VUA TÌNH YÊU

0
49

            Ta không sống ở chế độ phong kiến để ta được nhìn thấy vua ! Thật sự ra dù ta có sống trong chế độ phong kiến đi chăng nữa ta cũng chẳng thể nào gặp được vua. Đơn giản là chỉ có những vị trong triều đình cao cấp may ra mới có thể nhìn thấy mặt vua mà thôi.

            Xem trong phim ảnh, ta thấy kiệu vua khi vua vi hành nhưng cũng không thể nào nhìn thấy mặt vua. Trong khi vua vi hành, ai nào đó dại dột ngước mắt nhìn vua sẽ bị tru di tam tộc.

            Và, đâu đó dù không thấy, không biết, không gặp nhưng ta vẫn nghe nói về quyền lực của nhà vua. Nói hơi quá, vua muốn cho ai sống thì người đó sống, còn nếu như vua muốn ai chết thì người đó phải chết. Và như thế, ta thấy được vua không công bằng và có khi sống sai với sự thật và không dám đối diện với sự thật.

            Chúa Giêsu đến trong trần gian với tư cách là vua nhưng không phải là vua của trần gian mà là vua vĩnh cửu, vua vĩnh hằng.

            Thật sự như thế, ta thấy trải qua bao thế hệ và bao nhiêu đời, vương quyền của con người dù mạnh thế đến đâu đi chăng nữa nhưng rồi cũng sẽ mất theo thời gian. Đơn giản và dễ hiểu đó là cuộc đời của những vị vua trần gian, vương quyền của họ chỉ có ngần có hạn mà thôi.

            Vua muôn vua, chúa các chúa mới chính là vua thật bởi lẽ Ngài có quyền trên muôn loài muôn vật và muôn người.

            Nhìn vào cuộc đời của vị vua vĩnh cửu này, nét mà ta thấy rõ nhất đó chính là  tình yêu. Chính vì tình yêu, bởi tình yêu và do tình yêu mà vua Giêsu đã đến trong trần gian này. Không chỉ nói nhưng vua Giêsu đã minh chứng cuộc đời, tình yêu của mình bằng chính việc hiến thân mình, hiến thân tình yêu cho nhân loại trong yêu thương và phục vụ.

            Không có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho người mình yêu ! Thật thế, ai đã yêu thương như Chúa.

            Cũng vì yêu thương, Ngài đã chịu chết ngay cả khi chúng ta ngay khi chúng ta là tội nhân như tâm tình của thánh Phaolô tông đồ.

            Bằng cái chết, Chúa đã chứng minh một cách hùng hồn, là một đỉnh cao tuyệt vời của tình yêu như lời Ngài nói: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

            Vì yêu thương, Ngài đã tự khiêm tự hạ và tự bỏ mình đi, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã hiến thân như người mục tử hy sinh tính mạng để bảo vệ cho đoàn chiên.

            Ngài cảm thông thân phận yếu đuối của chúng ta nên không nghiêm khắc kết án. Ngay cả người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài nhân từ dạy chúng ta: Hãy nghiêm khắc với bản thân và rộng rãi với người khác. Không bới lông tìm vết, không nguyền rủa chửi bới. Hãy yêu thương kẻ thù và tha thứ cho nhau mãi mãi. Ngài đề cao phục vụ và kêu gọi chúng ta phục vụ, vì thế Ngài nói: Ta không đến để được phục vụ, nhưng đến để phụv vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài, cũng sống tình bác ái yêu thương và phục vụ.

            Và để cho việc yêu thương không chỉ là một lời khuyên tuỳ ý, nhưng là một mệnh lệnh có tính cách bắt buộc, Ngài đã ban bố giới luật yêu thương: Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Và tình yêu thương đã trở thành một giới răn quan trọng nhất như là lòng kính mến Thiên Chúa.

            Hơn thế nữa, Ngài đòi buộc : “Cứ dấu này người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau”.

            Tình yêu thương của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu dòng tu chuyên lo việc yêu thương phục vụ. Chúng ta thử thưởng tượng xem: Thế giới này sẽ ra sao, nếu đã không có những người, những phong trào, những tổ chức, những dòng tu như thế. Nhân vật hiện nay đang được cả thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh đó là Mẹ Têrêsa Calcutta. Vì sao? Vì Mẹ đã noi gương Đức Kitô và thực hành lời Ngài dạy, đó là đem tình thương đến cho những người nghèo khổ và bất hạnh.

            Quả thực, trong lịch sử nhân loại, không có một nhân vật nào giàu lòng nhân từ thương xót như Đức Kitô. Thật lạ lùng vì mặc dù là Đấng Tối Cao, Ngài vẫn tự nguyện làm người tôi tớ, phục vụ chúng ta. Và còn lạ lùng hơn nữa vì mặc dù Ngài không cần ai, song Ngài lại muốn cần đến chúng ta và tình yêu của chúng ta. Và sau hết, điều lạ lùng hơn cả vì mặc dù là Thiên Chúa, Ngài lại khao khát trở nên bạn hữu của chúng ta và chờ mong chúng ta tiếp nhận Ngài qua những kẻ khổ đau và bất hạnh.

            Yêu là trao ban và trao ban đến cùng. Tình yêu, đó là món quà quí nhất của Thiên Chúa đã trao tặng con người. Từ nay, để sống đích thực là người, con người cần phải dốc cạn con tim mình để yêu thương và trao ban cho đồng loại. Chúa Giêsu đã lấy tình yêu thương và phục vụ làm quyền bính cai trị. Ngài đã trở nên gương mẫu đích thực cho các nhà lãnh đạo, cho các người cầm quyền. Ai biết yêu thương và phục vụ như Ngài thì mới được tham dự vào vương quyền của Ngài trong Nước của Ngài, vì “Phục vụ là cai trị” vậy.

            Ngày hôm nay, cơ hội để ta làm sổ tổng kết cuộc đời của ta trong suốt năm qua. Tổng kết sổ ở cuối năm Phụng Vụ không phải là tổng kết năm nay ta có bao nhiều tiền, ta thu nhập được bao nhiêu và ta tích lũy được bao nhiêu ? Cuối năm Phụng Vụ, ta cộng sổ một năm qua xem ta yêu thương như thế nào trong tư cách là người môn đệ của Chúa.

            Vẫn là lời mời gọi tự do mà Thiên Chúa mời ta đáp trả nhất là về tình yêu. Khi và chỉ khi ta sống yêu thương đích thực thì khi ấy vua Giêsu mới là vua của đời ta và vương quốc của tình yêu mới là vương quốc của đời ta.

Huệ Minh