BÁNH LỜI CHÚA- Suy niệm CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN –B

0
133

bread-wine-bible-4645152Bài Phúc Âm hôm nay kết thúc Tin Mừng Gioan chương 6 với lời tuyên tín của Thánh Phêrô : chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại Lời ban sự sống đời đời.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”, lập tức nhiều môn đệ phản ứng: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60). “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa” (Ga 6,66). Thấy một số môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm mười hai: còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không ?

Thánh Phêrô trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời“. Phêrô xác tín:Thầy có Lời ban sự sống, nên đã quyết tâm chọn Thầy : bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai ?

Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh – Bánh Thánh Thể và là Lời Ban Sự Sống – Bánh Lời Chúa, lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhân loại.

Khi nói đến Lời Chúa, nhiều người nghĩ ngay đến Sách Thánh Kinh. Đối với người Công giáo, Lời Chúa có nhiều ý nghĩa và vượt trên Sách Thánh Kinh.

Cụm từ Lời Chúa có thể được dùng để nói về:

  • Lời Hằng Hữu, là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi.
  • Lời Thiên Chúa lúc tạo dựng, nhờ Người mà mọi sự hiện hữu được tạo thành.
  • Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người và ở cùng chúng ta.
  • Thánh Kinh, Lời được Thiên Chúa linh hứng và viết thành văn tự.
  • Truyền Thống của Giáo Hội, vang vọng cách trung thực Lời của Thiên Chúa cho mọi thế hệ.
  1. Lời Hằng Hữu

Lời Chúa là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa. Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

Ngôi Lời Hằng Hữu vì Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa. Ngôi Lời chính là Đức Giêsu Kitô. Đây là tâm điểm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất.

  1. Lời Tạo Dựng

Sách Sáng thế mở đầu: “Lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng cách dùng Lời mà phán : “Rồi Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng… Rồi Thiên Chúa phán: Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước” (St 1,3a.6a). Mỗi ngày, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán Lời Ngài. Vào ngày thứ sáu : “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26a). Lời được phán ra và người nam người nữ đã hiện hữu theo chính hình ảnh Thiên Chúa.

Sách Sáng thế và Tin Mừng Gioan có một mối liên hệ đặc biệt. Sách Sáng thế mở đầu với một câu chuyện tạo dựng tất cả mọi sự, bắt đầu với ánh sáng. Tin Mừng Thánh Gioan là câu chuyện tái tạo dựng về tinh thần đã được mạc khải và hoàn thành nhờ Đức Giêsu Kitô, ánh sáng thế gian.

Trong Sách Sáng Thế cũng như trong Tin Mừng Gioan, nhờ Lời Tạo Dựng mà muôn vật được tạo thành :“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,và không có Người, thì không có gì được tạo thành” (Ga 1,3a). Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa chính là Lời Tạo Dựng.

  1. Ngôi Lời làm người

Ngôi Lời Hằng Hữu, Lời Tạo Dựng, nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu, đã làm người và ở giữa chúng ta:“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta.Và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người,như vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14).

Ngôi Lời đã làm người đó là Đức Giêsu Nazareth. Người đã ở giữa nhân loại trong một giai đoạn của lịch sử, ở vùng đất Palestine, làm người Do thái, và sống dưới quyền đô hộ của Đế quốc Rôma. Người đã chết và đã phục sinh.Người luôn ở giữa nhân loại trong Thánh Kinh, trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong tha nhân và trong mỗi người chúng ta.

  1. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa

Thánh Kinh là Lời mạc khải của Thiên Chúa. Thánh Kinh là Lời được Thiên Chúa linh hứng. Thánh Kinh là Lời Chúa được các Thánh Sử ghi lại bằng văn tự qua dòng Lịch sử Cứu độ.

Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn. CĐVTC II đã dạy:”Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).

  1. Yêu mến, học hỏi và sống Lời Chúa.

Lời Chúa là chính Chúa Kitô. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Học hỏi Lời Chúa để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21).

Lời Chúa là Sự Thật, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119 ;105). Chúng ta kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan từ Lời Chúa để đời mình được chiếu soi và hướng dẫn.

Lời Chúa trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con” (Gr 15,16). Không có lời nào của loài người có thể đến với con người bằng một sự thâm sâu như Lời Thiên Chúa đến với họ.

Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Lời Chúa có sức sống và quyền năng vô cùng bởi lẽ: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống”.

Lời Chúa quý giá như một viên ngọc, như kho báu. Ai yêu mến khám phá sẽ say mê, đến nỗi có thể bán hết mọi của cải tài sản để có được viên ngọc quí, có được kho báu ấy.Có những người chỉ cần khám phá một câu Tin Mừng thôi là thay đổi cả một cuộc đời. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Assidi, câu “Phúc cho những người nghèo khó” đã khiến ngài bỏ hết gia tài của cha mẹ để dấn thân vào một cuộc sống nghèo khó nhưng vô cùng hạnh phúc. Thánh Phanxicô Xaviê được đánh động bởi câu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.Thánh nhân từ bỏ tất cả danh vọng thế tục dấn thân truyền giáo và đã đưa về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn.Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng tìm thấy linh đạo “con đường thơ ấu” từ câu “Nước Trời thuộc về những trẻ nhỏ”…

Ngày Chúa Nhật 05/10/2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ sự Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 12 với chủ đề “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo Hội”. Đức Thánh Cha đã gọi Đức Trinh Nữ Maria là người môn sinh tuyệt hảo của Lời Chúa.

Mẹ Maria là một khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta trong sứ vụ học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa. Mẹ là người đã đón nhận Lời, đã cưu mang Lời thành xác phàm trong lòng dạ mình. Nhờ đó Mẹ đã sinh Lời cho nhân loại. Quá trình đón nhận, cưu mang, và sinh hạ chính là quá trình mà mỗi Kitô phải đi qua nếu muốn Lời Chúa mang lại hiệu quả cho mình và cho tha nhân. Vì thế, chiêm ngắm Mẹ Maria, học tập với Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ là một trong những cách thế tốt nhất giúp chúng ta chu toàn sứ mạng học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực bổ dưỡng cho người tín hữu. Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng, khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ thì Chúa Giêsu “hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội“. Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ (PV 33). Chúa Giêsu vẫn trao cho chúng ta Tấm Bánh là Lời của Người.

Bổn phận của các linh mục là phải trình bày Lời Chúa như thế nào để giáo dân thấy được giá trị hấp dẫn của Lời Chúa.

Bổn phận của giáo dân là phải biết chăm chú lắng nghe để chính mình cũng khám phá ra được giá trị tuyệt vời của Lời Chúa.

Bổn phận của tất cả mọi tín hữu, linh mục cũng như giáo dân, là phải học hỏi, yêu mến và sống Lời Chúa. Nhờ học hỏi Lời Chúa mà mỗi người biết Chúa Giêsu. Nhờ suy niệm và cầu nguyện mà mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhờ sống Lời Chúa mà mỗi người yêu mến và bước theo Chúa Giêsu. Đời sống thiêng liêng cốt yếu dựa trên Chúa Giêsu và gắn bó với Người như “Cành nho gắn với thân nho” (Ga 15,5). Học hỏi, gặp gỡ, chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta được Lời Chúa biến đổi mỗi ngày. Từ đó dần dần nên giống Chúa Giêsu hơn, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, có được những tâm tình, thái độ và phản ứng của Chúa Giêsu.

Lời Chúa là tấm bánh thơm ngon cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành. Càng sống Lời Chúa,chúng ta càng gặp được ánh sáng và sức mạnh, nhất là được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu để cuộc đời mỗi người được biến đổi, có ý nghĩa, có giá trị.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An