Kinh Truyền Tin (CN XXII Thường niên C): Tiến qua “cửa hẹp” bằng việc phục vụ Chúa và tha nhân

0
19

Kinh Truyền Tin (CN XXII Thường niên C): Tiến qua “cửa hẹp” bằng việc phục vụ Chúa và tha nhân

Trưa Chúa nhật ngày 21 tháng Tám năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với khoảng 5.000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài bày tỏ lo âu về tình trạng tại Nicaragua, với những vụ bắt bớ giám mục và các linh mục, đồng thời kêu gọi đối thoại để đạt tới sự sống chung hòa bình.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha trình bày suy niệm về bài Tin mừng theo thánh Luca trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXI thường niên năm C, trong đó Chúa Giêsu trả lời thắc mắc: phải chăng chỉ một số ít người được cứu rỗi?

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Trong bài Tin mừng của phụng vụ hôm nay, có người kia hỏi Chúa Giêsu: “Chỉ có một số ít người được cứu thoát hay sao?”, và Chúa trả lời: “Các con hãy cố gắng đi vào cửa hẹp” (Lc 13,24). Cửa hẹp là một hình ảnh có thể làm cho chúng ta kinh hãi, như thể ơn cứu độ chỉ được dành cho một số ít người được chọn hoặc cho những người trọn lành. Nhưng điều này trái ngược với điều Chúa Giêsu đã dạy trong nhiều dịp; và thực vậy, trước đó một chút, Chúa quả quyết: “Họ sẽ đến từ đông và tây phương, từ bắc và nam, và sẽ ngồi vào bàn trong Nước Thiên Chúa” (v.29). Vì thế, cửa đó là hẹp, nhưng mở ra cho tất cả mọi người!

Cửa hẹp là gì?

“Để hiểu rõ hơn, cần tự hỏi xem cửa hẹp này là gì? Chúa Giêsu rút từ hình ảnh đời sống thời đó và có lẽ nói về sự kiện, khi tối đến, các cửa của thành phố bị đóng lại và chỉ còn một cửa mở, cửa nhỏ và hẹp nhất: để trở về nhà, chỉ có thể đi qua cửa đó.

Vì thế, chúng ta hãy nghĩ đến điều Chúa Giêsu nói: “Thầy là cửa: nếu ai vào qua Thầy thì sẽ được cứu thoát” (Ga 10,9). Người muốn nói với chúng ta rằng để đi vào trong cuộc sống của Thiên Chúa, trong ơn cứu độ, thì cần đi qua Chúa, đón nhận Chúa và Lời Người. Giống như để vào trong một thành, thì cần làm sao để có thể đi qua cửa hẹp duy nhất còn mở; vì thế đời sống của tín hữu Kitô là một cuộc sống theo “mẫu mực Chúa Kitô”, dựa trên và mô phỏng theo Chúa. Điều này có nghĩa là: Chúa Giêsu và Tin mừng của Người chính là mực thước, chứ không phải khuôn mẫu mà chúng ta nghĩ, trái lại phải như điều Chúa dạy chúng ta. Và vì thế, đó là một cửa hẹp không phải vì chỉ dành cho một số ít, nhưng vì thuộc về Chúa Giêsu có nghĩa là đi theo Chúa, dấn thân sống trong tình thương, trong việc phục vụ và hiến thân như Chúa đã làm, là tiến qua cửa hẹp của thập giá. Bước vào trong dự phóng cuộc sống mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta đòi phải thu hẹp không gian của ích kỷ, giảm bớt sự tự mãn tự phụ, hạ thấp sự kiêu căng cao ngạo, vượt thắng sự lười biếng để tiến qua rủi ro của tình yêu, cả khi điều này bao gồm thập giá.

Cách thức cụ thể để tiến qua cửa hẹp

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Cụ thể chúng ta hãy nghĩ đến những cử chỉ tình thương thường nhật mà chúng ta vất vả thi hành: nghĩ tới các cha mẹ tận tụy lo cho con cái, hy sinh từ bỏ thời gian cho bản thân; nghĩ tới những người săn sóc người khác và không phải chỉ lo cho tư lợi; nghĩ đến những người xả thân phục vụ những người già, những người nghèo nhất và yếu nhất; đến người dấn thân làm việc, chịu đựng những cơ cực và nhiều khi cả những hiểu lầm; đến người chịu đau khổ vì đức tin, nhưng tiếp tục cầu nguyện và yêu thương; nghĩ đến những người, thay vì sống theo bản năng, thì lấy thiện báo ác, tìm ra sức mạnh để tha thứ và can đảm bắt đầu lại. Đó chỉ là vài thí dụ về những người không chọn cửa rộng thoải mái cho mình, nhưng chọn cửa hẹp của Chúa Giêsu, một đời sống xả thân vì yêu thương. Chúa nói: hôm nay những người ấy sẽ được Chúa Cha nhìn nhận nhiều hơn những người tưởng mình đã được cứu thoát, và trong thực tế, họ là những người “thực thi bất công” (Lc 13,27).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta muốn chọn đứng về phía nào? Phải chăng chúng ta thích con đường dễ dàng chỉ nghĩ đến mình hay là chọn cửa hẹp của Tin mừng, gây khủng hoảng cho những ích kỷ của chúng ta nhưng làm cho chúng ta có thể đón nhận sự sống thực đến từ Thiên Chúa? Chúng ta đứng về phía nào?

Xin Đức Mẹ, người đã theo Chúa Giêsu đến tận thập giá, giúp chúng ta đo lường cuộc sống chúng ta theo Chúa, để bước vào đời sống sung mãn và đời đời”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha nhắc đến tình trạng căng thẳng tại Nicaragua và nói:

Tôi lo âu và đau buồn theo dõi tình hình tại Nicaragua, liên quan đến nhân sự và các tổ chức. Tôi muốn bày tỏ xác tín và mong ước của tôi, theo đó nhờ một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, vẫn còn có thể tìm ra những căn bản cho cuộc sống chung hòa bình và tôn trọng nhau. Tôi cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ rất thanh khiết, soi sáng cho tâm hồn của mọi người ý chỉ cụ thể.

Trong phần chào thăm các tín hữu hiện diện tại quảng trường, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các chủng sinh của Chủng viện Bắc Mỹ ở Roma. Các thầy từ các giáo phận ở Mỹ đến đây để chuẩn bị bắt đầu năm học mới. Ngài nói: “Tôi nhắn nhủ các thầy hãy dấn thân tinh thần và trung thành với Tin mừng và Giáo hội. Tôi cũng chào thăm đoàn trinh nữ thánh hiến và khích lệ các chị làm chứng trong vui tươi về tình thương của Chúa Kitô.

Sau cùng, Đức Thánh cha kêu gọi các tín hữu hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhân dân Ucraina tiếp tục là nạn nhân của một sự độc ác khôn tả. Đức Thánh cha không quên thân ái chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma và các nước khác. Ngài chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

nguồn:vietnamese.rvasia.org

#kinhtruyentin #kinhtruyentinvoiducthanhcha