Các Con Đừng Sợ- Suy niệm Chúa Nhật 12 Thường niên- A

0
57

Các Con Đừng Sợ- Suy niệm Chúa Nhật 12 Thường niên- A

Qua Lời Chúa được chọn lựa cho Chúa Nhật 12 năm A, ngày 21-06-2020 nầy, Chúa Giêsu đã uỷ thác Sứ Mệnh loan báo Tin Mừng cho các môn đệ hiện diện và cũng cho các đời sau nữa.  Tất cả sẽ gặp khó khăn, nguy hiểm, cả bách hại nữa, nhưng đừng sợ.

Sợ là cảm xúc do bất an, bực bội bức rức khó chịu gây ra. Sợ thường xảy ra khi bị đe doạ ám hại về thể xác, cảm xúc hoặc tâm lý.  Sợ được coi như cảm xúc tiêu cực, làm cho mình tích cực mau mau đi tìm an toàn để đối phó với nguy hiểm.

Trở lại phạm vi tôn giáo, đức tin của con chưa bằng hột cải. Con còn sợ lắm Chúa ơi!

Sợ đủ thứ. Sợ ma, sợ qủi, sợ người chết đã vậy, mà nhất là hầu như cả đời sợ người sống mưu mô  thủ đoạn, mâu thuẩn trắng đen, tráo trở bất thường khó ngờ. Nhưng Chúa lại dặn rằng: các con đừng sợ.  Vậy thì bằng chứng ở đâu và phải hiểu như thế nào?

Xin thưa, trong Cựu Ước, sách Giêrêmia 10:10-13 Ngôn Sứ bị vu cáo tứ phía kinh hoàng vì sứ mệnh Chúa trao cho không phải để hưởng phú quí vinh quang mà hầu hết phải đi vào gian nguy. Khi Ông phải đi cảnh báo vua chúa quan quyền và dân chúng nữa. Bỏ Chúa, làm điều xằng bậy tội lỗi thì sẽ gặp tai hoạ, bị xâm lăng, bị lưu đày nữa. Nhưng Ông vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa và kẻ từng hại Ông sẽ bị thất bại nhục nhã ê chề.

Kế đến, thư gởi tín hữu Roma 5:12-15 nhắc rằng Chúa thương yêu con người và hầu như tha thứ trước khi con người ăn năn hối hận nên đừng thất vọng. Câu chuyện Người Cha nhân hậu đối với ngưới con hoang đàng là một bằng chứng cụ thể  trong Luke 15:11–32.

Và chính đề hôm nay là Thánh Matthieu ghi lại Chúa Giêsu trao cho các môn đệ sứ mệnh truyền giáo cũng như tiên báo về những khó khăn mà môn đệ phải chịu, nhưng Chúa  dặn dò  “các con đừng sợ” … Họ chỉ là những kẻ, cùng lắm, chỉ giết được thân xác, mà không làm gì được linh hồn sau đó (Mt. 10: 26-33).

Theo lời Chúa dạy, Thánh Gioan Tẩy giả đã chết vì dám nói sư thật (Mt. 14:1-12)

Nhìn lại lịch sử Giáo hội, ba trăm năm đầu Đạo Chúa gặp muôn vàn khó khăn trong Đế Quốc Roma tới khi Hoàng Đế Constantin ký sắc Lệnh cho Công Giáo tự do tại Milan năm 313.

Sau đó có rất nhiều nhà truyền giáo,  đã từ biệt quê hương gia đình và cả sự nghiệp, ra đi tới những vùng xa xôi Á Phi vì danh Chúa mà phần lớn đã đem cả sinh mạng ra để làm chứng cho lời mình rao giảng.

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) sau khi làm Giáo Hoàng đã trở về quê hương Ba Lan 1978 và lời mở đầu chào mừng  dân chúng bằng cách lập lại  Lời Chúa dặn dò: “Đừng sợ”. Rồi cũng với đường hướng đó Ngài đã là tinh thần của nhiều cuộc cải cách trong đạo Chúa và cho quê hương của Ngài, cũng như nhiều nơi trên thế giới.

Rồi các thánh Tử Đạo Việt Nam trong gần 300 năm, đã sống và dám chấp nhận cái chết vì nghe lời Chúa hơn lời người thế gian.

Cũng tại miền cuối nước Việt Nam,  Cha Bổn Sở Trương Bửu Diệp (1897-1946) đã can đảm ở lại với giáo dân trong hoàn cảnh rất khó khăn và đã chết thay, cho nhiều người được sống.

Chính tại quê hương Việt nam và riêng Giáo Điểm Năm Căn, Cà mau, An Xuyên cũ , Giáo Phận Cần Thơ,  năm mươi năm trước phong trào truyền giáo đã hoạt động rất mạnh dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt lâu dài.  Điều đáng nói là những người trong cuộc không sợ bom đạn từ hai phía và đã cố gắng hoàn thành công việc từ những khó khăn chung cũng như của mỗi cá nhân.

Tiếp theo sau đó, có những lúc dịch bệnh khó khăn thời thế lan tràn như thời nầy, đã có nhiều nữ tu nhiều nơi đầy can đảm,  lặn lội tới những vùng khơi vùng xa, mang Chúa cùng niềm hi vọng cho giáo dân và những người chưa nghe về Chúa,  mà nam tu sĩ khó tới được.

Một bậc Đáng Kính nữa là Đức Cố Hồng Y  Nguyễn Văn Thuận (1928-2001) đã làm chứng nhân cho Chúa trong 13 năm sống khó khăn giữa những người lao khổ thất vọng cũng như chưa có niềm hi vọng.

Gần hơn hết trong thời gian mấy năm vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò làm việc tại giáo Triều Roma 2009-2011, cũng gặp không ít khó khăn trong ngoài, vì tính cương trực ngay thẳng.

Ngày nay, tại nhiều quốc gia Âu Mỹ, Đạo Chúa cũng còn phải đương  với biết bao gian nguy dưới những nhãn hiệu của những viên thuốc độc bọc đường.

Người theo Chúa sẽ gặp bách hại, nhưng cũng tự hãnh diện và an ủi là vì Thầy mà gặp bách hại và cũng là dịp để làm chứng bằng giải thích và niềm tin cho vua chúa quan quyền  ngoại giáo  và muôn dân về thầy của mình.

Mở lại bằng chứng xa xưa hơn 2500 năm trước, trong Isaia 43:1 “Chúa đã ra lệnh: đừng sợ, vì Ta đã cứu Con. Ta đã gọi tên con. Con là của Ta” .

Đã có ít nhất 80 lần trong Thánh Kinh, Chúa dặn dò “Đừng Sợ” vì phe đối nghịch dùng sợ hãi để giảm thiểu và niềm hi vọng và giới hạn vinh thắng  của con dân Chúa.  Trong Đệ Nhị Luật 31:8 ” Người (Chúa) sẽ không bao giờ rời con hoặc bỏ rơi con. Đừng sợ, đừng mất can đảm”.

Tóm lại, thời nào và ở đâu cũng vậy,  kẻ tu người phàm đều có con cái sự sáng và con cái bóng tối, theo thư của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò  viết cho President Trump Ngày Lễ Chúa Ba Ngôi ngày 07-06-2020.  Có người yếu đuối hoặc vì quyền lợi thế gian bỏ Chúa rồi chống đối công việc của Chúa. Nhưng cũng còn không ít người can đảm dám hi sinh thân mạng vì nước Trời, đã là những nhân chứng của gương sáng và là chổ dựa tinh thần cho con khi nhát đảm thất vọng.

Những bậc điển hình tiên tiến đó, nhắc con nhớ theo Chúa là chấp nhận thánh giá và đau thương. Như Chúa báo trước trong mấy đoạn Thánh Kinh bên trên, cho con ráng đi con đường hẹp khi làm việc phải mà bị hiểu lầm, chống đối và cả khi bị loại trừ nữa.  Con đường hẹp hướng tới sự sống mà không sợ chi vì có Chúa ở cùng.

Xin cho con thêm can đảm dâng lên lời ca  theo Thánh Vịnh 24 (23): “Ai sẽ  vào đền thờ Thiên Chúa? Ai sẽ ở trên núi thánh Chúa? Ai sẽ vào đền thờ Người? Và lên nơi Thánh? Ai sống trong công chính. Ai làm điều công bằng. Ai nói lời chân thật. Ai có lưỡi chẳng điêu ngoa”  . 

“Ai lên núi Chúa cao quang. Vào cửa đền vàng, sang trọng huyền linh? Là ai giữ tấm lòng thanh. Giữ bàn tay khỏi vẩn tanh mùi phàm”.

Vô Hạ