LAO ĐỘNG

0
56

Tháng Năm với những ngày nắng gay gắt, nóng như nung vẫn chưa vơi. Những cơn mưa chờ đợi vẫn chưa thấy tới và tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thời tiết đã thực sự gây khó khăn cho cuộc sống và sản xuất của những người lao động, đặc biệt  là những người phải làm việc nhiều dưới ánh mặt trời. Biết thế nhưng ngày ngày người ta vẫn phải gồng mình lao động đổ mồ hôi để biến đổi các vật chất tự nhiên thành của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống của mình.

Nhiều quốc gia đã đồng tình dành ngày đầu tiên của tháng Năm làm ngày Quốc Tế lao động để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những người lao động. Giáo Hội Công giáo cũng luôn đòi hỏi và đề cao công bình xã hội cho giới lao động. Năm 1955, Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố quan điểm của người Công giáo về ngày Lễ Lao Động, và tuyên xưng Thánh Giuse Lao Động là Ðấng Bảo Trợ giới lao động thợ thuyền.

Năm nay, ngày Quốc Tế lao động rơi vào Chúa Nhật Thứ VI Phục Sinh nên Giáo hội không cử hành Phụng vụ lễ Thánh Giuse Thợ. Theo Tin Mừng, Thánh Giuse sống ở Nagiarét, làm nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và phụ giúp Đức Maria nuôi dưỡng Đức Giêsu. Trong bối cảnh gia đình Nagiarét, việc lao động của thánh Giuse đã nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì việc Chúa Giêsu nhập thể làm người cũng cần có những nhu cầu vật chất như bao con người.

Thiên Chúa đã muốn con người cùng lao động trong chương trình sáng tạo của Người. Sau khi thiết lập vũ trụ, Người cho con người quyền làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất với lời chúc lành sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất (x. St 1,28). Và trước khi con người sa ngã, “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2,15).

Nhưng cũng giống như nguyên tổ loài người xưa kiêu ngạo, muốn làm cho mình được tinh khôn nên đã ăn trái cấm vì vậy con cháu đã phải cực nhọc đổ mồ hôi trán mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng cơm manh áo (x. St 3,17-19). Có một thời, người ta quá đề cao một vài thành tựu có được do sức lao động và khoa học kỹ thuật với những tên gọi, khẩu hiệu cao ngạo đại loại như “bình trị thiên, có sức người sỏi đá cũng thành cơm …”. Đành rằng lao động là vinh quang, nhưng đằng sau cái vinh quang đó là biết bao gian khổ nhọc nhằn đầy ắp những giọt mồ hôi nước mắt, có khi là máu và thậm chí là mạng sống con người.

Kinh Thánh cũng rất nghiêm khắc với sự ở không, biếng nhác lao động. Kẻ lười biếng sẽ không có gì để ăn và có nguy cơ chết đói (x. Cn 13,4 và 21,25), thánh Phaolô cũng không ngần ngại nói thẳng với những người ngán ngẩm lao động: “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Th 3,10). Với dân tộc Việt Nam, cha ông ta cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn để lại trong kho tàng ca dao: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” hoặc “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”.

Trong xã hội, mỗi người đều phải có nghĩa vụ đóng góp những sản phẩm do công sức lao động của mình làm ra vì một mình ta không thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của bản thân. Hưởng dùng của cải vật chất do công lao của người khác làm ra là ta đã mắc nợ và đến lượt ta phải trả nợ với đời. Nhưng từ xưa đến nay (và có lẽ mai sau) vẫn còn có những kẻ “không gieo mà gặt, ngồi mát ăn bát vàng …”. Trên các trang báo, truyền hình và các phương tiện truyền thông người ta đã đưa lên nhiều thủ đoạn tinh ranh, xảo quyệt nhằm chiếm đoạt tài sản, của cải vật chất của người khác.

Ngược lại, một vấn đề vẫn gây nhức nhối cho xã hội hiện nay là thực trạng lao động nhiều nhưng việc làm phù hợp thì ít. Năm nào cứ đến mùa tuyển sinh, tốt nghiệp thì người ta lại khơi lên những con số không ít các lao động trẻ với những tấm bằng tốt nghiệp trong tay không tìm được việc làm hoặc phải làm những việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Và cái vòng lẩn quẩn ấy cứ thế xoay đều, không có việc làm thì “nhàn cư vi bất thiện, đói bụng đầu gối phải bò” bằng mọi cách!

Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã phải vất vả phụ giúp và tiếp nối công việc của cha Giuse để lo việc kinh tế trong gia đình với Mẹ Maria. Nhưng Người đã nâng lao động lên tầm giá trị cao hơn khi tuyên bố với đám đông dân chúng đi tìm Người sau khi được ăn bánh no nê: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6,27).

Trong ngày Quốc Tế lao động và khai mạc thánh hoa kính Đức Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện và noi gương bắt chước Thánh Giuse cùng Mẹ Maria trong gia đình Nagiarét xưa: sống và lao động theo đúng ý nghĩa là góp phần làm vinh quang cho Thiên Chúa qua sự sáng tạo vũ trụ, con người.

Xin cho mọi người lao động không chỉ làm một cách máy móc, chiếu lệ, qua loa cho mau hết giờ để kiếm nhiều lợi ích, tiền của cho bản thân; nhưng mang một ý nghĩa cứu độ và phục vụ, lao động theo lời mời gọi của Thiên Chúa.

Xin cầu nguyện cho mọi người lao động đều có công ăn việc làm xứng đáng với địa vị và khả năng của mình để làm vơi bớt đi những bất công và gánh nặng cho xã hội. Xin cho mọi thành quả lao động của con người được như của lễ đẹp lòng dâng lên Chúa với lòng biết ơn cảm mến chân thành.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng