Số phận ngôn sứ của Đức Chúa – Suy niệm Chúa nhật IV thường niên- C

0
20

Số phận ngôn sứ của Đức Chúa – Suy niệm Chúa nhật IV thường niên- C

Có nhiều loại ơn gọi: có ơn gọi dành cho hết mọi người, có ơn gọi chỉ dành cho một số ít người; có ơn gọi cho cả đời người. Giêrêmia đã được Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri cho nhiều dân tộc. Ông kể: “Trong thời vua Giosia, lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc” (Gr 1,4-5).

Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với dân Ngài, chúng ta không thể không nhắc đến những vị ngôn sứ, những người được Thiên Chúa chọn gọi để loan báo cho dân Chúa biết được chương trình và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Các ngài là những vị đại diện của Thiên Chúa để đồng hành với dân, hướng dẫn và bảo vệ dân, nhắc nhở dân không lạc vào con đường gian tà tội lỗi, nhưng luôn sống đời công chính, trung thành với giao ước đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân, đặc biệt là sự chuẩn bị để đón Đấng Mêsia ngự đến. Ơn gọi ngôn sứ cao cả đấy, nhưng cũng đầy những hy sinh đau khổ, những trái ý, những thập giá trong cuộc đời thi hành sứ vụ của mình. Giêrêmia là một nhân chứng (x. Gr 20, 7-18).

Giêrêmia, vị ngôn sứ bị chống đối

Giêrêmia là chứng nhân của một thời đại quyết liệt. Đời sống của ông gắn liền nước Giuđa gần bốn mươi năm (626 – 587 trước CN). Với một sứ mạng cao cả và gian nan. Giêrêmia là một ngôn sứ thi hành sứ mạng trong một bối cảnh rất phức tạp về mặt tôn giáo, chính trị và xã hội, vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ông đã gặp nhiều đau khổ, vì bị nghi kỵ, chống đối và ngược đãi. Trong khi thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, Giêrêmia gặp phải toàn những chống đối, hắt hủi và bắt bớ cách dữ dội, vì phải nói lên những lời của Chúa cho dân Người. Mà lời của Chúa là những lời lên án, đe dọa và nhắm thẳng đến đời sống luân lý của dân, nên người ta không dễ gì đón nhận: “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Gr 20,8b). Đang trong lúc buồn phiền thì lời Đức Chúa lại cứ như ngọn lửa thiêu đốt tận xương tủy, khiến Giêrêmia không chịu nổi: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,9b). Lời Thiên Chúa có một sức mạnh mà con người không thể chống lại nổi. Chúa đã khích lệ ông và bảo đảm với ông: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi nhưng không làm gì được, vì có Ta ở với người để giải thoát ngươi”. Chúa đã giữ lời hứa với vị Ngôn sứ, giúp cho sứ mạng của ông sinh hoa kết trái.

Đức Giêsu là Giêrêmia mới

Khởi đầu thi hành sứ vụ Thiên sai của Chúa Giêsu với những việc như chữa lành những người bị quỉ ám, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, nhìn chung là vui mừng và sung sướng; mọi người đều …thán phục Người; các thần ô uế phải vâng lệnh Người, danh tiếng Chúa lan truyền khắp nơi.

Hôm nay Chúa Giêsu đã trở lại Nagiarét trong một tư cách hoàn toàn mới: Chúa Giêsu vào hội đường đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4,21), khiến cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Ðiều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, “mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra” (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói : “Ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ” (Ðức Giêsu thành Nagiarét, 11). “Người này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiaret có thể có khát vọng gì đây? Chúa Giêsu bị chống đối. Sứ mạng của Chúa Giêsu vừa huy hoàng vừa gian nan. Người được người ta tung hô, ca tụng, nhưng cũng bị người ta chống đối, sỉ nhục như ngôn sứ Giêrêmia.

Vừa được ca ngợi, vừa bị phê phán, đó là thân phận chung của các ngôn sứ. Chúa sai các ngài đi để thông truyền sứ điệp của Chúa, kêu gọi dân từ bỏ đường tà, trở về với Chúa trong đường ngay nẻo chính. Hầu hết các vị ngôn sứ trong Cựu ước đều gặp phải những chống đối gay gắt, nhiều vị đã bị giết chết. Chúa Giêsu cũng đã phải chấp nhận thân phận của một ngôn sứ, giống như các ngôn sứ thời Cựu ước. Người ta phải tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại khơi dậy sự đổ bể ấy? Thưa, Chúa Giêsu đã không đến để tìm sự đồng ý của loài người. Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chân lý, sẵn sàng trả giá.

Sứ mạng và ơn gọi của người Kitô hữu chúng ta  

Nếu chúng ta có ơn gọi làm ngôn sứ, để chu toàn sứ mạng cao cả này, chúng ta gặp những khó khăn là cái chắc. Có người đặt câu hỏi: “Tại sao Đạo Chúa dạy những điều tốt lành như vậy, mà vẫn có ít người theo, thậm chí còn có người chống đối?” Điều đã xảy đến với các ngôn sứ, đã xảy ra đối với Chúa Giêsu, rồi trong suốt lịch sử Giáo Hội đến chúng ta hôm nay, sẽ đến với những ai là ngôn sứ, chúng ta phải chấp nhận. Cuộc tranh đấu giữa Sự thật và sự gian dối, giữa Ánh sáng và tối tăm, giữa Yêu thương và thù hận, luôn là cuộc giằng co khốc liệt. Chúa mời gọi chúng ta làm sao để Tình yêu chiến thắng hận thù, Ánh sáng chiến thắng tối tăm và Sự thật chiến thắng gian dối. Như thế, trong cuộc sống trần gian hôm nay, chúng ta sẽ trở thành những ngôn sứ của tình thương.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ