Chứng nhân Phục sinh – Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật III Phục Sinh – C

0
69

Chứng nhân Phục sinh – Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật III Phục Sinh – C

Sách Tông đồ Công vụ thường được gọi là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần. Nội dung sách này kể lại đời sống Đức tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nhất là chứng từ của các tông đồ và nỗ lực truyền giáo của các ngài. Vào thời sơ khai ấy, nội dung lời giảng dạy của các tông đồ rất đơn giản, chỉ là sự quả quyết Đức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại theo như lời Thánh Kinh và Người đang hiện diện giữa các tín hữu. Bài đọc I cho thấy, vị Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng rất đỗi ngạc nhiên, vì thấy Phêrô và các tông đồ là những người dân chài ít học quê mùa, nhưng lời chứng của các ông rất rõ ràng, xác quyết. Các ông còn sẵn sàng chấp nhận đau khổ để chứng minh sự sống lại của Đức Giêsu. Hơn nữa, Phêrô còn tỏ ra rất uyên bác và khôn ngoan, khi tuyên bố trước các thành viên của Thượng Hội đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Ông còn diễn giải sự phục sinh của Đức Giêsu là do quyền năng của Thiên Chúa. Ông sẵn sàng làm chứng, cùng với Thánh Thần “Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”. Lời chứng của các ông mạnh mẽ đến nỗi, những thành viên Thượng Hội đồng là những người học thức, phải im lặng. Họ không làm gì được các ông, và chỉ còn gỡ thể diện bằng cách cho đánh đòn rồi thả các ông ra.

Không chỉ Phêrô và các tông đồ, cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Chính Đấng Phục sinh đã làm cho lời giảng của các tông đồ mang tính thuyết phục. Chính Đấng Phục sinh đã quy tụ các tín hữu, để làm nên một thân thể và một tâm hồn, liên kết với nhau trong tình hiệp thông. Vì thế mà số người tin theo Chúa Giêsu qua lời giảng của các tông đồ tăng lên nhanh chóng.

Thực ra, ban đầu các môn đệ cũng rất hoang mang trước cái chết của Chúa. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus là một ví dụ. Dường như các ông chưa hiểu được sứ mạng của mình sau sự kiện Phục sinh. Việc ông Phêrô đi đánh cá, và các môn đệ cùng đi với ông trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các ông đã muốn trở lại với nghề nghiệp cũ, tức là nghề đánh cá, là công việc các ông vẫn làm trước khi theo Chúa Giêsu. Bởi lẽ khi nghe Chúa gọi, các ông đã bỏ thuyền, bỏ chài lưới và bỏ gia đình, cha mẹ mà đi theo Người. Qua việc các ông đi đánh cá, dường như việc theo Chúa đã kết thúc. Hơn ai hết, các ông hiểu thời điểm và vị trí nào thuận tiện để mẻ lưới có kết quả. Tuy vậy, các ông vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Chỉ đến lúc Đức Giêsu hiện ra và bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền, lúc bấy giờ, các ông mới thu hoạch được mẻ lưới kỳ diệu.

Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu hiện diện giữa các môn đệ với một phong thái khác. Chính các ông cũng không nhận ra Người, mặc dù trước đó các ông ở với Người, cùng ăn uống với Người. Chỉ khi trực tiếp chứng kiến mẻ cá lạ, mắt các ông mới mở ra và nhận ra Thày mình. Sự hiện diện của Đấng Phục sinh mang tính huyền nhiệm linh thiêng, không còn như trước, bởi Người đã từ cõi chết sống lại. Nếu Chúa hiện diện vô hình và huyền nhiệm, thì hiệu năng của sự hiện diện ấy lại vô cùng mãnh liệt. Thánh sử Gioan ghi rõ số cá thu được từ mẻ lưới lạ là 153 con. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, con số 153 là số loài cá dưới đại dương mà những nhà nghiên cứu chuyên môn thời bấy giờ thống kê được. Như thế, 153 con cá có nghĩa là tất cả các loài cá dưới đại dương. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô mang tính hoàn vũ. Tất cả mọi người dưới gầm trời này, nếu đến với Đức Giêsu và đón nhận giáo huấn của Người, thì đều được cứu rỗi. Đó cũng là điều tác giả sách Khải Huyền đã thấy trong thị kiến, ở Bài đọc II của Chúa nhật này. Tác giả viết: “Tôi nghe thấy mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả cùng tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời”. Con Chiên chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu sát tế làm của lễ dâng lên Chúa Cha, giống như con chiên mà người Do Thái giết trong dịp lễ Vượt qua để tưởng niệm việc Chúa cứu Dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Như máu chiên bôi trên khung cửa nhà người Do Thái để tránh cho các con đầu lòng bị tàn sát, máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá tẩy rửa tội lỗi, giải phóng và ban ơn cứu độ cho loài người.

Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ với Đức Kitô Phục sinh, vừa củng cố Đức tin của các ông, đồng thời cũng là dịp Chúa trao trách nhiệm trông coi đàn chiên, mà người đứng đầu là Phêrô. Trách nhiệm này chỉ được trao phó khi Phêrô thành tín tuyên xưng tình yêu mến và lòng trung thành. Lời tuyên xưng ấy, Phêrô đã giữ suốt đời, cho đến lúc chết để làm chứng cho Thày mình. Tác giả cuốn tiểu thuyết nối tiếng “Quo Vadis” của nhà văn người Ba Lan, Henryk Sienkievich, đã diễn tả Phêrô như một ông cụ già nua, khả kính, luôn hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu trong lúc cuộc bách hại của hoàng đế Nêrô ở thời điểm khốc liệt nhất. Trong cuộc hành hình các tín hữu ở Hý trường Rôma, Phêrô vẫn hiện diện giữa đám khán giả, để chúc lành cho các tín hữu đang bị làm mồi cho sư tử. Sự hiện diện của vị Tông đồ trưởng đã tiếp thêm sức mạnh để các tín hữu can đảm và trung thành tuyên xưng Đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô cảm thấy buồn, vì Thày hỏi đến ba lần về lòng yêu mến. Thực ra, những cử chỉ và lời nói yêu thương cần phải được lặp đi lặp suốt cả cuộc đời, như đôi lứa đang yêu tâm sự cùng nhau, như mẹ cha nói với con cái và như con cái tỏ bày với cha mẹ. Phêrô đã trung thành với lời hứa ấy. Chúa đã quên quá khứ của ông. Người không còn nhớ đến lỗi lầm của Phêrô cũng không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng ta.

Cũng như Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên, Người cũng đang mời gọi chúng ta làm chứng cho Người giữa thế gian. Làm chứng cho Chúa Phục sinh là sứ mạng nhiều khó khăn gian khổ. Chúa đã nói với tông đồ Phêrô về một tương lai sắp tới: “Anh sẽ phải giang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Thánh sử Gioan đã nhận thấy đây là một lời tiên tri, ám chỉ Phêrô sẽ phải trải qua đau khổ và phải chết. Những chứng nhân của Chúa, thời nào cũng trải qua thập giá. Bởi lẽ, chúng ta rao giảng một Đức Giêsu chịu khổ hình và chịu đóng đinh. Muốn là người môn đệ đích thực, Kitô hữu phải đi trên con đường Thày mình đã đi. Đó là con đường thập giá. Nhưng thập giá không phải là đích điểm của hành trình Kitô hữu. Đó chỉ là một chặng đường tiến tới Phục sinh. Chúng ta đang đi trên con đường ấy, với lòng kiên nhẫn và trung thành, có Đấng Phục sinh luôn hiện diện và đỡ nâng chúng ta. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại một điều bất ngờ: khi Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng ra lệnh đánh đòn ông Phêrô và các tông đồ, có ý đe doạ và làm các ông xấu hổ, các ông lại vui mừng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Tuyên xưng Đức tin vào Chúa Giêsu không phải là một điều xấu hổ hay thẹn thùng, nhưng một vinh dự mang lại niềm vui. Tuy vậy, để có thể tuyên xưng Đức Giêsu Phục sinh, chúng ta phải kết nối với Người, tức là gặp gỡ Chúa, qua lời cầu nguyện và niềm tín thác cậy trông.

Người tín hữu mừng lễ Phục sinh không giống như một lễ hội thế tục. Các nghi lễ Phụng vụ giúp cho chúng ta gặp gỡ Đấng Phục sinh, để xác tín vào sự hiện diện của Người, đồng thời có khả năng giới thiệu Chúa cho những người xung quanh mình.

Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa giữa đời, để rồi nếu người thời nay không nhìn thấy Đấng Phục sinh, thì họ nhận ra Người đang sống và đang hiện diện qua những môn đệ của Người là chính chúng ta. Amen.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên