Cầu nguyện theo mô thức và giáo huấn của Thầy

0
38

            Cầu nguyện là hành vi tâm linh vượt trên và ra ngoài thế giới vật chất, liên kết với Đấng vô hình trong mong ước bao khát vọng chân chính được cảm thương và được lấp đầy. Cầu nguyện là thói lành của mọi tín đồ trong mọi tôn giáo. Có khác chỉ từ ngữ gọi tên, và nội dung cùng chất lượng kêu cầu.

            CN hôm nay, ĐGS dạy cầu nguyện, sau khi một trong số môn đệ cảm nhận và thỉnh cầu, khi Người cầu nguyện ở một nơi kia: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ của ông” (c.1). Người dạy các ông độc nhất chỉ lời kinh: ‘Lạy Cha’ (c.2-4).

            Bối cảnh khi này là ĐGS và các môn đệ trên đường theo hướng lên Giêrusalem đi vào cuộc hiến tế, hoặc nói cách khác, như ‘chiên đi vào giữa bầy sói’, theo tinh thần Luca. Người dạy các ông vỏn vẹn lời kinh ấy và gắn chặt những lời khích lệ, động viên cầu nguyện đầy ý giáo huấn nòng ấm dạt dào tâm tình: ‘Cứ xin; cứ gõ cửa, vì xin thì nhận được, gõ cửa thì sẽ mở cho’ (c.9) .

            Trong gần ba năm được gọi theo chân Thầy đến nay, bôn ba đó đây rao giảng, các môn đệ chưa có chút ảnh hưởng hay chưa có dấu nhiễm tinh thần cầu nguyện của ĐGS vị Thầy của các ông. Thường người ta chỉ nhận ra sự thờ ơ nơi các ông, tệ hơn là óc bề phái, óc tranh quyền thân thế, khát vọng đổi đời trong từng bước theo Thầy, thăng hoa trong triều đại Người. Việc cầu nguyện dù nhiều lần đã được Thầy nhắc bảo vẫn còn ngoài tay, lắm khi vì những bước thấm mệt đường rao giảng, có dịp soải lưng trên đất là ngủ mệt ngủ mê, dù có lời Thầy ngọt ngào cảnh giác: ‘Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ’ (Mt 26,41)

            Với ĐGS, thói quen đậm thấm của Người là cầu nguyện. Cầu nguyện nên thói lành đạo đức, thông lệ vào những lúc đêm về hay những khi bình mình chưa ló dạng. Cũng không hiếm muộn những lần Người cầu nguyện công khai ở giữa các ông như gương sáng, khi ấy Người dâng lời tạ ơn Cha: ‘Con tạ ơn Cha vì Cha đã dấu không mạc khải cho những người khôn ngoan thông thái mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn’ (Mt.11,25); hay cầu xin cho mục tiêu hiệp nhất nên một giữa các ông: ‘Lạy Cha, xin gìn giữ chúng nên một như Cha Con Ta là một’, hoặc cẩu nguyện cho chính các ông, xin Cha gìn giữ họ trong Danh Thánh Cha, không để mất một ai (x.Ga.17,1tt). Cũng như trong bửa tiệc ly hay khi làm phép lạ bẽ bánh nuôi dân, nhất nhất Người dâng lời cầu nguyện với hết tâm tình phụng thờ tràn đầy tấm lòng biết ơn gắn chặt với hành động.

Người dạy các ông Kinh Lạy Cha để các ông biết phải nói gì xin gì khi cầu nguyện: ngợi khen, tán tụng Danh Tánh Cha, cho Triều Đại Cha mau đến. Đây là mục tiêu đạt được trong viễn ảnh của sứ vụ hiến tế, cũng là sứ mệnh các môn đệ. Dù thế, không bỏ qua những lời xin thiết cần vừa đủ cho phần xác, phong nhiêu hữu ích cho tâm hồn: lương thực đủ dùng hằng ngày, ơn tha tội cho chính bản thân như bản thân biết tha thứ lầm lỗi bị anh em xúc phạm đến, hãy nhớ theo lời dạy: ‘Ai lấy lường nào đong cho người, Ta sẽ lấy lường đó trả lại cho nó’ (x. Mc.4,24), đồng thời dù cho có rơi vào chước cám dỗ vẫn được ơn vượt thắng hay nhanh nhẹn vượt thoát.

Tất cả bao tiêu chí ấy của lời cầu nguyện kinh Lạy Cha không gì chuẩn mực hơn cho một người môn đệ ngoan hiếu. Cứ xin! Cứ cầu xin, và cầu nguyện như thế là dõi theo gương lành trong và theo tinh thần của Thầy Giêsu chí thánh.

            ‘Cứ xin’ thực chất còn mang ý nghĩa khích lệ, khẩn thiết động viên sau cùng của Người. Bằng bức tranh ‘cầu nguyện’ cụ thể của một gia đình hàng xóm gõ cửa cầu xin gia đình thân cận vài ba bánh trong cơn quẫn bách vì đang đêm vui mừng có người bạn đến thăm, bạn đến chơi với bạn. Hãy theo đó suy niệm để đào sâu thực tập và thực hành thành nên thói lành đạo đức trong việc cầu nguyện liên lỉ trải dọc cuộc sống với TC.

            Hơn thế, đường lên Giêrusalem là để đi đến đỉnh cuộc thương khó. Cuộc thương khó là hành vi thù ghét, loại bỏ của con người. Các môn đệ được dạy cầu nguyện với kinh lạy Cha cùng trong cuộc hành trình đó. Vì sứ mệnh của môn đệ gắn liền với sứ mệnh của Thầy, tiếp nối công trình và mục tiêu của Người, nên những khi này cứ cầu nguyện và cầu nguyện nhiều hơn, nhất thiết trong mỗi tình huống cụ thể của chính bản thân trên đường thực hiện vai trò môn đệ có sứ mệnh hiện diện và dấn thân rao giảng. Cứ cầu nguyện những khi ấy hơn nữa để được ban dư dầy ơn hỗ trợ.

            Các môn đệ, khi cầu nguyện, hãy bình tâm nhớ rằng: điều nguyện ước cầu xin chắc chắn đã được ban, dù như ý hay không như ý. Các môn đệ dù chưa cầu xin mà đã được ban rồi hai ơn siêu cao trọng: ‘bình an của Thầy’ như Thầy đã nói: ‘ Thầy ban cho anh em bình an của Thầy’ và ‘Thần Khí thánh’ của Thầy như cụ thể đã đến trong ngày lễ Ngũ Tuần trên các tông đồ. Có Thánh Thần TC là có đủ mọi yếu tố để có bình an: ánh sáng khôn ngoan, sự sống thần linh, lửa yêu mến nhiệt thành, sức mạnh bênh vực và dũng lực can đảm…Cầu nguyện chỉ là ngàn tia lửa tâm tình phát xuất từ tình yêu mà hai cộng sự trao cho nhau để gắn kết nhau nên một trong bình an và trong Thánh Thần hiện diện hướng dẫn đến thành công trong mọi hi-sinh-cố-gắng hoạt động.

            Vì lợi ích và sức mạnh vô song của việc cầu nguyện! Lạy Thầy chí thánh, xin hãy dạy con cầu nguyện.

Lm Uyen Nguyen