Chút rơm nồng chờ mong Chúa đến

0
228

Kết quả hình ảnh cho máng cỏ rơmTiết Sài Gòn những ngày cuối tháng 12 có những ngọn gió se se mát lạnh vào chiều tối và hơi sương sớm bảng lảng quanh những ngọn đèn đường. Dù thế vẫn có những cơn mưa chợt đến, ào ào biến những con đường vùng trũng thành những dòng sông cuồn cuộn ngay trong lòng phố.

Người ta nói rằng đó là hậu quả của sự biến đổi khí hậu nhưng có thể thấy rằng các nguyên nhân gây ra chủ yếu là do các hoạt động của con người. Việc đốt các nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, …) phục vụ các hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, … và việc thay đổi mục đích sử dụng đất bao gồm thay đổi trong nông nghiệp và nạn phá rừng lấy gỗ.

Đến rồi đi, dân thành phố tuy có chút gian nan chống chỏi nhưng vẫn không thấm vào đâu so với những cơn mưa lũ miền Trung. Những cơn bão từ biển Đông, những cơn mưa lớn rồi lũ ống, lũ quét … đã thay phiên nhau làm cho vùng đất nhỏ hẹp – mặt hướng ra biển Đông, lưng dựa vào dãy Trường Sơn – biến thành những biển nước trắng xóa.

Những con đường, những mái nhà, khuôn viên thánh đường… nhạt nhòa trong khung cảnh ảm đạm của dòng nước lũ. Hình ảnh những trẻ em đứng trên mái nhà, đầu con bò được chủ cột dây kéo hếch cái mũi lên khỏi làn nước đục để tìm kiếm sự sống đã làm nao lòng biết bao người.

Thương sao đứa trẻ mới chào đời chưa tới mười ngày đã phải cùng mẹ đi lánh lũ, cảnh bà mẹ chuyển dạ trùm áo tơi trên chiếc ghe được người dân đưa đi trạm xá, cảnh cô dâu lênh đênh trên mênh mông biển nước khi về nhà chồng …. Ánh mắt xót xa thẫn thờ của những người dân lam lũ từ trên gác mái nhà nhìn xuống dòng nước đang nhấn chìm tài sản của gia đình mà bất lực: cuộc sống sẽ ra sao khi ngày mai lương thực, hoa màu, cây cối, gia súc, gia cầm, vật dụng đang bị dòng nước lũ cuốn trôi tan tác?

Lũ đã rút nhưng ngoài thiệt hại về người và của, người dân còn phải mất nhiều ngày lau chùi nhà cửa, dọn dẹp quang cảnh tan hoang. Ngoài ra là cảnh thiếu nước sạch và nỗi lo dịch bệnh lây lan sau khi nước rút … đang đè nặng lên vai những người dân vùng lũ.

Truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam hơn lúc nào hết đã được thể hiện bằng những tấm lòng bác ái vị tha quảng đại. Cho đến nay, lời cổ nhân vẫn nhắc nhở chúng ta phải “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Dù có chung niềm tin tín ngưỡng hay không, đồng bào miền Trung vẫn là những người anh em “máu đỏ da vàng” như trong dụ ngôn người Samari nhân hậu. Hơn thế nữa, chính khi thương cảm, quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người chung quanh, ta sẽ thấy được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Trong Thư kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung ngày 18/10/2016, Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Việt Nam đã kêu gọi Cộng đồng Dân Chúa tại VN và hải ngoại cùng chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào lâm nạn vượt qua khó khăn vì “Đây là cơ hội quý báu để chúng ta khám phá dung mạo của Chúa Giêsu nơi tha nhân theo tinh thần của ĐTC Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hơn bao giờ hết, Chúa Giêsu nơi người anh em cùng quẫn đang từng ngày từng giờ chờ đợi chúng ta đến cứu vớt.”

Nhưng không cần chờ đợi những lời kêu gọi, ngay trong những ngày mưa lũ, Tòa Giám mục GP Vinh cùng các cha sở tại nơi có lũ cũng ra sức ứng cứu giúp dân đối phó với lũ. Bằng những phương tiện thô sơ, các ngài đã đi đến từng nhà thăm hỏi và tặng quà cho giáo dân vùng lũ. Những ngôi thánh đường không bị nước ngập đã mở rộng cửa đón nhiều người không phân biệt lương, giáo, trong và ngoài giáo xứ đến tạm cư.

Trong chuyến viếng thăm cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tại một số nơi thuộc Hà Tĩnh và Quảng Bình, Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam đã nói: “Ngày hôm nay, phái đoàn có mặt nơi đây để nói lên sự quan tâm của HĐGM, của cộng đoàn Dân Chúa với hết thảy bà con. Phái đoàn cảm thấy vui và ấm lòng vì được ở bên cạnh anh chị em để chia sẻ và nâng đỡ… Hy vọng hơi ấm phái đoàn đem đến, một phần nào làm giảm bớt sự đau khổ mà anh chị em đang phải gánh chịu”.

Vâng, mưa lũ không chỉ mang đến khổ đau mà còn mang đến tình thương. Trong cơn bĩ cực, các ngài đã mang đến cho người dân vùng lũ hơi ấm của chủ chăn, hơi ấm về sự sẻ chia của các Kitô hữu VN. Hơi ấm của tình thương mà hơn hai ngàn năm trước hài nhi Giêsu đã đem đến cho trần gian trong đêm giáng thế.

Mùa Giáng Sinh nữa lại sắp trở về, trong mùa lễ mừng Chúa Giáng Sinh chúng ta thường tặng quà cho nhau để bày tỏ lòng yêu thương quý mến nhau. Có lẽ tục lệ này đã bắt nguồn từ mùa Giáng Sinh đầu tiên, khi ba vua phương Đông theo ánh sáng sao dẫn đường tìm gặp Chúa Hài Đồng và dâng cho Ngài những lễ vật đặc biệt.

Để đáp lại tình thương lớn nhất và món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã dành tặng cho loài người là chính Ngôi Hai con Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu chúng ta hãy dâng lên Chúa Giêsu Hài Đồng sự chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Đó chính là món quà ý nghĩa nhất trong mùa tình thương giáng thế.

Ước gì mỗi người chúng ta biết nghĩ về những người đang ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… Bớt tiêu xài, vui chơi mua sắm trong mùa Giáng Sinh, để chia sẻ tiền bạc và của cải vật chất cho những người đang tay trắng khắc phục hậu quả của trận lũ lụt khủng khiếp.

Quà tặng Giáng Sinh cho họ không chỉ bằng những hiện kim, hiện vật … mà còn bằng cả sự yêu thương chân thành trong lời kinh nguyện hiệp thông mỗi người trao cho nhau. Đồng cảm, đồng hành cùng những người thiện tâm như những cọng rơm khô bé nhỏ trong máng chiên bò luôn luôn tỏa nồng hơi ấm tình thương chờ mong Chúa đến. 

Jos. Hoàng Mạnh Hùng