CÁC BÀI SUY NIỆM MÙNG 2 TẾT NGUYÊN ĐÁN

0
854

Về Với Gia Đình- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Những ngày giáp Tết, dọc dài Quốc lộ I, xe cộ nối đuôi nhau tấp nập ngược xuôi Nam Bắc. Ai cũng hối hả, nôn nao mong sớm về với gia đình.

Tết là dịp mọi người về sum họp mái ấm tình thương. Con cháu sum vầy bên cha mẹ và anh chị em hòa hợp bên nhau. Anh chị em công nhân đi chuyến xe cuối năm chấp nhận bị nhồi nhét miễn là về đến nhà.

Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”. Về với mẹ cha nguồn cội gia đình hay về nhà tự thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành của con cháu với ông bà tổ tiên.

Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm.Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghĩ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Người Việt rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự.Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên.Tôn kính tổ tiên là cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ.Lúc các ngài còn sống,con cháu phải kính mến phụng dưỡng,vâng lời chiều ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm.Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt giàu tình trọng nghĩa.

Mỗi người Việt đều có một đạo rất gần gũi. Đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu.

Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu.Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung,cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.

Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống,thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh,bằng thờ cúng giỗ chạp.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng,là phẩm chất tối cao của con người.

Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt từ Nam chí Bắc, dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây có cội,nước có nguồn”, đều coi trọng gia lễ.

Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:

Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.

Nước có nguốn mới bể rộng sông sâu.

Người ta có gốc từ đâu.

Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Biết ơn là sống tâm tình tri ân tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả đời mưa nắng cho con. Cha mẹ đã sống vì hạnh phúc của con. Lòng hiếu thảo hơn mọi lễ vật mà con cái dâng cho các ngài.

Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn.Biết ơn trời đất,biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ.Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao,dục báo chi đức,hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng,vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển : “Công cha như núi thái sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng, của là ngãingười làm ra của chứ của không làm ra người”; mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ”; đề cao tinh thần khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.

Gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại đồng đường”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng.Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông.Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một ….đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương,Đỗ Trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm.Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình.

Gia đình là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất.Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội.Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con cái vào đời.

Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa.

Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo.

Sách Giảng Viên dạy: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa,tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”.

Sách Huấn ca dạy : “Hỡi các con hãy nghe cha đây.Hãy xử sự sao để được độ sinh.Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.

Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ, người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.

Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con, vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây.

Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục,vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con!

Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính, và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.

Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già. Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng, nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan, như sương muối biến ta lúc đẹp trời.Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,1-16).

Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ: “Hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra. Làm sao con báo đền được điều họ cho con?” (Hc 7,27-28).

Sách Tôbia cũng dạy rằng :“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tob 4,3-4).

Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).

Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51).  

Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, Đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu.Thờ lạy Thiên Chúa là chân nhận Ngài chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất “kính Chúa,yêu người” là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân, đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ.Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Ngài.Vì hiếu với ông bà cha mẹ nên phải sống đạo làm con, giữ nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho gia đình, gia tộc. Nếu một người con không thảo kính cha mẹ, người đó không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa. Bởi lẽ, người ấy đã không giữ luật Thiên Chúa. Giới luật Thứ Tư còn được gọi là giới răn hiếu thảo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ.”. Mỗi Kitô hữu đều biết hiểu và thực hành giới răn này.

Chính từ tổ tiên ông bà cha mẹ mà người Việt có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mãnh đất phì nhiêu để đưa con người vào Đạo Chúa. Loan báo Tin mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình Việt Nam, đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình. Tin Mừng chính là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo. Tin Mừng là ánh sáng các dân tộc (LG), là ánh sáng trần gian (Ga 8,12). Tin Mừng và văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau.

Phụng vụ Giáo hội dành ngày Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Đạo Chúa dạy, có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo; dạy yêu thương nhau “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; dạy sống chan hoà, bình dị  “anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dạy yêu quý sự sống “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”.Tin Mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.

Tinh thần hiếu hoà, lòng thảo hiếu của người Việt là điểm son đậm đà bản sắc dân tộc.Tin Mừng bén rễ sâu vào nền văn hoá ấy làm xanh lên chồi lộc sự sống tình yêu rồi kết thành hoa trái tốt lành cho con người và cuộc đời.

Dưới ánh sáng đức tin, Đạo Hiếu không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.

Hôm nay nhân dịp đầu năm mới Mậu Tuất.

Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.

Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Amen( Lời nguyện nhập lễ, Mồng Hai Tết ).

Đáp Nghĩa Đền Ơn- Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng chén chúc tụng nhau.

Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải ‘kể lại sự khôn ngoan của các ngài’ để noi theo, các ngài đã giữ các Điều Răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15 )

Chúa truyền phải thảo kính mẹ cha

Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa : ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài,  để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa.Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụ dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ : luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào : “truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cấu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ.  Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực ? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy : “Hãy thảo kính mẹ cha”; “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý dân tộc

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.

Vì cha nên mới có mình,

Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

Ơn này sách với trời cao

Trong lòng con dám lúc nào lãng quên

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như : thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông : có cha có me,  có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.

Tôn kính

Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

Phụng dưỡng

Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

          (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời

Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Khi cha mẹ qua đời

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Thực hành chữ hiếu

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Ai mà phụ nghĩa quên công

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.  (Ca dao)

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Lòng Thảo Hiếu Với Tiên Nhân- Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Sách khải huyền có viết : “Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi” (Kh 14, 13). Lời Kinh thánh giúp ta hiểu rõ của những người đi trước đã nhắm mắt lìa đời trong ân nghĩa Chúa. Niềm tin Kitô giáo dậy nhân loại, dậy mỗi người Kitô hữu rằng bổn phận của người còn sống có bổn phận và nghĩa vụ đối với những người đã khuất, đặc biệt đối với các bậc tiền nhân, tiên tổ, ông bà, cha mẹ. Đây cũng là điều răn thứ bốn trong mười thập giới của Đạo công giáo. Riêng đối với người Việt Nam vấn đề đạo hiếu có một tầm quan trọng đối với cá nhân, gia đình và họ hàng thân tộc.

Người Việt Nam mang nặng Chữ Hiếu

Đối với người Việt Nam chữ hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính sẵn có của con người. Người Việt Nam vốn lấy đạo đức làm căn ban cho cuộc sống, cho bản thân, cho gia đình và cho dòng tộc của mình. Con cái thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống, khi cha mẹ đã khuất, người con hiếu thảo là người con luôn tưởng nhớ tới cha mẹ bằng việc cầu nguyện, xin lễ cho những người thân đã mất. Người Việt thường có bàn thờ gia tiên để tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện bằng nhiều cách như khi cha mẹ còn sống, con cái kính trọng, nuôi dưỡng, vâng phục cha mẹ và khi các vị đã mất, con cái cháu chắt lại tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân trong những ngày giỗ, ngày kỵ, này tết nơi gia đình, nơi dòng tộc của mình. Người Việt Nam cũng không chỉ đóng khung trong gia tộc, gia đình mà họ còn đi xa hơn biết ơn cả đối với những người đã hy sinh để xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.

Tấm lòng tốt, sự biết ơn là một nét độc đáo trong nền văn hóa và đạo đức của người Việt Nam. Chính vì thế, người Kitô hữu Việt Nam đã cảm nghiệm sâu xa giới luật thứ bốn của đạo công giáo và hài hòa với truyền thống tôn kính, tưởng nhớ, ghi ơn những người đã có công với đất nước, quê hương, dân tộc.

Niềm tin Kitô giáo

Người Kitô hữu thể hiện chữ hiếu Kitô giáo bằng nhiều cách : khi cha mẹ còn sống, con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ đã khuất lòng hiếu thảo được thể hiện bằng việc cầu nguyện, dâng lễ, làm việc lành dành riêng cho cha mẹ đã qua đời. Việc chăm sóc mồ mả, nhớ ngày giỗ, ngày kỵ, hương nhang, nến đèn cho người chết cũng là một cách biểu tỏ lòng biết ơn đối với những kẻ đã khuất, đã chết. Xưa có quan niệm theo Chúa, theo đạo công giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà cha mẹ, quan niệm ấy đã lỗi thời vì xưa kia đã có ngộ nhận như thế. Nay, người công giáo là người nhận mọi người là anh em. Theo Chúa, theo đạo, người Kitô hữu như được dọn trước để mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Người Kitô hữu không chỉ đóng khung trong gia đình, gia tộc, họ hàng của mình mà họ còn có nhiều tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì đạo Chúa bao gồm tất cả mọi người không loại trừ bất cứ ai. Trong tình yêu của Chúa mọi người đều là anh em với nhau. Đức ái Kitô giáo không phân biệt, không loại trừ bất cứ người nào.

Ngày mồng hai tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, đây là một việc làm thật đáng trân trọng và hữu ích vì trong những ngày tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc sum vầy, êm ấm để ăn tết, tưởng nhớ, dâng lễ và cầu nguyện cho những bậc tiền nhân là một nghĩa cử cao đẹp và là một nhắc nhớ cho mọi người hãy sống hiếu thảo, hãy thực hành giới luật thứ bốn của thập giới Kitô giáo. Sống đạo hiếu là nét son văn hóa và nét nổi bật đức tin của người Kitô hữu Việt Nam.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dậy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài (Lời nguyện nhập lễ, lễ Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ).

ST