Thánh Thần Đấng Bảo Trợ

0
100

Bài Tin Mừng hôm nay (CN VI/PS – Ga 14, 15-21) nối tiếp bài Tin Mừng CN V/PS (Ga 14, 1-14). Ở bài Tin Mừng Chúa nhật trước, Đức Giê-su Ki-tô tiên báo Người sẽ trở về cùng Chúa Cha và căn dặn các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14, 1-3). Các môn đệ (tiêu biểu là Tô-ma và Phi-lip-phê) vẫn tỏ ra rất hoang mang, lo sợ, không hiểu Thầy về cùng Chúa Cha là như thế nào, bằng con đường nào và nhất là Thầy có còn trở lại với các môn đệ nữa hay không? Đó cũng là tâm lý thông thường của người đời. Và cũng vì thế nên Đức Ki-tô phải trấn an: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14, 15-16).

Trong những Lời dạy của Đức Ki-tô, Người luôn luôn nói đến Người là Mục tử nhân lành chăn dắt và bảo vệ đoàn chiên, đồng thời Người còn là “cửa chuồng chiên” để đón nhận, nuôi dưỡng và bảo vệ những con chiên trong ràn chiên của Thiên Chúa. Đón nhận, nuôi dưỡng, chăn dắt và bảo vệ thì chính Người là Đấng Bảo Trợ (bảo vệ, trợ giúp) của đoàn chiên. Vì thế, nay Người phải trở về cùng Chúa Cha, nên Người mới hứa là “sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Điều kiện để có được “Đấng Bảo Trợ khác”, ấy là: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15); và chỉ “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21). Nói cách cụ thể, Chúa muốn các môn đệ thể hiện đức tin của mình (yêu Chúa) bằng hành động (tuân giữ các điều răn Chúa dạy). Rõ ràng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa lòng yêu mến Chúa và sự tuân giữ các điều răn của Người: Nếu yêu thì sẽ tuân giữ ⇒ Có tuân giữ mới thực là yêu.

Vậy thì các điều răn Chúa dạy là gì? Và giữ các điều răn ấy thế nào để chứng tỏ là mình yêu Chúa thực sự? Các điều răn Chúa dạy thì nhiều lắm, nhưng chung quy chì là một “Điều răn trọng nhất: Mến Chúa yêu người”. Có một thắc mắc như một vấn nạn luôn ám ảnh con người nhưng chẳng ai dám nói ra, đó là: Con yêu Chúa vì Chúa yêu con đến độ hy sinh cả mạng sống mình, nhưng con yêu người thì chẳng hiểu người có yêu con không? Và cũng chính vì thế nên thế giới này không lúc nào yên. Khổ một nỗi là các nhà lãnh đạo quốc gia lúc nào cũng mạnh miệng cổ võ hoà bình trong khi ngòi nổ chiến tranh vẫn âm ỉ ngay tại quốc gia mình. Các nhà đấu tranh chính trị cũng luôn luôn nhân danh hoà bình và công lý để đấu tranh đòi công lý hoà bình bằng bom đạn, bằng những vũ khí giết người tối tân. Rồi thì khủng bố, tàn sát xảy ra nhan nhản khắp nơi cũng nhân danh công lý hoà bình!

Biết rõ được tâm lý con người hay thắc mắc như vậy và khi nói yêu Chúa thì rất mạnh miệng, nhưng nói đến yêu người thì lại ngập ngừng… hãy đợi đấy (!), nên Đức Ki-tô mới dạy: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”, mà điều răn của Thầy là: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), cũng bởi vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Và cái hệ luận tất yếu phải là: Nếu yêu Chúa thì sẽ tuân giữ điều răn của Chúa ⇒ Có tuân giữ điều răn của Chúa mới thực là yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Chỉ có như thế mới có hy vọng Đấng Bảo Trợ khác sẽ đến thanh tẩy và ban hồng ân cùng dũng khí, bởi Người chính là Ðấng Bào Chữa, Ðấng An Ủi, Thần Chân Lý – Người chính là nguồn hồng ân sự sống, sự thật, sự hiệp nhất yêu thương, là Chúa Thánh Thần vậy. Tất cả quy về một điểm chung nhất: Tình Yêu Thiên Chúa.

Thánh sử Gio-an khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy. Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức Giê-su thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này.” (1Ga 4, 16-17). Đó chính là trọng tâm của đức tin Ki-tô Giáo: Hình ảnh con người và con đường của họ khơi nguồn từ hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu. Cái chết khổ nhục của Đức Giê-su Ki-tô trên thập giá là tột đỉnh của Tình Yêu Thiên Chúa, trong đó, Người trao ban chính mình để nâng con người dậy và cứu rỗi họ. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. Khi chiêm niệm cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu của Chúa Ki-tô, người Ki-tô hữu khám phá ra con đường theo đó cuộc sống và tình yêu của mình phải dõi bước theo: CON ĐƯỜNG GIÊ-SU.

Nói đến Tình Yêu là nói đến trao và nhận. Thiên Chúa Cha trao ban cho con người biết bao ân huệ là vì yêu thương, nhất là khi Người ban chính Con Một là Chúa Giê-su làm giá chuộc muôn người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Giờ đây đến lượt Đức Giê-su Thiên Chúa hứa ban Chúa Thánh Thần là ân huệ mà “thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết” (Ga 14, 17). Vậy thì người Ki-tô hữu đã nhận và nhận rất nhiều Tình Yêu vô lượng của Thiên Chúa, lẽ nào không biết đáp trả ân tình cao vời khôn ví đó? Mà cách đáp trả duy nhất chỉ có thể là “yêu Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn” bằng cách “tuân giữ các điều răn Chúa dạy: Mến Chúa yêu người”.

Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est” (số 18) đã phân giải tỏ tường: “Tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân vì thế là không thể tách rời, chúng hình thành một giới răn duy nhất. Nhưng cả hai sống từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Nó không còn là vấn đề một “lệnh truyền” áp đặt từ bên ngoài và đòi hỏi một điều bất khả thi nữa, nhưng là một kinh nghiệm yêu đương, tự do cho đi từ bên trong, một tình yêu tự bản chất cần phải được chia sẻ với những người khác. Tình yêu triển nở qua tình yêu. Tình yêu là “thần thánh” vì nó đến từ Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa; qua tiến trình hiệp nhất này tình yêu biến chúng ta thành một “chúng tôi”, vượt qua sự chia rẽ của chúng ta và làm cho chúng ta nên một, cho đến khi Thiên Chúa là “tất cả trong mọi sự” (1Cr 15, 28).” 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng dạy: “Trong mọi tình huống của con người, ghi dấu bởi sự mong manh, bởi tội lỗi và cái chết, Tin Mừng không chỉ đơn giản là một ngôn từ, nhưng là một chứng từ yêu thương vô điều kiện và tín trung: đó là ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác, gần gũi với người bị cuộc sống làm thương tổn, là chia sẻ với người túng thiếu, là ở bên những ai đau yếu, già cả hay bị loại trừ… “Hãy đến và xem!”: Tình yêu thì mạnh hơn, tình yêu làm cho hy vọng nở hoa nơi sa mạc.” (Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2014). Rõ ràng bao trùm lên tất cả là Tình Yêu, là “tất cả trong mọi sự” đều quy hướng về Thiên Chúa Tình Yêu.

Chính vì Tình Yêu nên Ba Ngôi đã hiệp nhất nên Một Thiên Chúa, đó là mầu nhiệm Ba Ngôi cực thánh. Một Chúa Ba Ngôi đã thể hiện rõ ràng trong Ngôi Lời nhập thể ở tất cả những hoạt động cũng như lời giảng dạy của Người. Điều đó cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn hiệp cùng Chúa Cha ở trong Chúa Con vậy. Ngay từ trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần đã là “Lời và Hơi Thở của Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống mọi thụ tạo.” (Tv 33, 6; 104, 30; St 1, 2; 2, 7; Gv 3, 20-21; Xh 37, 10). Sang đến Tân Ước thì Đức Ki-tô luôn dạy dỗ môn đệ về Thần Khí Sự Thật. Không những chỉ là Lời giảng dạy, mà chính Đức Giê-su cũng chịu sự tác động mãnh liệt của Thần Khi (khi Người sinh ra tại hang đá Bê-lem, khi Người chịu phép rửa trên sông Gio-đan, khi Người được Thàn Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ, khi Người biến hình trên núi Ta-bo, khi cầu nguyện kể cả khi Người tử nạn trên Gôn-gô-tha).

Đó là lý do cho thấy Giáo hội đã tuyên xưng Đấng Bảo Trợ mà Đức Giê-su Ki-tô hứa ban bằng 8 biểu tượng: Nước, Lửa, Xức Dầu, Áng Mây và Ánh Sang, Ấn Tín, Bàn Tay, Ngón tay, Chim Bồ Câu (Giáo Lý HTCG, số 694-701). Tất cả 8 biểu tượng đều thể hiện rõ rệt Tình Yêu Thiên Chúa. Trong ánh sáng Phục Sinh huy hoàng, người Ki-tô hữu hãy cầu xin Đấng Phục Sinh ban ngọn Lửa Mến để sưởi ấm tâm hồn, soi tỏ đường đi, và nhất là hun đúc dũng khí để tiến bước trên đường thực thi sứ vụ “đem Tình Yêu đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc”. Hãy tin tưởng và cầu nguyện, vì “Dù bị tội lỗi và cái chết làm biến dạng, con người vẫn “là hình ảnh Thiên Chúa”, là hình ảnh Chúa Con, nhưng “bị tước mất Vinh Quang Thiên Chúa” (Rm 3, 23), không còn “giống Thiên Chúa”. Lời hứa với Áp-ra-ham khai mạc nhiệm cục cứu độ cuối nhiệm cục này, chính Chúa Con sẽ đảm nhận “hình ảnh” (Ga 1, 14; Pl 2, 7) và tái tạo lại nét “giống” Chúa Cha bằng cách hoàn trả cho con người Vinh Quang là Thánh Thần “ban sự sống”. (Giáo lý HTCG, số 705).

Nói tóm lại, Đấng Bảo Trợ mà Đức Giê-su hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho các môn đệ chính là Chúa Thánh Thần – ngọn Lửa Mến luôn thắp sáng niềm tin, sưởi ấm tâm hồn, hun đúc dũng khí người Ki-tô hữu trên hành trình thi hành sứ vụ (thực hành các điều răn của Thầy Chí Thánh). Hãy cầu xin với chính Đấng Phục Sinh hằng sẵn sàng ban cho môn đệ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 22), để được Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ đến thanh tẩy tâm hồn, soi sáng trí khôn, canh tân đời sống, gia tăng Lửa Mến, hiệp nhất muôn lòng.

Lạy Chúa! Xưa Chúa đã phán: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16, 13). Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí soi sáng cho chúng con hiểu được “sự thật toàn vẹn” về Đức Thánh Linh. Ôi! Lạy Chúa Thánh Thần! Xin thắp sáng trong lòng chúng con chứng từ yêu thương vô điều kiện và trung tín – là ngọn Lửa Mến – để chúng con vượt qua “cái tôi vị kỷ”, ra khỏi chính mình mà đến với anh em chúng con, nhất là những người nghèo khó, cô đơn, bệnh tật, già yếu, đặc biệt là những người bị xã hội bỏ rơi trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.