Bài học vô cùng

0
38

CGS 2Hằng năm, cứ mỗi độ phục sinh về, lòng tôi lại trào dâng lên niềm xúc động khôn tả về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Nói thật tôi không sao hiểu được tất cả những gì đã xảy đến cho Ngài trong cuộc thương khó. Như thế, mới gọi mầu nhiệm tử nạn nhỉ!

Không gì đáng sợ bằng sự cô đơn, mà cô đơn trước cái chết là nỗi cô đơn đến tột cùng. Đây lại là nỗi cô đơn của một cái chết tử hình bằng thập giá. Không chỉ là nỗi đau thân xác, nhưng còn kể đến cái đau tinh thần: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.” (Mt 26, 38). Mọi người đã bỏ rơi Ngài, bỏ mặc Ngài cô đơn, một nỗi cô đơn hãi hùng mà có thể chết đi. Kẻ thì bán: “Tôi hôn ai thì chính là người đó, các anh bắt lấy.” (Mt 26, 48), người thì chối: “Tôi thề không biết người ấy.” (Mt 26, 72), dân chúng thì đồng lõa: “Đóng đinh nó vào thập giá.” (Mt 27, 22), kẻ có quyền lại phủi tay: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy.” (Mt 27, 24), và ngay cả đến Thiên Chúa của mình: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.” (Mt 27, 46)

Ai cũng một lần chết, nhưng có lẽ cái chết của Đức Giêsu thảm thương nhất. Nó thảm thương đến độ mỗi lần đọc lại là một lần khiến người ta khóc mãi. Khóc vì thương Ngài quá đỗi, một con người vô tội: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt 27, 4), “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này.”(Mt 27, 19).  Một Thiên Chúa yêu thương con người đến vậy, Ngài là Đấng vô tội, Ngài đã làm bao nhiêu phép lạ tốt lành để khẳng định quyền năng và bày tỏ lòng thương xót đối với con người, nhưng sao họ vẫn không tin. Chỉ vì lòng ganh ghét mà có thể giết chết mạng người hay sao? “Ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà họ đã nộp Người.” (Mt 27, 18)

Chỉ cần học cho hết bài học thập giá từ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, bạn đã trở nên người hào kiệt. Thật đáng để khâm phục sự chịu đựng vô hạn của Ngài, lòng vâng phục và sự quảng đai, nhân từ của Thiên Chúa. Đứng trước bao bất công dành cho mình mà Ngài vẫn giữ thái độ khiêm nhường, thinh lặng: “Khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng.” (Mt 27, 12)

Nếu muốn tìm hiểu Thiên Chúa yêu thương mình thế nào, chỉ cần nhìn vào bài học thập giá, nếu muốn biết Thiên Chúa khiêm nhường ra sao, cũng cứ nhìn vào bài học thập giá… Có biết bao nhiêu điều cần phải học, cần phải suy gẫm qua cuộc khổ nạn của Ngài. Nơi thập giá, có những bài học mà cả đời ta học cũng không hết.

Vô cùng là ngôn từ dành cho Thiên Chúa, nơi Ngài điều gì cũng trở nên vô cùng như chính bản thân mình vậy. Mầu nhiệm vô cùng, yêu thương vô cùng, tha thứ vô cùng, quảng đại vô cùng, quyền năng vô cùng, vâng phục vô cùng, phó thác vô cùng, tin tưởng vô cùng, Ngài vô cùng và mãi mãi vô cùng…

Lạy Chúa, mỗi khi cầm bút để viết về Ngài qua biến cố tử nạn, thì lòng con đều nhói đau và thấy nước mắt mình rơi xuống, cảm giác thương đến tột cùng. Thương quá Người mà cách đây hằng ngàn năm đã chịu tử hình thảm khốc. Nỗi đau càng dâng cao khi biết Ngài là Đấng vô tội, mà phải chết vì những người có tội, đã vậy còn chịu nhiều sỉ nhục đau đớn… Tình yêu thương ấy  kỳ lạ như chính bài học thập giá vậy. Mặc dầu không thể thoát tội, bởi bản thân mang kiếp tội, thế nhưng không có gì có thể ngăn cản được tình yêu ấy ở tận đáy lòng. Ai nói yêu Thiên Chúa mà không phạm tội là người nói dối, vì nếu vô tội thì đã là đại thánh rồi. Xin giúp con, cho dầu khó có thể vô tội, nhưng chí ít cũng đừng phạm tội, vì chả phải chính vì tội mình mà Thiên Chúa đã chết hay sao?

M. Hoàng Thị Thùy Trang