Tháng Hoa thời đại dịch

0
492

Tháng Hoa thời đại dịch

Tháng Năm, tháng trái đất nở hoa, nhất là ở Bắc bán cầu, và thông thường người ta bắt đầu nghĩ đến việc trồng vườn, dã ngoại, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ…

Đó cũng là tháng Hoa kính Đức Mẹ.

Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo đã dành toàn bộ tháng Năm để tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Truyền thống lâu đời này bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Vào thời khởi thủy của Hy Lạp, tháng Năm được dành riêng để kính thần Artemis, nữ thần của sự phong nhiêu. Còn ở La Mã cổ đại, tháng Năm được dành riêng để tôn vinh nữ thần Flora – thần của các loài hoa. Họ tổ chức lễ hội Hoa vào cuối tháng Tư và cầu xin nữ thần Flora làm cho toàn thể cây cối trên mặt đất được trổ bông.[1]

Trong thời Trung Cổ, các phong tục tương tự đã có rất nhiều, xoay quanh việc giã từ mùa đông, vì ngày đầu tháng Năm được coi như là khởi đầu của một mùa tăng trưởng mới.

Cũng trong thời kỳ này, truyền thống dâng kính 30 ngày cho Đức Mẹ đã ra đời, cũng được gọi là Tháng Đức Mẹ, được tổ chức từ ngày 15-8 đến ngày 14-9 và hiện vẫn được giữ ở một số khu vực.

Ý tưởng về một tháng dành riêng cho Đức Mẹ có thể bắt nguồn từ thời Baroque (khoảng 1600 đến 1750) với ba mươi bài ‘suy niệm linh thao’ để tôn vinh Đức Mẹ. Sau đó, tháng Năm kính Đức Mẹ với những việc sùng kính đặc biệt đã được tổ chức mỗi ngày trong suốt cả tháng Năm. Phong tục này được phổ biến rộng rãi trong suốt thế kỷ 19 và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Và cách sùng kính Đức Mẹ vào tháng Năm cũng trở nên đa dạng như chính những người tôn vinh Đức Mẹ: dựng bàn thờ tôn kính Mẹ Maria, đọc kinh Mân Côi, dâng triều thiên và dâng hoa lên Đức Maria với những lời ca trìu mến, ngọt ngào…

Tháng Hoa của những năm đầu thế kỷ 20 được ghi dấu đặc biệt với sự kiện Đức Mẹ lần đầu tiên hiện ra với ba trẻ làng Fatima vào ngày 13-5-1917. Hai trong số ba trẻ này đã được Mẹ Maria tiên báo là sẽ sớm được đưa về thiên đàng nếu biết siêng năng lần hạt Mân Côi, và quả thực, lần lượt trong năm 1919 và năm 1920, Francisco và Jacinta đã qua đời vì dịch Cúm Tây Ban Nha – một trong những đại dịch khủng khiếp nhất lịch sử, kéo dài từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920 – đã làm cho khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, dẫn đến khoảng 50 đến 100 triệu ca tử vong (x. Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima).

100 năm sau khi Jacinta lìa trần vì đại dịch Cúm Tây Ban Nha, chúng ta bước vào tháng Hoa năm 2020 khi mà thế giới cũng đang lao đao với đại dịch Covid-19, khởi phát vào cuối năm 2019, là năm kỷ niệm 100 năm ngày vị Thánh trẻ Francisco qua đời cũng vì dịch bệnh.

Nhớ đến hai vị thánh trẻ của tháng Hoa 1917 đã chết vì dịch bệnh của thế kỷ trước, chúng ta cũng nhớ đến các nạn nhân của đại dịch hôm nay, và đặc biệt nhớ đến các chuyên viên y tế cũng như các linh mục tu sĩ đang phục vụ các bệnh nhân nhiễm virus corona – được Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là ‘những vị thánh nhà bên cạnh’. Vì sự hy sinh của những vị thánh ấy, hiệp với sự hy sinh tột đỉnh của Đức Giêsu trên thánh giá và của Mẹ Maria đứng cận kề thánh giá, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa và Mẹ Maria thương cứu nhân loại mau qua khỏi đại dịch và cải hóa chúng ta cùng toàn thể thế giới.

Tháng Hoa năm nay, hoa vẫn nở đẹp, nhưng người ta không thể tổ chức dã ngoại đông đảo để ngắm hoa, cũng như không thể tổ chức dâng hoa long trọng để tôn kính Mẹ Maria. Nhưng chúng ta vẫn có thể dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng rất đẹp, những lời kinh Mân Côi sốt sắng tại gia, những nghĩa cử bác ái cụ thể để giúp những người đang đau khổ thiếu thốn trong dịch bệnh. Như thế, Tháng Hoa trong mùa đại dịch lại trở nên có ý nghĩa vô cùng. Chắc chắn chúng ta sẽ đặc biệt cảm nhận được tình thương của Mẹ Maria, Đấng đang đứng sát bên cạnh chúng ta trong thương đau, như ngày xưa Mẹ đã kiên cường đứng cận kề thánh giá để an ủi Con Mẹ đến cùng…

Vi Hữu 

Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 05-2020