Dâng hiến là ơn gọi đặc biệt

0
461

Dâng hiến là ơn gọi đặc biệt

Chúng ta biết hôn nhân là ơn gọi tự nhiên. Bởi, từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã đặt ơn gọi này vào bản tính của người nam và người nữ. Từ đó, họ được mời gọi “trở nên một xương một thịt” (St 2,24). Theo nghĩa này, bất cứ người nam, người nữ nào cũng có thể lập gia đình. Trong khi đó, dâng hiến lại là ơn gọi rất đặc biệt. Họ được Thiên Chúa mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu”.

Ta thường nghe: ơn gọi dâng hiến luôn là một mầu nhiệm và là món quà. Là mầu nhiệm, để người tu sĩ luôn mãi bám vào Thiên Chúa mới có thể đi đến cuối con đường; là món quà, để người tu sĩ biết trân quý giữ gìn. Thực vậy, thánh Gioan Phaolô II chia sẻ rằng: “Đời sống thánh hiến bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Ki-tô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội qua trung gian của Thánh Thần.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 1). Như thế Thiên Chúa phải là trung tâm đời dâng hiến.

Có hai con đường chính mà người muốn đi tu có thể bước nào: Tu triều hoặc tu dòng.[1] Nếu ai muốn làm linh mục, thuộc về giáo phận, thì chọn vào chủng viện để học làm linh mục (chỉ dành cho nam). Nếu ai muốn nên người tu sĩ, cả nam lẫn nữ, đều có thể chọn một nhà Dòng nào đó để bước theo Chúa Giêsu trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Chúng ta nói “người ấy muốn”,nhưng trên hết, Thiên Chúa muốn người ấy trước. Do đó, ơn gọi luôn đến từ trên cao, vang vọng tiếng mời người ấy đi theo Đức Giêsu. Khi người nào nghe được tiếng ấy, nếu họ đủ can đảm và yêu mến, đời tu sẽ mở ra với họ.

Nhiều người trẻ ước mơ thành công với tiền đồ xán lạn: nghề nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, những người đi tu lại không có được điều ấy. Khi chọn đời tu, nghĩa là, họ không có gia đình riêng, không có tình yêu nam nữ và danh vọng, vật chất thế gian không thể có chỗ trong con tim người tu sĩ. Đó không chỉ đặc biệt, mà còn là thách đố. Họ sống giữa đời, nhưng không được phép để sự đời quấn lấy. Họ dám chấp nhận từ bỏ để hiến dâng. Từ bỏ là chìa khóa để họ mở ra cánh cửa tu trì. Có thể nói tu sĩ đích thật không ưa chuộng gì khác ngoài tình yêu Đức Ki-tô. Thực tế cho thấy, nếu người tu sĩ nào không thể từ bỏ, thì không ai dám chắc họ đi hết con đường dâng hiến.

Công việc của người tu sĩ cũng đặc biệt biết bao: giúp các linh hồn về với Chúa. Trong sứ mạng này, người tu sĩ ký thác đường đời cho Thiên Chúa. Với tinh thần phục vụ và yêu thương, họ hiến mình hoàn toàn cho Người, và cho chương trình cứu độ của Người (x. 1 Cr 7,32-34). Theo đó, người tu sĩ làm mọi thứ cho vinh danh Chúa hơn.

Mỗi nhà dòng đều mang một ơn gọi riêng để người tu sĩ của dòng dấn thân, giúp Giáo hội và Xã hội đến gần Chúa hơn. Đẹp biết bao khi thấy các tu sĩ đang dấn thân trong bệnh viện. Còn đó biết bao tu sĩ chăm lo cho người nghèo. Chúng ta thấy cánh đồng truyền giáo cũng in biết bao dấu chân người Loan Báo Tin Mừng. Trong môi trường giáo dục, biết bao tu sĩ đang miệt mài nghiên cứu, đồng hành và giáo dục học sinh, sinh viên. Nơi mỗi giáo xứ, linh mục của Chúa xuôi ngược chăm sóc cho con chiên. Nhiều dòng dấn thân vào công bình xã hội, họ lên tiếng cho những người yếu thế cô thân. Biết bao dòng chiêm niệm, nguyện cầu với Thiên Chúa cho hạnh phúc của con người. Cứ thế, chúng ta có thể liệt kê hàng tỷ sứ mạng của người tu sĩ!

Bởi đó, người ta luôn trân quý đời dâng hiến, những con người thuộc trọn về Thiên Chúa. Giáo dân lúc nào cũng ước mong người tu sĩ phải là người của Chúa. Bất cứ khi nào gặp người tu sĩ, ai cũng hy vọng nhận được nhiều lời cầu nguyện và chuyện trò. Bởi, người tu sĩ phải là những nhịp cầu cho con người gặp gỡ Thiên Chúa. Hơn ai hết, người đi tu thường có nhiều thời gian để cầu nguyện riêng tư với Thiên Chúa. Qua đó, họ hy vọng có kinh nghiệm cá vị với Thầy Giêsu. Rồi với kinh nghiệm thần linh ấy, trong mỗi sứ mạng của người tu sĩ, luôn giúp cho người ta thấy Thiên Chúa thật sống động và gần gũi biết bao.

Nói thế không phải đời tu luôn màu hồng. Người ta nói vui rằng: đi tu lúc nào cũng khó hơn lập gia đình. Không phải ai muốn là được thỏa lòng. Kể cả khi người ấy nhận ra đúng ý Chúa muốn mình đi tu, thì đời tu luôn đòi hỏi nhiều điều. Nào là học hành, cầu nguyện, nhiệm nhặt và khiêm tốn; nào là dấn thân, từ bỏ và chu toàn sứ mạng; nào là giải quyết những xung đột trong tương quan, hay khước từ những đam mê trần thế. Để vượt qua những điều ấy, dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn quan trọng đối với người tu sĩ. Chắc chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa đủ, người ấy mới thấy những đòi hỏi của đời tu là cơ hội để lớn lên.

Trong thế giới phẳng và hiện đại như hiện nay, ơn gọi dâng hiến đang gặp rất nhiều khủng hoảng. Tạ ơn Thiên Chúa vì Việt Nam còn nhiều bạn trẻ can đảm bước theo Chúa Giêsu trong đời tu. Trong khi đó, Châu Âu[2], Châu Mỹ và nhiều nơi khác, nhiều người trẻ chẳng mặn mà với ơn gọi lạ lùng này nữa! Nói thế để thấy, đời tu luôn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội và xu hướng thời đại. Chúng ta chân nhận rằng thời nay đúng là đi tu thật khó biết bao! Khó khăn, không chỉ vì đời tu đặc biệt, nhưng vì người trẻ luôn có niềm vui khác, ngoài Thiên Chúa.

Nhưng dẫu sao, chúng ta thấy Giáo Hội và Xã Hội lúc nào cũng cần người tu sĩ. Họ là chứng nhân sống động của Thiên Chúa và Nước Trời. Không có người đi tu, nghĩa là, Giáo Hội đang chết dần, chết mòn. Khi đó, người ta xa cách với ơn cứu độ. Không thể tưởng tượng được nếu thế giới không còn linh mục, thiếu vắng người tu sĩ. Dĩ nhiên, vai trò của hôn nhân gia đình vẫn quá quan trọng, đồng thời, ơn gọi cũng không thể thiếu vắng trong mọi thời. Tắt một lời, Giáo Hội khẳng định rằng: “Giáo Hội không thể nào từ bỏ đời thánh hiến được, bởi vì nó biểu hiện cách hùng hồn bản chất hiền thê thâm sâu của Giáo Hội.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 105).

Do đó, ước gì mỗi người tiếp tục xin Thiên Chúa sai những thợ tốt lành ra gặt lúa về (x. Mt 9, 32-38). Cầu nguyện cho nhiều người trẻ dám can đảm bước vào ơn gọi đặc biệt này. Để với những điều đặc biệt trên, cuộc đời người tu sĩ luôn hạnh phúc bình an, luôn vui tươi dấn bước. Hy vọng đời tu vẫn còn đặc biệt hấp dẫn nhiều người trẻ, phải không bạn?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

(dongten.net)

[1] Thực tế Giáo Hội có những hình thức tu sau: đời đan tu, các trinh nữ, ẩn sĩ, quả phụ, các dòng chiêm niệm, các dòng hoạt động tông đồ, tu hội đời, tu đoàn tông đồ.

[2] Xem thống kê về hàng giáo sĩ Công Giáo trên toàn thế giới: conggiao.info