Hướng về vùng bão lũ:
Là dân nước Việt, không ai có thể bàng quan, quay lưng với đồng bào miền Trung đang oằn mình trong bão tố, lũ dữ. Nơi đó, hàng ngàn ngôi nhà chìm nghỉm trong nước, mọi người ai nấy đều phải vật lộn với thiên nhiên để tìm sự sống còn. Nhà cửa của họ bị hư hại, trôi đi trong lũ, tài sản ruộng đồng bị vùi lấp trong bùn nước. Mạng sống họ bị đe dọa trầm trọng (gần 30 người đã chết), đói khát, dịch bệnh, biển nước mênh mông bủa vây khiến nhiều người sống ngất ngưởng trên gác, trên mái nhà mà phía dưới là nước lũ đang cuồn cuộn chảy…
Những hoạt động cứu trợ được bắt đầu từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến thôn quê, từ các tổ chức xã hội đến cá nhân, từ các tôn giáo đến người tâm đức…
Phương tiện thông tin đại chúng không ngừng đưa tin tức, hình ảnh ca ngợi nhiều việc làm, nghĩa cử hào hiệp. Như MC Phan Anh chỉ trong vòng 3 ngày đã vận động được 16 tỷ đồng cho cứu trợ bão lụt (báo CG&DT số 2079); ngày 17.10, nhóm của em Đăng Thị Thu Hương (22 tuổi) chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình du lịch “phượt” tại miền núi phía Bắc. Nhưng khi nghe tin về mưa lũ ở Quảng Bình, cả nhóm tập trung về đó giúp đỡ người dân vùng lũ. Đến ngày 20.10, nhóm thiện nguyện của Hương đã có mặt tại xã Quảng Tiên (H. Quảng Trạch – Quảng Bình) để tặng quà và làm vệ sinh nhiều trường học tại đây. Trưa cùng ngày, Hương cùng bạn là em Hồ Thị Thanh Nguyên (24 tuổi) đi xe máy để mua cơm cho cả nhóm. Không may, dọc đường Hương bị tai nạn giao thông và qua đời. Trong khi cô bạn đi cùng bị rạn xương tay (nguồn Báo Thanh Niên); về phía Công giáo đã có Thư kêu gọi cứu trợ nạn dân bão lụt miền Trung của HĐGM VN gửi cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam và hải ngoại do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, thay mặt BTV – HĐGM VN ấn ký. Ở giáo phận Cần Thơ, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – GM GPCT cũng đã có Thư kêu gọi linh mục, tu sĩ, bà con giáo dân trong giáo phận cùng chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào miền Trung lâm nạn vượt qua khó khăn…
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, hàng vạn người miền Trung đang lâm vào cảnh sống dở chết dở. Nhưng họ không đơn độc, bên họ là đồng bào ruột thịt cùng tổ quốc, dòng giống Lạc Hồng từ thuở xưa luôn sống nặng nghĩa ân tình, “lá lành đùm lá rách”,đói no ấm lạnh có nhau, chung lòng chung sức, không tính toán, không hám danh vụ lợi sẽ mang đến cho đồng bào ruột thịt miền Trung những yêu thương và những sẻ chia.
Người Công giáo chúng ta, trước thảm cảnh trên gợi cho nhiều người nhớ đến “Thương Người Có Mười Bốn Mối” trong kinh thánh, và chúng ta đang sống trong ” Năm Thánh Lòng Thương Xót”, chắc hẳn cộng đoàn dân Chúa theo tiếng gọi của trái tim, của đất nước, của Giáo hội, sẽ hướng đến và hết lòng thương yêu dân miền Trung cách riêng như mười bốn mối thương người mà Chúa đã mời gọi chúng ta từ ngàn xưa.
“Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mt 14,16)
Thịnh Vượng (WGPCT)