RAO GIẢNG VÀ LÀM GƯƠNG

0
81

Trên con đường dẫn vào một họ đạo vùng thôn quê, đập vào mắt tôi không phải là những cây xanh hay những hàng cây ăn trái trĩu quả dọc hai bên đường, mà là những thùng rác đặt ven lối đi dọc lộ. Nhờ những thùng rác công cộng này mà con đường trở nên sạch đẹp, thoáng mát.

Từ hình ảnh đó cho tôi một suy nghĩ: Trong khi kêu gọi người dân ý thức bảo vệ môi trường, thì phải biết tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hành ý thức đó. Thùng rác là một việc làm cụ thể.

Bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, tất cả các bài đọc của chu kỳ phụng vụ A, B, C đều nói đến việc dọn đường, và làm mọi cách để giúp chúng ta dọn đường.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Tin Mừng Matthêu của năm A viết: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Cũng với ý tưởng đó, trong năm B, Maccô trích lời của tiên tri Isaia: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Hơn thế nữa, để giúp người khác dọn đường, Maccô mô tả chân dung vị tiền hô của Đức Chúa là Gioan Tẩy Giả. Ông đã “xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Ông còn giúp người ta dọn đường bằng chính cuộc sống mang tính tiên tri của ông: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng”.

Còn trong Tin Mừng của năm C mà chúng ta vừa nghe đọc, những việc làm cụ thể để dọn đường cho Đức Chúa được Luca liệt kê: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng”.

Như vậy lời Chúa không phải chỉ là một khẩu hiệu, một lời hô hào, mà còn là những chỉ dẫn hết sức cụ thể để con người có thể thực hành. Hơn thế nữa, chính Chúa đã làm gương trước để con người noi theo.

  1. CHUẨN BỊ CHO ƠN CỨU ĐỘ
  2. Vị tiền hô

Để chuẩn bị cho con người đón nhận ơn cứu độ, Thiên Chúa đã chọn vị tiền hô để ông “đi trước Chúa, mở lối cho Người”. Đời sống của ông là một lời nói tiên tri cho con người.

“Ở trong hoang địa” nghĩa là ông xa lánh mọi thứ vui thú, không ồn ào, náo động, nơi ông đối diện với chính con người ông, để từ đó ông đối diện với Thiên Chúa.

“Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da”. Phải hiểu bối cảnh thời đó là sự hy sinh nhiệm nhặt. Da và lông thú khoác trên người sẽ làm cho ông không được thoải mái, nhắc nhở cho ông nhớ đến mục đích chính yếu của đời người là gì, chứ không phải để trang hoàng như ngày hôm nay.

“Ăn châu chấu và uống mật ong rừng” để thân xác ông nhẹ nhàng, thanh thản: “Không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”.

Từ lối sống đó, ông đã nghe được tiếng Chúa để rao giảng lại cho dân chúng: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng”.

  1. Đức Giêsu Kitô

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, Đức Giêsu cũng đã trãi qua thời gian 40 ngày trong sa mạc. Ở đó, Ngài chiến đấu để vượt qua ý riêng mình hầu dễ dàng thực hiện thánh ý của Chúa Cha.

Trong suốt cuộc sống của Ngài, không hề có một sự tìm kiếm để hưởng thụ, nhưng luôn hy sinh để đem đến hạnh phúc cho người khác, nhất là cái chết trên cây thập tự của Ngài.

Ngài không bị vướng bận bởi những quyến luyến của tình cảm, vật chất, tiền bạc, nơi ăn, chốn ở,… vì Ngài luôn nhớ: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”.

Những lời ra giảng đầu tiên trong sứ vụ của Chúa Giêsu vẫn là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Để nêu gương sám hối, mặc dù không phải là tội nhân, nhưng Ngài cũng đã đến xin ông Gioan để được thanh tẩy bằng nước.

  1. Con người thời nay

Đời sống của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều mang tính chất tiên tri để chẳng những là một lời rao giảng, mà còn là một mẫu gương để chúng ta mong chờ ơn cứu độ.

a/ Việc Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu ở trong hoang địa nhắc nhở chúng ta về việc cần phải có thời gian riêng tư với Chúa. Cuộc sống vội vã, bon chen khiến chúng ta ít có thời gian đối diện với Chúa, với sự thật, với chính bản thân mình. Vì vậy một trong những điều làm cho con người ngày hôm nay sợ hãi nhất là sự thinh lặng. Lúc nào họ cũng căng thẳng, ồn ào với những công việc, những dự tính… Nếu không, họ cũng bận rộn với những phim ảnh, những trò chơi, những giao du với thế giới ảo… Vì vậy hơn bao giờ hết, con người thời nay bị stress nhiều nhất.

Mùa Vọng là thời gian giúp chúng ta vào sa mạc với Chúa. Thời gian này giúp chúng ta bỏ tất cả mọi sự để đến với Chúa, tập trung vào ơn cứu độ, vào cùng đích của cuộc đời. Từ đó nhìn ra những tham, sân, si, nghĩa là những thung lung, những núi đồi, những quanh co trong tâm hồn chúng ta để kịp thời chỉnh sửa.

b/ Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều có sự hy sinh, khổ chế để luôn nhớ đến lý tưởng của mình. Đói một chút, khát một chút, cực khổ một chút… để thực hiện ý định của Chúa Cha.

Việt vương Câu Tiễn sau khi bị mất nước đã phải “nằm gai nếm mật” để nhắc nhở cho bản thân ông về sự tủi nhục, đắng cay và mục đích phải lấy lại nước Việt từ vua Ngô Phù Sai.

Một khi sống sung sướng, thoải mái sẽ làm cho con người khó tự chủ. Họ bị cuốn vào những hưởng thụ để chỉ thấy những cái trước mắt.

Mùa Vọng là thời gian giúp chúng ta từ khước những niềm vui bất chính như bài bạc, rượu chè, xác thịt…để dành thời gian lo cho ơn cứu độ của mình.

c/ Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều có sứ mạng loan báo ơn cứu độ cho người khác bằng chính cuộc sống của các Ngài, thậm chí đánh đổi bằng cái chết.

Trong tuần lễ vừa qua, Đức Thánh Cha bất chấp những nguy hiểm để đến thăm Đền Thờ Hồi Giáo ở thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi là hành động để giải tỏa những căng thẳng bấy lâu nay giữa các Kitô hữu và anh em Hồi giáo gây nên cuộc khủng hoảng nội bộ cho Trung Phi. Ngài là sứ giả của hòa bình.

Mùa Vọng là thời gian để chúng ta nhìn lại bản thân mình đã dám sống hết tình vì người khác chưa. Chúa Cha đã ban chính Con Một Ngài. Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận thân phận của con người. Vì vậy tính chất quan trọng nhất của mùa Vọng là sự quan tâm chia sẻ.

Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng dọn đường cho Chúa đến. Để chuẩn bị cho lời rao giảng đó, cuộc sống của ông đã là một minh chứng cho những gì ông sẽ rao giảng.

Chúng ta hãy dọn đường cho Chúa đến viếng thăm bằng việc can đảm từ bỏ những bon chen, bận rộn, tính toán của cuộc sống để cầu nguyện, gắn bó với Chúa nhiều hơn; Hy sinh, khổ chế để làm chủ bản thân; Quan tâm, chia sẻ một cách cụ thể với mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Lm Giuse Trực