NGẪU TƯỢNG TRONG ĐỜI TU

0
61
Khi từ trên núi Sinai xuống, ông Môisen đã mang theo hai bia đá Giao Ước, từ xa xa ông đã nghe tiếng reo hò nhảy múa xung quanh bức tượng con bò vàng. Thấy cảnh xúc phạm này, ông tức giận ném hai tấm bia xuống. Ông ra lệnh phải đốt con bò vàng, tán nhuyễn rồi rắc trên nước và bắt con cái Israel phải uống (x. Xh 32, 19-20). Sau này khi lập Giao Ước, Thiên Chúa Giavê đã yêu cầu : “Ngươi không được đúc tượng thần” (Xh 33, 17). Ai vi phạm thì tức khắc mắc tội thờ ngẫu tượng, tương tự như tội phản bội.
Con người hôm nay, đặc biệt giới trẻ có khuynh hướng sùng bái thần tượng. Thần tượng là những con người, những sự vật mà mình yêu mình quý, mình gắn bó thân thiết với nó, mình buồn vui theo thần tượng, ăn mặc, cư xử rập khuôn thần tượng.
Ví dụ : Học sinh sưu tập hình ảnh minh tinh, nghệ sĩ. Model Hàn Quốc : quần áo, trang điểm, kiểu tóc, màu tóc, kính đeo…. Kỳ thực các thần tượng là những tạo vật, không phải là thần, nên dễ trở thành ngẫu tượng.
Hỏi rằng có ngẫu tượng trong đời tu không ?
Có, và có nhiều nữa !
CÁC THỨ NGẪU TƯỢNG TRONG ĐỜI TU
Thực ra ý nghĩa ngẫu tượng trong toàn bài được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa tương đối, một thứ ngôn hành không song hành, giả dối.
 1. Tình Yêu Là Ngẫu Tượng
Nói rất nhiều về bác ái, yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, nhưng trong thực tế lại khô cứng, ích kỷ, không quen giúp đỡ ai bao giờ và thường ta viện đủ lý do biện minh cho thái độ hờ hững này.
Nói về tình yêu, lòng bác ái rất hay (Nói nhiều nhưng hành động ít), thậm chí chẳng yêu ai. Rốt cuộc, ta dừng lại nơi ý niệm mà không gặp gỡ con người.
Hiểu sai về tình yêu, tình yêu trở thành vị kỷ chứ không phải vị tha. Đối với một số người theo phương châm: cái gì có lợi mình cứ làm, cái gì mình thích mình cứ làm. Ví dụ : Mèo yêu chuột vì thịt chuột ngon! Cha mẹ bảo rằng yêu con, nhưng kỳ thực lại yêu cái phóng thể của mình trên đời con (ép học ; ép thành hôn). Mình giúp đỡ ai, nhằm lấy tiếng hoặc nhằm để phô trương. Chúng ta thấy có một số người muốn làm ân nhân, tham gia đóng góp viên đá, muốn để lấy tiếng và quảng bá thương hiệu. Có người dâng hiến cho Địa phận cả hai mẫu đất, nhưng khi phải hi sinh 10cm đất để nắn lại đường cho thẳng cũng không cho. Miệng nói yêu thương, sau lại nói xấu chị em mình.
2. Thiên Chúa Là Ngẫu Tượng
Việc tôn thờ Thiên Chúa, thực là phải đạo và chính đáng. Thế nhưng khi đọc kinh cầu nguyện một cách máy móc, trong lòng không có tâm tình gì về Chúa. Hiện trạng đọc kinh máy móc, làm lễ máy móc, nghi thức máy móc, bất kính khi cử hành, làm dấu như đuổi ruồi, đọc kinh như ăn cướp… hoặc có tính ma thuật (tin vào số lần cử hành, sự đụng chạm…). Tượng Thánh Phêrô (bằng đồng) ở đề Vatican, nhiều người sùng mộ hôn giầy đến nỗi hiện bây giờ đôi giầy ngài chỉ còn một nửa.
Mặt khác, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nhưng lắm khi Thiên Chúa bị bóp méo theo hình ảnh con người, và con người tôn thờ vị Thiên Chúa ngẫu tượng đó. Có một nơi thay Tượng Chịu Nạn trong nhà thờ, tượng gỗ được treo, trong khi tượng bằng thạch cao tháo xuống, không có đậy điệm ở nơi xứng đáng. Trông có vẻ bất kính đối với người qua lại.
– Thần học về lòng thương xót Chúa xem ra chẳng có kilô nào đối với một số vị có trách nhiệm. Trong lối hành xử của các ngài vẫn còn cứng ngắc và hẹp hòi. Trong lời giảng dạy và ngăm đe, thường các vị xem Thiên Chúa như vị quan tòa, chỉ rình trừng phạt. Ví dụ : Nhiều ông quản đánh các trẻ em ngủ gật rất tàn ác,…. Cha quát một phụ nữ không mặc áo dài khi đi lễ,… rõ ràng việc em bé ngủ gật, người phụ nữ không mặc áo dài không làm cho ai chia trí, nhưng thái độ ông quản và cha lại làm cho nhiều người chia trí. Bổn đạo than thở các cha chuyên giảng luân lý ; hay giảng bốn sự sau.
– Xem Thiên Chúa như thần tài, chạy đến xin ơn, không được thì chán nản thất vọng, nổi giận với Chúa. Ví dụ : Đập bể ảnh tượng, bỏ đạo, khi xin ơn mà không được như ý.
– Nhấn mạnh Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, từ đó sống dễ dãi và buông thả. Ta quên rằng Thiên Chúa nhân từ cũng là Thiên Chúa chí thánh. Ví dụ : “cứ phạm đi rồi xưng tội”, “cứ ăn đi rồi uống thuốc”, xưng tội một cách máy móc và không có ý chừa.
– Ngoài ra, còn có vô số hình ảnh khác ta gán cho Thiên Chúa : Thiên Chúa là Thầy, là anh, là bạn, là Hôn phu… Kỳ thực, những hình ảnh này có thể giúp ta tiến triển về mặt tâm linh, nhưng nếu không quân bình sẽ trở thành dị dạng, thành ngẫu tượng.
Làm thế nào để đừng biến Thiên Chúa thành ngẫu tượng ? Cần phải lắng nghe tiếng Thiên Chúa và hành động theo lời Ngài. Để bước vào cuộc tâm giao với Chúa, phải bắt đầu từ tâm hồn yêu mến và tấm lòng khiêm cung. Để có cảm nghiệm về Chúa đòi chúng ta phải có lòng tin, phải có tâm tình cầu nguyện.
3. Đặt Danh Vọng, Tiền Tài, Quyền Bính Làm Ngẫu Tượng
Thư gửi Philip, thánh Phaolô đã lên án một số người ở đây: Thiên Chúa của họ là cái bụng, tiền bạc và danh vọng. Ai cũng biết, qua lời khấn ta phải từ bỏ : đam mê, tiền của, dục vọng, ý riêng,… để theo sát gót Đức Kitô hơn, nhưng trong thực tế, lắm khi thấy rằng vươn lên quá khó, mình bị chông chênh nên tìm cách bám víu vào cái gì đó làm chỗ dựa, rút cục, chính “cái gì đó” đã trở thành ngẫu tượng. Đó có thể là một chức vị, không đạt được ta buồn ra mặt.
Một công tác, một địa điểm, không muốn thay đổi. Một quan hệ tình cảm mập mờ, không muốn dứt bỏ, vì sợ đau đớn, xót xa…
Nên nhớ, Đức Giêsu đến để ta được sống và sống dồi dào chứ không phải sống an toàn và ổn định. Nghe Chúa nói : “Ta đến không phải để đem hòa bình mà là chia rẽ” (Lc 12, 51-52).
Như thế, để trung thành với Chúa đòi chúng ta phải có tâm hồn mạnh, phải có sự chọn lựa quyết liệt.
4. Lề Luật Là Ngẫu Tượng
Đã có thời người ta đề cao việc giữ luật. Ai sống trong kỷ luật là sống trong Chúa. nhưng nên nhớ luật tối thượng là luật đức ái. Óc nệ luật, đánh giá toàn bộ đời sống theo tiêu chuẩn luật.
Cần lưu ý luật của Chúa Kitô (Cha Bernard Haering thích dùng hạn từ này) đặt trọng tâm ở việc mến Chúa yêu người. Giữ luật tu trì tốt : kinh nguyện, phụng vụ thánh lễ tốt, nhưng lại không nhạy cảm trước những vấn đề của anh chị em mình. Thái độ sống chết mặc ai bay, thái độ vô cảm,… lợi dụng lề luật để lên án chị em mình một cách quá đáng.
Đối với chân phước Têrêsa Calcutta, điều quan trọng đối với ngài không phải là những con tàu cứu trợ, mà là con tim đầy ắp tình thương.
Những ai đến với ngài, ngài chỉ xin một điều duy nhất : con tim để yêu thương và đôi tay để phục vụ. Đấy mới là sức mạnh của người phục vụ cần phải có. Chân phước thường nói : căn bệnh nguy hiểm đang hành hạ loài người không phải là bệnh lao, bệnh cùi, hay ung thư,… nhưng là bệnh thiếu tình thương, thiếu bác ái huynh đệ.
Những cái thiếu ấy chắc chắn bao hàm cả sự phục vụ tha nhân. Mẹ Têrêsa đã hoạt động, đã phục vụ năng nổ, không mệt mỏi, và người ta đã tặng cho mẹ biệt hiệu : chiếc xe ủi của Đức Kitô, và giải thưởng Nobel hoà bình cao quý.
Lề luật là những chuẩn mực đạo đức và tâm linh, nhằm giúp lương tâm khỏi bị bóp méo, khỏi bị những ảnh hưởng xấu chi phối. Còn luật Dòng nhằm giúp ta sống tốt nề nếp tu trì.
Nhưng cũng có khi ta bận tâm giữ luật mà lãng quên con người, khiến con người phải phục vụ luật, thay vì lề luật phải phục vụ con người : ta xem nề nếp tu trì do lề luật quy định như tiêu chuẩn để đánh giá lòng đạo đức, ơn gọi của người anh em, chị em.
Trong trường hợp này, lề luật trở thành ngẫu tượng, nên nhớ ta vào Dòng không phải để giữ luật, giữ ba lời khấn, hay để đọc kinh, nhưng để sống tự do như con cái Thiên Chúa, và để thi hành sứ vụ của Hội Dòng.
5. Tôn Thờ Tính Hiệu Quả
Đặc tính của nền kinh tế thị trường là lấy hiệu quả làm thước đo cho mọi giá trị. Do đó thái độ coi trọng những người có học vị, khinh thường những người thất học làm những công việc không tên tuổi.
Kỳ thực học hành cần mẫn là điều tốt, nhưng trí thức chỉ là phương tiện, là một mảng chứ không phải là tất cả đời tu.
Trí thức sẽ trở thành ngẫu tượng khi ta xem nó là chính yếu, ta đầu tư quá nhiều tiền bạc, thời giờ, công sức mà xem nhẹ, hay chểnh mảng nề nếp tu trì. Rút cục, ta xem phương tiện lớn hơn mục đích, ta thành chuyên viên giỏi (âm nhạc, dạy học, sinh hoạt đoàn thể, y tế, công tác xã hội…) nhưng lại là một tu sĩ “nghiệp dư” !
Trong giai đoạn đào tạo, quá chú trọng đào tạo tri thức mà quên khía cạnh tu đức, đời sống tâm linh nảy sinh các tu sĩ có những phản ứng thiếu lòng tin, đôi khi phát ngôn bừa bãi.
Cũng có khi, ta bận tâm xây dựng cơ sở vật chất, mà xem nhẹ việc xây dựng con người.
Cũng lắm khi vì căn cứ trên hiệu năng công việc, tôn trọng quá đáng, o bế một ai đó chỉ vì người đó làm ra nhiều của cải, nhiều tiền bạc và coi thường những anh chị em kém cỏi hay già nua bệnh tật.
Trước mặt Chúa, kẻ nào đã thực thi ý Chúa, chuẩn mực của những giá trị là lòng mến chứ không phải công việc.
6. Tôn Vinh Cái Tôi Ích Kỷ
Cuối cùng, và trầm trọng nhất, đó là tôn vinh cái tôi ích kỷ làm thần tượng, mọi con người, mọi sự vật, sự kiện, được ta đánh giá không phải theo tiêu chuẩn chân lý, nhưng theo lăng kính của riêng mình. một cách cụ thể, cái tôi trở thành ngẫu tượng khi :
– Có những nhân vật đi đâu cũng khoe mình đã làm những công trình này, thực hiện đồ án kia, hoặc mình đang chuẩn bị làm bề trên,… kiểm tra lại, đó chỉ là kiểu phóng rọi mình mà không có sự thật.
– Đặt nhu cầu cá nhân trên nhu cầu của cộng đoàn, của Hội Dòng. Mình quá gắn bó với “dự phóng của tôi” ; “việc tông đồ” của tôi, đến nỗi không còn tham dự vào sứ vụ chung của Hội Dòng, làm mất đi sự hiệp nhất trong ân sủng và sự thật.
– Đòi được cung cấp những phương tiện để được phát triển, nhưng ít lưu tâm đến sự vâng phục, khổ chế, ít lưu tâm nghĩa vụ đối với Chúa, với Giáo Hội và cộng đoàn. Tắt một lời là đòi hỏi quyền lợi, mà xem nhẹ nghĩa vụ và trách nhiệm.
Ít coi trọng sự nguyên vẹn của truyền thống, chỉ “góp nhặt” yếu tố phù hợp với quan điểm cá nhân, và nếu cần, có thể biến đổi chúng theo ý mình.
Kết luận : BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA KITÔ
Trong ngày tĩnh tâm này, xin Chúa giúp ta khám phá những thứ ngẫu tượng nào đang thống trị và chi phối tâm hồn ta để dũng cảm lật đổ nó, có được như vậy thì khuôn mặt đích thực của Đức Kitô mới dần rõ nét trong tâm hồn ta, và tỏ lộ ra bên ngoài qua cung cách sống của chúng ta.
Tôi phải tự xét mình, tự mình làm kiểm điểm bản thân. Nhiều năm, tôi không hề quan tâm đến những anh chị em lao đao, khổ sở như thế nào (?!) Nhiều sự kiện nếu tôi để ý quan tâm, có lẽ nó đã khác đi (?!)
Trong tâm trí vẫn còn thứ ngẫu tượng trong tâm hồn, và có lẽ nó mọc rễ trong tâm hồn tôi, nó đã có quá trình “thâm căn cố đế”, nếu không mạnh dạn và mạnh mẽ dứt bỏ, thì cuộc sống vẫn như vậy. Mèo vẫn hoàn mèo !
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên
http://daminhtamhiep.net/