TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA LÀ CHA- Suy niệm Lễ Lá

0
79

Tại một phiên tòa xét xử phạm nhân về tội hành hung gây thương tích cho cha mẹ, bị cáo là một trong những đứa con trai của bên nguyên cáo. Cáo trạng cho thấy gia đình của bị cáo có ba người con. Người mẹ đã già, bà phân chia tài sản đồng đều cho con cái trước khi chết. Tuy nhiên vì lòng tham, bị cáo đã không đồng ý với sự phân chia của mẹ. Anh gằn hắt, đánh đập người mẹ với lý do anh đang là người nuôi bà. Không được chia tài sản như ý muốn, anh đuổi mẹ ra khỏi nhà. Trong đau đớn và nhục nhã, bà đã phải làm đơn kiện người con bất hiếu. Khi tòa xét xử, bà chỉ ngồi theo dõi và khóc. Lúc tòa tuyên án bị cáo năm năm tù giam, bà đã bật khóc. Bà đứng lên xin tòa xem xét và tha thứ cho con bà. Mọi người ngạc nhiên khi thấy bà một mực xin tòa tha cho đứa con phản nghịch. Có người hỏi : Tại sao bà kiện nó, bây giờ lại xin tha cho đứa con bất hiếu, kẻ tranh giành của cải của bà, đánh đập bà và còn đuổi bà ra đường ? Bà già vừa khóc vừa trả lời : Dù nó có hư thế nào, thì nó cũng vẫn là con tôi.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh, những câu chuyện thật cảm động về tình yêu thương của cha mẹ dành cho con. Những câu chuyện như câu chuyện vừa kể thật khó hiểu và khó giải thích về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Hôm nay, ngày Lễ Lá, Tin Mừng Luca cũng kể cho chúng ta câu chuyện thật cảm động của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Câu chuyện khó hiểu và khó có thể giải thích hết bằng lời, tại sao Chúa Giêsu lại chấp nhận đau khổ, nhục nhã như vậy ? Có lẽ cũng chỉ có một cách trả lời giống như câu trả lời của người mẹ đau khổ trong câu chuyện trên : Vì Chúa yêu ta và dù chúng ta có đối xử với Ngài như thế nào, thì Ngài vẫn coi chúng ta là con của Ngài.

Các bài đọc hôm nay cho thấy nhiều khía cạnh tương phản : sự thay lòng đổi dạ nhanh chóng của những người Do Thái, sự hững hờ dửng dưng của các môn đệ ; trong khi đó, Chúa Giêsu một mình lẻ loi đứng trước sự điên cuồng gào thét của đám đông, sự khinh khi miệt thị của những kẻ cầm quyền.

Bài đọc trong nghi thức làm phép lá cho thấy dân chúng đang kỳ vọng vào Chúa Giêsu. Họ cho rằng đã đến thời điểm khởi nghĩa, Chúa Giêsu sẽ đứng lên quy tụ dân chúng đánh đuổi đế quốc Rôma. Vì thế, họ lũ lượt theo Chúa vào thành Giêrusalem, miệng ca tụng : Hoan hô con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Tuy nhiên, khi không được như ý, họ đã quay lưng lại với Chúa Giêsu. Họ đã dùng đám đông gây áp lực để đòi giết Chúa Giêsu. Trong số những con người gào thét điền cuồng : Đóng đinh nó vào thập giá, có cả những người vừa mới theo Ngài vào thành Giêrusalem vừa hô vang : Hoan hô con vua Đavít. Trong số những kẻ đòi tha Baraba và giết Giêsu, có những người vừa mới trải áo lót đường cho Chúa đi.

Đau đớn, nhục nhã hơn nữa đó là khi đứng trước Philatô, một Tổng trấn La Mã, họ vu oan, đặt điều bôi nhọ Chúa Giêsu : Tên này xúi dân làm loạn, tên này xúi dân không nộp thuế. Họ công khai tuyên bố từ chối Chúa Giêsu là vua của họ để nhận hoàng đế Rôma làm vua của mình : Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Cesare. Họ chối từ Thiên Chúa là vua, là chủ cuộc đời họ và nhận một ông vua thế gian làm chúa và làm chủ của mình.

Chúa Giêsu như người cha đau khổ khi thấy đàn con ngỗ nghịch. Ngài chỉ nhìn mà thấy thương cho họ, vì họ ngây ngô, khờ dại, vì họ thay trắng đổi đen, vì họ không nhận ra chân lý. Thánh Luca đã cho thấy, Chúa Giêsu như người cha thấy trước giờ chết đang đến, nên Ngài đã chuẩn bị mọi sự cho con, dặn dò, chỉ bảo và làm tất cả những gì có thể cho con của mình. Ngài bày tỏ lòng ước ao được ăn bữa tiệc vượt qua sau cùng với các môn đệ. Trong bữa ăn này, bầu khí yêu thương tràn ngập, Chúa cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho các ông : Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Ngài cũng trao cho các ông chén rượu và nói : Đây là chén Giao ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì các con.

Trong bầu khí trang nghiêm và trầm buồn như thế, dường như các tông đồ cũng không hiểu được tâm trạng của Chúa Giêsu lúc này. Các ông cũng không quan tâm Chúa Giêsu đang làm gì, đang dặn các ông điều gì. Các ông vẫn mơ về một địa vị vinh quang và bổng lộc trần gian. Vì thế, các ông tranh luận hay nói đúng hơn, các ông cãi nhau xem ai được coi là người lớn nhất. Chúa Giêsu như bị lạc lõng ngay trong các người thân tín của mình. Trong những giờ phút cuối cùng, Ngài đang cần những người bạn tâm giao có thể hiểu và thông cảm với Ngài, thì họ lại lo bàn những chuyện khác. Chúa Giêsu đã phải chỉnh sửa và dạy cho các ông biết về bài học yêu thương và phục vụ : Ai muốn làm đầu, phải trở thành kẻ phục vụ anh em.

Như một người cha, Chúa Giêsu quan tâm đến từng người trong các tông đồ. Ngài hỏi han, căn dặn từng người, nhưng khi giờ khổ nạn đến, các tông đồ đã bỏ trốn hết, chỉ còn lại Simon Phêrô theo xa xa. Tuy nhiên khi bị đe dọa, Simon đã sẵn sàng chối Thầy trước mặt một đứa đầy tớ gái. Chỉ còn một mình Chúa Giêsu bị điệu từ dinh Caipha đến trước mặt quan Philatô. Tại dinh Caipha, người ta đã lên án Chúa đáng phải chết, chỉ vì Chúa Giêsu đã nói đến ngày mọi người sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa. Tại dinh Philatô, ông này tìm cách tha Chúa Giêsu vì thấy Ngài vô tội, nhưng ông không cản đảm sống và bênh vực cho sự thật, không dám làm theo tiếng lương tâm nhắc bảo. Cuối cùng, ông đã để cho sự ác thắng thế, sự giả trá bất công lên ngôi và tìm cách triệt hạ Chúa Giêsu là Tình yêu là Sự thật.

Cử hành ngày Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh hôm nay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm, cảm nhận lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ không thể mãi dửng dưng, vô cảm với tình thương của Chúa, cũng đừng đứng bên ngoài để xem như một người khách bàng quan, nhưng hãy cùng theo Chúa Giêsu trên hành trình thập giá, sống với Ngài, chia sẻ tâm tình với Ngài và nhất là đón nhận từng lời nói, từng hành động Ngài làm vì yêu thương ta.

Chúng ta hãy suy gẫm cuộc thương khó Chúa Giêsu trong tuần thánh này để thấy mỗi người có trách nhiệm, có liên đới trong việc gây ra cái chết cho Chúa Giêsu. Vì, tội lỗi của mỗi chúng ta đã làm cho nỗi nhục nhã của Chúa gia tăng, thập giá của Ngài thêm nặng và vết thương của Ngài thêm sâu hơn, đau hơn.

Chúa Giêsu chịu tất cả chỉ vì yêu ta, thương ta, Ngài muốn cho chúng ta được sống hạnh phúc. Dù cho chúng ta tội lỗi, ngỗ nghịch, Chúa vẫn yêu thương tha thứ, chỉ vì Ngài là Chúa chúng ta và vì chúng ta là con của Ngài. Xin cho chúng ta đừng bao giờ chất thêm đau khổ cho Chúa nữa. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc