Suy niệm hằng ngày tuần VI Phục Sinh-A

0
33

Suy niệm hằng ngày tuần VI Phục Sinh-A

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

(Cv 8,5-8.14-17; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 8,5-8.14-17: Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.

Tv 66,1: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!

1 Pr 3,15-18: Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.

Ga 14,15-21: Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về mối liên hệ Cha – Con của Ngài với Thiên Chúa, và tất nhiên, mối quan hệ đó còn hơn cả tình cha con thông thường. Ngài nói, “Hãy biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con.” Có một kết nối vượt ra ngoài cái chết. Chúa Giêsu đã sống lại, và nếu chúng ta đón nhận Ngài, thì Ngài sống trong mỗi chúng ta. Ngài nói, “Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống.” Chúng ta vẫn được kết nối ngay cả bên ngoài thế giới này và sang thế giới tiếp theo. Ngài không bỏ chúng ta ở đây; Ngài trao cho chúng ta tình yêu bất tử của Ngài.

Tình yêu của Ngài tiếp tục tuôn tràn trên chúng ta, và ta tiếp tục yêu Ngài. Những người chúng ta yêu thương đã ra đi trước đây cũng tiếp tục yêu thương chúng ta, và chúng ta tiếp tục yêu thương họ. Tôi cảm thấy chắc chắn về tình yêu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Thể xác có thể mất nhưng tình yêu ở lại.

Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh
(Cv 16,11-15; Ga 15,26-16,4a)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu loan báo Chúa Thánh Thần sẽ đến, vậy Chúa Thánh Thần đến để làm gì?

Thưa Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần đến để là chứng về Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cũng hãy làm chứng về Ngài.

Tại sao Chúa Thánh Thần phải làm chứng về Chúa Giêsu, và mỗi người chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa Giêsu?

Chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã từng nói “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”, nên cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời thi hành thánh ý Chúa Cha, để làm chứng cho Chúa Cha, để cho con người biết Chúa Cha.

Nhưng nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu làm chứng về Chúa Cha, để cho người ta nhận biết Ngài, để cho người ta biết rằng chính Chúa Cha đã sai Ngài, thì những người Do thái không tin, có thể nói là gần như thất bại, nhưng với cái nhìn chung cuộc thì Chúa Giêsu cũng được người ta tin nhận, đó là ông đại đội trưởng dân ngoại đã tuyên xưng Chúa: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Như vậy, Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu cũng sai chúng ta, để chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu và Chúa Cha.

Chúng ta hãy nhớ lại, Chúa Giêsu cũng nhiều lần nhắc nhở đến việc làm chứng cho Chúa: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (Lc 21,8-13).

Hay nơi khác Chúa nói: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,44-48).

Và Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói Ngài sai Thánh Thần đến để làm chứng về Ngài, nghĩa là chúng ta có Đấng đồng hành với chúng ta để làm chứng cho Chúa, nên chúng ta đừng sợ hãi khi phải làm chứng cho Chúa. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói” (Mc 13,11).

Và chúng ta thấy khi Chúa Giêsu làm chứng cho Thiên Chúa, cuối cùng cũng có người tin nhận, nên chúng ta đừng ngã lòng trông cậy, mà hãy nhìn lên Chúa như động lực để chúng ta cố gắng. Chúng ta hãy nhớ: “Đừng bao giờ bỏ cuộc vì chúng ta sẽ không biết rằng thành công sẽ đến ngay giây phút chúng ta gục ngã,” vậy đừng gục ngã trước khi thành công đến. Amen.

Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh

(Cv 16,22-34; Ga 16,5-11)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta, đó là: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”

Câu hỏi đặt ra là tại sao Chúa Thánh Thần đến thì có lợi cho chúng ta, tại sao Chúa Giêsu lại ban Thánh Thần xuống để tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt?

Khi đọc đoạn Tin mừng hôm nay, tôi nhớ đến hai đoạn trước đó mà Chúa Giêsu đã nói: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5,22).

Rồi ở chỗ khác thì nói: “Ai nghe những lời Tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính Tôi xét xử người ấy, vì Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối Tôi và không đón nhận lời Tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời Tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12, 47-48).

Chúng ta thấy đoạn ở trên Chúa Giêsu nói Chúa Cha ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng Chúa có xét xử hay không? Thưa không xét xử, vì ở đoạn sau Chúa Giêsu nói vì Tôi đến không phải để xét xử, nhưng để cứu thế gian, và Chúa Giêsu nói thêm là nếu ai từ chối và không nhận lời của Ngài, thì có quan tòa xét xử, và quan tòa ấy chính là lời Chúa đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.

Nghĩa là sao, nghĩa là ngay bây giờ Chúa không xét xử nhưng trong ngày sau hết sẽ có quan tòa xét xử con người.

Mà như lời của Chúa Giêsu đã nói, mặc dù Chúa Cha ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng ngay từ bây giờ Ngài không xét xử, vì Ngài đến thế gian không phải để xét xử, nhưng để cứu chuộc thế gian.

Chính vì lý do đó, nên khi Chúa Giêsu về trời thì có lợi cho chúng ta và chúng ta thấy là cũng có lợi cho thế gian, vì khi Thánh Thần đến, như lời của Chúa Giêsu, thì Thánh Thần tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt.

Tố cáo ở đây chúng ta có thể hiểu là không chỉ cho thế gian thấy được tội lỗi và những án phạt của tội lỗi để họ ăn năn sám hối, để trong ngày sau hết khỏi bị xét xử, mà sẽ được cứu thoát, mà còn cho cả mỗi người chúng ta nữa, nhiều khi chúng ta bị u mê để chạy theo thế gian mà không nhận ra mình bị u mê, nên nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận ra được để mà sửa đổi, đó là lý do Chúa Giêsu sai Chúa Thánh Thần xuống vì lợi ích của con người.

Hiểu được như vậy, chúng ta cám ơn Chúa, và xác tín vào tình thương của Chúa là dù con người có như thế nào đi chăng nữa thì Chúa vẫn yêu thương con người, muốn con người được cứu độ, xin cho chúng ta nhận ra được điều đó, để đáp lại tình thương của Chúa. Amen.

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh

(Cv 17,15.22-18,1; Ga 16,12-15)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ, cũng như mỗi người chúng ta, đó là: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn,” nghĩa là tự sức con người thì con người không thể hiểu được những điều mà Chúa Giêsu đã nói.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu ở địa hạt Xêdarê Philípphê là một minh họa cho chúng ta. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ người ta bảo Thầy là ai? Các ông trả lời, rồi sau đó Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, còn anh em, anh em bảo Thầy là ai, lúc bấy giờ Phêrô mới lên tiếng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu mới nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17).

Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi cám ơn Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho chúng ta, cám ơn Chúa Thánh Thần đã mạc khải để dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn.

Trong cuộc sống đời thường cũng vậy, chúng ta cũng phải biết ơn những người đã đi trước, những người đã để lại thành tựu, kinh nghiệm cho chúng ta, chúng ta phải biết kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp được để lại. Chúng ta biết, có những việc xem ra là đơn giản, nhưng nếu không có người khai sáng, chúng ta thử suy nghĩ xem tự mình, mình có thể khám phá ra được điều mới mẻ mà người khác đã khám phá hay không?

Có một câu chuyện mang tên Quả trứng của Christopher Columbus được kể như thế này:

Sau khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, rằng Columbus chỉ làm được điều này nhờ vào may mắn. Tại một bữa tiệc, có một nhà quý tộc đã hỏi Columbus: “Ngài Columbus, tất cả chúng ta đều biết rằng nước Mỹ ở ngay đó, và ngài chỉ là tình cờ bước được lên đó! Nếu chúng tôi đi, chúng tôi nhất định cũng sẽ tìm thấy thôi.”

Đối mặt với câu hỏi làm khó mình, Columbus không hề hoảng loạn. Ông đặt một quả trứng luộc trên bàn, và nói với mọi người: “Thưa quý vị, ở đây ai có thể đặt được quả trứng đứng thẳng trên bàn? Ai có thể làm điều này?”

Mọi người ai cũng háo hức thử, nhưng lần lượt ai nấy đều thất bại. Tất cả mọi người đều nhất trí là không thể làm được và bắt Columbus phải giải đố. Columbus khẽ mỉm cười, ông cầm quả trứng, đập khẽ đầu quả trứng xuống mặt bàn và đặt luôn chỗ móp của quả trứng lên bàn. Quả trứng đứng im phăng phắc. Sau một giây im lặng sững sờ, cả phòng nhao nhao: “Ôi dào, có gì đâu, như thế thì ai chẳng làm được.”

Columbus sau đó nói: “Đúng vậy, chỉ đơn giản như vậy thôi. Phát hiện ra châu Mỹ quả thực không khó, cũng dễ như việc làm cho quả trứng đứng thẳng trên bàn vậy. Nhưng xin hỏi các vị, trước khi tôi chưa làm được, đã có những ai làm được?”

Hay câu chuyện của Chúa Giêsu khi Ngài về quê để giảng dạy cho dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13, 54-56), nghĩa là họ chê xuất thân của Chúa Giêsu, và nghĩ rằng một người với xuất thân như thế thì làm sao làm được những việc lớn lao, nên không đón nhận Chúa, nên họ không đón nhận được phép lạ nào từ nơi Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết khiêm nhường đón nhận Chúa Thánh Thần để Chúa Thánh Thần hướng dẫn soi sáng chúng ta mỗi ngày mỗi tiến đến sự thật toàn vẹn. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi đón nhận nhau, đón nhận những cố gắng, những đóng góp của người khác, để từ nền tảng đó mà chúng ta phát huy nó, cho nó ngày càng phát triển hơn. Amen.

Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh

(Cv 18,1-8; Ga 16,16-20)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha.”

Điều Chúa nói sao khó hiểu quá. Tại sao một ít nữa không thấy Thầy rồi một ít nữa lại thấy Thầy là thế nào?

Các môn đệ không hiểu Thầy mình muốn nói gì? Các ông bàn tán với nhau: “Thầy nói như vậy là làm sao? Anh em ai hiểu ý của Thầy giải thích dùm cho tôi đi.”

Chúng ta có thể nói các môn đệ không hiểu lời của Chúa Giêsu nói, vì lời đó khó hiểu.

Nhưng nếu nhìn dưới cái nhìn Kinh thánh, cái nhìn lịch sử cứu độ thì sở dĩ các môn đệ không hiểu Lời của Chúa Giêsu nói là vì các ông chưa lãnh nhận Thánh Thần, nghĩa là Chúa Thánh Thần chưa đến, chưa chính thức hoạt động nơi các môn đệ, chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

Nên lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta, bởi như lời của Chúa Giêsu nói, nếu không có Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ không biết được sự thật toàn vẹn, nói cách khác, nếu không có Chúa Thần Thần thì con người cũng không thể nào có kinh nghiệm về Chúa được, để rồi xem những biến cố xảy ra trong cuộc đời như một tai nạn, như là một hình phạt, như là một sự trùng hợp… để rồi cho nó chìm sâu vào dĩ vãng, để rồi có thể chúng ta sẽ đi lệch hướng.

Một lần nọ, hai người lữ khách đi qua một khu rừng khi màn đêm buông xuống. Chỉ trong ít phút, con đường nhỏ hẹp mà họ đang đi trở nên tăm tối. Một bóng tối khủng khiếp bao trùm mọi vật. Kế đó sự việc còn tệ hại hơn, một cơn bão có sấm sét nổ ra trong khu rừng. Ánh sáng của chớp lóe lên kèm theo những tràng sấm làm rung chuyển mặt đất dưới chân họ. Mưa đổ xuống như trút nước trên người họ. Cây cối rung chuyển một cách nguy hiểm.

Người thứ nhất coi cơn bão như một tai họa ghê gớm. Mỗi khi có chớp lóe ra, anh ta nhìn lên bầu trời và nguyền rủa. Kết quả là anh ta đi chệch khỏi con đường và lạc vào rừng.

Người thứ hai trái lại coi cơn bão như là một ơn lành hóa trang. Mỗi lần tia chớp lóe lên, soi sáng một đoạn đường trước mặt anh, và do đó anh có thể tiến lên từng bước một. Luôn giữ đầu cúi xuống sẵn sàng nhìn cho rõ, anh vẫn luôn theo đúng con đường. Và cứ thế, bước đi từng bước một, anh theo con đường để ra khỏi khu rừng.

Mỗi người chúng ta cần có thái độ Chúa vậy, để nhận ra sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta hiểu lời Chúa, và sống lời Chúa trong cuộc đời của mình, cũng như nhận ra những dấu chỉ mà Chúa gởi đến để thay đổi chính mình.

Chúng ta hãy để ý không phải khi đã có Chúa Thánh Thần là ta biết mọi chuyện, chúng ta thông thái, chúng ta thông minh trở thành thiên tài, bởi cũng tùy vào khả năng của mỗi người chúng ta mà Chúa Thánh Thần tác động, nói như thánh Phaolo đã nói: “Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1Cr 3,2-3).

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cuộc đời của chúng ta. Amen.

Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh
(Cv 18,9-18; Ga 16,20-23)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tiên báo với các môn đệ rằng, các ông sẽ phải khóc lóc, than van và lo buồn. Tại sao phải khóc lóc, than van đau buồn? Chúa nói tiếp: “Bấy giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.”

Như vậy, lý do của sự khóc lóc, than van và lo buồn chính là sự vắng mặt của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Chúng ta hãy nhớ là vắng mặt Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta khóc lóc lo buồn.

Nghĩa là Chúa muốn các môn đệ của Chúa ngày xưa, cũng như mỗi người chúng ta ngày nay, hiểu được rằng ngoài Chúa ra, chúng ta không phải lo buồn khóc lóc về bất cứ điều gì cả, bởi những thứ khác chỉ là tạm bợ, Chúa mới là tất cả, có Chúa là có tất cả, còn những thứ khác có cũng được không có cũng không sao.

Nhưng để có được tâm trạng này chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa, yêu rồi chúng ta mới có thể làm được tất cả, yêu rồi mới cảm thấy sự mất mát khi người mình yêu ra đi.

Bên cạnh đó khi yêu, người ta sẽ có thể sẵn sàng hy sinh cho nhau, lúc đó sự hy sinh sẽ tạo nên niềm vui đích thực, niềm vui vì thấy người mình yêu được hạnh phúc.

Trong một lớp học, thầy giáo kể câu chuyện như thế này:

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng đang rất vất vả dìu nhau đến chỗ có thuyền cứu hộ. Bấy giờ trên thuyền cứu hộ chỉ còn lại duy nhất một chỗ. Người chồng đã vội leo xuống thuyền cứu hộ, bỏ lại vợ trên boong tàu. Bấy giờ người vợ đứng trên con tàu sắp chìm, hét to lên với chồng một câu…

Kể đến đây, thầy giáo hỏi: “Các em đoán xem, bà vợ đã hét lên câu gì?”

Tất cả học sinh đều rất phẫn nộ với hành động ích kỷ của người chồng đã không nhường chỗ duy nhất trên thuyền cứu hộ cho vợ. Mọi người đều đồng ý với câu: “Anh là kẻ khốn nạn! Em hận anh. Em đã nhìn nhầm người rồi!”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một học sinh vẫn giữ im lặng, liền hỏi ý kiến của em. Bấy giờ em học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người vợ đã nói: Hãy chăm sóc tốt cho con của chúng ta anh nhé!”

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em đã nghe qua câu chuyện này rồi ư?”

Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.” Thầy giáo xúc động: “Em đã trả lời rất đúng!”

Người đàn ông sau khi được cứu sống đã trở về nhà, một mình nuôi dạy con gái khôn lớn. Nhiều năm sau, ông ta đã mắc bệnh và qua đời. Người con gái khi sắp xếp kỷ vật của cha đã phát hiện ra quyển nhật ký của ông. Hóa ra, do mẹ mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối và đã bị bệnh viện từ chối. Bác sĩ cho biết chị chỉ còn sống được ba tháng.

Người chồng đã nhờ người thân trông coi con nhỏ ở nhà để đưa vợ đi du lịch lần cuối trước khi chết. Do đó khi con tàu gặp nạn, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành cơ hội sống duy nhất. Trong nhật ký bố viết: “Khi ấy anh ước gì anh và em đều cùng nhau chìm xuống đáy biển. Nhưng anh không thể làm như vậy vì con gái chúng ta. Anh đành phải để mình em chết thôi. Cho anh xin lỗi em nhé!”

Câu chuyện này cho chúng ta thấy người mẹ vì yêu thương đứa con, nên đã hy sinh mạng sống của mình để người chồng ở lại chăm sóc cho đứa con bé nhỏ của mình.

Cũng vậy, nếu có lòng yêu mến Chúa, mất Chúa chúng ta sẽ buồn, còn nếu không thì dù có mất Chúa hay không mất Chúa chẳng có gì là quan trọng, và chúng ta thấy nhiều người ngày nay đang sống trong tâm trạng đó, có Chúa cũng được, không có Chúa cũng chẳng sao.

Xin cho mỗi người chúng ta biết thay đổi cái nhìn của mình để có lòng khao khát, biết đau buồn khi mất Chúa, và vui mừng khi gặp được Chúa. Amen.

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh
(Cv 18,23-28; Ga 16,23b-28)

Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”

Chúa Giêsu nói cứ xin Chúa Cha nhân danh của Ngài đi, thì sẽ có niềm vui và niềm vui sẽ được trọn vẹn, vậy chúng ta cần xin Chúa Cha điều gì để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn?

Chúng ta hãy nhớ có lần các môn đệ của Chúa Giêsu xin Ngài dạy cho các ông cầu nguyện, thì Chúa Giêsu đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Rồi khi bước vào vườn cây dầu Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38).

Vậy Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện điều gì để khỏi sa chước cám dỗ? Thưa chúng ta có thể hiểu là Chúa dạy các môn đệ hãy cầu nguyện để cho mình khỏi sa chước cám dỗ, như vậy thôi.

Cũng vậy, để có thể có được niềm vui trọn vẹn thì các môn đệ của Chúa phải xin Chúa cho mình có được niềm vui trọn vẹn. Vậy niềm vui trọn vẹn này là gì để mà biết cầu xin?

Chúng ta nhớ lại Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,9-11).

Hay câu chuyện thắc mắc về việc ăn chay: “Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,14-15).

Như vậy, chúng ta thấy niềm vui trọn vẹn là niềm vui có Chúa, là niềm vui được ở trong tình yêu của Chúa, khi có Chúa là có niềm vui dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

Hiểu được như vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có được niềm vui trọn vẹn là được ở trong tình yêu của Chúa, khi chúng ta cầu nguyện như vậy chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời mỗi người chúng ta.

Bên cạnh đó, khi có được niềm vui trọn vẹn là được ở trong tình yêu của Chúa, thì chúng ta được mời gọi phải yêu thương nhau, chúng ta yêu thương nhau để giúp cho người khác cũng được ở trong tình yêu của Chúa, đó là sứ mạng mà Chúa muốn trao phó cho mỗi người chúng ta. Amen.

nguồn: WGPMT