Khoan dung nói thì dễ mà thực hiện lại có mấy ai đã làm được? Khoan dung là không nhận xét dèm pha người khác một cách bất công. Khoan dung là cắt nghĩa tốt về lỗi lầm của tha nhân. Khoan dung khó nhất vẫn là học được chữ nhịn khi người khác làm nhục hay làm tổn thương đến chúng ta. Bởi vì trong con người ai cũng có cái tôi quá lớn đến nỗi không nhịn được sự tổn thương từ người khác mang tới. Xem ra Khoan dung với người khác không phải là đức tính tự nhiên mà có. Nó là kết quả của sự vun đắp dài lâu thông qua sự làm gương và những lời chỉ bảo của cha mẹ, của bề trên và sự nỗ lực tập luyện của bản thân.
Tôi nhớ hồi còn đi học có lần các bạn mách cô giáo về một bạn có tính táy máy, hay lấy đồ của các bạn trong lớp. Nhưng cô giáo đã khuyên chúng tôi: “Bạn ấy nhà nghèo mà lại ham đọc sách, thế là rất quý. Con đừng trách bạn. Một người ăn trộm sách không phải là kẻ trộm quá xấu. Con cứ nói với bạn ấy rằng đọc xong trả lại, con sẽ cho bạn ấy mượn thêm những cuốn khác nữa ”.
Quả nhiên bạn ấy đã bỏ được tính táy máy mà còn là người luôn thân thiện với mọi người.
Và có lần tôi chứng kiến một bạn trai vì bênh vực ngưòi yêu mà có lời không được lễ phép lắm với cha mẹ. Thấy tôi ái ngại ông bố đó đã ôn tồn nói rằng: “Khi người ta yêu, thì người yêu là nhất. Ai ngăn cản, tự nhiên sẽ trở thành kẻ thù. Ngày trước bọn mình yêu nhau, ông bà nội cũng không đồng ý. Có lúc hận ông bà và nghĩ sẽ bỏ nhà ra đi. Tuổi trẻ bồng bột. Sẽ có lúc nó nghĩ lại khi sóng tình đã dịu. Phải tập sống khoan dung để cho con cái có cơ hội sửa đổi”.
Nếu trong cuộc sống ai cũng biết nghĩ tích cực và nói những điều tích cực sẽ không có tổn thương, không ân oán oan gia. Nếu trong cuộc sống ai cũng biết nhịn nhường lẫn nhau thì không có lời cay đắng nói xấu hay kết án lẫn nhau. Cuộc sống sẽ là thiên đường nếu ai cũng nhường nhịn và “chín bỏ làm mười” với nhau.
Hôm nay Chúa dạy chúng ta về lòng bao dung ky-tô giáo. Chúa dạy chúng ta đừng bao giờ có kẻ thù. Hãy dùng tình yêu mà xóa bỏ hận thù. Hãy yêu kẻ thù của mình như Chúa đã từng cầu xin cho kẻ làm hại mình bằng một lời rất từ bi: “xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa còn bảo chúng ta nếu không yêu tha nhân như chính mình thì chúng ta không xứng đáng là môn đệ của Chúa. Chúa còn mời gọi chúng ta hãy vì Chúa để sống cho thanh sạch, cho công bằng và yêu mến sự thật. Chúa không chấp nhận là người ky-tô hữu mà gây nên gương mù gương xấu cho người khác vì tội lỗi của mình. Nhất là vì sống thiếu tình yêu thương với đồng loại trong lời nói và hành động.
Đó chính là bài học mà Chúa đã dạy chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài. Chính Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương. Yêu thương đến nỗi cho đi cả tính mạng của mình. Tình yêu thương đó Chúa trải rộng trên người lành kẻ dữ. Chúa không kết án tội của Lê-vi, tội của người phụ nữ ngoại tình. Chúa đến để thu phục người tội lỗi bằng chính hành động bao dung của mình. Chúa bẻ bánh và trao cho các môn đệ trong đó có cả Giu-đa. Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ từ Phê-rô cho tới Giu-đa. Chúa đã nêu gương yêu thương đến quên cả chính mình, và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà yêu tha nhân. Hãy vì Chúa mà đối xử tốt với nhau. Hãy vì Chúa mà quên đi cái tôi ích kỷ để sống vị tha và nhân ái với nhau.
Có ai đó nói rằng: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người đều trở nên mù lòa”. Cuộc đời sẽ là thảm họa nếu thiếu lòng bao dung và yêu thương. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết quên đi cái tôi để đón nhận mọi người trong yêu thương tha thứ. Xin cho cuộc đời ky-tô hữu của chúng ta luôn sáng ngời bài ca đức ái để xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, để đẩy lùi những khổ đau và mang lại hạnh phúc cho nhân thế hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền