Cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài

0
102

y-nghia-chua-nhat-le-la40 thanh niên Công giáo người Ấn Độ đã khởi hành chuyến hành hương đi đàng Thánh Giá với quãng đường dài 400 km từ hôm 01/04/2017 và đã kết thúc vào ngày 04/04/2017 vừa qua. Đây không chỉ là một cuộc thử thách sức lực thể chất mà thôi, mục tiêu chính cuả cuộc “hành hương” là “Đổi mới tinh thần và chia sẻ tin mừng của Chúa Kitô”.

Chúng ta vừa nghe bài thương khó của Đức Giêsu Kitô theo trình thuật của thánh Matthêu. Tuy không kéo dài đến 4 ngày với quãng đường 400 km, mà chỉ đứng yên một chỗ trong một khoảng thời gian chưa đầy nửa giờ, nhưng đối với chúng ta cũng là một thử thách, một chuyến hành hương.

Sau khi nghe cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy đặt ra mục tiêu cho mình là “Đổi mới tinh thần và chia sẻ Tin mừng của Chúa Kitô”. Để có thể làm được điều đó, chúng ta phải cùng chết với Đức Kitô để được cùng sống lại với Ngài. Sự sống lại chính là việc đổi mới cuộc đời chúng ta, và khi được đổi mới, chắc chắn chúng ta sẽ vui mừng để chia sẻ với người khác về niềm vui đó.

Hãy đặt mình vào vị trí của một vài nhân vật trong cuộc thương khó Đức Giêsu, xem họ đã “sống – chết” với Ngài như thế nào để chúng ta có được một vài tâm tình làm động lực “đổi mới tinh thần và chia sẻ tin mừng của Chúa Kitô”.

  1. NHỮNG NGƯỜI LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC GIÊSU

Theo tường thuật của Tin mừng, có nhiều người liên quan đến cuộc thương khó của Đức Giêsu, trong số đó phải kể đến một số Luật sĩ, Biệt phái, Pharisêu và các Thượng tế là những người đã có âm mưu tiêu diệt Đức Giêsu vì tầm ảnh hưởng của Ngài. Cộng tác với họ, đứng về “phe cánh tả” còn có vua Hêrôđê, tổng trấn Philatô, quân lính, và nhất là Giuđa Iscariô, một trong 12 Tông đồ của Ngài. Đứng về “phe cánh hữu”, những người có mặt trong cuộc thương khó của Đức Giêsu để than khóc, tiếp giúp hoặc ít ra là không muốn Ngài phải bị như vậy là các Tông đồ, ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa, bà Vêrônica, những phụ nữ đạo đức, và nhất là Đức Maria. Những người “trung dung”, nghĩa là những người bàng quan, đứng bên ngoài để nhìn hoặc hùa theo đám đông cũng hiện diện trong cuộc thương khó này. Đó là dân chúng và hai tên gian phi.

HAI KHUÔN MẶT ĐỂ SUY GẪM TRONG NĂM GIA ĐÌNH 2017

Những nhân vật kể trên ít nhiều cũng đã liên quan hoặc nhìn thấy cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Trong năm Gia đình 2017 với chủ để chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân, chúng ta hãy cùng nhau khám phá 2 khuôn mặt với 2 tính cách có liên quan đến đời sống nói chung và gia đình kitô hữu nói riêng.

Giuđa Iscariô

Để diễn tả tính cách của Giuđa, trong tác phẩm “từ trên Thánh Giá nhìn xuống” được Linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái dịch từ tiếng Việt đã viết: “Giuđa là một con người nhiều tham vọng, muốn có một địa vị cao. Anh rất hồ hởi khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ nên đã đi theo Người. Có lẽ anh tự nhủ: “Với quyền làm phép lạ như vậy, chắc  hẳn Đức Giêsu sẽ kéo hết mọi người về với Người. Dân chúng sẽ tôn Người làm vua. Người sẽ đánh đuổi quân Rôma xâm lược. Còn mình là một trong số những kẻ thân tín của Người. Nếu mình chu toàn trách nhiệm quản lý cho Người thì mình sẽ còn được đặt làm Bộ Truởng Tài chính. Rồi mình sẽ giàu sang, quyền thế. Ôi sung sướng biết bao!” Tắt một lời, Giuđa là một con người ham mê tiền bạc và danh vọng, ông theo Đức Giêsu cũng chỉ vì mục đích đó. Cuộc thương khó của Đức Giêsu cũng là hậu quả những toan tính của Giuđa để ông có đạt được mục đích của mình.

Ham mê tiền bạc và danh vọng, làm mọi cách để có những điều đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho gia đình không hạnh phúc. Hơn thế nữa, cũng chính tiền bạc, giàu sang, quyền lực đã che mờ đi hạnh phúc đời sau, và vì thế họ không còn nổ lực sống đạo nữa.

Mađalêna

Cũng trong tác phẩm “từ trên Thánh Giá nhìn xuống” con người của Mađalêna được diễn tả một cách ngắn gọn: “Trong thành Mađalêna, người ta không khen ngợi cô, trái lại còn nói xấu cô vì cô sống buông thả, tội lỗi, lại còn lôi kéo nhiều người đàn ông vào đường tội lỗi”. Nói thế cũng đủ biết Mađalêna là người như thế nào.

Cũng chính lối sống tội lỗi, buông thả, đắm mình trong những đam mê dục vọng đã làm đổ vỡ biết bao gia đình.

 CÙNG CHẾT VỚI ĐỨC KITÔ ĐỂ CÙNG SỐNG LẠI VỚI NGÀI

Hình ảnh của Giuđa và Madalena hoàn toàn trái ngược nhau. Giuđa có một quá khứ tốt với nét nổi bật nhất là Tông Đồ của Đức Giêsu, nhưng kết cục cuộc đời ông là một cái chết thê thảm vì ông đã không đạt được mục đích của mình. Giuđa đã không cùng chết với Chúa nên ông đã chết mãi mãi

Ngược lại Madalena có một quá khứ không tốt đẹp, nhưng nhờ nhận ra một tình yêu chân thật, nhận ra Đức Giêsu là Đấng được sai đến để thực hiện tình yêu đó, nên cô đã dấn thân theo Ngài và đã được sự sống mới. Madalena đã cùng chết với Chúa qua việc chôn lấp những tội lỗi của mình nên cô đã được sống lại với Ngài trong đời sống mới.

Bước vào Tuần Thánh, một lần nữa mỗi người chúng ta hãy xét lại những điều làm ảnh hưởng đến đời sống đức tin, nhất là đời sống gia đình từ hình ảnh của Giuđa và Madalena.

Có khi nào tôi bất chấp tất cả, kể cả những điều sai trái, tội lỗi để có tiền bạc, chức vụ và những điều thuận lợi trong cuộc sống không? Có khi nào vì lo kiếm tiền, vì công danh sự nghiệp mà tôi quên gia đình nhỏ bé của tôi không? Có khi nào vì gia đình nghèo khổ mà tôi đã đành đoạn từ bỏ người bạn đời và những đứa con để ra đi tìm kiếm hạnh phúc khác không?…

“Phải chăng đôi khi tôi cũng có phần nào giống như Madalena buông mình tìm kiếm thú vui nhục dục: nói chuyện tục tĩu, xem sách báo phim ảnh khiêu dâm làm những việc ô uế…?” Có khi nào vì ham mê nhục dục thể xác mà tôi đã không tôn trọng người bạn, người yêu của tôi không?…

Giuđa đã không nhìn thấy cái sai của mình, mà chỉ bất mãn vì mình không đạt được mục đích. Madalena đã biết mình sai nên hối hận và sửa đổi cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có những sai lỗi. Hãy tận dụng những ngày trong Tuần Thánh này để ăn năn sám hối và mau chóng đến với tòa giải tội xưng thú lỗi lầm để được ơn tha tội.

Khi chúng ta nhận ra tội lỗi của mình, chúng ta quyết tâm chừa bỏ là lúc chúng ta đang chết với Đức Kitô. Khi Đức Kitô sống lại, Ngài cũng ban cho tôi sự sống mới, thể hiện qua việc tôi được sống trong ân nghĩa của Chúa, và làm những việc lành phúc đức để bù đắp lại những tháng ngày bội nghĩa vong ân.

“Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.”

Lm. Giuse Nguyễn