Linh Đạo “Từng Bước Một Thôi”
Thánh lễ tạ ơn nhân dịp Đức cha Giuse Vũ Duy Thống nhận nhiệm vụ mới (28.8.2009) tại Giáo phận Phan thiết, trong bài giảng lễ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chia sẻ về linh đạo của Đức Cha Giuse (x.tgp-tphcm.org).
Nhân ngày Lễ Giỗ Mãn Tang Đức cố Giám mục Giuse (1.3.2019), theo tư tưởng Đức cha Phêrô, xin được điểm lại linh đạo của Đức Cha Giuse qua 3 nét.
- Linh đạo Từng bước một thôi.
Đức Hồng Y John Henri Newmann, người đã can đảm giã từ vinh quang của một linh mục Anh giáo nổi tiếng tại đại học Oxford để trở thành chủng sinh trong một chủng viện Công giáo, rồi làm linh mục và là nhà thần học Công giáo nổi tiếng trước khi được nâng lên hàng Hồng y. Trong bước chuyển dịch đầy đau đớn từ Anh giáo sang Công giáo, có những lúc ngài cảm thấy tăm tối bao trùm chung quanh, không biết phải đi đường nào, và từ đó, ngài viết ra lời kinh nổi tiếng “Lead, kindly Light” với điệp khúc “One step enough for me” :
Dẫn con vững bước trên đường, con không cầu thấy chân trời xa xôi. Dẫn con,dẫn con từng bước,từng bước một thôi. (Bản dịch của Cha Cố Đaminh Trần Thái Hiệp)
Xin Chúa dẫn đi từng bước thôi. Và khi bản thân người mục tử cảm nhận những tăm tối trong đời để xin Chúa dẫn mình đi từng bước một thôi, thì người mục tử cũng tìm cách dẫn đưa người khác từng bước một thôi. Không vội vã, không nặng nề nhưng nhẹ nhàng từng bước một thôi. Thiết nghĩ đó cũng là lối sống và cung cách làm việc của Đức cha Giuse trong tư cách mục tử của Dân Chúa.
Với thời gian 8 năm đảm trách chức vụ Giám Mục chính tòa Giáo phận Phan thiết, Đức Cha Giuse đã thể hiện rõ nét nhất linh đạo “Từng bước một thôi”. Đến hành hương Đức Mẹ Tàpao, mọi người sẽ nhận thấy ngay từng bước một, trung tâm hành hương hôm nay mang một bộ mặt mới tươi trẻ và thoáng rộng hơn. Mỗi năm đều đặn có lễ phong chức Phó tế, Linh mục. Từng bước một thôi trong điều hành mục vụ.
Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Tổng đại diện, viết lời ngỏ trong cuốn sách:“Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, dấu ấn mục vụ tại Giáo Phận Phan Thiết” như sau:
“Kính thưa Đức Cha Giuse kính mến,
Thời gian trôi qua thật nhanh, ngày giỗ mãn tang của Đức Cha đã đến gần, nhưng với chúng con, đây chỉ là một điểm dừng, để Đức Cha lại tiếp tục hiện diện, như đã từng hiện diện với chúng con trên những nẻo đường mục vụ. Dấu ấn mục tử của Đức Cha vẫn còn đó. Tình yêu Đức Kitô thúc bách Đức Cha, tình yêu ấy cũng đã thúc bách chúng con. Chúng con biết thao thức của Đức Cha trong những ngày đầu đến với Giáo Phận Phan Thiết, là lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Vì qua Mẹ Maria, Đức Cha đã nhận ra Tình yêu Đức Kitô. Và hôm nay, kính nhớ Đức Cha, trong bầu khí thánh thiêng của Năm Thánh kỷ niệm 60 Năm Đức Mẹ Tàpao, chúng con muốn nhắc đến công trình mang dấu ấn của Đức Cha kính dâng Mẹ Tàpao, mà bài hát BÊN MẸ TÀPAO, sáng tác của Đức Cha, như là một chúc thư, qua đó Đức Cha tâm tình với chúng con.
“Mình ước ao sáng tác một bản nhạc kính dâng Đức Mẹ Tàpao”.Đó là thao thức mà Đức Cha đã từng chia sẻ với chúng con. Chúng con nhớ mãi hình ảnh của Đức Cha bên cạnh cửa sổ của căn phòng nhỏ, hướng ra đồi Đức Mẹ Tàpao trong khuôn viên Tòa Giám Mục. Sau những chặng đường dài mục vụ, Đức Cha đã ngồi hằng giờ bên Mẹ Tàpao để “tìm ý nhạc”. Và khi bản nhạc ra đời, được phối khí và trình diễn, Đức Cha vẫn chưa hài lòng, vì ca sĩ thể hiện âm độ của cụm từ “núi cao” chưa lên đúng mức. “Núi cao”, giọng hát phải vút cao lên, như đỉnh điểm tuôn trào hồng ân Thiên Chúa, là nơi náu nương, là nơi thắp sáng niềm tin. Đức Cha cho biết, từ trên đỉnh núi cao, Mẹ đã trở thành hồng ân, Mẹ đã trở thành chốn nương thân và là ánh sáng cho muôn dân”.
Đức Cha Giuse viết những ca khúc nhẹ nhàng mà thấm đẫm linh đạo “từng bước một thôi”. Đôi khi, Một chút, Dấu Chân, Trầm Tư… Đôi khi và Chút chút nhưng mưa giầm thấm lâu. Dấu Chân và Trầm Tư mênh mang những suy tư và thao thức. Nét linh đạo này cho thấy ngài điều hành Giáo phận bằng cung cách sống nhẹ nhàng, vui tươi, dí dỏm và đôi khi lại rất nghệ sĩ với anh em linh mục trẻ.
- Linh đạo Nút vòng xoay.
Ở Sàigòn, tại những trục lộ giao thông phức tạp với nhiều con đường dọc ngang lên xuống. Người ta thiết lập những nút vòng xoay như ở Hàng Xanh, Ngã Sáu… Nút vòng xoay có mục đích điều tiết giao thông. Giao thông có thể bị chậm lại đôi chút nhưng tránh được sự ùn tắc và nhất là tránh được tai nạn giao thông. Cuộc sống của một cộng đoàn, nhất là cộng đoàn lớn như một giáo phận cũng thế. Cuộc sống ấy bao gồm những tương quan đa chiều, và trong mỗi tương quan, lại có những khuynh hướng, lập trường, suy nghĩ và phán đoán khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau. Vai trò của người lãnh đạo là điều tiết giao thông, làm sao để mỗi người, mỗi cộng đoàn có thể phát huy đặc sủng của mình, làm sao để mọi đặc sủng cùng quy về lợi ích chung, đồng thời tránh được những va chạm và tai nạn không cần thiết. Nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse, “điều quan trọng là biết tôn trọng cái ‘khác’, và đừng bao giờ chuyển thể thành cái ‘khắc’. Những nét tương đồng sẽ giúp hiểu nhau, còn những nét khác biệt lại cần để yêu thương và hợp tác với nhau” (Trả lời phỏng vấn báo CG&DT). Một nhiệm vụ hết sức phức tạp và tế nhị, đòi hỏi sự nhạy bén và khôn ngoan đúng mức. Trong vai trò là Giám mục Chính tòa, Đức cha Giuse đã tích cực và nổ lực điều tiết giao thông, kiến tạo sự hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận. Đó chính là linh đạo Nút vòng xoay của ngài.
- Linh đạo Hạt nắng vô tư.
Trong bài ca “Khát vọng”, Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết ca từ là một câu hỏi “Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư?”. Không biết nhạc sĩ này có phải là người Công giáo hay không, nhưng lời hỏi ấy và tiếng hát ấy mời gọi ta về với chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu khi Người dùng ngôn ngữ hình ảnh để nói đến tình thương của Cha trên trời: Mặt trời mọc lên cho kẻ lành cũng như người ác, mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Ánh sáng mặt trời chiếu soi trên tất cả mọi người và mọi miền, dù là người giầu hay người nghèo, người công chính hay người gian ác, kẻ lòng ngay cũng như kẻ bất lương. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ấy để diễn tả về tình thương không tính toán, tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Và chính hình ảnh ấy cũng soi rọi lối sống của Đức cha Giuse: không tính toán thiệt hơn, cứ chiếu soi ánh sáng, cứ làm tất cả những gì mình xác tín là tốt.
Tâm tình của ngài vẫn mãi là:
Xin làm hạt nắng vô tư,
Ươm thênh thang sớm, gieo dư tràn chiều.
Đó là 3 nét gợi lên phần nào cung cách sống và linh đạo của Đức cha Giuse. Nếu hiểu linh đạo là đường thiêng liêng thì đối với người Kitô hữu, chỉ có một con đường duy nhất là chính Đức Kitô. Mỗi linh đạo có thể làm nổi bật một nét đặc trưng nào đó nhưng tất cả đều quy vào Chúa Kitô. Cũng thế, ba nét linh đạo vừa trình bày đều phát xuất từ một động lực duy nhất là “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”, cũng là khẩu hiệu giám mục của Đức cha Giuse. Khi được Chúa gọi làm Giám mục, Đức cha Giuse đã viết lá thư tâm tình với những người anh em bạn bè thân thiết rằng: “Hơn 15 năm trước, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, mình đã dấn bước vào đời sống linh mục; bây giờ, cũng tình yêu Chúa Kitô thúc bách mình dấn bước vào đời sống giám mục”. Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, ngài đảm nhận nhiệm vụ được trao gởi. Chắc chắn rằng khi một mục tử đón nhận nhiệm vụ chỉ vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chứ không vì bất cứ tính toán hay ham muốn nào khác, thì mục tử ấy sẽ tận hiến đời mình cho đoàn chiên theo gương Vị Mục Tử Nhân Lành và theo châm ngôn của thánh Augustinô: “Với anh em, tôi là Kitô hữu; cho anh em, tôi là Giám mục”. Và cũng chắc chắn thêm một điều nữa: khi ra đi vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách thì đi đâu và làm gì, người tông đồ cũng bình an thanh thản vì có Chúa đồng hành và trợ lực.
Từng bước một thôi, Nút vòng xoay, Hạt nắng vô tư, Làm nụ hoa trắng, Với cả tâm tình “chỉ là những bước đi trước sau trên cũng một thửa đất phụng sự”. Đây là 5 cuốn sách do Đức Cha Giuse viết và được xuất bản năm 2007. Năm cuốn sách “góp lại những suy niệm như chút ghi niệm ngày mùa, đồng thời cũng như một món quà gởi trao, mong gieo thêm ấm áp trên đường phục vụ” (Lời ngỏ: Hạt nắng vô tư).
Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Phan Thiết, viết lời giới thiệu trong cuốn sách “Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, dấu ấn mục vụ tại Giáo Phận Phan Thiết” như sau:
“ ‘Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt khác’ (Ga 12, 24). Đức Cố Giám mục Giuse là hạt lúa được chết đi để nứt võ nẩy mầm, để trở nên thân cây vững mạnh, để mang trên thân những nhánh non, những cành cứng tích tụ nhựa sống để sinh hoa kết trái là các tín hữu. Đức Cố Giám mục Giuse là hạt lúa được nghiền nát để nên tấm bánh nuôi sống đàn chiên. Tài năng và công việc đa dạng của Đức Cố Giám mục Giuse là một ví dụ về sự chuyên chăm lo cho đàn chiên, sự khôn ngoan và nhiệt thành tận tụy vì Nước Thiên Chúa. Ngài đã phục vụ trong khiêm tốn và quảng đại, không cần ghi dấu ấn, không cần phô trương. Ngài luôn nhìn nhận mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc phải làm do Chủ mình là Chúa Kitô giao phó. Tất cả vì Tình Yêu Chúa Kitô thúc bách”.
Giáo phận Phan thiết thương nhớ về vị mục tử khả kính với những nét đẹp của linh đạo như thế. Một Giám mục và là một nhạc sĩ của những bài ca “Hạt giống tâm hồn” đã đi vào lòng người.
“Từ khẩu hiệu ‘Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi’, Đức Cha Giuse đã trải cuộc đời mình trên mảnh đất thân thương với câu nói đầu tiên khi đặt bước chân đến, “từ nay đơn giản tôi sẽ là người Phan thiết”, thân thương và gần gũi biết chừng nào. Với một nhân cách đơn sơ giản dị mà ẩn chứa một nội lực uyên thâm, một tình thương mến vô tận, luôn tìm cách ôn hòa nhẫn nại bao dung. Vâng, Vị Cha chung là thế đó, người mục tử có trái tim nghệ sĩ mang tên Giêsu khiêm nhường, hiền lành, ý nhị. Hôm nay muôn con tim, muôn cõi lòng lại một lần nữa đang hướng về Đức Cha nhân ngày giỗ trọn 2 năm của Đức Cha. Và con cũng nhận được rằng, với những lần có dịp gặp gỡ, nét đẹp tuyệt vời của Người là luôn nở nụ cười trên môi, dẫu biết rằng đau đớn thể xác và gánh nặng trên vai nhưng Người luôn có những câu nói dí dỏm vui tươi, lạc quan, hy vọng để luôn luôn nhìn về phía trước”. (Đức cha Tôma, sđd).
Về bên Thiên Chúa Tình Yêu, xin Đức Cha cầu bàu cùng Chúa cho chúng con.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An