KHÚC TẠ ƠN

0
418

Tạ ơn là cảm tạ, cảm ơn, tri ân, biết ơn, nhớ ơn. Sống trên đời, không ai là một ốc đảo, nghĩa là luôn có mối liên đới với người khác, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Không ai lại không thọ ân của người khác, đơn giản nhất là nhờ ông bà, cha mẹ, anh chị em, hàng xóm, thầy cô, bạn bè,… Tục ngữ nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là tiền nhân muốn nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn.

Biết ơn là biết tự trọng, biết tôn trọng người khác, là người có giáo dưỡng, là người khiêm tốn và trọng chữ tín. Trong tập “Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc”, Tịnh Không Pháp Sư viết: “Hãy biết ơn những người khiển trách ta, vì họ giúp ta tăng trưởng định tuệ; hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn; hãy biết ơn những người bỏ rơi ta, vì họ đã dạy cho ta biết tự lập; hãy biết ơn những người đánh đập ta, vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta; hãy biết ơn những người lường gạt ta, vì họ tăng tiến kiến thức cho ta; hãy biết ơn những người làm hại ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta; hãy biết ơn tất cả những người khiến ta được kiên định và thành tựu”. Những ý tưởng thật là cao thượng, ai sống đúng được như vậy thì đúng là vĩ nhân rồi!

Phàm nhân mà người ta còn biết được như vậy thì thật đáng quý. Và có lẽ nhờ đó mà chúng ta không còn ngạc nhiên, và có thể hiểu được lý do Chúa Giêsu bảo chúng ta phải yêu kẻ thù: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Luật yêu của Ngài khác Cựu Ước, có vẻ “ngược đời” lắm, nhưng đó lại là nghịch-lý-thuận.

Quả thật, hiểu cho sâu xa thì ai cũng là ân nhân của chúng ta, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nghĩa là chúng ta luôn phải biết ơn người khác. Với Thiên Chúa, chúng ta càng phải biết tạ ơn nhiều hơn và tạ ơn không ngừng. Tạ ơn phải được lặp đi lặp lại rất nhiều lần như một điệp khúc của bài trường ca vậy!

Tác giả Thánh Vịnh đã tự vấn và tự trả lời: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116 [114-115]:12-13). Tạ ơn Thiên Chúa là bổn phận của chúng ta, việc đó chẳng thêm gì cho Ngài nhưng lại sinh ơn cứu độ cho chính chúng ta. Kỳ diệu quá!

Nói tới động thái tạ ơn, chúng ta có thể nhớ lại chuyện mười người phong hủi, chuyện thật chứ không là dụ ngôn. Cả mười người đều được sạch, nhưng chỉ có một người ngoại bang trở lại tạ ơn Chúa Giêsu (Lc 17:11-19). Như vậy, chắc chắn chín người kia là “đạo gốc”, vô ơn vì có lẽ tưởng mình là “ngon”. Câu chuyện này “nhắc khéo” chúng ta về việc chúng ta thường vô ơn bội nghĩa đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Chuyện này cũng phần nào liên quan lời Chúa Giêsu khi Ngài nói về người môn đệ chân chính: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Có những người nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ,… nhưng Chúa Giêsu không hề biết họ: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7:23). Chúng ta làm những việc mà chúng ta tưởng là “việc đạo đức” nhưng với Chúa thì chỉ là “việc gian ác”. Coi chừng, vì không khéo thì chúng ta có thể ở trong đám người ấy, và nếu như thế thì thật khốn nạn!

Người khiêm nhường biết nhớ ơn là người vui vẻ, không ưu sầu. Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9).

Lý do để chúng ta vui mừng rất rõ ràng. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách, dạng phổ biến nhất là Hồng Ân, là Thánh Ân của Ngài. Vì thế mà chúng ta không thể không biết tạ ơn Ngài. Ngài còn đến với chúng ta qua từng người chúng ta gặp hằng ngày, và rồi chúng ta cũng phải biết ơn những người chúng ta gặp – dù họ là ai, vì ai cũng có cái để chúng ta học hỏi – đúng để theo, sai để tránh.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài là Đấng cứu thoát chúng ta khỏi kẻ thù và làm cho chúng ta được an cư lạc nghiệp: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9:10). Vả lại, “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Vậy thì không tạ ơn sao được chứ?

Điệp Khúc Tạ Ơn là bài ca nguyện tuyệt vời và cần thiết, phải được lặp đi lặp lại từng ngày trong suốt cuộc đời: “Lạy Thiên Chúa con thờ, là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145:1-2).

Thiên Chúa vui lòng thì có lợi cho chúng ta vô cùng. Tuy nhiên, chúc tụng Chúa khi cuộc đời chúng ta xuôi chèo mát mái thì không có gì đáng nói, nhưng thật đáng nói nếu cuộc đời chúng ta luôn gặp trắc trở, số kiếp luôn lận đận, như Thánh Gióp là tấm gương sáng chói. Sau khi bị mất tất cả, từ tài sản tới con cái, bản thân ông cũng bị bệnh tật, mọi người đều xa tránh, nhưng ông vẫn trung tín với Thiên Chúa. Ông xác định: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Cả đời chúng ta cũng không thể so sánh với một góc nhỏ của Thánh Gióp.

Niềm tin của Thánh Gióp lớn lao quá! Nhưng niềm tin đó không mơ hồ hoặc ảo tưởng, mà hoàn toàn chính xác, như tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145:8-12).

Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, Ngài “đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6; Kn 16:13), Ngài “bắt phải nghèo và cho giàu có, hạ xuống thấp và nhắc lên cao” (1 Sm 2:6-7). Nghe có vẻ “oải” quá! Không phải vậy đâu. Ngài vẫn “thành tín trong mọi lời Ngài phán, và đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm. Ai quỵ ngã, Ngài đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Ngài cho đứng thẳng lên” (Tv 145:13-14). Tác giả Thánh Vịnh đã trải nghiệm và tạ ơn: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30:4). Đúng là Hồng Ân chồng lên Hồng Ân. Tạ ơn Chúa là điều hoàn toàn hợp lý!

Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta lại thường xuyên hành động trái ngược, biết mà không làm. Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38). Thân xác thật nặng nề, nặng hơn đá đeo! Chúng ta vẫn lòng chai dạ đá, chỉ “ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối” (Tv 4:3).

Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm: “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5:17). Thần Khí Chúa rất quan trọng trong đời sống chúng ta, vì chính Chúa Thánh Thần đã tác động và biến đổi chúng ta, như Thánh Phaolô nói: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9).

Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống” (Rm 8:11-13). Quả thật, chúng ta luôn là “con nợ” của Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng con nợ cũng vẫn phải biết ơn, vì mắc nợ cũng là thọ ân vậy.

Hồng Ân lớn nhất mà chúng ta mắc nợ Chúa Giêsu, và phải nhớ mà tạ ơn Ngài, đó là ơn cứu tử của Ngài dành cho chúng ta: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10:15). Vâng, chính cái chết của Ngài là Hồng Ân cao cả, không gì sánh bằng, và chẳng bao giờ chúng ta có thể đền ơn đáp nghĩa. Nhưng Ngài không đòi hỏi gì nhiều ở chúng ta, mà Ngài chỉ cần chúng ta biết tin yêu Ngài và tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh – dù vui hay buồn, dù sướng hay khổ. Điều kiện có khó gì đâu, thế mà chúng ta vẫn chỉ “hứa lèo”, có máu di truyền của Chú Cuội, hứa nhiều mà giữ chẳng bao nhiêu. Tồi tệ thật đấy!

Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài cất tiếng tạ ơn Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11:25-26). Ngài là Sư Phụ hiền lành và khiêm nhường (Mt 11:29) nên Ngài chỉ thích những con người “hèn mọn” mà thôi.

Sau khi dâng lời tạ ơn, Chúa Giêsu cho biết: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27). Ai khiêm nhường thì Ngài sẽ mặc khải cho những điều bí ẩn. Chắc chắn như vậy. Và Ngài luôn mời gọi mọi người, không trừ ai: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).

Thật vậy, ách của Ngài là ách êm ái, gánh của Ngài là gánh nhẹ nhàng. Không ai lại không vất vả và mang gánh nặng nề, không cách này thì cách khác, dù theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen, có nghĩa là không ai lại không cần đến Ngài. Cuộc đời có rất nhiều thứ chúng ta phải “gồng mình” mà chịu đựng, thậm chí có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và hầu như kiệt sức. Cái ách thô ráp và cái gánh nặng trĩu ở đâu cũng có, dù trong gia đình hoặc cộng đồng tu trì. Nhưng có lẽ chúng ta chưa thực sự kề vai vào gánh vác Ách và Gánh của Chúa Giêsu nên chúng ta vẫn thường “than thở” đủ thứ, than trách đủ kiểu. Thế mới biết phàm nhân yếu hèn quá đỗi, vậy mà vẫn “chảnh” lắm, lúc nào cũng chỉ rình nổi loạn mà thôi!

Chúng ta được sinh ra làm người là một đại ân. Được lành lặn và khỏe mạnh là một đại ân nữa. Chúng ta lại được Chúa Giêsu cứu độ, đó là một đặc ân khác. Như vậy, chúc tụng và tạ ơn là một trong các bổn phận hàng đầu mà chúng ta phải thực hiện đối với Thiên Chúa. Có nhiều cách, một cách đơn giản là tránh tội: “Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa, trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh” (Tv 4:5).

Một cách khác cũng đơn giản là ca hát: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5:19).

Ca dao Việt Nam nói: “Ai mà phụ nghĩa quên công / Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”. Quả thật, lòng biết ơn rất quan trọng, dù chúng ta đang đứng trên đỉnh núi Ta-bor hoặc Can-vê. Dễ tạ ơn khi phấn khởi ở trên Ta-bor, nhưng rất khó tạ ơn khi ủ rũ ở trên Can-vê.

Hằng ngày, một lời cảm ơn rất đơn giản nhưng lại rất thường bị lãng quên! Cuộc đời chúng ta là bản “trường ca tạ ơn” vô tận, với ai cũng vậy mà thôi. Trong đó có những “nốt tình” khác nhau về trường độ và cao độ, mỗi “nốt” có vị trí khác nhau nhưng vẫn luôn hài hòa để tạo thành bản tổng phổ hoàn chỉnh.

Lạy Thiên Chúa, chúng con chân thành xin lỗi Ngài vì đã bao lần chúng con vô ơn bội nghĩa với Ngài và với tha nhân. Xin thêm cho chúng con được dồi dào ba đức đối thần và các đức đối nhân để chúng con vui mừng vác thập giá hằng ngày mà theo Đức Kitô lên đỉnh đồi Can-vê. Xin giúp chúng con biết sống chân thành yêu thương nhau để hoàn thiện như Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU