan Hồ Đình Hy… nhưng tất cả đều biết ăn năn hối lỗi, quay trở về để xây đắp lại mái ấm gia đình, góp phần giữ gìn nét đẹp cho truyền thống gia đình Việt Nam nói riêng, và luật Chúa nói chung.

Các vị cũng căn dặn con cái của mình biết sống hiếu thảo và nhất là lo giữ vững đức tin, như thánh Martinô Thọ viết thư cho các con mình đang khi ở trong tù: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Bằng niềm tin vào Thiên Chúa và nhiệt tình để rao truyền niềm tin ấy, các vị Tử đạo Tại Việt Nam đã sống thân ái với mọi người và tình nghĩa trong đời sống gia đình. Chắc chắc bằng niềm xác quyết và đời sống như vậy, các Ngài đã phải trả giá bằng việc đón nhận cái chết một cách anh hùng. Đó chính là con đường khổ nạn mà Đức Kitô đã đi, các thánh Tử đạo tại Việt Nam đã bước theo.

II.   TÍN HỮU VIỆT NAM SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Năm thánh sẽ khép lại, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tiếp tục mở ra cho toàn thể nhân loại, cho những ai dám sống chết vì Đức Kitô chịu đóng đinh.

1.      Tin vào Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh

Chúng ta đã được đón nhận hạt giống đức tin từ cha ông chúng ta là các thánh Tử đạo tại Việt Nam, thì chúng ta phải xác tín một điều: niềm tin của chúng ta là chính đáng. Niềm tin đó chính là sự tín thác cuộc đời vào Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, để chúng ta được cùng Ngài chia sẻ vinh quang Phục Sinh. Trong suốt năm qua chúng ta đã có nhiều cơ hội để chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô, dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Ước gì dung mạo đó in sâu vào cuộc đời chúng ta, để chúng ta cố gắng kết hiệp với Ngài bằng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và siêng năng lãnh nhận các Bí tích.

2.      Lòng nhiệt thành hăng say Truyền giáo.

Trong số các thánh Tử đạo tại Việt Nam, có rất đông những nhà thừa sai từ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý. Các Ngài đã sẵn sàng ra đi đến những “vùng ngoại biên” để dân tộc Việt Nam chúng ta đón nhận được Tin mừng cứu độ. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải có lòng nhiệt thành hăng say truyền giáo. Nghĩa là phải biết nghĩ đến việc làm sao cho người khác cũng được ơn cứu độ. Lòng nhiệt thành đó thúc bách chúng ta lên đường hằng ngày để đến với những mãnh đời đau khổ, những con người đau yếu bệnh tật, những hoàn cảnh bất hạnh, bị bỏ rơi… ngay trong khu xóm, họ đạo, và môi trường sống của chúng ta. Đừng ở mãi trong trong căn nhà ấm áp của mình, và đừng đóng cửa mỗi khi có ai tìm đến.

3.      Bằng việc sống tốt những giá trị của gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, là Hội thánh tại gia. Tế bào và Hội thánh này chỉ được tốt đẹp khi biết sống những giá trị của tình yêu thương đích thực. Đó là lòng chung thủy, sự hy sinh và trao hiến cho nhau. Đồng thời biết giáo dục đức tin cho con cái. Một gia đình thực sự hạnh phúc là một gia đình phải biết gìn giữ những truyền thống tốt đẹp như những buổi cơm chung, những giờ cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện…

Ước gì từ tấm gương can trường sống đức tin của các thánh Tử đạo tại Việt Nam, mỗi người chúng ta có thêm động lực để bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh trong cuộc sống hằng ngày. Khi bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh bằng việc can trường sống đức tin, hăng say truyền giáo, nỗ lực sống tốt đời sống gia đình chính là lúc chúng ta đang tiếp tục sống lòng thương xót của Thiên Chúa, và làm cho hạt giống được tin được ươm mầm trong xã hội hôm nay.

“Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin thêm đức tin cho đoàn con cháu. Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin thương chúc lành cho Giáo hội Việt Nam”

Lm. Giuse Nguyễn