Nhà truyền giáo cần học biết “NÓI KHÔNG”

0
76

Sống là chọn lựa, và cuộc sống này có nhiều thứ để cho ta chọn lựa.

IsayNO.jpg

Chọn lựa là ta biết “nói không”. “Nói không với cái này để có thể “nói có” với cái kia. Quả thế, khi ta biết “nói không” với những cái xấu, những cái không phù hợp là khi ta đang chọn lựa cái tốt và phù hợp. Cuộc sống của mỗi người, cách chung là vậy. Mỗi người phải học biết “nói không” với những điều xấu để có thể “nói có” với những điều tốt. Và hơn ai hết, là môn đệ của Chúa Giêsu, Nhà Truyền Giáo cần phải học biết “nói không” với những ý riêng, để có thể sẵn sàng “thưa vâng” trước ý định của Thiên Chúa; cần phải học biết “nói không” với những điều xấu và những gì không phù hợp, để có thể “nói có” với những điều tốt và phù hợp với sứ vụ.Trong nhiều thứ để ta chọn lựa đó, có những cái tốt, có những cái xấu, và có những cái không tốt không xấu. Khi phải chọn lựa, chắc chắn ta chọn cái tốt, loại trừ cái xấu, và đôi khi phải loại trừ cả cái gọi là không tốt không xấu, thậm chí cả cái tốt, nhưng không phù hợp. Thế nhưng làm thế nào để có thể chọn cái tốt và phù hợp? Đây là vấn đề!

  1. Nói Không Với Những Ý Riêng

“Nói không” với ý riêng là điều vô cùng khó. Ý riêng được ví như một phần thân thể gắn liền với chính con người mình. Khi phải “nói không” với ý riêng là ta phải cắt bỏ đi phần thân thể của ta, mà mấy ai lại muốn cắt bỏ đi phần thân thể của mình, trừ khi là nó đã bị hư hoại cần phải cắt bỏ. Ai cũng muốn sống và làm theo ý riêng, cho nên khi phải từ bỏ ý riêng thì “rất đau”, chẳng ai muốn bỏ. Từ bỏ ý riêng là một việc làm tuy khó, nhưng là môn đệ của Chúa Giêsu, Nhà Truyền Giáo phải can đảm từ bỏ. Bởi vì, chỉ khi biết từ bỏ ý riêng hay “nói không” với ý riêng, Nhà Truyền Giáo mới có thể sẵn sàng “nói có”, nghĩa là “thưa vâng” với ý Chúa. “Nói không” với ý riêng là từ bỏ chính mình, sẵn sàng trong tâm thế là người môn đệ của Chúa Giêsu (x. Lc 9, 23). Nếu Nhà Truyền Giáo không sẵn sàng “nói không” với ý riêng thì sẽ không có chỗ cho ý Chúa ngự trị và thể hiện trong cuộc đời sứ vụ và những công việc mình làm.

Vậy đâu là nguyên nhân làm cho Nhà Truyền Giáo không thể “nói không” với ý riêng?

Không thể “nói không” với ý riêng là vì Nhà Truyền Giáo không ý thức mình chỉ là “người được sai đi”. Vì quên mình là “người được sai đi” nên Nhà Truyền Giáo có khuynh hướng muốn “cắm dùi” một chỗ, và muốn tạo lập những công trình “để đời” với những lý do rất quan trọng: “ngoài tôi ra thì không ai có thể ở đó”; “không có tôi thì những công việc truyền giáo ở nơi đó không thể được thực hiện và hoàn thành tốt được”. Với khuynh hướng như vậy, Nhà Truyền Giáo đã bất chấp ý Chúa, bất chấp ý Bề trên, làm mọi việc theo ý mình muốn, tìm đủ mọi lý do để biện giải cho những toan tính và việc làm theo ý riêng, muốn “cắm dùi” một chỗ. Thế nhưng Nhà Truyền Giáo quên rằng, Chúa luôn có cách của Chúa, Ngài luôn có một chương trình riêng, công việc cụ thể cho Nhà Truyền Giáo trong từng hoàn cảnh, thời điểm khác nhau, và Ngài muốn Nhà Truyền Giáo cộng tác với Ngài qua việc cộng tác với chương trình, kế hoặch mà Bề trên sắp đặt. Chúa luôn có cách của Chúa, và “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (TV 126).

Cứ làm theo ý Chúa, mọi việc Chúa lo. Đó là một tâm thế phải có nơi Nhà Truyền Giáo, hầu có thể thực sự là khí cụ để Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài nơi Nhà Truyền Giáo. Nhà Truyền Giáo cần phải học nơi Đức Maria bài học về việc “nói không” với ý riêng để rồi sẵn sàng “nói có” với ý Chúa, hoàn toàn phó thác cho ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Quả thế, nhờ biết “nói không” với ý riêng, Đức Maria đã sẵn sàng dọn một chỗ xứng hợp để cho ý Chúa được thể hiện nơi Mẹ. Mẹ đã sẵn sàng mở lòng ra đón nhận ý Chúa, đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể nơi cung lòng Mẹ. “Nói không” với ý riêng, Mẹ đã sẵn sàng bỏ đi tất cả những chương trình và kế hoặch của riêng Mẹ. Mẹ ý thức mình chỉ là “nữ tỳ của Thiên Chúa” nên Chúa muốn là Mẹ muốn, Mẹ hoàn toàn phó thác và làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ đã sống theo ý Thiên Chúa, và qua đó Mẹ muốn gởi lại cho con người mọi thời, nhất là những người môn đệ của Chúa Giêsu, một lời nhắn nhủ: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

  1. Nói Không Với Những Điều Xấu Và Những Gì Không Phù Hợp

Là môn đệ của Chúa Giêsu, chắc chắn Nhà Truyền Giáo phải “nói không” với những điều xấu. Đó là những việc làm bất chính, những dịp tội, những ích kỷ nhỏ nhen, những cục bộ phe nhóm, những tính toán riêng tư… Khi biết “nói không” với những điều xấu ấy, Nhà Truyền Giáo mới có thể “nói có”, nghĩa là, mới có thể sẵn sàng làm những điều tốt, can đảm tránh xa dịp tội, không còn những tính toán riêng tư cục bộ, mà thay vào đó là sự quảng đại, sẵn sàng dấn thân vì phần rỗi các linh hồn. Khi biết “nói không” với những điều xấu thì tâm hồn Nhà Truyền Giáo mới còn chỗ cho những điều tốt hiện diện.

Tuy nhiên trên hành trình truyền giáo, Nhà Truyền Giáo không chỉ “nói không” với những điều xấu, mà còn phải học để biết “nói không” với cả những gì xem ra là tốt nhưng không phù hợp với sứ mạng và tư cách của mình. Quả vậy, Nhà Truyền Giáo sẽ gặp phải rất nhiều những mời gọi xem ra là tốt nhưng không phù hợp với sứ mạng, và còn có nguy cơ làm cho Nhà Truyền Giáo bị vong thân trong khi dấn thân; có nguy cơ làm cho cộng đoàn bị tan rã.

Ví dụ, có ai đó quan niệm rằng: phải biết uống rượu thì mới truyền giáo được. Và quả nhiên, nhờ biết uống rượu và qua những bữa nhậu, người đó đã xin người này được chút tiền, người kia chút gạo, để có thể xây nhà thờ, làm những công trình công cộng cho dân, để giúp cho những người nghèo. Thế nhưng, người đó không biết là đang đánh mất chính mình qua những buổi nhậu “rượu uống mềm môi chưa đã thèm” đó, và nhất là trở thành gương mù gương xấu cho những người khác. Rồi, còn một quan niệm khác nữa là: không có tiền thì không truyền giáo được, nên phải đi kiếm tiền bằng mọi cách. Vì quan niệm như vậy mà nhiều khi Nhà Truyền Giáo đã không đủ can đảm “nói không” trước những cám dỗ về tiền bạc. Vì không thể “nói không” với tiền bạc nên Nhà Truyền Giáo thường xuyên bỏ nhà, bỏ nhiệm sở để đi kiếm tiền với những “khổ nhục kế” đã được dàn dựng, trong khi cộng đoàn đang cần sự hiện diện của Nhà Truyền Giáo. Hơn nữa, vì không dám “nói không” với tiền bạc, nên Nhà Truyền Giáo bị lệ thuộc vào nó, và bị lệ thuộc vào chính người giúp đỡ tiền bạc, bị họ lèo lái làm theo ý họ, quên mất ai là người sai mình đi, đánh mất đi căn tính của Nhà Truyền Giáo, và làm cho sứ vụ bị sai lệch.

Nhưng, để “nói không” với những gì xem ra là tốt nhưng không phù hợp với căn tính, tính cách và sứ vụ không phải là dễ, vì những điều ấy luôn được che đậy bằng những vỏ bọc có vẻ đạo đức. Và nhất là được hứa hẹn bởi những vinh quang hào nhoáng bên ngoài. Hoa và cỏ dại luôn cùng nhau, mà cỏ dại lại luôn có vẻ đẹp hào nhoáng hơn, làm cho ta khó xác định đó là cỏ dại. Để có phân biệt đâu là hoa, đâu là cỏ dại, để rồi có thể “nói không” với cỏ dại, Nhà Truyền Giáo cần phải xác lập cho mình một tương quan thân mật với Chúa qua cầu nguyện. Bởi vì, trong tình thân mật với Chúa, Ngài sẽ soi sáng, chỉ cho Nhà Truyền Giáo thấy những cỏ dại đang được nguỵ trang dưới những vỏ bọc đạo đức giả, hầu có thể nói không với chúng.

Tóm lại, là người môn đệ của Chúa Giêsu, sẽ tốt hơn khi Nhà Truyền Giáo biết học cách “nói không”. Khi “nói không”, Nhà Truyền Giáo đang làm một sự chọn lựa và từ bỏ: chọn lựa ý Chúa và từ bỏ ý riêng; chọn lựa cái tốt và từ bỏ cái xấu; chọn lựa những cái xứng hợp và từ bỏ những gì, tuy tốt nhưng không phù hợp với sứ mạng. Doug Fields, trong tập sách WHAT MATTERS MOST, When No is better than Yes, viết rằng: “Bạn cần phải học biết nói không với nhiều cái tốt và những người tuyệt vời để bạn có thể nói có với Thiên Chúa, nói có với những người quan trọng trong cuộc đời bạn, nói có với những gì là ưu tiên, là quan trọng nhất”. Quả vậy, khi không biết “nói không”, Nhà Truyền Giáo sẽ không thể chu toàn sứ vụ được trao theo như Chúa muốn. Chỉ có thể “nói có” khi biết “nói không”, và chắc chắn Nhà Truyền Giáo thừa biết mình phải “nói không” với những gì và “nói có” với những gì trong cuộc đời sứ vụ! Vấn đề là Nhà Truyền Giáo có muốn hay không?

Hương Quê