Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi- Suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi-C
Linh mục, nhạc sĩ Thái Nguyên đã sáng tác bài hát “Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi”, trong đó có đoạn: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm tình yêu cao vời, ai người nào đâu suy thấu, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tác thành dựng sinh muôn loài, cho con người chan chứa niềm vui”. Vâng, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo và cũng là mầu nhiệm khó hiểu nhất. Tuy nhiên mầu nhiệm đó lại rất gần gũi với chúng ta. Thánh Augustinô đã miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhưng chẳng có kết quả gì. Mặc dù không thể hiểu biết thấu đáo, nhưng thánh nhân có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cuối cùng ngài thốt lên: “Ai có tình yêu sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Vì vậy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tuy cao vời nhưng không phải là không vươn tới được, tuy sâu xa nhưng không phải là không cảm nghiệm được: “Ai có tình yêu sẽ thấy Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Trong đoạn Tin Mừng năm C Gioan 16, 12-15 cho chúng ta thấy sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Con đón nhận và loan báo mọi sự cho nhân loại từ Chúa Cha, nhưng chính Chúa Thánh Thần mới dẫn dắt chúng ta đến sự thật toàn vẹn: “Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga16, 15).
Phụng vụ lời Chúa hôm nay được sách Giáo Lý Công Giáo tóm tắt như sau: “Mầu Nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống kitô hữu, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mặc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GLHTCG, 261). Mầu nhiệm này được thánh Grêgôriô diễn tả như sau: “Ba Ngôi vô cùng, kết hợp với nhau vô cùng. Nếu xét riêng, mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa. Nếu suy tưởng một trật, Ba Ngôi vẫn là một Thiên Chúa… Tôi vừa suy tưởng đến Thiên Chúa Duy Nhất, thì lập tức hào quang của Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi vừa bắt đầu phân biệt Ba Ngôi, thì bị kéo trở lại Thiên Chúa duy nhất”.
Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là mầu nhiệm, vì sự thật về Thiên Chúa thì con người chỉ hiểu biết tùy theo khả năng Chúa ban cho. Tuy nhiên: “Những ai có tình yêu sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của “tình yêu hiệp thông”. Không thể nào chỉ có hai ngôi trong một Thiên Chúa. Không thể nào có một ngôi hành động trong khi hai ngôi kia “nghỉ ngơi”, mà Ba Ngôi luôn luôn hiệp thông với nhau, cùng nhau hành động, và hành động trong sự hiệp nhất. Chúng ta nhận thấy tình yêu hiệp thông đó rõ nét nơi đời sống của chính chúng ta, nơi gia đình, và nơi Hội Thánh.
Tình yêu hiệp thông của Chúa Ba Ngôi nơi bản thân khi chúng ta biết hiệp thông với anh chị em mình. “Không ai là một hòn đảo”, và “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?”. Tuy nhiên chúng ta phải thành tâm nhìn nhận những lần chúng ta thiếu hiệp thông với người khác qua lời nói, nhất là những lời nói sau lưng nhằm gây sự chia rẽ, nhằm tìm kiếm những người “cùng phe” với mình. Những lần hai ba người chúng ta cười ha hả vì người khác đã bị hạ bệ, vì người khác rơi vào thế “kẹt”. Xin Chúa Ba Ngôi tha thứ cho chúng con.
Tình yêu hiệp thông của Chúa Ba Ngôi nơi gia đình khi chúng ta biết cùng nhau chung xây hạnh phúc. Gia đình là hình ảnh diễn tả về Chúa Ba Ngôi một cách sống động nhất. Không thể nào một người cha có mặt cũng được, không có mặt cũng được trong gia đình; nhiều khi không có mặt thì tốt hơn, để rồi cứ la cà hết chỗ này tới chỗ nọ để nhậu nhẹt, đánh cờ, đá gà, cá độ… Không thể nào một người mẹ lại trở thành vai trò thứ yếu trong gia đình, để suốt ngày trốn chui, trốn nhũi trong sòng bài, hoặc tụ tập đâu đó để nói chuyện của người khác. Không thể nào một đứa con lại nói rằng: “ổng bả có thương tui đâu, ở nhà chi cho bị chửi”, để rồi suốt ngày chơi game hoặc lập băng nhóm làm chuyện xấu… nhưng mỗi thành phần trong gia đình phải là cột trụ để xây nên một mái nhà hạnh phúc, theo lời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong đại hội gia đình thế giới năm 2012 tại Italia: “Không chỉ có Giáo hội mà cả các gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân giữa người nam và người nữ, cũng được mời gọi trở thành hình ảnh của Thiên Chúa độc nhất trong Ba Ngôi”
Tình yêu hiệp thông của Chúa Ba Ngôi nơi họ đạo được thể hiện qua việc mỗi thành phần trong và mỗi người đều có bổn phận góp phần xây dựng họ đạo mình thành một cộng đoàn đức tin và tình mến. Tin vào Thiên Chúa và yêu thương anh chị em. Bất cứ một cá nhân nào muốn phá hủy sự hiệp thông trong cộng đoàn họ đạo, hoặc chỉ tìm ích lợi cho bản thân mình trong việc phục vụ đều là tay sai của ma quỷ.
Kế đến, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của tình yêu trao ban. Khi yêu thương, con tim chúng ta sẽ hướng ra bên ngoài, giống như tình yêu Thánh Tâm Chúa mà Giáo hội mừng kính trong tháng Sáu này. Khi yêu thương, người ta sẽ trao tặng nhau những gì quý giá nhất. Chính Chúa Cha đã làm gương cho chúng ta trước về điều đó: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”. Không phải chỉ là cho những gì dư thừa, hay cho một cái gì ở bên ngoài, nhưng là trao ban một điều thân thiết và quý báu nhất. Điều quý báu nhất của Chúa Cha chính là Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng vì yêu thương nên đã trao ban điều quý giá nhất cho con người chúng ta. Điều quý giá nhất nơi Ngài chính là mạng sống của Ngài: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của Người thí mạng sống của mình vì bạn hữu”.
Đối với Thiên Chúa, yêu thương là trao ban. Chúng ta là những môn đệ của Ngài, chúng ta cũng phải biết trao ban để yêu thương. Trong cuộc sống gia đình, tình yêu thương trao ban được thể hiện rõ nét nhất, vì hai vợ chồng trao cho nhau tất cả: thân xác, cuộc sống, hiện tại, tương lai, lo toan, vất vả… Trong cuộc sống hằng ngày, tình yêu thương trao ban được thể hiện qua việc biết cho nhau những gì tốt đẹp nhất: một suy nghĩ tốt về nhau, một lời nói tốt với nhau, một hành động tốt cho nhau. Đôi khi chỉ là một nụ cười chia sẻ, một ánh mắt cảm thông, một lời nói an ủi… Tình yêu thương không ở đâu xa, nhưng ở ngay trong con người chúng ta.
Trong trận lốc xoáy kinh hoàng vừa diễn ra tuần rồi ở nước Mỹ, một cô giáo người Mỹ gốc Việt đã được vinh danh vì cô đã dám lấy thân mình che chở, bao bọc cho 3 em học sinh trong đống đổ nát. Đó là một tình yêu trao ban. Chúng ta hãy nhìn lại tình yêu trao ban của mình đến mức nào. Đã dám cho người khác những gì quý giá nhất của mình chưa hay chỉ là cho những thứ dư thừa? Đã dám hy sinh phục vụ chưa hay chỉ là ban phát như một thứ ân lộc của mình?
Tóm lại, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu, một tình yêu hiệp thông và trao ban. Hiệp thông với Thiên Chúa, với mọi người. Trao ban cho Giáo Giáo Hội và anh chị em chúng ta.
Cuối cùng chúng ta hãy hiệp ý với chân phước Êlisabet Chúa Ba Ngôi để dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Ba Ngôi, xin giúp con quên hẳn mình đi để an nghỉ trong Chúa, bất động và thanh thản như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng; xin đừng để điều gì có thể quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng Bất Biến của con! Mỗi giây phút xin đem con vào sâu hơn nữa trong mầu nhiệm thẳm sâu của Chúa. Xin ban bình an cho linh hồn con; xin biến linh hồn con thành thiên đàng của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn