HOLGUÍN. Trong thánh lễ thứ hai tại Cuba, cử hành trước sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu tại thành phố Holguín, ĐTC kêu gọi các tín hữu hoán cải theo gương thánh Mathêu và các linh mục hãy luôn dịu dàng và ban ơn tha thứ.
Ảnh: AP
Sáng thứ hai 21-9-2015, ĐTC đã tiến sang giai đoạn thứ 2 trong cuộc viếng thăm mục vụ 3 ngày tại Cuba. Ngài giã từ thủ đô La Habana, đáp máy bay tiến về thành phố Holguín, cách đó 700 cây số và đến nơi vào lúc gần 9 giờ rưỡi sau hơn 1 giờ bay.
Holguín là thành phố đứng thứ 3 ở Cuba xét về dân số, với 1 triệu rưỡi dân cư, do nhà chinh phục García Holguín người Tây Ban Nha thành lập hồi năm 1454, và mang danh là thành phố các công viên, vì tại đây có nhiều quảng trường và những đại lộ có nhiều cây cối. Giáo phận tại đây có hơn 440 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 27% dân số, với 28 giáo xứ, 56 giáo họ có thánh đường, và chỉ có 33 linh mục.
Các tín hữu Công Giáo tại đây rất hãnh diện vì chính các ngư phủ hồi thế kỷ 16 đã tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái mỏ đồng bổn mạng của Cuba khi họ đánh cá ở vinh Nipe, ngoài khơi tỉnh Holguín. Ngoài ra, các nhà truyền giáo cũng đến vịnh Bariay ở địa phương để khởi sự công trình truyền giáo Mỹ châu. Thực vậy, Cristoforo Colombo đã đổ bộ lên nơi ngày nay gọi là Cảng Chúa Cứu Thế hồi năm 1492. Tại Quảng trường cách mạng mang tên Calixto García Iniguez, vào lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC đã cử hành thánh lễ, lễ kính thánh Mathêu Tông Đồ trước sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu. Cho đến nay Quảng trường này chỉ được dùng vào các mục tiêu chính trị và xã hội, nhưng đây là lần đầu tiên một lễ nghi tôn giáo được cử hành tại đây.
Các tín hữu, từ Holguín và các giáo phận lân cận đã đến tham dự thánh lễ ĐTC cử hành lúc 10 giờ rưỡi, lễ kính thánh Mathêu Tông Đồ. Đồng tế với ngài còn có các GM và hàng trăm linh mục Cuba.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt quảng diễn sự tích Chúa Giêsu kêu gọi ông Mathêu người thu thuế, người bị dân Do thái coi là kẻ tội lỗi công khai, kẻ phản bội vì thu thế cho kẻ thống trị. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn ông, chạnh lòng thương và kêu gọi ông. Sự tích này cũng là khẩu hiệu GM và Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô. Ngài nói:
”Chúa Giêsu dừng lại, ngài không vội vã đi qua, Ngài bình tĩnh chậm rãi nhìn Mathêu. Cái nhìn của Chúa với đôi mắt từ bi thương xót; Chúa nhìn ông như chưa bao giờ có người nào trước đó nhìn ông như vậy. Và chính cái nhìn ấy đã mở con tim của ông, làm cho tâm hồn ôn được tự do, được chữa lành, Ngài ban cho ông một niềm hy vọng, một đời sống mới, như Zakêu, như Bartimeo, Maria Madalena, như Phêrô và mỗi người chúng ta..
Đó cũng là lịch sử bản thân mỗi người chúng ta; như bao nhiêu người khác, mỗi người chúng ta có thể nói: Tôi cũng là một người tội lỗi mà Chúa Giêsu nhìn đến. Tôi mời gọi anh chị em, ở nhà hay ở nhà thờ, hãy dành một lúc thinh lặng để nhớ lại với lòng biết ơn và vui mừng trường hợp đã xảy ra, lúc mà cái nhìn từ bi của Thiên Chúa đặt trên cuộc sống của chúng ta”.
Sau khi nhìn Mathêu với lòng thương xót, Chúa gọi ông: ”Hãy theo tôi”, và ông đứng lên theo Ngài. Sau cái nhìn là lời nói của Chúa Giêsu. Sau tình thương là sứ mạng. Matheu không còn như trước nữa, ông đã thay đổi trong nội tâm. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, với lòng yêu thương từ bi của Chúa, đã biến đổi ông. Ông bỏ lại bàn thu thế, tiền bạc, tình trạng bị gạt ra ngoào. Trước kia ông ngồi đó để thu thuế, để lấy của người khác; giờ đây với Chúa Giêsu, ông phải đứng lên để cho đi, để tặng, để hiến thân cho tha nhân… Cái nhìn của Chúa Giêsu đã tạo nên một hoạt động thừa sai.
ĐTC nhận xét rằng Chúa Giêsu đi trước, mở đường cho chúng ta, mời gọi chúng ta theo ngài. Ngài mời gọi chúng ta từ từ tiến bước, vượt lên trên mọi thành kiến của chúng ta, vượt lên sự kháng cự không muốn thay đổi của người khác và cả chúng ta nữa. Chúa thách thức chúng ta ngày qua ngày: con có tin không? Con có tin là một người thu thuế có thể trở thành một người phục vụ hay không?.. Chúng ta hãy để cho Chúa nhìn chúng ta trong kinh nguyện, trong Thánh Lễ, trong việc xưng tội, trong các anh chị em của chúng ta, nhất là những người cảm thấy bị bỏ rơi và đơn độc nhất. Và chúng ta hãy học nhìn như Chúa nhìn chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ sự dịu dàng và từ bi của Chúa với các bệnh nhân, tù nhân, người già và những gia đình đang gặp khó khăn.
Sau cùng ĐTC khích lệ Giáo Hội tại Cuba tiếp tục cố gắng và hy sinh thi hành công tác loan truyền lời Chúa, sự hiện diện của Chúa và việc mục vụ cho tất cả mọi người, kể cả tại những nơi xa xăm nhất. Ngài ca ngợi sáng kiến ”các căn nhà truyền giáo”, để đáp ứng tình trạng thiếu nhà thờ, thiếu LM tại nước này, để nhiều người có nơi cầu nguyện, nghe Lời Chúa, học giáo lý và có đời sống cộng đoàn. Đó là những dấu chỉ bé nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong các khu phố của chúng ta và là một trợ giúp thường nhật để lời thánh Phaolô tông đồ trở nên sống động: “Tôi khuyên bảo anh chị em hãy cư xứ xứng với ơn gọi anh chị em đã nhận lãnh, với tất cả lòng khiêm tốn, dịu dàng, quảng đại, chịu đựng nhau trong tình yêu thương, quan tâm duy trình tinh thần hiệp nhất nhờ mối dây hòa bình” (Ep 4,1-3)
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 21.09.2015)