ĐỪNG SỢ- Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng A

0
41

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam chúng ta, đó là tinh thần hiếu hòa. Tinh thần hiếu hòa, “chín bỏ làm mười” là một điều hết sức tốt đẹp, phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”. Thế nhưng, nếu thái độ hiếu hòa này đi đến một cực đoan khiến chúng ta chỉ muốn yên phận, ngại va chạm, không dám lãnh nhận trách nhiệm,… thì lại không tốt chút nào.

Nguyên nhân khiến chúng ta ngại ngần

– Trước hết, chúng ta ngại ngần vì cảm thấy mình bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Quả thật trước mặt Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tuyệt đối thì không ai trong chúng ta có thể tự hào mình là người xứng đáng. Chúng ta luôn bất xứng vì mang trong mình hậu quả của tội Nguyên tổ, cùng với biết bao yếu đuối, giới hạn của bản thân. Chúng ta lo ngại vì sợ rằng mình không giữ trọn lời cam kết.

Kế đó, chúng ta còn ngần ngại trước những đòi hỏi của Thiên Chúa, vì sợ phải cố gắng, vì ngại phải hy sinh, sợ phiền hà, vất vả. Chúng ta lo ngại vì con đường theo Chúa trước mắt lắm khi không rõ ràng.

Xét theo cái nhìn tự nhiên, những lo sợ này của chúng ta xem ra chính đáng, nhưng với cái nhìn đức tin, thì không phù hợp. Bởi vì con người chúng ta tuy có yếu đuối thật, nhưng vẫn còn đó sức mạnh của Thiên Chúa luôn sẵn sàng để nâng đỡ chúng ta. Một sức mạnh mà chỉ với một Lời đã tạo thành cả vũ trụ này, trong đó có chúng ta. Và nhất là vẫn còn đó một tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mạnh hơn tội lỗi và sự chết, một tình yêu mạnh đến mức khiến Con Thiên Chúa từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để đến trong trần gian, nhận lấy thân phận con người như hết thảy anh chị em chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Tình yêu của Thiên Chúa

– Cho dù con người bất xứng, Thiên Chúa vẫn đi bước trước để đến với con người chúng ta. Bài đọc một cho chúng ta thấy rõ điều này. Lúc đó, sau khi đã chiếm xong miền Bắc – Israel, vua Sennachérib của đế quốc Assirye đang đem quân vây hãm miền Nam – Giuđa. Trước sức mạnh quân sự của đế quốc Assirye, vua quan và cả dân chúng miền Giuđa lúc bấy giờ đang hết sức hoang mang, hỗn loạn. Họ đang tìm mọi cách để tránh bị tiêu diệt. Thậm chí, họ còn định lập một liên minh với Ai Cập để đối phó với sự bành trướng của đế quốc Assirye. Họ đã làm đủ mọi cách, tìm trăm phương ngàn kế, để chống lại đế quốc Assirye, nhưng lại quên mất một sức mạnh tuyệt đối trước đó đã từng giải thoát dân tộc họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập, đó chính là sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Chính lúc ấy, ngôn sứ Isaia đã được Thiên Chúa sai đến để mời gọi nhà vua và dân chúng quay trở lại, tin tưởng và cầu xin Thiên Chúa. Chính Người sẽ giải thoát dân Người khỏi sức mạnh quân sự của đế quốc Assirye.

Thế nhưng, nhận ra sự bất xứng cũng như ý thức rõ tội lỗi của mình, vua Akhaz đã thưa lại với vị ngôn sứ: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Vua Akhaz đã ngại ngần không dám cầu xin cùng Thiên Chúa, vì chính bản thân ông cũng như dân chúng đã nhiều lần phản bội lại Thiên Chúa, lỗi phạm giao ước của Người, ông không còn dám lên tiếng cầu xin cùng Thiên Chúa nữa, vì sợ rằng lời cầu của ông không được Thiên Chúa chấp nhận.

Đáp lại sự lo ngại của nhà vua, ngôn sứ Isaia đã báo cho nhà vua biết: cho dù nhà vua không dám xin, thì với tình yêu vô biên của mình, Thiên Chúa vẫn sẵn sàng ra tay bảo vệ, che chở cho dân riêng Ngài đã chọn. Và vị hoàng tử sắp ra đời với tên gọi “Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, chính là dấu chỉ cụ thể cho lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện.

Vị hoàng tử đó là hình ảnh báo trước sự ra đời của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy thân phận giới hạn của loài người chúng ta để có thể thông cảm và chia sẻ trọn vẹn mọi nỗi lo âu của chúng ta, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Con Thiên Chúa đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít”. Với sự nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, lời hứa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” mà vị ngôn sứ đã báo trước, giờ đây đã trở nên hiện thực.

Vâng, thưa quý OBACE cho dù chúng ta tội lỗi, bất xứng, bướng bỉnh, nhiều lần phản bội, chối bỏ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Ngài vẫn luôn luôn đi tìm và đến với từng người chúng ta. Trái tim của Ngài đã một lần mở ra trên thập giá, thì vĩnh viễn không bao giờ đóng lại. Ngài luôn yêu thương và chờ đợi cơ hội để ban ơn cứu độ cho từng người chúng ta. Thiên Chúa vẫn luôn ở cùng và đồng hành với từng anh chị em chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Chúng ta hôm nay

Do đó, giáo huấn mà lời Chúa hôm nay gởi đến cho từng anh chị em chúng ta, đó là đừng ngại ngần, sợ hãi, đừng mặc cảm, tự ti, nhưng hãy tin tưởng và cậy trông, can đảm đến với Thiên Chúa để nhận được ơn tha thứ. Để đến với Chúa, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc can đảm dứt bỏ mọi quyến rũ của tội lỗi, chừa bỏ đi các thói quen xấu, tránh xa các dịp tội, hy sinh những sở hữu, những nhu cầu không cần thiết. Kế đó, theo gương của thánh Giuse trong bài Tin mừng, chúng ta hãy mau mắn thực hiện những gì lời Chúa dạy bảo chúng ta, cho dù trước mắt chúng ta không thể hiểu hết chương trình của Thiên Chúa.

Trong bài Tin mừng, thánh sử Matthêu cho chúng ta biết rằng: sau khi nghe lời giải thích của sứ thần, tỉnh dậy, thánh Giuse đã lập tức đón Mẹ Maria về nhà mình theo như lời của sứ thần. Chính khi thánh nhân khiêm tốn làm theo thánh ý Thiên Chúa cách hoàn toàn như thế, thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Thánh nhân đã được chọn để trở thành cha nuôi của Con Thiên Chúa làm người, qua việc đặt tên cho Chúa Giêsu.

Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy thành tâm mở rộng lòng mình để chuẩn bị đón Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể vào lòng mình. Đồng thời, chúng ta hãy nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, vượt thắng sự yếu đuối của bản thân, để ý Chúa luôn được thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Amen.