Bước vào Mùa Vọng, người Kitô hữu nói chung và người Công giáo nói riêng được Giáo Hội mời gọi chuẩn bị tâm hồn đón mừng Đại lễ Giáng Sinh, mừng và chiêm ngắm ngày mà Thiên Chúa ký kết giao ước và trao ban Tình Yêu của Ngài cho con người nhân loại ngang qua Mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Việc chuẩn bị được bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng và kéo dài trong 4 tuần qua những hành vi: tỉnh thức, cầu nguyện, tham dự các buổi tĩnh tâm, xưng tội, rước lễ và thực thi việc bác ái…
Vọng là mong, chờ và đợi! Ta mong, chờ và đợi ai, ta mong, chờ và đợi điều gì? Người Do Thái khi xưa đã cất lên lời khấn nguyện: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy mưa, mưa đức công chính, đất mở ra đi cho nảy mầm ơn cứu độ…” (Is 45,8). Lời cầu nguyện trên nói lên sự mong, chờ và đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban tặng cho dân tộc họ một vị cứu tinh, để rồi qua vị cứu tinh, người sẽ dẫn dắt và giúp họ thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Rôma đang ngày đêm đè nặng trên vai họ những sưu cao thuế nặng, những luật lệ hà khắc… như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận…” (Is 9,5-6).
Ngày nay, giữa những đồn đoán về ngày tận cùng của vũ trụ, trái đất; giữa những khó khăn về kinh tế, những cănh bệnh lạ, bệnh nan y đang bao trùm lên đời sống, sức khoẻ của con người nhân loại; giữa những tha hoá về mặt đạo đức, những tội ác ngày càng lan tràn; giữa những mối bất hoà, nghi kỵ, chia rẽ từ mái ấm gia đình trở đi; giữa những tranh chấp về chủ quyền, tranh dành quyền bá chủ thế giới, đắc thắng khi sở hữu những vũ khí tối tân, tàn độc… còn đó quanh ta những bức tranh hào nhoáng, những lời mời gọi ngọt ngào của quyền lực sữ dữ luôn lôi kéo ta vào con đường chết. Như những người Do Thái năm xưa, ta cũng mong, chờ và đợi, hay đúng nghĩa hơn là ta ao ước gia đình luôn hạnh phúc, cuộc sống bình yên, một thế giới đầy ắp tiếng cười, một người bạn cảm thông… ta chờ và đợi Thiên Chúa đến và giúp ta vượt khó, giúp ta tránh xa cạm bẫy của quyền lực sự dữ…
Cố Nhạc sĩ Lê Thương đã diễn tả hình ảnh người phụ nữ mong, chờ và đợi hình bóng của đức lang quân qua nhạc phẩm “Hòn Vọng Phu” dưới lăng kính vô vọng và tuyệt vọng, từ sự vô vọng và tuyệt vọng đã làm cho người phụ nữ bằng xương, bằng thịt hoá thành khối đá vô tri, vô giác. Không, những người Do Thái năm xưa và ta ngày nay không vô vọng, tuyệt vọng, không hoá đá khi mong, chờ và đợi. Sau những mong, chờ và đợi là những niềm vui được khởi đi từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Ngôn ngữ của Tiên tri Xôphônia đã minh chứng điều ấy: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi… Đức Vua của Ítraen đang Ngự giữa ngươi chính là Đức Chúa…” (Xp 3,14-15). Thánh Phaolô cũng diễn tả niềm vui ấy trong thư ngài gửi cho giáo đoàn Philípphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em…” (Pl 4,4).
Vâng! Sau cơn mưa trời lại sáng, sau những mong, chờ và đợi là những niềm vui. Niềm vui ấy không chỉ đóng khung trong bản văn Kinh Thánh, nhưng được thực tại hoá ngay trong lòng Giáo Hội qua phẩm phục màu hồng của vị chủ tế trong Thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng; qua những dấu chỉ bên ngoài: bộ mặt đường phố như được khoác một tấm áo mới bằng những ánh đèn muôn màu muôn sắc, những hình ảnh trang trí sinh động, vui nhộn; những chiếc hang đá như muốn diễn tả lại khung cảnh “Nhập Thế” của Con Thiên Chúa tại Belem năm xưa; hoà quyện vào những bài thánh ca, những khúc nhạc vui nhộn…
Niềm vui của những người Do Thái năm xưa, của Giáo Hội, của ta ngày nay được khởi đi từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, niềm vui ấy được đúc kết thành hai từ “Bình An”. Đức Kitô đã phán:“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian…” (Ga 14,21). Niềm vui, sự bình an của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại không theo kiểu thế gian, vì thế cho nên, ta khó cảm và khó đón nhận được một cách trọn vẹn. Vì sao thế? Xin thưa, vì ta đang là những người sống giữa thế gian, đang phải gánh chịu những hệ luỵ từ thế gian.
Vâng! Ta đang sống giữa thế gian, ta đang phải gánh chịu những hệ luỵ từ thế gian, vì thế không ít thì nhiều, ta có những suy nghĩ, cách hành xử theo thế gian. Sống trong tâm tình của Mùa Vọng, ta được mời gọi đổi mới cuộc đời, đổi mới cách suy nghĩ và hành động khác với thế gian như lời mời gọi của ông Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).
Để giúp ta đổi mới, giúp ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động, giúp ta cảm và đón nhận niềm vui, sự bình an của Thiên Chúa ngang qua Hài Đồng Giêsu trong Mùa Giáng Sinh và trong suốt cuộc đời ta, nhất là giúp ta sống đúng với tâm tình của Mùa Vọng, mùa mong, chờ và đợi, trước tiên, ta học nơi những Người Do Thái năm xưa, sau khi lắng nghe lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, họ nhìn nhận mình đầy tội lỗi, để rồi họ cùng nhau bước xuống dòng sông Giođan đón nhận nghi thức thanh tẩy từ ông Gioan Tẩy Giả, không những thế, họ còn muốn biết công việc, và làm như thế nào, những mong qua hành động, qua công việc cộng với lòng sám hối, họ hân hoan đón mừng Đấng mà họ đang mong, chờ và đợi. Thế là, từ người bình dân cho tới người vị vọng, từ người ngư phủ cho tới người binh lính và người thu thuế, không hẹn mà gặp, họ tìm đến ông Gioan và hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đây?”.
Cứ ngỡ rằng ông Gioan Tẩy Giả mời gọi họ bước vào đời sống mà ông đang sống, thực hiện những công việc mà ông đã và đang thực hiện, nhưng không, ông chỉ khuyên họ hãy sống và thực hiện tốt công việc, bổn phận hiện tại của mình:
– Với dân chúng ông khuyên: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”.
– Với những người thu thuế, ông khuyên: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
– Đối với binh lính ông khuyên: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình” (x. Lc 3,10-14).
Đây cũng chính là lời khuyên giúp ta sống Mùa Vọng một cách tròn đầy, giúp ta cảm và đón nhận niềm vui và bình an của Thiên Chúa một cách đích thực. Nhờ niềm vui và sự bình an của Thiên Chúa giúp ta sống an vui và hạnh phúc, giúp ta chuẩn bị tốt tâm hồn đón mừng Chúa đến viếng thăm và nhất là giúp ta giới thiệu Chúa cho mọi người.
Còn đó tấm gương sống tâm tình mong, chờ và đợi, tấm gương đổi mới cách nghĩ, hành động một cách triệt để trong tâm tình tin tưởng hoàn toàn, phó thác hoàn toàn, nhất là tâm tình đơn sơ, khiêm hạ để đón mừng Chúa giá ngự. Đó chính là Mẹ Maria.
Lạy Chúa! Xin khắc ghi lời khuyên của Chúa qua Thánh Gioan Tẩy Giả, xin giúp con luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện, giúp con noi gương Mẹ Maria trong tâm tình Mong, chờ và đợi Chúa đến, xin giúp con và tất cả mọi người trở thành cây viết chì trong lòng bàn tay của Chúa, để Chúa thực hiện những nét chữ Yêu Thương nơi thế giới này. Amen.
Sài Gòn, ngày 14/12/2012