SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 3 PHỤC SINH

0
26

Thứ Hai

Thứ Ba

Thứ Tư

Thứ Năm

Thứ Sáu

Thứ Bảy

Thứ Hai

Bài Ðọc I: Cv 6, 8-15

Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là “của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số người nói lên rằng: “Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên Chúa”. Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ tuôn đến bắt Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian nói rằng: “Tên này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề luật, vì chúng tôi nghe nó nói rằng: “Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay đổi các tập tục Môsê truyền lại cho chúng ta”. Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần.

Phúc Âm: Ga 6, 22-29

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”

Suy Niệm

Trong các tuần lễ của mùa Phục Sinh, bài đọc thứ I luôn được lấy từ sách Công Vụ Tông Đồ của Thánh Tông đồ Luca, có thể đặt tên cho sách  này là quyển Tin Mừng Phục Sinh, tường thuật những biến cố xảy ra liên quan đến Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại.

Câu chuyện hôm nay là một câu chuyện rất hay và rất cảm động về  nhân vật Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo; cái chết của thánh nhân có nét rất giống cái chết của Chúa Giêsu, vì sự gian dối, ganh ghét của những người tố cáo, họ đã xúi giục người khác để kết án thánh nhân với lý do phạm thượng: “Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên Chúa”.

Thánh Stêphanô không chỉ được Giáo Hội nhắc đến trong mùa Phục Sinh mà còn được nhắc đến trong mùa Giáng Sinh và chỉ sau lễ Giáng Sinh 1 ngày, điều đó khiến cho nhiều người thấy khó hiểu và thắc mắc, tại sao giữa bầu khí vui mừng của lễ Giáng Sinh, lại nhắc đến cái chết của vị tử đạo? Giáo Hội muốn nhắc nhớ mỗi người Kitô hữu một cách sâu xa về số phận ơn gọi của mình, nhắc họ phải bước theo Chúa qua từng giai đoạn của cuộc sống và kiên trung mãi đến cùng dù đứng trước những thử thách, những bách hại; thánh nhân cũng chính là hình mẫu chung cho các thánh tử đạo noi theo, chịu sỉ nhục, chịu phỉ báng, chịu kết án và chịu chết để minh chứng niềm tin vào Chúa.

Thật lòng mà nói, con người ngày nay chỉ có thể dùng sự gian dối để bách hại người Kitô hữu mà thôi, họ ganh ghét với những lời giáo huấn và lối sống cao thượng của người Kitô hữu, bởi những điều này đi ngược lại với lối sống của họ, lối sống của sự dữ, của tội lỗi và của đam mê xác thịt.

Hôm nay Giáo Hội cũng là ngày Giáo Hội mừng kính thánh giám mục Stanislaus (1030 – 1079), cũng vì sự ganh ghét trước sự cứng rắn bảo vệ lập trường của Giáo Hội mà ngài bị giết chết.

Cầu xin Chúa cho mỗi người Kitô hữu chúng ta ý thức hơn về ơn gọi của mình trước những thử thách trăm chiều của xã hội ngày hôm nay, để không chỉ chấp nhận, mà là đón nhận với niềm vui vì được kết hiệp với các thánh tử đạo và thập giá Chúa Kitô. Amen!

Thứ Ba

Bài Ðọc I: Cv 7, 51-59

Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: “Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Ðấng Công chính sẽ đến, Ðấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ”.

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô).

Phúc Âm: Ga 6, 30-35

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Suy Niệm

Stêphanô đã chịu tử đạo, ông đã sống đúng mối phúc thứ 8 mà Chúa Giêsu đã dạy: “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”; và còn hơn thế nữa, ông cũng đã noi gương Chúa Giêsu tha thứ cho những người kết án, ném đá mình: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Một con người quá tuyệt vời, với một cái chết quá cao đẹp!

Ở đây chúng ta thấy thánh sử có nhắc đến nhân vật Saolô, là một thanh niên đi theo nhóm nhân chứng gian tố cáo thánh Stêphanô, anh thanh niên này cũng là thánh Phaolô sau này, vị tông đồ có thể nói là nhiệt thành nhất của Giáo Hội, để lại cho Giáo Hội nhiều giáo huấn rất hay và ý nghĩa từ những bức thư gửi các giáo đoàn. Qua đây chúng ta thấy rõ việc Chúa làm thật sự quá vĩ đại và lạ lùng xiết bao. Ngài hoán cải một con người trước thì hăng say bắt đạo, sau thành một người hăng say truyền đạo.

“Không gì là không thể đối với Thiên Chúa”, câu nói sứ thần dùng để trấn an Đức Mẹ, cũng là câu nói mà thôi rất thích để áp dụng trong những biến cố khó khăn thử thách nhất trong cuộc đời. Cuộc sống có những lúc đưa chúng ta vào cảnh bế tắt, dường như không thể nào lay chuyển; thế nhưng chúng ta đừng mất niềm tin, đừng mất niềm hy vọng, vì chúng ta còn có Chúa; tôi bó tay, anh chị em bó tay, nhưng Chúa không bao giờ bó tay; hãy cầu nguyện thật nhiều và cầu nguyện cách chân tình.

Hơn nữa, người Kitô hữu cần phải xác tín thêm rằng: “Trên những nét cong của cuộc đời, Chúa có thể vẽ nên những con đường thẳng”, thánh Phaolô là một minh chứng rõ ràng nhất cho chúng ta.

Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta tin tưởng vào Chúa nhiều hơn, để tiếp tục cậy trông và hy vọng vào những điều kỳ diệu Chúa làm; và lẽ dĩ nhiên phải có thêm sự cộng tác từ những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta. Amen

Thứ Tư

Bài Ðọc I: Cv 8, 1-8

Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.

Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.

Phúc Âm: Ga 6, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

Suy Niệm

Lời Chúa cho thấy 2 bức tranh tương phản, một bức cho thấy cảnh chết chóc, khó khăn thử thách, bách hại dưới bàn tay của Saolô; bức tranh kia là những thành công từ hoạt động rao giảng lời Thiên Chúa của vị tông đồ Philiphê. Điều lạ lùng là dù gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng số lượng tín hữu lại càng gia tăng; và Lời Chúa kết thúc bằng một câu hết sức lạc quan phấn khởi: “Cả thành được vui mừng khôn tả”, kiểu nói “cả thành” muốn nói cho chúng ta thấy sự thành công mỹ mãn trong việc rao giảng Tin Mừng.

Cuộc sống người Kitô hữu ngày nay không còn cảnh bắt bớ bằng gươm giáo gậy gọc, nhưng thay vào đó là những nghi kỵ, những hiểu lầm bắt nguồn từ một thế giới, một xã hội đầy tính thực dụng. Tuần Thánh vừa rồi tôi có dịp thăm viếng và động viên một gia đình có gốc là Công Giáo, khi đề cập đến việc rửa tội cho con cái, chị trả lời thế này: “Rửa tội xong sau này sợ tụi nó khó xin việc làm”. Nghe chị nói mà tôi căm giận một xã hội thối nát, bày trừ tôn giáo, bày trừ Thiên Chúa, đưa con người xa lìa đời sống tâm linh, chỉ chú trọng vào của cải vật chất, vào cái ăn cái mặt, vào danh vọng địa vị. Thực tế cho thấy, một thế giới không có tôn giáo, loại trừ Thiên Chúa, sẽ dẫn đến một thế giới đầy loạn lạc, con người sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân, đòi hỏi sự tự do thái quá, muốn làm gì thì làm.

Tôi chợt nghĩ và hình dung cuộc đời mình sẽ như thế nào nếu khước từ sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời; chắc hẳn cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa  gì, bởi vì khước từ Chúa cũng là  khước từ mọi giá trị của cuộc sống, chết là hết; và lẽ dĩ nhiên, tội lỗi chính là hậu quả tất yếu.

Sống trong một thế giới, một xã hội có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa, khinh chê đời sống thiêng liêng, tinh thần, người Kitô hữu đang lội ngược dòng. Sẽ rất vất vã, sẽ rất mệt nhọc; nhưng với ơn Chúa, với sự cộng tác của mỗi người, chắc chắn thế giới và xã hội này sẽ được biến đổi tích cực hơn. Cầu xin Chúa cho mỗi người Kitô hữu ý thức hơn điều này, để giữa bao thử thách trăm chiều của cuộc sống, họ vẫn kiên tâm giữ vững đức tin mà làm chứng cho Chúa giữa đời. Amen!

Thứ Năm

Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40

Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ”. Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: “Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia”. Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: “Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?” Nhà quan trả lời: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi”. Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: “Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian”. Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: “Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?” Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?” Philipphê nói: “Nếu ông tin hết lòng thì được”. Nhà quan đáp lại: “Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”. Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.

Phúc Âm: Ga 6, 44-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo”. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Suy Niệm

Cả hai bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều có một chủ đề chính, đó là sự lôi kéo, lôi kéo từ chính Thiên Chúa. Bài đọc 1, Thiên Chúa lôi kéo viên thái giám người Ethiopi; bài đọc Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy,” (Ga 6, 44)

Tôi nhớ đến câu chuyện của ông André Frossard, một ký giả người Pháp, là con của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông đã từng là một người cộng sản đầy xác tín…

Ngày nọ, ông phải đưa một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang chờ ông. Trong một phút chốc, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức tốc đến người bạn và hô lớn: “Thiên Chúa hiện hữu. Ðó là một chân lý”.

Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: “Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Người”. Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách của những tác phẩm bán chạy nhất…

Thiên Chúa vẫn luôn lôi kéo con người đến với Ngài, Ngài lôi kéo bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, khi nói đến những trải nghiệm về sự lôi kéo của Thiên Chúa dường như khó khăn hơn khi nói đến những trải nghiệm về sự lôi kéo của ma quỷ, của cám dỗ tội lỗi. Thật vậy, đời sống con người mỗi ngày là chuỗi dài những lựa chọn và chiến đấu liên lĩ giữa thiện và ác, giữa lành và dữ, giữa tốt và xấu, giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Nếu không có sự tỉnh thức, e rằng chúng ta dễ dàng lựa chọn những điều xấu!

Chúa Giêsu Phục Sinh đảm bảo cho chúng ta rằng, Ngài đã chiến thắng ma quỷ và sự chết; Ngài luôn hiện diện và đồng hành cùng mỗi người chúng ta; Ngài đang mở rộng lòng để mời gọi mỗi người chúng ta chạy đến với Ngài, cậy dựa vào Ngài; Ngài mời gọi chúng ta để cho Ngài lôi kéo bằng cách ngoan ngoãn phó thác mọi sự trong tình yêu của Ngài. Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải nổ lực hết mình cộng tác với Ngài; và một trong những phương thế hữu hiệu nhất được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng, đó chính là Thánh Thể, Ngài mời gọi chúng ta siêng năng chạy đến với Thánh Thể Ngài, rước lấy Thánh Thể Ngài.

Đôi lúc sự sống linh hồn của chúng ta chết lúc nào không hay. Thử kiểm tra lại đời sống mình chúng ta sẽ nhận ra điều đó; nhìn lại những lần ta đối diện với cám dỗ, những lần ta đối diện với sự lôi kéo của đam mê xấu; chúng ta đã chống cự thế nào? Nếu chúng ta dễ dàng thỏa hiệp, dể dàng buông xuôi đầu hàng, thì đó là dấu hiệu cho biết sự sống linh hồn ta đang chết dần; và chúng ta cần phải bồi dưỡng và làm sống lại. Mạc khải Kitô giáo cho chúng ta biết lương thực đích thực của đời sống Kitô hữu là Lời Chúa và Thánh Thể và với kinh nghiệm của bản thân, tôi càng ngày càng xác tín rằng, Thánh Thể có một sức mạnh đặc biệt giúp cho chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ, chiến thắng mọi sự lôi kéo của ma quỷ; và Thánh Thể cũng giúp cho chúng ta mạnh mẽ hơn mỗi ngày.

Cầu xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết ý thức chăm lo đời sống thiêng liêng mỗi ngày bằng việc siêng năng đến với Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể với niềm xác tín rằng Thánh Thể là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; từ đó chúng ta luôn nhạy bén nhận ra đâu là sự lôi kéo của Thiên Chúa để ngoan ngoãn nương theo, đâu là sự lôi kéo của ma quỷ để dứt khoát từ chối. Có được như thế thì đời sống của chúng ta sẽ thực sự tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và bình an. Amen!

Thứ Sáu

Bài Ðọc I: Cv 9, 1-20

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Ðang khi đi đường lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”. Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần”. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Phúc Âm: Ga 6, 53-60

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.

Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.

Suy Niệm

Lời Chúa hôm nay tường thuật lại ơn gọi của Phaolô, có thể nói đây là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của thánh nhân; qua đây chúng ta cũng thấy rõ, ơn gọi luôn đến từ sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa, chính Chúa chọn gọi chúng ta trước. Ngài là vị Thiên Chúa luôn đi bước trước trong mọi hành động.

Từ ơn gọi của Phaolô, chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình, ơn gọi làm Kitô hữu; đây cũng là một ân ban, nhờ ân ban này mà chúng ta được làm con cái Chúa trong đại gia đình Giáo Hội. Nhưng thử hỏi, ai trong chúng ta dám tự nhận là mình xứng đáng để được Chúa chọn? Chắc hẳn không ai dám. Các môn đệ được Chúa chọn không phải vì các ngài xứng đáng được như thế; thậm chí là ngược lại; Nhưng điều mà chúng ta cần biết ở đây là, tiêu chuẩn lựa chọn của Thiên Chúa khác với con người. Tôi nhớ đến bài thơ Huyền Nhiệm Ơn Gọi của Đức Hồng Y Gb. Phạm Minh Mẫn nói về việc Chúa Chọn:

Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình. Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Môisen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình. Người chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà. Thế là Ðavít đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội. Người chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại. Người chọn một cô gái điếm. Ðó là Maria Mađalena.

Thiên Chúa cần chọn một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người. Người chọn một kẻ chuyên bắt đạo. Ðó là Phaolô gốc thành Tácxô.

Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến với những người khác. Người đã chọn bạn. Dù bạn run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên?

Ý thức mình là những người được Thiên Chúa chọn gọi, mỗi người chúng ta cũng cần phải có thái độ đáp trả cho xứng hợp. Mỗi người có ơn gọi riêng, không ai giống ai; điều quan trọng hơn hết là sự đáp trả của mỗi người, sự đáp trả tích cực nhất, đẹp lòng Chúa nhất chính là trung thành chu toàn bổn phận trong bậc sống của mình; là một người cha thì phải là một người cha, người chống tốt, là một người mẹ thì phải là một người mẹ, người vợ tốt, là một người con thì phải là một người con tốt,….riêng bản thân tôi là một linh mục, tôi cũng phải sống tốt trong vai trò của một linh mục.

Và hơn nữa, không có chuyện hơn thua giữa các bậc sống. Người lập gia đình thì nhất trong bậc gia đình, người đi tu thì nhất trong bậc tu. Thánh thiện ở chỗ là làm theo thánh ý Chúa chứ không do ở bậc sống nào. Và hoa trái cho mọi bậc sống đó không gì khác ngoài tình yêu thương; nếu như Chúa đã chọn tôi chỉ vì yêu tôi, thì tôi cũng phải chọn Chúa, đáp trả ơn gọi của Chúa chỉ vì yêu Chúa.

Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết nỗ lực và cố gắng hơn mỗi ngày trong việc chu toàn bổn phận với bậc sống của mình. Amen!

Thứ Bảy

Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.

Phúc Âm: Ga 6, 61-70

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

Suy Niệm

Suy niệm Lời Chúa hôm nay đem lại cho tôi một sự bình an lạ lùng. “Hội Thánh được bình an”, hoạt động rao giảng của các tông đồ gặp nhiều thuận lợi, rất nhiều người tin theo; bên cạnh đó, phép lạ làm cho người chết sống lại của thánh Phêrô càng làm cho lòng tin của mọi người được củng cố và gia tăng thêm  nhiều. Có lẽ đây là những điều mà ai trong chúng ta cũng mong ước!

Tôi muốn nói về sự bình an trong cuộc sống, đây có thể nói là ơn mà mỗi người cần nhất trong thế giới này; sự bình an trong tâm hồn. Khác với sự bình an theo kiểu thế gian, đó là sự yên thân, một cuộc sống không có khó khăn thử thách, một cuộc sống yên ổn không có chiến tranh; và có khi đó là một cuộc sống tội lỗi nữa; ví dụ như sau khi thực hiện một vụ trộm trót lọt, người ta cũng gọi đó là bình an,… Dĩ nhiên, ai cũng biết đó là sự bình an giả tạo, và sớm muộn gì cũng sẽ mất đi.

Sự bình an mà chúng ta cần, đó chính là sự bình an Chúa ban, sự bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn; sự bình an của những người được tha thứ tất cả; sự bình an của một con người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn mình; sự bình an bất chấp những khó khăn thử thách.

                        Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

            Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.

            Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.

            Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự. Thế là nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này!

                        Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Và đó mới chính là sự bình an đúng nghĩa.

Lẽ dĩ nhiên, khi đứng trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống, ít ai có khả năng đón nhận một cách thoải mái như không có gì. Chắc chắn tâm hồn chúng ta bị chao đão, bị xáo trộn; nhưng điều quan trọng và cần thiết mà chúng ta cần phải cầu nguyện cho nhau, đó chính là làm sao trải qua những khó khăn thử thách ấy, những chao đão, những xáo trộn ấy, chúng ta mau chóng tìm lại sự quân bình và và bình an; và phương thế hữu hiệu nhất đó chính là niềm tin tưởng phó thác vào Chúa, Ngài có thể biến tất cả mọi sự nên tốt cho chúng ta, kể cả những điều xấu, như lời Thánh Phaolô khẳng định “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28)

                        Lạy Chúa! Sống giữa một thế giới đầy náo động, con người chúng con dễ bị chao đão, xin cho chúng con luôn biết gắn kết đời sống mình với Ngài qua những lời kinh, những Thánh Lễ, những việc đạo đức, những việc làm bác ái; để nhờ sự gắn kết đó mà chúng con tìm thấy sự bình an của Ngài. Amen!

Lm. Pr. Nguyễn Hữu Chiến