Tin và bước theo Chúa Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh – Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XXIV thường niên B
Dung mạo một Vì Thiên Chúa, Đấng Mêssia dưới dáng dấp của “Người Tôi Tớ đau khổ” như Isaia mô tả được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chịu đau khổ, chịu đóng đanh, chết vì chúng ta và đã sống lại để cứu chuộc chúng ta.
Người Tôi Tớ đau khổ
Hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ” bị chống đối: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Chịu đau đớn trong thân xác như: bị đánh vào lưng, bị giật râu, vừa đau lại vừa nhục (x. 2Sm 10,4), bị khạc nhổ vào mặt (x. Ds 12,14). Tất cả như báo trước về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, vị ngôn sứ thành Nagiarét phải mang lấy vào thân và hiện thực nơi Người.
Đức Giêsu Kitô chính là “Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa”, chứ không ai khác. Người là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa tuyển chọn, tự nguyện gánh tội trần gian, dùng chính cái chết của mình làm lễ giao hòa, hầu muôn dân được ơn tha tội.
Bước theo Đức Kitô khổ nạn và phục sinh
Vỗn dĩ là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ và cái chết, không có nghĩa là Người tìm kiếm đau khổ cho mình. Người chịu như thế là vì vâng phục Chúa Cha, để cứu chuộc chúng ta như Thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3).
Suốt ba năm công khai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã nhiều lần báo cho các môn đệ biết trước về số phận cứu thế của mình rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mc 8,31-33). Lần khác khi tụ họp tại Galilêa, Đức Giêsu cũng tỏ cho họ biết: “Con Người sắp bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mc 9,30-32). Lúc sắp lên Giêrusalem, dọc đường Đức Giêsu nói riêng với Nhóm Mười Hai: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và ký lục; người ta sẽ lên án tử hình cho Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại, và người ta sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ trên Người, đánh đòn Người và giết đi, và ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34).
Tất cả những gì các ngôn sứ viết về Người Tôi Tớ đau khổ, Đức Giêsu sẽ là người thực hiện. Nhưng các môn đệ đâu có hiểu, vì họ cũng như tất cả những người Do Thái thời đó đang trông chờ một Đấng Cứu Thế chính trị, nổi lên lãnh đạo dân Do thái đánh đuổi đế quốc Roma, thống trị các dân nước và khôi phục vương quốc nhà Đavít. Đức Giêsu Kitô, Đấng hoàn toàn thánh thiện và vô tội, đã tự nguyện gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian và chấp nhận cái chết bất công hổ nhục để cứu chuộc muôn người. Tại Giêrusalem, ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô được đầy ơn Chúa Thánh Thần đã công khai loan báo: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Cv 2,23-24). Đó là Tin Mừng và là đức tin Giáo Hội tiếp tục rao giảng cho muôn dân cho đến ngày tận thế.
Tin và thực hành
Tin Mừng hôm nay mô tả một hoàn cảnh đặc biệt. Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô “là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 8,29). Liền sau đó, Đức Giêsu hé mở cho các môn ông hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31), làm đảo lộn tâm hồn ông, Phêrô nổi loạn. Không thế được, không thế được. Làm sao Ðấng Kitô lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Phêrô không chấp nhận con đường ấy, nên mới: “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32). Ý của Phêrô là, Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá.
Ngỏ lời với Hồng y đoàn trước khi khai mào sứ vụ ngai tòa Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, 35) là một thất bại. Nhưng khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân.
Lạy Maria, Mẹ đã sống lòng tin bằng cách trung thành theo Chúa Giêsu Con Mẹ, xin giúp chúng con bước đi trên con đường của Chúa Giêsu bằng cách quảng đại xả thân cho Chúa và cho tha nhân. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ