SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

0
25

 

Thứ hai

Thứ ba:

Thứ tư

Thứ năm

Thứ sáu

Thứ bảy

Thứ hai

Bài đọc 1

2 Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a

Trong những ngày ấy, có kẻ đến báo tin cho Ðavít rằng: “Toàn dân Israel hết lòng theo Absalon. Ðavít liền nói cùng các cận thần của ông ở Giêrusalem rằng: “Hãy chỗi dậy, chúng ta trốn đi, vì chúng ta không sao thoát khỏi tay Absalon. Các ngươi hãy ra mau đi, kẻo nó đến bắt chúng ta, gây tai hại cho chúng ta và dùng gươm giết hết dân thành”. Ðavít trèo lên núi Cây Dầu, ông vừa leo vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Toàn dân theo ông cũng trùm đầu, vừa leo vừa khóc. Vậy vua Ðavít đến Bahumrim. Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và những cận vệ của vua. Toàn thể dân chúng và tất cả binh sĩ đều đi hai bên tả hữu nhà vua. Vậy Sêmê nguyền rủa nhà vua rằng: “Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu”. Bấy giờ Abisai con trai của Sarvia, tâu vua rằng: “Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi lấy đầu nó”. Vua phán rằng: “Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: ‘Hãy nguyền rủa Ðavít’, ai dám hỏi nó: ‘Tại sao ngươi hành động như vậy?'” Và Ðavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: “Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta”. Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi.

 

Tin mừng

Mc 5, 1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi”. Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này”. Và Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm”. Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: “Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo”. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con”. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

Suy niệm 1

Trình thuật sách Samuel trong bài đọc 1 hôm nay hướng chúng ta đến 2 bài học rất quý:

  1. “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”.

Với cái nhìn tự nhiên, người đời cho rằng: Làm điều ác ắt sẽ gặp ác; làm tội ắt sẽ bị trừng phạt.

Có thể nói cuộc đời của vua Đavít đã phạm vào 2 tội ác nặng nề: Chiếm đoạt vợ của Uria là bà Batsêva và giả tâm giết chết Uria. (x. 2Sm 11-12).

Hậu quả mà ông phải gánh chịu là :

– Nhà tan: Tama con gái của Đavít bị người anh cùng cha khác mẹ là Ammon chiếm đoạt thân xác. Sau đó Absalon, người anh của Tama đã ra tay giết chết Ammon. Điều này khiến Đavit rất đau lòng vì cốt nhục tương tàn và lễ giáo gia phong bị hủy hoại.

– Nước mất: Absalon phản nghịch chống lại vua cha và làm cuộc phản loạn cướp ngai vàng, rồi truy sát Đavít đến cùng, khiến Đavít phải chạy trốn trong tủi nhục

  1. Dám làm, dám chịu.

Điều đáng khen cho vua Đavít là khi phạm tội ông đã can đảm nhận tội và mau mắn ăn năn sám hối sau khi nghe lời nhắc nhở của tiên tri Nathan. Hơn nữa, ông còn sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình bằng cách âm thầm rời bỏ ngai vàng và khiêm tốn nhận lấy những lời sỉ nhục và ném đá của Sêmê, cho dù các tướng lãnh trung thành với ông không chịu nổi trước lời nói và hành động vô lễ của tên này. Ông nói: “Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta”.

Dẫu là một vị vua đầy quyền lực, có khả năng tiêu diệt tất cả những ai chống đối mình, nhưng vua Đavít  không làm thế. Trái lại ông khiêm tốn nhận lấy trách nhiệm về mình và sẵn sàng chịu mọi hình phạt do hậu quả tội lỗi gây ra.

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết khiêm tốn nhận lấy trách nhiệm về mình khi làm những điều sai trái, cũng như can đảm sửa sai khi được nhắc bảo, nhất là luôn ý thức đừng bao giờ gieo rắc điều ác. Bởi lẽ ta sẽ nhận lại trái đắng khi ta gieo rắc hạt đắng.

Suy niệm 2

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho ta thấy hậu quả tai hại do tội lỗi và sức mạnh của ma quỷ gây nên.

– Bài đọc 1 cho biết : Sau khi vua Đavít đã nhúng tay vào tội ác là chiếm đoạt bà Batsêva, rồi âm mưu giết chết tướng Uria, thì ngay sau đó ông phải gánh lấy hậu quả đau đớn khi phải chứng kiến cảnh phản loạn lật đổ ngai vàng của chính người con mình là Absalon. Rồi phải lầm lũi bỏ chạy thoát thân trước sự truy sát của con mình. Hơn thế nữa ông còn phải chịu sự sỉ nhục thậm tệ của tên Sêmê là thần dân của mình.

– Bài Tin mừng thì cho ta biết về những đau khổ thể xác và tinh thần mà người bị thần ô uế ám hại.

Về thể xác: Anh ta thường bị gông cùm và xiềng xích trói buộc, phải sống trong mồ mả và trên đồi để xa tránh mọi người ; tự hủy hoại thân thể mình bằng cách lấy đá rạch vào da thịt.

Về tinh thần: Do bị sự khống chế của cả một đạo binh thần ô uế, nên tinh thần của anh ta không còn tỉnh táo, ăn mặc bất thường và luôn sống trong tình trạng đau đớn nên kêu la, tru tréo hãi hùng…

Xin Chúa cho chúng ta ý thức về tác hại kinh khủng do tội lỗi và sức mạnh của ma quỷ gây nên mà cố gắng xa lánh, nhất là xin Chúa thương ban ơn thiêng, giúp ta vượt thoát khỏi những cám dỗ và chiến thắng được ác thần.

Suy niệm 3

Giáo lý công giáo dạy ta biết rằng:  Ma quỷ là loài Thiên Thần. Nhưng vì không vâng phục Thiên Chúa nên đã bị phạt thành Satan hay ma quỷ. Vì thế Satan hay ma quỷ được mệnh danh là “kẻ chống đối”.  Do không tài nào chống đối lại Thiên Chúa quyền năng nên ma quỷ quay sang hãm hại con người. Bởi lẽ con người là tạo vật được Chúa yêu thương bật nhất.

Tin mừng hôm nay cho biết, tại vùng đất dân ngoại Ghêrasa, đạo binh ma quỷ đang thống trị và dùng mọi thủ đoạn để hãm hại con người.

– Thủ đoạn thứ nhất: Hành hạ thân xác con người.

Quỷ đã nhập vào một người làm cho anh ta phải điêu đứng khổ sở, mất hết nhân tính, phải sống cô độc trong mồ mả và trên núi đồi, tự làm hại bản thân bằng cách tru tréo và lấy đá đập vào mình…

– Thủ đoạn thứ hai: Xúi dục con người chống lại Thiên Chúa.

Ngay sau khi bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi người bị nó ám hại, thì tức khắc ma quỷ quay sang cám dỗ về lòng ham mê của cải nơi con người. Chính lòng say mê của cải mà dân trong vùng ấy chống lại Chúa Giêsu, bằng cách xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Bởi lẽ họ sợ rằng hôm nay thiệt hại đàn heo, tiếp theo ngày mai sẽ mất đi tài sản quý giá gì nữa? Vì vậy, họ quyết tâm xua đuổi Chúa Giêsu ra xa họ.

Ngày nay có lẽ ma quỷ ít khi trực tiếp nhập vào con người, làm cho họ phải điêu đứng khổ sở như ngày xưa. Nhưng chúng thường bày ra muôn ngàn cách thế để lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa. Thúc đẩy con người hành động đến mất cả nhân tính như: giết người cướp của; tự do đồng tình luyến ái; nghiện ngập rượu chè, xì ke ma túy, hoang dâm…

Để chống lại mưu mô của quỷ dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không ngừng chay tịnh, cầu nguyện nhất là sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Xin cho chúng ta biết chay tịnh cỏi lòng, chuyên chăm cầu nguyện. Nhất là biết dùng  Lời Chúa như là kim chỉ nam định hướng cuộc sống chúng ta.

Thứ ba:

Ngày 02 tháng 02

DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THÁNH

 

Bài đọc 1

Ml 3, 1-4

Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”. Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Ðó là lời Chúa toàn năng phán.

 

Bài đọc 2

Dt 2, 14-18

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

 

Tin mừng

Lc 2, 22-32

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Suy niệm

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến cách thế hiện diện của Thiên Chúa và làm thế nào để đón nhận Người.

– Sách tiên tri Malakhi được viết sau thời lưu đày Babylon, khoảng 515 trước công nguyên. Khi ấy đền thờ được tái thiết xong, nhưng có thể không đẹp và tráng lệ như đền thờ Giêrusalem trước đây nên nhiều người tỏ ra hối tiếc. Nhiều vị tiên tri bấy giờ cho rằng: điều quan trọng không phải là đền thờ đó cao sang lộng lẫy, nhưng quan trọng là đền thờ ấy được Chúa ngự đến. Vì vậy, tiên tri Malakhi loan báo về niềm hy vọng ngày Thiên Chúa sẽ thân hành đi vào đền thờ viếng thăm dân Người: “và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến”.

Tiên tri Malakhi cũng cho biết ngày Chúa đến sẽ là ngày kinh hoàng :“Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện?”. Vì ngày Chúa đến là ngày kinh hoàng nên con người cần phải được thanh luyện và tẩy sạch mới có thể đứng vững trong ngày đó.

– Trong bài đọc 2, tác giả thư Dothái mô tả cách thức hiện diện của Thiên Chúa: Người sẽ mặc lấy xác phàm mà đến ở với con người. Người trở nên đồng thân, đồng phận và đồng tử với con người, ngõ hầu cảm thông, trợ giúp và xóa sạch tất cả tội lỗi của con người.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Thiên Chúa phải hiện diện với tư cách là thân phận con người? Thưa, bởi lẽ nếu Thiên Chúa không phải là người thật thì Người không chết thật và do đó loài người không được cứu độ; còn nếu Thiên Chúa là người thật mà không phải là Thiên Chúa thì cái chết của Người cũng như bao người khác, không thể cứu chuộc được ai cả. Vì thế sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu phải là Thiên Chúa thật và là người thật, ngoại trừ tội lỗi.

– Theo dòng tư tưởng trên, bài Tin mừng hôm nay cho biết cách thế để nhận ra Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu. Để nhận ra Thiên Chúa đi vào Đền thờ với thân phận là một Hài Nhi Giêsu thì cần phải có đời sống như cụ già Simêon: sống đời công chính, luôn khát khao mong đợi Chúa, nhất là biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; cũng như phải bắt chước cách sống của cụ bà tiên tri Anna: “không rời khỏi đền thờ, đêm ngày chay tịnh và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Giêrusalem”.  (Lc 37-38).

Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta qua mọi nẻo đường của cuộc sống để nâng đỡ, chở che. Điều quan trọng là làm thế nào để nhận ra Người?

Xin cho chúng ta có được đời sống tốt lành, thánh thiện như cụ ông Simêon và cụ bà Anna để ta dễ dàng nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống. Nhất là xin Chúa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn ta nên trinh trong, để cái nhìn của ta được ngời sáng. Nhờ đó mà ta dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ, nghèo nàn.

Thứ tư

 

Bài đọc 1

2 Sm 24, 2. 9-17

Trong những ngày ấy, vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: “Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số”.

Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.

Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: “Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột”. Sáng hôm sau, khi Ðavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng: “Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành”. Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: “Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi”. Ðavít trả lời cho Gad rằng: “Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ”.

Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: “Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại”. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: “Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con”.

 

Tin mừng

Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.

Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”

Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”.

Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.

Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Suy niệm 1

Theo cái nhìn tự nhiên thì phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy có nhiều điều lạ bất ngờ:

– Điều lạ I : Tại sao sau khi vua Đavít ra lệnh kiểm tra dân số xong, thì ông lại hối hận và xin Thiên Chúa trừng phạt?

– Điều lạ II: Sao Chúa không trừng phạt cá nhân vua Đavít mà lại ra những hình phạt mang tính tập thể?

– Điều lạ III: Tại sao những người đồng hương với Chúa Giêsu lại không tin nhận Chúa Giêsu?

Tất cả những điều lạ ấy cho biết rằng: Có thể chúng ta chưa có được cái nhìn của Chúa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu cũng có thể lấy làm lạ đối với chúng ta như Chúa đã từng lấy làm ngạc nhiên đối với những người đồng hương với Chúa trong bài Tin mừng hôm nay.

– Người lấy làm lạ bởi vì nhiều khi chúng ta cũng giống như vua Đavít, dám cả gan tước đoạt quyền của Thiên Chúa là vua duy nhất và tối cao, để ta tùy tiện làm theo ý mình bất chấp ý Chúa, như thể thế giới này là của riêng ta vậy.

– Người lấy làm lạ bởi vì chúng ta không hiểu rằng bất cứ một hành động nào của người lãnh đạo cũng đều gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trên dân chúng thuộc quyền mình. Bởi lẽ tội lỗi không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn liên hệ đến tha nhân nữa. Thánh Phaolô đã xác quyết:“Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính”. (Rm 5,19)

– Người cũng lấy làm lạ bởi vì nhiều khi chúng ta cũng giống như những người đồng hương với Chúa. Thay vì vui mừng và hãnh diện về những gì mà người anh em mình làm được, thì trái lại ta muốn tìm mọi cách để phủ nhận, chống đối và hạ bệ.

Xin cho mỗi người chúng ta biết chấn chỉnh lại đời sống mình cho phù hợp ý Chúa, để Chúa Giêsu không còn phải lấy làm lạ về những quan niệm và việc làm sai lạc của ta. Trái lại Ngài sẽ vui mừng về cách ứng xử và đời tốt lành của chúng ta.

Suy niệm 2

Bài đọc 1 cho biết Đavít đã ra lệnh kiểm tra dân số. Thật ra việc kiểm tra dân số là việc bình thường ngoài xã hội cũng như trong tôn giáo.

Nhưng nó trở nên bất thường khi Đavít muốn tước đoạt quyền làm vua của Thiên Chúa để chứng tỏ tài năng và sức mạnh của mình trong việc lãnh đạo đất nước. Nên ông phải nhận lấy sự trừng phạt của Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính thái độ kiêu căng tự mãn mà những người đồng hương với Chúa Giêsu trở nên mù quáng, không nhận ra căn tính của đích thực của Chúa Giêsu. Nên họ đã khinh bỉ, loại trừ và manh tâm giết hại Chúa Giêsu.

Xin cho chúng ta biết can đảm loại bỏ tính kiêu căng tự mãn nơi chính mình để mặc lấy tinh thần khiêm tốn chân thành, hầu dễ dàng nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống mà theo đuổi.

Suy niệm 3

Sau một thời gian thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu gây được nhiều tiếng vang và được dân chúng đó đây rất ngưỡng mộ về giáo lý và những phép lạ Ngài làm.

Tuy nhiên, hôm nay khi trở về quê hương xứ sở để thi hành sứ vụ, thì Chúa Giêsu lại bị những người đồng hương Nadarét khước từ và đối xử tệ bạc. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thái độ khước từ và hành xử tệ bạc ấy của dân làng Nadarét? Xét cho cùng cũng bởi hai chữ “tại vì”.

–  Tại vì Chúa Giêsu không có bằng cử nhân, tiến sĩ trong tay nên khi hành nghề giảng dạy thánh kinh, Giáo lý, hay giáo luật…nên đã bị làng Nadarét xem thường và phản đối. Phải chi Chúa Giêsu giảng dạy về kỹ thuật đóng bàn ghế, cất nhà… thì còn dễ chấp nhận.

– Tại vì Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo. Con của bác thợ mộc Giuse và cô Maria quê mùa không nghề nghiệp trong tay, không của hồi môn nên làm sao có của dư của để. Giá như Chúa Giêsu là con của một đại gia, thì đâu nổi bị dân làng xúc phạm.

– Tại vì Chúa Giêsu không có bà con thân thuộc làm chức cao quyền trọng nên làm sao được ngưỡng mộ. Bà con họ hàng của Ngài chỉ là những người chân lấm tay bùn. Chẳng có ai giàu sang quyền quý. Giá như Chúa Giêsu là con ông cháu cha (CÔCC), thì tiếng vỗ tay, tét đùi tán thưởng của dân làng Nadarét sẽ vang dậy không ngừng trước những lời hay ý đẹp được thốt ra từ miệng Ngài hôm ấy rồi!

Tắt một lời, “tại vì” họ biết rất rõ về lý lịch trích ngang của Chúa Giêsu, một lý lịch được xếp vào “hạng tồi”, nên không lạ gì họ chối từ, không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị coi thường, hất hủi, loại trừ nơi những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền; nơi những người thấp cổ bé miệng, không có địa vị gì trong xã hội, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay. Khi mà mọi thứ đều được đánh giá dựa trên đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, thì Chúa Giêsu nơi những người nghèo hèn vẫn còn bị coi rẻ.

Khi mà người ta quá coi trọng địa vị bằng cấp, thì Chúa Giêsu nơi những người kém cõi ít học vẫn bị khinh thường. Khi mà xã hội quá đề cao thân thế chức quyền, thì Chúa Giêsu nơi những người cô thân cô thế vẫn còn bị hất hủi chà đạp.

Đâu là những tiêu chuẩn tôi thường dựa vào để đánh giá người khác? Tôi có thường bị óc thành kiến, ác cảm chi phối mà đánh giá người khác một cách bất công không? Thái độ của tôi thế nào đối với những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh?

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta gạt bỏ cái nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức tin, cái nhìn siêu nhiên: cái nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa. Amen.

Suy niệm 4

Thái độ khước từ Chúa Giêsu của dân làng Nadarét xưa nhắc nhở chúng ta cần phải duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay.

Có những anh chị em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những người vỗ ngực xưng mình là đạo dòng, thì lại có đời sống đức tin hết sức là yếu kém. Phải chăng “sống lâu lên lão làng?

Có những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại siêng năng, chuyên chăm tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?

Có những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó lại xem thường những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần chùa gọi bụt bằng anh?

Có những người chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện, khấn xin. Phải chăng “bụt nhà không thiêng?”.

Nếu có những thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe cũ của dân làng Nadarét xưa.

Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi anh em.

Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm dẹp bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra những mặt tích cực và cao đẹp nơi những người anh em bé nhỏ. Amen

Thứ năm

 

Bài đọc 1

1 V 2, 1-4. 10-12

Gần ngày băng hà, Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: “Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: “Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel”.

Vậy vua Ðavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.

 

Tin mừng

Mc 6, 7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Suy niệm 1

Bài đọc 1: Sách các vua quyển I hôm nay ghi lại những ngày cuối đời thật êm đềm của vua Đavít và nhấn mạnh đến những lời khuyên của ông dành cho Salômôn. Ta có thể quy tóm những lời khuyên của vua Đavít dành cho Salômôn bao gồm 2 điều chính yếu sau:

  1. Phải sống xứng bậc làm người: “Hãy can đảm lên, và sống xứng bậc nam nhi”.Có lẽ Đavít khi về già bị gặm nhấm bởi những tội lỗi mà ông đã trót phạm vì yếu đuối nên ông đã tha thiết khuyên nhủ đứa con trai ông hãy can đảm, mạnh mẽ xứng bậc nam nhi để vượt thắng mọi chước cám dỗ, xứng danh làm người chứ không như ông phải hổ thẹn vì đã mềm lòng chiều theo những cám dỗ, khiến người đời khinh bỉ.
  2. Hãy sống xứng danh là con Chúa:“ Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, và đi theo đường lối Người là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Môsê”. Bởi vì Đavit  ý thức điều mà Thiên Chúa đã phán dạy ông: “Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo, là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Israel”.Trong cuộc đời Đavít có lẽ điều mà ông đau buồn nhất là đã không vâng theo thánh ý Chúa nên ông đã bước đi sai đường. Vì thế ông đã hết lòng khuyên bảo Salômôn hãy sống xứng đáng là con Chúa. Mà để xứng đáng là con Chúa thì điều quan trọng nhất là “vâng lời”. Vì không còn điều gì khác quan trọng hơn là tuân giữ những điều khuyên dạy của Chúa là Cha mình.

Tin mừng hôm nay thì cho biết, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai ra đi loan báo Tin mừng. Ngài cũng căn dặn họ nhiều điều. Ta có thể tóm gọn những điều căn bản sau:

– Từng hai người một: Nghĩa là làm việc tập thể để tạo nên sức mạnh cho lời chứng và tác động hiệu quả đến người nghe.

– Phải luôn ý thức tin tưởng và trông cậy vào sức mạnh của Chúa hơn là cậy dựa vào sức mình và thế gian.

– Phải có tinh thần siêu thoát để sẵn sàng đến và sẵn sàng đi. Không vướng bận bám víu về bất cứ điều gì.

Cũng như xưa, hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy sống xứng danh làm người và làm con Chúa nơi môi trường gia đình, xã hội và Giáo hội.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta không những ý thức sống xứng bậc làm người mà còn tích cực sống xứng danh là con Chúa nữa, để qua lời nói, việc làm và cuộc sống của chúng ta đều trở thành lời loan báo Tin Mừng đầy thuyết phục cho hết mọi người.

Suy niệm 2

Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.

Cụ thể bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng hai người một đi rao giảng Tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.

Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng.

Sứ mạng thì to lớn nhưng phận người lại bé nhỏ. Thế nên, Chúa Giêsu ý thức chúng ta hãy cậy trông vào Chúa.

Cậy trông vào Chúa, ta dễ sống tinh thần khó nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dù bản thân không gạo, không tiền, không bao bị, không có đến hai áo.

Cậy trông vào Chúa, ta dễ dàng sống siêu thoát, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề vương vấn, tiếc nối vì “tiền” và “tình”.

Cậy trông vào Chúa, ta sẽ không kiêu căng tự mãn nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc với anh em trong nhiệm cao quý là loan báo Tin mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được tinh thần khó nghèo để cảm nhận được những thiếu thốn của tha nhân và đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh.

Xin gìn giữ chúng con khỏi những ma lực của đồng tiền, những quyến rũ của vật chất, để trung thành và can đảm rao giảng sứ điệp ăn năn sám hối mà Chúa truyền dạy.

Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác tích cực với anh em trong việc truyền giáo, nhằm làm lành mạnh hóa đời sống các tâm hồn, ngõ hầu đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng con đang sống.

Thứ sáu

 

Bài đọc 1

Hc 47, 2-13

Như miếng mỡ lóc ra khỏi thịt con vật tế lễ thế nào, thì Ðavít được chọn giữa con cái Israel như vậy. Người dỡn với sư tử như dỡn với chiên con và đùa với gấu như đùa với những chiên con. Khi còn trẻ, nào người đã chẳng hạ sát tên khổng lồ và rửa nhục cho dân, khi vung dây ném đá đánh ngã tên Goliath kiêu căng đó sao? Vì người đã kêu cầu Thiên Chúa toàn năng, và Chúa đã ban sức mạnh cho người để hạ sát tên chiến sĩ hùng dũng, để nâng cao lòng can đảm của dân người. Nhờ thế, người được tôn vinh như đã giết mười ngàn, được ca tụng vì những lời Chúa chúc lành, và được người ta trao tặng triều thiên vinh quang, vì người đã tiêu diệt quân thù chung quanh, đã thanh toán bọn giặc Philitinh cho đến ngày nay, đã đập tan sức mạnh chúng đến muôn đời. Trong mọi việc, người dùng lời ca khen mà tuyên xưng Ðấng Thánh Tối Cao; người thành tâm ca tụng Chúa, và yêu mến Thiên Chúa đã sáng tạo người, đã cho người quyền năng chống lại quân thù. Người thành lập ca đoàn trước bàn thờ Chúa, để hoà nhịp những bài thánh ca. Người tổ chức những cuộc lễ huy hoàng, quy định đầy đủ chu kỳ thời gian, để họ ca tụng thánh danh Chúa, và từ sáng sớm, họ biểu dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời. Chúa đã ban cho người giao ước vương quốc và ngôi báu vinh quang trong Israel.

 

Tin mừng

Mc 6, 14-29

Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: “Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng”; kẻ thì bảo: “Ðó là Êlia”; kẻ khác lại rằng: “Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác”. Nghe vậy, Hêrôđê nói: “Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”. Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Suy niệm 1

Người đời thường nói: “Hùm chết để da người chết để tiếng”, để nhằm khuyên dạy người chúng ta hãy sống sao cho thật có ích.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay phản ảnh hai con người, hai tính cách, hai cuộc sống nhưng cùng một chức vụ để qua đó chúng ta suy nghĩ và chọn lựa cho mình lối sống sao cho phù hợp ý Chúa.

– Bài đọc 1 trích sách Huấn ca, nêu lên những điểm nổi bật về con người và sự nghiệp của vua Đavít. Vua Đavit dẫu là con người dáng vẻ bên ngoài không bắt mắt, nhưng lại đẹp lòng Chúa vì ông có tấm lòng kính yêu Chúa. Nên ông được Chúa tách biệt ra giữa hàng con cái Israel. Ông có một sự nghiệp lẫy lừng nhờ vào ơn ban của Chúa.

Thời niên thiếu ông đã anh dũng giết chết Gôliát có sức mạnh phi thường và tiêu diệt chục ngàn tên địch. Ông đã thống lãnh được quốc gia về một mối, rồi đưa đất nước vào thời kỳ thịnh vượng, đã tổ chức phụng vụ có nề nếp, sinh động. Nhờ thế triều đại ông được Chúa hứa ban tồn tại mãi mãi. Ông thật xứng đáng được người đời ca tụng.

– Trái lại, bài Tin mừng cho ta biết vua Hêrôđê là một vị vua xấu xa và đầy tội lỗi. Ông sinh ra chỉ để làm hại đời, hại người. Những tội lỗi của ông khiến ông bị người đời nguyền rủa muôn đời.

Do ham muốn đòi hỏi xác thịt, ông đã bày ra những buổi tiệc tùng linh đình ăn uống no say. Nhẫn tâm chiếm đoạt vợ của anh mình mà không cảm thấy hối hận vì tội lỗi.

Bị cuốn vào vòng xoáy của thế gian, ông đã bắt giam Gioan Tẩy Gỉa vì dám lên án tội ác ông. Trong cơn men nồng, không làm chủ được lý trí, ông đã thốt lên những lời hứa nguy hiểm liên quan đến sinh mạng con người.

Rồi vì sợ mất danh dự nên ông đã nhẫn tâm ra lệnh chặt dầu Gioan Tẩy Giả theo lời kêu xin của nàng Salômê con gái của bà Hêrôđia nham hiểm. Đúng là ông sinh ra chỉ hại đời, hại người. “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Xin cho chúng ta biết tích cực phục vụ lợi ích cho đời, cho người với tinh thần của Chúa. Nhờ đó ta xứng đáng được người đời yêu mến và được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời mai ngày. 

 

Suy niệm 2

Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Giả được Tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.

– Góc tối của đam mê dục vọng:  Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.

– Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Giả trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù ông đến tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.

– Góc tối của nhác đảm sợ hãi:Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả.

– Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê, một cô con gái có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của cô đã bị lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.

Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cõi lòng con người hôm nay.

Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Giả dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.

Thứ bảy

 

Bài đọc 1

1 V 3, 4-13

Trong những ngày ấy, Salomon đến Gabaon để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Salomon dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Gabaon ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng, và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Ðavít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này”.

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi.

 

Tin mừng

Mc 6, 30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm 1

Cuộc sống trần gian làm cho chúng ta phải bận tâm nhiều thứ, nhưng lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết đâu mới là mối bận tâm hàng đầu mà Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta.

Bài đọc 1, Chúa đã khen ngợi vua Salômôn bởi những lời cầu xin của ông. Qua những lời nguyện xin của vua Salômôn, ta thấy 2 mối bận tâm lớn nhất của ông là:

  1. Làm đẹp ý Chúa: Ước mong làm đẹp ý Thiên Chúa, ông đã chọn một địa điểm tốt nhất là Ghípon để dâng lễ tạ ơn cùng với những lễ vật toàn thiêu được chuẩn bị chu đáo nhất để dâng lên Chúa. Với bận tâm mong muốn được làm đẹp lòng Chúa, ông thiết tha ở bên Chúa để lắng nghe lời chỉ dạy của Người.
  2. Phục vụ lợi ích cho con người: Trong lời cầu xin của vua Salômôn, ta nhận ra ông rất bận tâm làm sao để phục vụ con dân được tốt nhất. Nên ông không xin Chúa ban cho cá nhân ông sang giàu, sống lâu, nhiều của cải, hay sức mạnh tiêu diệt kẻ thù. Trái lại điều ông lưu tâm là: “cho tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái. Chẳng vậy mà ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế”. Kết quả những tâm tình ấy đã đẹp lòng Thiên Chúa nênđang đêm, Chúa hiện ra và phán bảo Salomon: “ Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”.

– Còn bài Tin mừng hôm nay cho ta biết mối bận tâm của Chúa Giêsu là thể hiện khuôn mặt của lòng thương xót của Chúa.

Để thể hiện khuôn mặt của lòng thương xót Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước sự bơ vơ của đám đông dân chúng và đã sẵn sàng hy sinh sức khỏe, thời gian và ăn uống để giảng dạy và phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ. Đồng thời Ngài cũng quan tâm đến sức khỏe và sống tinh thần của các môn đệ nên kêu gọi các ông tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút, sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả.

– Còn ta bận tâm ưu tiên là gì? Phải chăng là sang giàu, sống lâu, được kính nể và thống trị trên mọi người? hay bắt Chúa phải làm theo ý ta hơn là chúng ta phải làm theo thánh ý Chúa?

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn khôn ngoan để ta biết phân biệt đâu là đúng-sai, đâu là tốt-xấu, đâu là chính-phụ và đâu là trước-sau mà chọn lựa cho đúng ý Chúa để rồi nỗ lực thi hành cách tốt hầu mang lại nhiều lợi ích cho phần rỗi linh hồn ta và cho người khác.

Suy niệm 2

Ðức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Lòng Thương Xót là tên gọi thứ hai của tình thương“. (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 7).

Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót đó của Chúa Giêsu được thể hiện cách cụ qua bài tin mừng hôm nay, bằng cách:

– Quan tâm đến các Tông đồ: Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các Tông đồ trở về phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình. Ngoài việc lắng nghe và đồng cảm với những thành công ấy, Chúa Giêsu còn nhìn thấy điều cần thiết và quan trọng hơn đối với các Tông đồ lúc này, ở đây đó là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau… Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống. Nên Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31)Với sự quan tâm này cho biết: Chúa Giêsu coi trọng con người hơn công việc.

– Quan tâm đến dân chúng: Mặc dù Đức Giêsu muốn cùng các Tông đồ tách biệt khỏi đám đông ồn ào, tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi thấy dân chúng tấp nập tuôn đến, “Ngài chạnh lòng thương vì họ đang bơ vơ như đàn chiên không có người chăn”. Ngài quên cả mệt nhọc, sẵn sàng hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để ban phát Lời Chúa và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ. Hành động này cho biết: Đức Giêsu không nghĩ đến mình, Ngài chỉ quan tâm đến người khác.

Mỗi người chúng ta có đời sống riêng tư, được sắp xếp theo ngăn nắp, hợp lý, chúng ta có quyền bảo vệ sự quân bình ấy, nhưng nếu có đôi lúc phải hy sinh cái lợi ích riêng tư ấy vì hạnh phúc của người khác, chúng ta hãy coi đó là một nhiệm vụ.

Xin Chúa cho chúng ta có được cái nhìn của Chúa, để chúng ta nhận ra những nhu cầu cần thiết nơi tha nhân. Và xin cho chúng ta có được tấm lòng thương xót như Chúa để chúng ta không cảm thấy mệt nhọc khi hy sinh phục vụ hạnh phúc cho con người.