Một năm có mấy lần Tết?

0
37

Khi gặp gỡ chuyện trò trong bầu khí vui tươi của những ngày đầu xuân, một câu hỏi đã được đặt lên: Tại sao lại có chuyện Tết Tây với Tết Ta, Tết Dương lịch với Tết Âm lịch? Thế thì một năm có bao nhiêu lần Tết? Tại sao năm Phụng vụ lại bắt đầu vào đầu tháng chạp, chứ không chờ cho tới tháng giêng cho tiện việc in lịch?

Khi mà nói đến Tết, chúng ta cần phải phân biệt ít là 2 nghĩa. Một nghĩa là ngày đầu năm; và chúng ta thường nghe nói “Tết dương lịch – Tết âm lịch”, nghĩa là đầu năm dương lịch hay âm lịch. Nghĩa thứ hai thì rộng hơn, áp dụng cho nhiều lễ hội trong năm, thí dụ: Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu. Theo một vài học giả, chữ “Tết” bắt nguồn từ chữ “Tiết”; và một năm có tứ thời bát tiết, vì vậy mà có nhiều ngày Tết. Chúng ta tạm gác lại chuyện Tết theo nghĩa thứ hai, mà chỉ dừng lại ở nghĩa thứ nhất, nghĩa là ngày đầu năm. Thoạt tiên, xem ra câu hỏi “Một năm có mấy lần Tết” rất dễ trả lời, và đã được trả lời rồi: một năm có hai ngày Tết: Tết dương lịch và Tết âm lịch. Nhưng mà nếu ai muốn đi sâu vào vấn đề hơn, thì có thể hỏi: hai cái Tết đó hoàn toàn do tục lệ của Tây và của Tàu, hay nó có ý nghĩa gì nữa không? Rồi còn thêm một câu hỏi nữa: lúc nào thì bắt đầu ngày Tết?

Câu hỏi này dễ ợt: Tết bắt đầu vào ngày mồng một tháng giêng, tùy theo tháng giêng dương lịch hay âm lịch.

Đúng như vậy. Nhưng mà phải bắt đầu tháng giêng vào lúc nào?

Vào đầu mùa Xuân. Nhưng mà tại sao vào mùa Xuân, chứ không phải là mùa Hạ hay mùa Thu? Vả lại Tết đâu đã trùng vào mùa Xuân! Mãi tới tháng 3, mùa Xuân mới bắt đầu cơ mà! Thực ra thì những vấn nạn này không phải là muốn làm cho chị nhức đầu, nhưng chỉ muốn gợi ý cho thấy rằng trong lịch sử, đã có những nơi và những thời mà người ta khai mạc năm mới không trùng với ngày mồng một tháng giêng dương lịch hoặc âm lịch. Trước tiên chúng ta nên nhắc lại ý nghĩa của dương lịch và âm lịch. Nhiều người thường đồng hóa với lịch Tây và lịch ta. Nhưng nói thế thì không đúng. Dương lịch có nghĩa là lịch dựa theo mặt trời; còn âm lịch là lịch dựa theo mặt trăng. Nhưng đó mới chỉ là khái niệm sơ đẳng, chứ trên thực tế thì hai thiên thể đó liên hệ với nhau và với cuộc sống của con người. Thời gian của mỗi ngày được tính theo một vòng trái đất xoay quanh mặt trời: và khi có mặt trời thì con người làm việc, còn khi mặt trời lặn thì chúng ta đi ngủ. Tuy nhiên khi mặt trời đã lặn thì ta lại thấy có một thiên thể là mặt trăng. Khổ một nỗi là có ngày thấy trăng tròn, và có ngày thì trăng méo hay là chẳng thấy trăng. Theo kinh nghiệm, thì phải chờ 29 hay 30 ngày mới thấy trăng tròn một lần. Khoảng thời gian đó được đặt tên là tháng. Từ xa xưa, người ta đã nhận thấy chu kỳ của mặt trăng với cơ thể của phụ nữ có những điểm trùng hợp, thì thế không lạ gì mà bên ta chu kỳ đó gọi là kinh nguyệt (nguyệt là tháng, nguyệt là trăng), bên tây gọi là menstruation (mensis tiếng La-tinh là tháng). Một cách tương tự như vậy, ta nhận thấy có ngày dài ngày ngắn, ngày nóng ngày lạnh; và phải lâu lắm mới thấy có một ngày y hệt. Cái vòng đó ta gọi là năm. Nếu tính theo mặt trời thì một năm có 365 ngày, còn tính theo mặt trăng thì một năm có 12 tháng. Dĩ nhiên đây mới là khái niệm sơ lược, chứ việc tính toán phức tạp hơn nhiều, từ đó mà có các năm nhuận, phải bù thêm một ngày hay một tháng. Điều đáng nói ở đây là trong cái vòng tròn đó, phải lấy đâu làm đầu và lấy đâu làm cuối, lấy đâu làm tháng giêng và lấy đâu làm tháng 12?

Lấy tháng bắt đầu Mùa Xuân. Như vậy là đầu năm cũng là đầu của bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông. Có phải như vậy không?

Đúng như vậy. Rất nhiều dân tộc đã lấy mùa Xuân làm đầu năm. Lý do dễ hiểu. Ở Sàigòn thì mùa nào cũng giống như mùa nào thôi cho nên không thấy sự thay đổi cảnh tượng thiên nhiên. Nhưng tại vùng ôn đới hay nhiệt đới thì thấy rõ. Mùa Xuân, cây cối đâm chồi nẩy mầm, rồi hoa lá sum sê với mùa Hạ, đổi màu khi mùa Thu tới, để rụng trơ trui vào mùa Đông. Mùa Đông tượng trưng cho chết chóc. Vì thế, khi bước sang mùa Xuân, ra như mọi cái bắt đầu lại. Ở Việt Nam, mừng Tết hay mừng Xuân đồng nghĩa với nhau. Thế nhưng, như đã nói ở đầu, cả Tết dương lịch lẫn Tết âm lịch đều rơi vào mùa Đông chứ chưa phải là vào mùa Xuân. Tại sao vậy? Có lẽ là bên cạnh mừng Mùa Xuân, ngày đầu năm còn mang thêm nhiều ý nghĩa khác nữa, hay là còn được tính theo các tiêu chuẩn khác với lý do thời tiết. Chẳng hạn, tết của Trung Hoa (Tết của Việt Nam dựa theo lịch Trung Hoa chứ không phải thuần túy âm lịch, bởi vì có nhiều thứ âm lịch), được xác định vào lúc trăng non của tháng nào mặt trời đi vào cung Song ngư, hay là nếu tính theo can chi thì gọi là đi vào chi Dần. Lối tính này xem ra đã thành cố định từ Hán vũ đế (thế kỷ II trước CN) Như vậy tiêu chuẩn không còn là mùa Xuân nữa. Trái lại, người Do thái lấy tháng Nisan làm tháng đầu năm, nghĩa là tương đương với tháng Ba Dương lịch. Nên biết là lễ Phục sinh được tính theo lịch Do thái, vào ngày trăng tròn của tháng Nisan. Đó là lịch phụng vụ của người Do thái, từ thời cổ, còn được ghi lại ở sách Xuất hành chương 12 câu 1. Theo các nhà sử học, nguồn gốc của nó rất là xa xưa, tương ứng với thời kỳ du mục, khi mà trong mùa Đông băng giá cả người lẫn súc vật nếu bất động; chờ tới mùa Xuân mới xuất hành lên đường tới những đồng cỏ mới. Dân Do thái đã gắn thêm một tư tưởng thần học, bởi vì họ không mừng mùa Xuân mà là cuộc xuất hành khỏi cảnh nô lệ. – Thế nhưng, khi bước sang chế độ canh nông, thì ta thấy người Do thái lại tính ngày đầu năm cách khác. Theo sách Lêvi 23,24 ngày hội tết được mừng vào mùa thu (tháng Tisri), nghĩa là sau khi đã xong mùa gặt. Họ ăn nhậu tưng bừng trong 10 ngày; và ăn Tết xong phải làm lễ Xá tội (Lv 23,27).

Như vậy tại nhiều nơi, tháng giêng âm lịch dựa theo mùa Xuân. Còn tháng giêng dương lịch thì dựa vào đâu?

Ở Việt Nam, chúng ta quen gọi ngày 1 tháng giêng dương lịch là Tết Tây. Có lẽ từ “Tết Tây” mới được nhập cảng vào hồi người Pháp đến nước ta. Nhưng mà nguồn gốc của dương lịch không phải là bởi người Pháp, nhưng bởi lịch của dân Rôma. Người Rôma lấy tên các thần để đặt cho mỗi tháng . Tháng Januarius mang tên của thần Ianus, thần mặt trời, nguyên thủy của ngày và của vạn vật; từ đó Ianua có nghĩa là cửa. Tháng Februarius kính thần Februus, thần của thanh khiết. Tôi sẽ cắt nghĩa sau. Tháng Martius kính thần chiến tranh (Mars), Gốc của Aprilis thì không rõ, còn Maius bởi nữ thần Maia (mẹ nuôi). Tháng Iunius kính nữ thần Iuno, khuôn mặt phụ nữ của Jupiter. Một điều đáng lưu ý là xưa kia người Rôma bắt đầu năm mới với tháng Martius, rồi Aprilis, Maius, Junius, và rồi họ tính số Quintilis, Sextilis (nghĩa là tháng 5,6) rồi tới September, October, November, December (nghĩa là 7, 8, 9, 10). Về sau, hai tháng Quintilis và Sextilis được đổi tên thành Julius và Augustus để ghi nhớ hai hoàng đế đã thực hiện cuộc cải tổ lịch cho hợp với chu kỳ thái dương. Như vừa nói, người Rôma trước đây lấy tháng Martius (tương đương với tháng 3 dương lịch hiện nay) để bắt đầu năm mới. Và như vậy chúng ta thấy nó sát với mùa Xuân hơn là ngày nay. Và để chuẩn bị đón Xuân, tháng cuối năm được đặt tên là Februarius, kính vị thần thanh tẩy, bởi vì cuối năm phải lo dọn dẹp thanh tẩy nhà cửa cũng như thân thể và tâm thần.

Thế thì từ lúc nào ngày đầu năm được dịch từ tháng 3 lên tháng giêng vậy?

Nói cho đúng ra thì không phải là dời từ tháng ba lên tháng giêng, cho bằng lấy tháng Januarius làm tháng đầu năm thay vì tháng Martius. Sự thay đổi này có tính cách tiệm tiến. Thói tục này bắt nguồn từ các vị Tổng tài. Kể từ năm 153 trước Công nguyên, họ bắt đầu nhậm chức vào tháng Januarius. Nói khác đi, năm hành chánh hay là năm pháp đình bắt đầu từ tháng Januarius. Và từ đây, chúng ta thấy dần dần người ta không còn dựa vào tiêu chuẩn tứ thời bát tiết để mà tính ngày đầu năm nữa. Cũng từ đó mà trong khoảng thời gian 365 ngày, chúng ta thấy xuất hiện nhiều thứ tết hay là đầu năm. Một thí dụ cụ thể là các trường học. Năm học được gọi là niên học hay niên khóa, và không trùng với năm dương lịch. Ở Việt Nam, niên học khai giảng vào đầu tháng 9: và đó là đầu niên học. Sang tới Philippin, thì đầu niên học là tháng 6. Tại sao vậy? Lý do rất là đơn giản: họ muốn khai trường vào tháng 6 để kết thúc vào tháng 3, để cho thầy trò được đi nghỉ vào những tháng nóng nhất trong năm! Bên cạnh niên học (năm học), một khái niệm khác là năm tài chánh (còn gọi là tài khóa). Thường thì tài khóa trùng với năm dương lịch, để cuối năm khóa sổ chi thu. Nhưng mà bên Anh quốc thì tài khóa quốc gia tính từ 1 tháng 4 cho đến 31 tháng 3.

Thế còn Giáo hội công giáo thì theo lịch gì? Tại sao năm phụng vụ lại tính từ Chúa nhật thứ Nhất Mùa Vọng?

Nếu trong xã hội này đã có những năm học, năm tài chánh không nhất thiết trùng với ngày 1 tháng giêng dương lịch, thì Giáo hội cũng có lý do riêng để khởi sự năm phụng vụ vào nhật kỳ khác với ngày đầu năm dương lịch. Trên đây chị đã thấy rằng thời xưa, người ta tính ngày đầu năm dựa theo tiêu chuẩn thời tiết. Nhưng mà các tổng tài Rôma đã bắt đầu lấy tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn thời tiết. Riêng về phần các Kitô hữu, phải nói rằng trong những thế kỷ đầu tiên, họ không có lịch riêng. Thời đó cũng ít lễ lạy nữa. Đối với các Kitô hữu tiên khởi, biến cố quan trọng nhất là Chúa Kitô Phục sinh. Biến cố được cử hành hàng tuần, vào ngày kế sau ngày sabat, và mang tên là “Chúa nhật”, nghĩa là ngày của Chúa Kitô. Kế đó, ngoài việc cử hành hàng tuần, các Kitô hữu mới thêm tục cử hành hàng năm vào chính ngày Lễ Vượt qua của dân Do thái, nhằm cho thấy rằng Lễ Vượt qua của Cựu ước đã được thay thế bằng Lễ Vượt qua của Tân ước, tức là biến cố Cứu chuộc từ Thập giá và Phục sinh của đức Kitô. Đức Kitô là Chiên Vượt qua, Đấng xóa tội trần gian. Người Kitô hữu cũng theo lịch Do thái để tính ngày lễ Vượt qua, nghĩa là ngày rằm của tháng đầu mùa Xuân. Thế nhưng liền đó đã có cuộc tranh luận xem có nên mừng lễ Phục sinh vào bất cứ ngày nào trong tuần trùng vào ngày trăng tròn, hay là phải chờ tới ngày Chúa nhật. Cuộc tranh luận này kéo dài hàng thế kỷ, mãi cho tới công đông Nixêa năm 325 mới xong. Công đồng quyết định là lễ Phục sinh được mừng vào ngày Chúa nhật sau ngày rằm tháng Nisan.  Từ thế kỷ IV-V, nhiều nơi bắt đầu một lễ trọng thứ hai, đó là lễ Chúa Giáng sinh..

Sang thế kỷ VI-VII, ta thấy nhiều sách phụng vụ bắt đầu năm phụng vụ từ lễ Vọng Giáng sinh. Sang thế kỷ VIII-IX, khi mùa Vọng được du nhập như là thời kỳ chuẩn bị lễ Giáng sinh (tương tự như mùa Chay để chuẩn bị lễ Phục sinh), thì người ta dịch sang Chúa nhật thứ 1 mùa Vọng, hay còn gọi là “Chúa nhật thứ 5 trước lễ Giáng sinh”. Tục lệ chỉ thành phổ quát từ thế kỷ X bên Tây phương (Vài Giáo hội bên Đông phương bắt đầu năm phung vụ vào ngày 1/9, ngày tạo dựng vũ trụ và thời gian). Như vậy thì năm phụng vụ xoay quanh mầu nhiệm của đức Kitô: Mầu nhiệm nhập thể nơi lễ Giáng sinh, và Mầu nhiệm cứu chuộc nơi lễ Phục sinh. Sau cùng, cũng nên biết là bên Tây phương, vào hồi Trung cổ, nhiều nơi đã bắt đầu năm dân sự vào ngày 25 tháng 3 thay vì vào ngày 1 tháng giêng, dựa vào hai lý do. Thứ nhất là lý do thời tiết, là vì nó sát với ngày xuân phân hơn. đầu năm trùng với đầu xuân. Lý do thứ hai có tính cách tôn giáo: vì là ngày lễ Thiên thần truyền tin cho đức Maria, bắt đầu một biến cố Nhập thể: Thiên Chúa đi vào lịch sử của nhân loại.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành