SÁM HỐI TRỞ VỀ

0
80

Ai tưởng mình đứng vững thì coi chừng kẻo ngã”, câu nói ấy của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay, thật hay và cũng thật thức thời.

Có một thanh niên nọ sống ở miền tây sông nước, anh có tài bơi rất giỏi, một ngày kia anh được đi du lịch vũng tàu. Chuyện xãy ra là khi anh tắm biển, anh cố bơi thật xa bờ để cho mọi người biết là anh bơi giỏi, gặp chỗ nước sâu và nguy hiểm, anh cũng coi thường; Vượt khỏi giới hạn phao an toàn vào vùng nước xoáy, anh cũng bất chấp… và hậu quả là anh bị dòng nước xoáy làm cho kiệt sức và anh bị cuốn trôi vào giữa đại dương bát ngát. Rõ ràng anh này thấy và biết. Thấy những phao giới hạn khu vực an toàn, biết bên ngoài là vùng nước xoáy và nguy hiểm, nhưng anh đã coi thường, và hệ quả là anh mất mạng.

Ai tưởng mình đứng vững thì coi chừng kẻo ngã, mà đã ngã thì đau lắm và nhiều khi không gượng dậy được… Vì thế phải coi chừng!. Đừng tự mãn tự kiêu!. Đừng ảo tưởng về mình, bởi vì chúng ta yếu lắm. chúng ta mỏng dòn lắm. Nói theo ngôn sứ Giêrêmia thì “chúng ta là bình sành lọ đất; yếu đuối mỏng dòn”. Chúng ta chẳng là gì cả. Có người ví con người như bong bong xà phòng. Đẹp thì đẹp thật, nhưng mong manh thì cũng không gì mong manh bằng.

Vậy, ai cho mình là ngon lành thì coi chừng, bởi vì chẳng có ai ngon lành cả. Cũng vậy, chẳng có ai hơn ai cả. Tất cả chúng ta đều có một xuất xứ như nhau, đều là bình sành lọ đất, đều được tạo thành từ tro bụi. Tất cả chúng ta đều cần nâng đỡ, đều cần được chia sẻ và cảm thông. Thánh Phaolô bảo: “Mọi người đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Chúa”. Chúng ta ai cũng có tội. Vì thế sống ở đời ai cũng cần phải sám hối, cần phải tạ tội với đất trời, với Chúa và với anh chị em; Ai cũng cần được thương yêu nâng đỡ. Thế nhưng, có một nghịch lý như Chúa nói trong Tin mừng hôm nay, đó là người ta ít thấy tội của mình.

Người ta chỉ thấy tội của người khác, hoặc nếu như có thấy tội mình thì cũng giả làm người ngây ngô vô tội. Người ta ưu tiên soi mói, xét đoán tội của anh em mình, mặc dù tội mình lớn hơn gấp bội. Chúng ta dễ thổi phồng tội của người khác, nhưng với chính mình thì tìm cách che đậy. Không biết mình nên cũng thấy không cần sám hối, mà đã không sám hối nên tiếp tục ảo tưởng về mình, giống như những người Do thái trong Tin mừng hôm nay.

Chuyện kể rằng: Một người nọ nổi tiếng là đạo đức, sáng nào cũng dậy đi lễ và làm nhiều việc đạo đức khác. Ông an tâm vì nghĩ mình thánh thiện lắm rồi, cả làng này hầu như ai cũng biết và chẳng ai bằng ông. Ông vui với ý nghĩ ấy và đêm ngày ăn ngon ngủ kỹ. Ngày kia ông bị bệnh và rất khó khăn để thức dậy đi lễ, nên định nghỉ ở nhà. Bất thình lình, có người lạ mặt đến đánh thức và hối thúc ông đi lễ. Ông thắc mắc hỏi, thì người lạ tự nhận mình là Satan. Ông hỏi tại sao thay vì ngăn cản, quỷ lại khuyến khích ông đi lễ?. Quỷ trả lời: Cám dỗ ông đi lễ thì có lợi cho hỏa ngục hơn, bởi vì, càng đi lễ nhiều ông càng cảm thấy an tâm, và càng nghĩ rằng mình thánh thiện hơn người khác.

Giống như người đạo đức ở trên, và như những người Do thái trong Tin mừng, nhiều khi ta nghĩ rằng: Ta đi lễ đủ, đọc không thiếu kinh gì, thế là ta an tâm không còn phải lo ăn năn tội gì nữa, và nghĩ rằng mình chằng có tội gì. Thật ra tội chúng ta nặng lắm. đó là tội của cây vả của bài Tin mừng hôm nay. Cây vả chẳng có tội gì, nó không sinh trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan, ngoài tội sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái.

Cũng vậy, nhiều khi ta tự hào mình không làm điều gì xấu xa, chẳng làm hại ai, nhưng quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, không sinh trái phúc lành. Nhiều khi ta cảm thấy mình vô tội vì đã không phạm tội ác nào, trong khi ta vẫn thản nhiên sống ích kỷ, chỉ lo thu tích những của cải cá nhân, không màng gì đến người khác. Chúng ta được Chúa yêu ban cho nhiều ơn lành, thay vì làm phát sinh ơn ấy, ta lại chỉ sinh hoa trái chanh chua, đanh đá, điêu ngoa, độc ác, thích gây đau khổ cho anh em mình; thay vì sinh trái lành, ta lại sinh trái độc, trái hư hỏng.

Thành ra ta đừng ảo tưởng về mình, đừng nghĩ rằng mình vô tội kẻo ta sẽ trở thành những cây vả không sinh hoa trái. Nếu cho đến lúc này, ta vẫn là những cây vả không sinh hoa trái thì cũng còn thì giờ để hoán cải và làm phát sinh hoa trái với thời gian mà Chúa còn dành cho ta, trước khi đưa ta ra trình diện trước mặt Ngài. Thời hạn ấy có thể là sang năm như Chúa nói, nhưng có thể là đêm nay, ngay lúc này, bởi vì, giờ ra đi của ta không ai biết trước được. Chúng ta không rõ lúc nào chúng ta sẽ đi về với Chúa. Chúng ta chết dữ hay lành, chết lâu hay bất đắc kỳ tử…?. Không ai có thể xác định. Thành ra, Chúa Giêsu đã khuyến cáo: chúng ta phải hoán cải ngay bây giờ trong khi thời gian còn kịp.

Mùa chay là thời gian thuận tiện để chúng ta làm việc ấy, bởi vì mùa chay là mùa trở về, là mùa sám hối ăn năn để làm mới mình, để nêu một quyết tâm. Có quyết tâm thì có thay đổi, có quyết tâm thì có trở về!. Trở về để được sinh lại vào trong đời sống nghĩa thiết của Chúa. Trở về để làm mới lại, để sinh cho Chúa những “trái lành”, những “quả phúc” chân thật.

 Nam Phong