Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 07.12 đến ngày 12.12.2020
07.12.2020
THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG
Thánh Ambrôsiô, giám mục, TSHT
Lc 5,17-26
Lời Chúa:
“Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.” (Lc 5,17).
Câu chuyện minh họa:
Hôm nọ, ông Năm bị kỹ luật nặng tại sở làm và do đó tâm hồn ông bị tổn thương nghiêm trọng. Từ vết thương tâm hồn đó, thân xác ông bắt đầu có những biểu hiện bệnh lý: bình thường ông rất vui vẻ, cười nói huyên thuyên, hôm nay bỗng sa sầm nét mặt, lầm lì ít nói.
Mang vết thương lòng ấy về nhà, vừa bước qua ngưỡng cửa, vấp phải cái chổi nằm giữa đường, ông nổi giận co chân đá nó văng ra xa và bắt đầu mắng vợ, điều mà từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra: “Đồ làm biếng, đàn bà vô tích sự, cái chổi nằm chình ình ngay giữa phòng khách mà cũng không biết cất dọn nó đi.”
Kế đó, đứa con cưng đi học mới về, thấy mặt ba hầm hầm, vội lảng tránh qua phòng khác, không vui vẻ chào hỏi như mọi khi; ông liền quát tháo: “Nầy Thảo, mầy câm rồi ư? Sao thấy tao mà mầy không ra chào? Thầy Cô dạy mầy thế hả? Mẹ mầy dạy mầy thế hả?” Thế là chiến sự bắt đầu bùng nổ trong gia đình.
Một tổn thương trong tâm hồn có thể làm bùng lên một trận chiến trong gia đình hay trong cộng đồng ta đang sống. Sóng gió trong lòng sẽ tạo nên bão tố bên ngoài. Mất bình an nội tâm là nguyên nhân của những xung đột với những người chung quanh.
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy những sóng gió trong gia đình bắt nguồn từ những sóng gió trong tâm hồn. Vì thế, Chúa Giêsu đã chữa lành tâm hồn người bệnh trước: “tội con được tha”, để tâm hồn anh bình an và sau đó Ngài chữa bệnh thể xác cho anh.
Những người thân nhân đem người bại liệt đến với Chúa mà không sao đem đến được vì người ta đến để Chúa chữa lành quá đông, nên họ dỡ mái nhà thả người bệnh trước mặt Người để được Người chữa lành. Không cần họ nói gì nhưng Chúa hiểu rằng họ cần gì, vì Người thấu suốt những ý nghĩ thầm kín của con người. Người không những chữa lành bệnh tật nơi thể xác nhưng hơn hết căn bệnh tâm hồn họ, Người cũng chữa lành.
Những thân nhân đã giúp người bại liệt này vượt qua chướng ngại vật chất, để mang anh ta đến ánh sáng đức tin. Vì thế, chúng ta cũng cần nâng đỡ nhau, giúp nhau sống đức tin trong đời sống thường ngày bằng sự chia sẻ, những lời động viên, lời cầu nguyện…
Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đến với Chúa nhất là trong những lúc tâm hồn con đầy ngổn ngang của tội lỗi, để được Người yêu thương chữa lành.
08.12.2020
THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lc 1,26-38
Lời Chúa:
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai” (Lc 1,31).
Câu chuyện minh hoạ:
Trong một nhà thờ tại Rôma, linh mục đang cử hành thánh lễ mừng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong số các người dự lễ, có một bà già. Lễ xong, bà đến gặp vị linh mục và giao cho cha năm ngàn quan tiền Ý để xin dâng một thánh lễ. Linh mục bỡ ngỡ vì số tiền quá lớn. Bà già cắt nghĩa: đó là số tiền bà đã dành dụm trong vòng 5 tháng. Ý nghĩa của bà: Tạ ơn Chúa vì Chúa đã làm cho Đức Mẹ trở nên quá đẹp đẽ, quá tuyệt vời.
Thật thế, Đức Mẹ quá đẹp, quá tuyệt vời: ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX long trọng tuyên bố tín điều: Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta được diễm phúc Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hơn nữa, tại Lộ Đức, Đức Maria hiện ra cùng thánh Bernadette khi chị hỏi: “Thưa bà, bà là ai”. Mẹ khẳng định: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Suy niệm:
Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến với Đức Maria, với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Qua lời chào này giúp chúng ta biết rằng: nơi Mẹ Maria, ơn Chúa tràn đầy. Thật vậy, Mẹ cần được ân sủng Chúa nâng đỡ để có thể hoàn toàn tự do trong đức tin mà đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, để qua hai tiếng “Xin vâng” của Đức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, và ở giữa chúng ta.
Hơn nữa, lời chào của sứ thần Gabriel còn cho chúng ta thấy nơi Mẹ, không vương vấn tội lỗi, Mẹ được ơn Chúa gìn giữ cách riêng, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Đức Maria luôn biết vâng nghe theo ý Chúa, để Chúa làm chủ cuộc đời chúng con. Amen.
09.12.2020
THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,28-30
Lời Chúa:
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28)
Câu chuyện minh hoạ:
Một vị quan tể tướng đời Đường rất lừng danh và có lòng mộ đạo chân thành. Thầy của ông là một bậc cao tăng. Hai thầy trò rất tâm đồng ý hiệp với nhau, không phân biệt địa vị hay chức quyền. Ngày kia quan tể tướng bèn hỏi: Xin thầy giải thích kiêu căng nghĩa là gì? Thầy liền đổi sắc mặt, trợn mắt hỏi với một giọng khinh miệt: Mi hỏi ta gì đó, đồ ngu. Cử chỉ và lời nói bất ngờ ấy làm cho gương mặt quan tể tướng đỏ bừng lên. Bấy giờ vị cao tăng mới ôn tồn nói: Thưa, đó chính là sự kiêu căng đấy.
Suy niệm:
Khi đến trong trần gian, Chúa Giêsu đã mặc lấy thân phận con người như chúng ta, Người hạ mình đến với chúng ta là những con người nghèo hèn để chia sẻ kiếp người với chúng ta. Thử hỏi ai trong chúng ta dám từ bỏ địa vị của mình để sống nghèo với người anh em của mình? Chính Thiên Chúa đã làm điều đó; hơn thế nữa, Ngài im lặng để lắng nghe từng người thậm chí từng lời nhục mạ, lên án, nhạo báng… Ngài đã không ngừng cúi xuống trước những con người tội lỗi như chúng ta để nâng chúng ta lên. Thật không có một tình yêu nào cao cả hơn thế. Thông thường, con người dùng quyền hành để hành hạ nhau, loại trừ nhau, đè bẹp nhau nhưng Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài để yêu thương tha thứ và thương xót con người.
Là những môn đệ của Chúa, chúng ta hãy học nơi Ngài sự khiêm nhường, nơi đó Chúa vẫn đang hiện diện và chờ đón mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết học bài học khiêm nhường của Chúa để sức mạnh nơi Ngài lớn lên trong con, để con biết sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho nhau, sống đơn sơ, hiền lành, khiêm tốn với hết mọi người.
10.12.2020
THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,11-15
Lời Chúa:
“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11)
Câu chuyện minh hoạ:
Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang chờ đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện nơi đây.”
Suy niệm:
Thiên Chúa luôn đồng hành với con người mọi nơi mọi lúc, nhưng việc quan trọng là con người có nhận ra hay không. Tâm tình mùa vọng chúng ta chờ đợi Chúa trong sự trung tín và kiên nhẫn; và vì thế chúng ta cần phải chịu thử thách, để đức tin của chúng ta thêm trưởng thành hơn. Chúng ta muốn lãnh nhận ơn Chúa cần phải vượt qua thử thách, kiên trì, phấn đấu trong đời sống đạo để qua những khó khăn đó chúng ta thêm vững bước trên con đường nhân đức. Tuy nhiên, chúng ta đừng để lòng mình rơi vào những cám dỗ phù phiếm, những thú vui nhất thời.
Ông Gioan được coi là người cao trọng nhưng “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Biết bao người đã từng nghe Người giảng, chứng kiến phép lạ Người làm, nhưng thử hỏi có mấy ai nhận ra Ngài là “người cao trọng”. Cũng vậy, chúng ta cũng nghe Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, chứng kiến biết bao những điều kỳ diệu Chúa làm trong cuộc sống, mà đã tin theo Chúa cách trọn vẹn?
Lạy Chúa, chúng con là những người bước theo Chúa, nhưng chúng con dường như vẫn còn nhìn vào chính mình hơn nhìn vào Chúa, thế nên cuộc đời chúng con vẫn mãi trong tội lỗi. Xin Chúa thánh hoá và nâng đỡ chúng con để mỗi ngày chúng con trở nên hoàn thiện hơn trên con đường đạo đức.
11.12.2020
THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,16-19
Lời Chúa:
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? (Mt 11,16)
Câu chuyện minh họa:
Một nghệ sĩ kia có tài châm biếm, ông ta nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của người khác và đem ra làm trò cười cho mọi người. Nhưng một giấc mơ bất chợt đã làm thay đổi cách nhìn soi mói của ông.
Đêm kia, ông mơ thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, trên vai ông là một hành trang cồng kềnh và nặng trĩu, nó như muốn đè bẹp cả thân thể ông, ông xoay xở bên này bên nọ, nhưng không thấy nhẹ nhõm chút nào. Sau một lúc cố gắng, ông cảm thấy mệt nhoài và bắt đầu càu nhàu:
Hành trang này là những thứ gì mà tôi phải vác nó cực khổ thế này?
Nói dứt câu, ông nghe từ xa vọng lại:
Đó là những khuyết điểm của người khác mà con thường hay nhanh nhẹn bới móc ra. Tại sao con lại than phiền? Không phải con là người đã khám phá ra chúng sao? Chúng phải thuộc quyền sở hữu của con chứ?
Suy niệm:
Sau lời khen ngợi Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã than trách những kẻ cứng lòng tin qua hình ảnh trò chơi hát đối của trẻ em Do Thái. Chúa Giêsu đã so sánh họ với những đứa trẻ trái tính nết: “tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa”; “Tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than”.
Nhóm luật sĩ và biệt phái đã đóng lòng mình lại trước những lời dạy của Gioan Tẩy Giả vì họ cho rằng họ am hiểu Kinh thánh. Đó cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận lời giáo huấn của Giáo hội, những lời nhắc nhở khuyên răn của những người có trách nhiệm và nhất là hãy chân thành sám hối, ăn năn.
Lạy Chúa, nhiều khi chúng con cũng như những đứa trẻ trái tính nết, chỉ làm theo ý riêng mình, không tìm thánh ý Chúa và thi hành ý Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống theo ý Chúa để chuẩn bị tâm hồn thật tốt để đón mừng mầu nhiệm Con Chúa làm người. Amen.
12.12.2020
THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 17,10-13
Lời Chúa:
“Thầy nói cho anh em biết: Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,12).
Câu chuyện minh hoạ:
Một thanh niên làm việc tại cửa hiệu tạp phẩm sau những giờ học ở trường. Ngày kia, một khách hàng bước vào, và sau khi mua một ít trái cây, ông nói nhỏ:
– Thêm ít trái nữa! Cậu trai ở đây trước kia thường đưa nhiều hơn để được thêm tiền.
Nhưng tôi không thể làm thế. Chủ tôi không chấp nhận.
Nhưng ông chủ không có ở đây.
Có, ông ở đây. Chủ tôi luôn có mặt. Ông biết, tôi là một Kitô hữu!
Suy niệm:
Người Do Thái tin ngôn sứ Ê-li-a sẽ trở lại trần gian để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Do đó, trong biến cố Đức Giêsu biến hình, các tông đồ ngạc nhiên vì Êlia chỉ đến trong chốc lát rồi biến đi ngay, các ông đem chuyện này hỏi Người: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?” (Mt 17,10). Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự” (Mt 17,11). Đức Giêsu giải thích về sự hiện diện của Êlia để làm chứng về sự xuất hiện và sứ vụ cứu thế của Người. Thế nhưng, có rất nhiều người lại không đón nhận.
Ông Gioan đã làm nhiệm vụ cao cả, làm tiếng hô vang giúp mọi người sám hối ăn năn bằng lời giới thiệu và bằng chính đời sống của ông. Mỗi chúng ta cũng hãy làm tiền hô cho Chúa qua đời sống đức tin hằng ngày của mình, để khi Đấng Cứu Thế đến, nhiều người tin và theo Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con luôn can đảm sống theo những đòi hỏi của Chúa, dù đó là điều trái nghịch với ý muốn của con, để nhờ đó con đạt được niềm vui bất tận là chính Chúa. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho