BIẾT QUAN TÂM VÀ SỐNG BÁC ÁI VỚI NGƯỜI KHÁC

0
34

“Có một người nghèo khó tên là Ladarô,
mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,
thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”
(Lc 16,20-21).

Con người thời nay đang mắc một chứng bệnh nan y, đó là sống dửng dưng, vô cảm vô tâm trước những khó khăn, đau khổ và bất hạnh của đồng loại do virus “ích kỷ” gây ra. Sự ích kỷ đã khóa chặt cánh cửa của tâm hồn và làm cho con người không còn khả năng để lắng nghe tiếng thổn thức của người khác và chia sẻ với họ.

Đứng trước thái độ giả hình và ham mê tiền bạc của những người Pharisêu (x. Lc 16,14), Đức Giêsu đã kể dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khổ”. Dụ ngôn này thật ấn tượng vì nó để lại cho mọi người nhiều bài học quí giá. Dụ ngôn xoay quanh câu chuyên về hai nhân vật chính: ông nhà giàu và người hành khất nghèo. Hai người có hai tình cảnh tương phản ở đời này, và cũng tương phản nhưng đảo ngược ở đời sau. Ông nhà giàu được mô tả là người có lối sống xa xỉ: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Một cảnh tượng khác trái ngược, đó là hoàn cảnh của người hành khất nghèo khổ, lâm vào tình cảnh khốn cùng: “Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”. Hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau.

Trên thực tế, quả thực, ông nhà giàu không làm điều gì xấu xa cả. Ông ta tiêu xài tiền bạc của mình. Tuy nhiên, một lối sống như thế vẫn chưa đủ. Ông ta bị kết án bởi sự vô tâm, vô cảm, dửng dưng của ông đối với một người nghèo khổ, đói rách đang nằm trước cổng nhà mình. Người hành khất nghèo này chỉ cần những gì thừa thải rớt xuống từ trên bàn ăn của ông nhà giàu để có miếng ăn qua ngày nuôi sống bản thân, nhưng anh ta cũng không thể kiếm được. Vẫn còn đó sự dửng dưng, vô cảm vô tâm trước những khó khăn, đau khổ và bất hạnh của đồng loại. Thiên Chúa kết án sự dửng dưng vô cảm này. Hậu quả mà ông nhà giàu sống dửng dưng vô tâm vô cảm này phải lãnh nhận ở đời sau đó là những cực hình ông chịu dưới âm phủ, và phần thưởng rất lớn lao của người hành khất nghèo Ladarô nhận lãnh là được ngồi trong cung lòng yêu thương của Ábraham trên thiên quốc. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một sứ điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng: giàu có không phải là điều đáng trách, nhưng giàu có mà không biết quan tâm, bác ái và chia sẻ với những người túng thiếu thì mới đáng tội và nhận hình phạt tương ứng ở đời sau.

“Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ”. Tôi có tìm kiếm sự tiện nghi, phung phí của cải mà Thiên Chúa ban cho tôi không? Tôi có tìm kiếm sự an phận và an toàn trong của cải vật chất, sống ích kỷ mà quên đi vận mạng chung của anh em đồng loại?

“Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa”. Tôi có cố gắng nỗ lực để đạt tới những giá trị cao cả thiêng liêng mà một Kitô hữu cần phải có không? Hay tôi vẫn còn chìm đắm vào những giá trị, đam mê của trần thế?

“Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. Tôi có chạnh lòng trước những người khó khăn, đau khổ về vật chất và tinh thần không? Tôi có những hành vi giúp đỡ cách cụ thể những người khác?

“Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ngày nay chúng ta vẫn có Hội Thánh luôn đồng hành và nhắc nhở chúng ta. Trong năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, ĐGH Phanxicô khẳng định rằng “sứ mạng của Hội Thánh là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, đang muốn nhờ lòng thương xót để chạm được đến con tim và khối óc của con người” (x. DMLTX, số 12). Do đó, ĐGH mong ước rằng: “nơi đâu có Hội Thánh hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện” và “ở đâu có Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một điểm quy tụ chan hòa lòng thương xót” (x. DMLTX,số 12). Chúng ta có được đánh động về những lời này không?

Nguồn: WGPSG