Nhớ Đến Tôi

0
76

Nhật báo Bild tại thành phố Ham-burg nước Đức, trong số báo ra ngày 03 tháng 10 năm 1996, có đăng tin như sau:

Anh Eduardo Sierra, 35 tuổi, người Công Giáo thuộc nước Tây Ban nha, nhân một chuyến du lịch sang nước Thụy Điển đã ghé thăm một nhà thờ bỏ trống thuộc thành phố Stockholm, trong đó có đặt một chiếc hộp đựng xương của một người quá cố nào đó. Anh Eduaro Sierra quyết định cầu nguyện cho linh hồn người quá cố và viết tên cùng địa chỉ vào cuốn sổ đặt trước chiếc hộp với dòng chữ: “Ai cầu nguyện cho người quá cố này xin ghi tên và địa chỉ vào cuốn sổ”. Thế rồi sau đó hai tuần khi trở lại nước Tây ban Nha, anh Eduaro Sierra đã nhận được lá thư từ nước Thụy Điển báo rằng anh được hưởng trọn vẹn gia tài người đã chết là ông Jens Svenson, một nhà địa ốc 73 tuổi, không có một ai thân thích. Ông Jens Svenson đã ghi vào bản di chúc của mình rằng: “Bất cứ ai là người đầu tiên cầu nguyện cho linh hồn tôi thì sẽ được thừa kế tất cả gia tài của tôi”. Số tiền anh được hưởng tương đương hai triệu Mỹ kim.

            Ông Jens Svenson cả một đời làm việc vất vả, dành dụm được một số tiền khá lớn, nhưng khi nằm xuống, ông chẳng mong ước gì hơn là có người nhớ đến và cầu nguyện cho ông. Thực ra đối với một người đã chết, dù 2 triệu Mỹ kim cũng không ích lợi bằng một Thánh Lễ hay một lời cầu nguyện bé nhỏ đơn sơ.

Có một loài hoa tên là “Forget Me Not”, người biết thưởng thức hoa thì gọi nó là “Lưu Ly Thảo”, còn giới bình dân thì đặt tên cho nó là “Đừng Quên Tôi”. Đừng Quên Tôi là ba chữ tự nhiên được in sâu trong tâm trí con người. Ai trong chúng ta cũng ao ước người khác nhớ đến mình.

Mẹ sửa soạn đi chợ thì đứa con nói: “Mẹ nhớ mua quà cho con nhé.” Anh kia mở một bữa nhậu, bạn bè đánh hơi được thì nói ngay: “Ông nhớ gọi tôi đấy nhé.” Chồng đi làm xa thì vợ dặn dò: “Anh nhớ gọi về cho em nhé.” Vị linh mục sau khi thăm viếng bệnh nhân thì bệnh nhân thường nói: “Cha nhớ cầu nguyện cho con nhé.”

Chúa Giêsu là Thiên Chúa cũng không ngoại lệ. Trong phần Truyền Phép là phần quan trọng nhất của Thánh Lễ, chúng ta vẫn nghe câu: ” Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

Trong bài Phúc âm người trộm lành cũng bộc lộ tâm tình sâu kín nhất của anh ta với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài khi nào vào Nước Ngài, xin nhớ đến tôi “.

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có biết bao cực nhọc, biết bao trăn trở ưu phiền, thế nhưng khi có người gọi điện thoại đến hỏi thăm, hay ta nhận được một lá thư, một món quà nào đó thì lòng ta cũng nhẹ nhõm đi nhiều. Tại sao vậy? Thưa, vì họ nhớ đến tôi nên mới gọi điện thoại cho tôi, viết thư cho tôi, gửi quà cho tôi. “Nhớ Đến Tôi” là ba chữ chúng ta không muốn biến mất trong cuộc đời mình, bởi vì nếu nó biến mất thì cuộc đời chúng ta sẽ rất bất hạnh.

 Quí vị có biết thân nhân, ân nhân, bạn bè của quí vị đang nằm trong lòng đất cần điều gì nhất không? Tôi thiết tưởng họ cần đến lòng Thương Xót của Chúa. Đó là điều chắc chắn. Ngoài ra họ mong điều gì nhất không? Cũng chắc chắn là họ mong chúng ta Nhớ Đến Họ. Nhưng cái thiệt thòi nhất của họ là gì? Bị quên lãng. Thời gian thì đồng loã với quên lãng. Dần dần người chết bị quên lãng, bởi vì định luật của cuộc đời vẫn là: “Out of sight, out of mind.” Việt Nam mình có câu “Xa mặt cách lòng”. Đó là điều đau đớn nhất của người đã chết. Một em bé muốn ăn chỉ cần khóc, một người lớn muốn ăn thì lên tiếng nói, còn người đã chết chẳng cần ăn, chẳng cần mặc. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho họ thì tội nghiệp họ không nói được, không khóc được, không làm dấu hiệu gì được. Đó mới là nỗi đau khổ vô cùng. Vì thế văn sĩ Pháp Jean Couteau nói một câu rất hay: “Đối với những người đã chết thì nấm mồ thực sự của họ không phải ở trong nghĩa trang mà ở trong con tim quên lãng của người còn sống”.

 Một ngày nào đó tôi sẽ chết. Tôi muốn người ta đặt trên quan tài tôi không phải chục bó hồng, không phải mười vòng hoa tươi mát, vì hoa đẹp mấy rồi cũng tàn, nhưng tôi muốn người ta rải lên thi thể tôi những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những chùm hoa Xin Lễ, những bông hoa hy sinh. Hãy tặng tôi những bông hoa Forget Me Not ấy…

Lm Hữu Độ, CMC