Hãy ở lại trong Thầy

0
71

Hãy ở lại trong Thầy

Tác giả Tin Mừng Thánh Gioan đã ghi lại trong chương 15 và chương 16 những lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ. Một số nhà chú giải Kinh Thánh so sánh những lời tâm sự này giống như một bản nhạc mang âm điệu “Rondo”. Những lời này hòa quyện vào nhau, được nhắc đi nhắc lại như một dòng chảy những âm thanh vô tận, tiếp nối nhau làm nên một vòng tròn (rondo). Trong dòng chảy yêu thương này, người môn đệ được mời gọi: “Hãy ở lại trong Thầy!”. Và rồi, nhờ ở lại trong Chúa Giêsu mà người môn đệ cũng đang tiếp tục nối kết và mở rộng vòng tròn kỳ diệu ấy, để làm tỏa sáng yêu thương giữa đời.

“Hãy ở lại trong Thầy”, lời mời gọi này như một điệp khúc trong những di ngôn của Chúa Giêsu vào cuối bữa tiệc ly. Theo Tin Mừng Thánh Gioan, lúc đó Giuđa đã ra khỏi phòng tiệc. Người phản bội đã ra đi sau khi nhận miếng bánh Thầy mình trao cho. Tác giả còn thêm chi tiết về thời gian: lúc đó là đêm tối. Một đêm tối ngoài trời và một đêm tối trong tâm hồn của người bất trung. Chính trong khung cảnh này, những người còn ở lại với Thầy nhận được những lời tâm huyết như những di ngôn của người sắp đi xa. Chúa Giêsu đã nói với họ về Chúa Cha. Người cũng động viên khích lệ họ: “Lòng các con đừng xao xuyến!”. Không xao xuyến sao được khi mà bóng tối đang bao phủ các môn đệ, vì các ông được báo cho biết cuộc khổ nạn đã đến gần. Bữa ăn mà các ông được dùng chung với Thầy trôi đi trong bầu khí nặng nề, vì ai trong các ông cũng biết đây là lần cuối cùng mình được dùng bữa với Người. Chính trong lúc bi quan đen tối ấy, Chúa khích lệ động viên các ông, đồng thời cho biết nơi Người sẽ tới, đó chính là Nhà Cha.

Khái niệm “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt. Động từ này không chỉ diễn tả sự cư ngụ trong một khoảng không gian, nhưng nói lên sự gắn bó, liên kết, hiệp thông thiêng liêng với Chúa. “Ở lại” là tâm tình của người môn đệ trung tín với Thầy mình, kể cả lúc gian nan tăm tối. Chính Chúa Giêsu luôn luôn ở lại trong Chúa Cha. Người luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và bằng lòng trung thành. Các tác giả Tân ước kể lại, vào lúc khởi đầu một ngày mới, hoặc sau một ngày làm việc vất vả, Chúa Giêsu thường lánh ra nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta không biết rõ nội dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu những lúc ấy, nhưng chắc chắn đó là những tâm tình trìu mến và gắn bó thâm sâu. Chắc chắn Chúa Giêsu thân thưa với Chúa Cha về sứ mạng của Người và về những khó khăn Người gặp phải. Nhưng trước hết, đó là những tâm tình của người con thảo đối với Cha mình. Những giây phút cầu nguyện này tiếp thêm nghị lực cho Người, để Người đi cho đến cùng sứ mạng Thiên sai, mặc dù phải trải qua biến cố thập giá. Vào lúc cao điểm của thử thách, tức là trên cây thập giá, Chúa Giêsu vẫn “ở lại” với Chúa Cha bằng niềm phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

“Ở lại trong Thầy” là gì? Chúa Giêsu đã diễn tả qua một hình ảnh rất sinh động và dễ hiểu, đó là cây nho và cành nho. Cũng như một cành nho cần phải gắn kết với thân nho thế nào, người môn đệ cần phải gắn bó với Thầy mình, để được tiếp nhận nhựa sống thần linh. Có biết bao người tự nhận mình là môn đệ Đức Giêsu và mang danh Kitô hữu, nhưng đó chỉ là những danh xưng bề ngoài, còn thực chất thì không gắn bó với Chúa. Những người này được so sánh như cành nho tách rời khỏi thân nho. Một khi tách khỏi thân, cành sẽ khô héo, trở nên vô dụng và bị ném vào lửa. Người tín hữu được kết hiệp với Chúa Giêsu một cách đặc biệt khi đón nhận Thánh Thể, nhờ đó, họ được nuôi dưỡng bằng chính Mình Chúa Giêsu, đón nhận sức sống thần linh và được bồi bổ tâm hồn, giống như cành nho được tiếp nhận nhựa sống để sinh hoa kết trái.

“Ở lại trong Thầy” không dừng lại ở những công thức vô hồn hoặc ở những sáo ngữ, nhưng phải được cụ thể hóa bằng thiện chí đón nhận và tuân giữ giáo huấn của Chúa Giêsu. “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài” (Ga 15,10). Thậy kỳ diệu biết bao, người môn đệ, một khi chuyên tâm thực hành các điều răn của Chúa Giêsu, sẽ được ở trong Chúa và cùng với Người được ở trong Chúa Cha. Nói theo cách của các nhà thần học, người môn đệ sẽ được hòa mình vào dòng chảy nội tại của chính Ba Ngôi Thiên Chúa (circumincessio). Hạn từ thần học chuyên biệt này diễn tả mối liên kết lưu chuyển giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây cũng là một vòng tròn bất tận của tình yêu thương. Người môn đệ ở trong Thầy được tham dự, hòa mình vào dòng chảy vĩnh cửu ấy.

“Ở lại trong Thầy” vừa diễn tả hạnh phúc hiện tại, vừa hướng chúng ta về hạnh phúc viên mãn tương lai trong Nước Trời. Đức tin khẳng định với chúng ta rằng, nếu chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa, thì ngay khi còn sống ở đời này, chúng ta đã được nếm trước hạnh phúc Nước Trời. Bởi lẽ Nước Trời là gì nếu không phải là được ở với Chúa và chiêm ngưỡng dung nhan Ngài? Nước Trời cũng là nơi chúng ta được ca tụng và tôn vinh Chúa cùng với ca đoàn các thiên thần và các thánh nam nữ. Người yêu mến Chúa luôn cất cao lời ca bằng chính cuộc đời mình, qua cử chỉ tôn thờ và lòng yêu mến đối với Đấng Tối cao. Giữa bao bộn bề lo toan của cuộc sống trần thế, người tín hữu biết dành cho Chúa một chỗ trong trái tim mình, và như vậy họ ở lại trong Chúa và với Chúa. Đây cũng là bảo đảm rằng họ sẽ được hưởng Nước Trời mai sau. Chúa Giêsu đi trước để dọn chỗ cho những ai trung tín với Người, để rồi, Người ở đâu, thì những ai tin cậy yêu mến Người cũng sẽ ở đó.

Nếu “ở lại trong Thầy” là gắn bó với Chúa Giêsu, thì người môn đệ cũng được mời gọi “ở lại với anh em”, tức là thực thi đức yêu thương đối với đồng loại. Yêu mến tha nhân, đó là một điều răn và cũng là một đòi buộc quan trọng đối với những ai mang danh Kitô hữu. Bởi lẽ, không thể chấp nhận những tín hữu yêu mến Chúa mà lại thù ghét anh em mình. Đức mến Chúa phải được chứng minh qua tình yêu thương đối với những người lân cận, nếu không, đó sẽ là một lòng mến giả hiệu. Tin Mừng Thánh Gioan không kể lại việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, nhưng bù vào đó là việc Chúa rửa chân cho các môn đệ. Theo một số nhà chuyên môn về Kinh Thánh, Tin Mừng thứ bốn được viết sau cùng. Vào thời điểm Tin Mừng này được soạn thảo, người ta rất chú trọng đến “bữa ăn của Chúa” hay “Bữa tiệc huynh đệ” tức là các buổi cử hành phụng vụ, trong khi dường như đức bác ái bị coi nhẹ và lãng quên. Tác giả Tin Mừng thứ bốn được ơn linh hứng để bổ túc một khía cạnh quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu khi Người lập Bí tích Thánh Thể, đó là lời mời gọi yêu thương. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” không chỉ được hiểu như một lệnh truyền cho phép các tư tế được cử hành thánh lễ, mà còn được như một lời mời gọi hãy làm như Chúa đã làm, tức là hiến thân phục vụ tha nhân. Chúa Giêsu đã diễn đạt giáo huấn của Người qua việc rửa chân cho các môn đệ. Người nói với họ: Thầy làm cho anh em như thế, anh em cũng bắt chước Thầy, mỗi khi tưởng nhớ đến Thầy.

Ý thức mình luôn “ở lại trong Thầy” sẽ giúp chúng ta tìm được niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Vì chúng ta xác tín Chúa đang cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường dương thế. Dù phong ba bão táp, dù thử thách đau thương, chúng ta vẫn an toàn, như con thơ ngủ yên trong tay mẹ hiền. Hạnh phúc chẳng phải tìm đâu xa, chỉ đơn giản là hãy “ở lại trong Thầy”, để được Người che chở, chúc lành và hướng dẫn.

19/5/2017

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên