Còn lại ta với ta

0
120

tavoita.jpg

Con người được dựng nên là một hữu thể có tương quan. Sống một mình thì buồn lắm. Không tìm thấy được người đồng điệu nào với mình thì cuộc sống mới nhạt nhẽo biết bao.

 Kinh Thánh thuật lại rằng, khi dựng nên trời đất muôn vật, Thiên Chúa cũng cất công dựng nên Adam, trao cho ông toàn quyền cai trị thế giới tươi đẹp mà Ngài vừa tác thành. Thiên Chúa nhìn thấy mọi loài chim muông cây cỏ, tinh tú, nhật nguyệt đều tốt đẹp và Ngài rất hài lòng. Tuy nhiên, Ngài lại nhận thấy có một sự “không tốt” trong công trình tạo dựng của mình, đó là việc để con người “sống một mình” chơ vơ giữa bao loài khác. Vì thế, Ngài mới dựng nên người nữ để hai người có thể chia sẻ cuộc sống với nhau. Có một người “hợp tông” để chuyện trò, tâm sự vẫn tốt hơn chứ. Đêm hay ngày, mưa hay nắng, khó khăn hay hoạn nạn, có một bàn tay cho ta bám víu hay một bờ vai cho ta tựa vào, ta cảm thấy an toàn hơn, ấm áp hơn và hạnh phúc hơn nhiều.

Ấy vậy mà, có đôi khi, cuộc sống lại đẩy ta vào cảnh cô đơn. Cô đơn là cái mà ai cũng sợ. Đó là một sự lẻ loi của tâm hồn, là khi ta chỉ cảm thấy mỗi mình ta, như thể chẳng có gì khác hiện hữu ngoài mình. Tất cả những cái bên ngoài như trở nên vô nghĩa. Có một góc khuất nào đó trong tâm hồn ta, tối đen và bí ẩn, mà không ai hay không gì có thể đi vào được. Ngay cả bản thân ta cũng sợ khi phải đối diện với nó. Nó là một nỗi niềm sâu thẳm nhất mà chẳng lời lẽ nào có thể được dùng để diễn tả ra. Dù đã tìm thấy cho mình một nửa quý giá của cuộc đời rồi, dù đã tìm thấy lý tưởng cho mình rồi, người ta vẫn chưa chắc xoá đi được nỗi cô đơn mang tính hiện sinh đó. Tính độc nhất của mỗi con người làm cho người ta trở nên quý giá, nhưng chính nó cũng tạo dựng cho người ta một thế giới riêng bất khả xâm phạm. Trên đoạn hành trình tại thế, mọi người có thể bước đi cạnh nhau, chứ không bao giờ có thể thay thế nhau. Cái riêng của mỗi người thì chỉ người đó mới có thể gánh vác. Người giàu cũng thế, người nghèo cũng vậy, nỗi cô đơn chẳng chừa một ai.

Con người chúng ta là một huyền nhiệm. Ta luôn có xu hướng muốn tiếp xúc với người khác để đong đầy cuộc sống bằng những mối tương quan. Nhưng sau tất cả những vui nhộn của tiếng ca hay tiệc rượu, ta bỗng thấy mình bị nhốt vào thế giới riêng mà chẳng ai có thể bước vô được. Luôn có một khoảng trống nào đó trong tâm hồn khiến ta cứ luôn khắc khoải khôn nguôi. Ta sợ cái cảm giác ấy. Nó hệt như kẻ thù của ta. Hoá ra, người mà ta sợ nhất lại chính là ta. Ta ở với người khác thì chẳng cảm thấy gì, còn ở lại với chính ta thì ta lại tột cùng kinh hãi. Đó là lý do vì sao ta sợ ngồi tù, sợ sống trong một căn nhà trống trãi, sợ khi bị người ta cách ly, sợ mất đi người yêu, sợ bạn bè người thân xa lánh, sợ cảnh chia tay, sợ đi trên một con người mà chỉ có cỏ cây với gió hú.

Nhưng dù ta có trốn tránh thế nào đi nữa, ta vẫn không thể chối bỏ một sự thật rằng người duy nhất đi theo ta từ đầu cho đến cuối hành trình tại thế chính là ta. Ai rồi cũng sẽ bỏ rơi ta. Cha mẹ sinh ra ta cũng sẽ rời xa ta khi ta lớn. Anh chị em cùng máu huyết với ta cũng phải có cuộc sống riêng. Bạn bè chí thân chí cốt cũng chỉ có thể gặp nhau khi có dịp thuận lợi. Con cái ta rồi cũng sẽ chắp cánh bay đến vùng trời của chúng. Thậm chí, ta với người bạn đời cũng là hai sự sống khác nhau, hiện diện gần nhau, chứ không phải là một. Chỉ còn lại “ta” với ta là cùng nhau sánh bước, lên non cao hay xuống bể thấp, lúc vinh quang hay khi tủi nhục. Nó là người bạn thân nhất của ta, vì nó luôn trung thành với ta. Ta còn thì nó còn, ta mất thì nó mất.

Ta sợ sự cô đơn vì ta không dám đối diện với chính mình, ta sợ nó. Đối với ta, nó chẳng có gì hấp dẫn cả. Ta không thích cô đơn, là vì ta không thích đi vào trong nội tâm của mình, khám phá thế giới bên trong mình, nhìn thấy những khoảng đen trong đó. Ta ít khi muốn ở một mình, vì ở một mình không làm cho ta vui. Chỉ khi nào ta bị hoàn cảnh của cuộc sống đẩy đến mức đó, ta mới chấp nhận nó với một sự bứt rứt khó chịu đến tột cùng. Ta quá bận rộn với người khác, với những cái ngoài ra, còn chính bản thân mình thì ta không buồn để tâm tới. Ta chưa bao giờ nói chuyện với chính ta, chưa bao giờ chịu lắng nghe ta, chưa bao giờ tìm giải pháp từ chính ta. Bởi thế, ta cứ mải mê chạy hết chỗ này đến chỗ nọ tìm an vui, vội vàng sống, vội vàng hành xử, rồi bị cuộc đời cuốn đi đến quay cuồng chóng mặt.

Cảm giác cô đơn có thể sẽ làm ta héo úa, hay trở thành “tượng đá”, nếu ta cứ sống trong chờ đợi, hoài vọng điều gì đó ở nơi xa. Nhưng cô đơn cũng là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở ta về một người bạn mà ta luôn có bên mình. Bị cách ly khỏi người khác là một điều làm ta đau đớn. Nhưng lạ lẫm với chính mình mới là điều kinh khủng hơn rất nhiều. Ta không bao giờ “ở một mình” cả, vì Tạo Hoá đã khôn khéo ban cho ta một người bạn tuyệt vời. Mỗi khi gặp vấn đề gì, dù là thất tình, dù là khổ sở… hãy về với chính mình, lắng đọng tâm can, ta sẽ nghe được một tiếng nói nào đó vọng vang lên từ trong sâu thẳm. Tiếng nói ấy không có âm, không có sắc, không nghe được bằng tai, chỉ có thể được cảm nhận. Nó sẽ mang đến cho ta một cảm giác thanh thản và giúp trí óc ta được sáng suốt đến lạ thường. Bởi thế, sự cô đơn mà ta hay nói đến không phải là một hình phạt, nhưng là một lời nhắc nhở, một lời mời gọi ta trở về hiệp nhất với chính mình, nên một với chính mình. Khi đã làm hoà với chính mình rồi, tự khắc ta sẽ ngộ ra chân lý, và khi ấy, chẳng có gì làm cho ta lo lắng hay buồn phiền được nữa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(dongten.net 20.05.2016)