Chúa mang bản tính chúng ta về Trời – Suy niệm Đại lễ Chúa Lên Trời

0
43

Chúa mang bản tính chúng ta về Trời – Suy niệm Đại lễ Chúa Lên Trời

Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau : “Chúa Giê-su đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong… “. Và sau đó “Người lên Trời ” (x. Cvtđ 1, 1- 11).

Đã đến giờ Chúa Giê-su rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha“. Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giê-su từ giã Đức Ma-ri-a, Mẹ Người, các môn đệ và nhất là tâm sự với các nhiều điều trước khi về Trời. Hôm nay mừng Chúa lên Trời.

Chúa xuống thế mặc lấy bản tính loài người chúng ta

Đọc lại Tin Mừng viết về gia phả của Đức Giê-su, chúng ta thấy Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể có một lịch sử rõ ràng (x. Mt 1,1-17), (Mt 3,9; 8,11; Lc 3,8 ; 2Cr 11,22). Chứng tỏ, Thiên Chúa, Đấng siêu việt, đã “vì loài người chúng ta”, mà nhập thể làm người. Đúng như thánh Phao-lô viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. … Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,1-3).

Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa từ Trời xuống thế, nhập thể làm người đã đảm nhận thân phận con người như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Người là một thực thể của thế giới, một con người của lịch sử, có nguồn gốc, có cha có mẹ như bao người khác.

Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta bằng cách mặc lấy xác phàm như Thánh Phao-lô đã diễn tả: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7), hay như thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Có lẽ, cũng từ đó mà thánh A-tha-na-xi-ô diễn tả: “Ngôi Lời đã nhận lấy một thân xác có thể chế, để thân xác đó, một khi hoà hợp với Ngôi Lời là Đấng làm chủ mọi loài mọi vật, thì vừa có thể chết thay cho mọi người, vừa không thể hư hoại, vì có Ngôi Lời hằng cư ngụ. Cuối cùng nhờ ơn phục sinh, mọi người được giải thoát khỏi cảnh hư hoại” (Trích lại trong Các Bài Đọc Kinh Sách, bài đọc II, ngày 2 tháng 5).

Như vậy, Chúa Giê-su sau khi đã từ cung lòng Chúa Cha, từ Trời thân hành xuống thế nhập thể làm người, đi vào lịch sử loài người, sống kiếp phận con người, bước vào trong bóng sự chết, đã phục sinh và trở về Trời trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Chúa lên Trời mang bản tính chúng ta về Trời với Chúa

Chúa Giê-su lên trời dựa trên cụm từ: “Chúa Giê-su lên Trời ngự bên hữu…”. Theo lời thánh Lê-ô Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giê-su đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giê-su Ki-tô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giê-su là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7 , 25). Từ trời cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Chúa lên Trời, niềm hy vọng của chúng ta

Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha cho chúng ta, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện. Chính Người, Vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời.

Lễ Chúa Giê-su lên Trời là lễ của niềm hy vọng, vì lễ này báo trước cảnh ngọt ngào của Thiên Đàng. Chúa Giê-su là Đầu, chúng ta là chi thể, Người đi trước để chúng ta được tiếp bước theo sau vào Thiên Đàng. Vẫn theo lời Thánh Lê-ô Cả: “Trong Đức Ki-tô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Ki-tô phục sinh chúng ta sống lại với Người trong đời sống mới đầy ân sủng, chúng ta cũng đạt tới Trời nhờ sự lên Trời của Người. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô với tư cách là thành viên của Người, hoàn toàn phụ thuộc vào Người và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Người” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời).

Quả thật, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Ki-tô, nghĩa là chúng ta hy vọng phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Người. Chúng ta cũng sẽ theo Người đến cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Chúa lên Trời là sự kiện phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.

Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, xin giúp chúng con là con cái Mẹ, biết sống và thực hành lời Chúa Giê-su, Con Mẹ, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.

                                                                                        Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ