Kinh Thánh thường xuyên nhắc lại rằng chỉ vì tình thương yêu vô bờ bến làm Thiên Chúa tạo dựng nên mọi loài, trong đó có thiên thần và nhân loại. Mà cũng vì yêu thương mà Ngài cho họ món quà vô giá là sự tự do. Yêu thương nên Ngài cũng tin tưởng họ, nghĩ rằng đứng trước hai ngã đường thiện – ác, họ sẽ có đủ lý trí và thông minh mà chọn lựa điều tốt lành. Ngờ đâu … Phải rồi, Chúa nào ngờ cả thiên thần và loài người đã tệ đến thế. Bắt đầu với loài thiên sứ cao trọng, tướng lãnh Luxiphe đã kiêu căng ham hố, đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa, nên kéo bè lập đảng toan phản loạn. Dĩ nhiên, nhóm loạn thần này sức đâu mà dám địch lại với quyền năng Chúa, để rồi cả bọn bị trừng phạt nơi hỏa ngục muôn kiếp trầm luân.
Và đến lượt nhân loại, Chúa đã đặc biệt ưu ái ban cho bao ân huệ khác thường. Ađam, con người khởi thủy đó, được Chúa cho sống trong cảnh địa đàng hoan lạc triền miên, có muông chim cầm thú bầu bạn. Lúc than cô đơn, Chúa lại cho Evà làm vợ để sớt chia mọi vui buồn và cùng nhau gây dựng gia đình mà sinh con đẻ cái nối dõi giống dòng. Cả hai không phải nếm mùi khổ đau, và rồi tới ngày nào đó Chúa sẽ đưa về trời hưởng phúc Thiên Cung trường cửu, không phải chịu cảnh chết chóc thê lương.
Ấy thế mà hai ông bà Nguyên Tổ vẫn bội phản với Chúa. Họ đòi thông biết như Chúa để rồi coi thường huấn lệnh của Ngài (qua việc Sách Thánh mô tả họ cả gan ăn trái cây bị Chúa cấm). Dĩ nhiên, luật công bình của Chúa đòi Ngài phải ra tay trừng phạt, khiến bao hệ lụy đau thương đổ trên đầu con cái loài người. Xót xa nhất là cửa Thiên Đàng đóng lại, và sau những chuỗi ngày tràn ngập nhục nhằn cơ cực, họ sẽ phải chết.
Tuy thực hiện phép công thẳng, nhưng Chúa chẳng giấu được lòng thương xót hải hà: Ngài không đành tâm, chẳng nỡ lòng bỏ mặc nhân loại sống trong tình trạng thê thảm vô tận như thế, nên đã hứa ban Vị Cứu Chuộc tới giải thoát họ khỏi vòng tội lệ, ban lại nguồn Ơn Thánh và mở lại con đường dẫn tới Thiên Cung.
Nhưng rồi, con cháu loài người vẫn đua nhau sống ngược Thánh Ý Ngài: càng sinh sản ra đông đúc, họ càng sa đọa. Ghê gớm nhất là rủ nhau đi thờ lạy các thần tượng. Sau lần ra tay nghiêm phạt lần nữa với trận Đại hồng thủy, để rồi chỉ còn gia đình Noe sống sót mà nối tiếp nhân chủng, Chúa lại thương hại để chúc phúc cho họ cùng với lời hứa sẽ không hủy diệt họ như thế nữa.
Thật đáng buồn, nhân loại vẫn chứng nào tật ấy. Câu chuyện xây tháp Babel là điển hình của thái độ ngạo mạn đã một lần nữa khiến họ chịu hình phạt rối loạn mà tản mát muôn phương. Kết cục là Chúa lại kiên nhẫn trong việc kêu gọi Abraham thành lập một dân riêng, mong họ thi hành đường lối Ngài. Dĩ nhiên, Ngài lại ban nhiều phúc lộc và may mắn để đám dân này có cơ hội triển nở thành công. Với Isaac, với Giacóp cùng với đoàn con cháu đông đảo, Chúa đã kiếm đất đai cho họ lập nghiệp. Sau thời tạm sống kiếp nô lệ bên Ai Cập, Chúa đã ra tay uy quyền đưa họ về lại miền Đất Hứa để dựng xây cuộc đời sung túc an vui. Ngài liên tục sai tới các án quan và nhiều tiên tri hướng đạo dạy dỗ họ biết sống theo đường ngay lẽ chính, nhất là biết tuân giữ giao ước với Ngài qua bản Thập Giới, minh định Ngài là Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ngài.
Kế hoạch tuyệt hảo là thế. Tình yêu bao la là thế. Nhưng rồi, một lần nữa, Chúa lại phải ngậm ngùi nhìn thấy dân Ngài cứng cổ bất trung. Họ vẫn kính cẩn Nhà Tạm trong đền thánh nguy nga, nơi có đặt Hòm Bia giao ước, nhưng lòng trí họ vẫn đồng thời xa Chúa, với lối sống bôi bác giả hình. Họ vẫn giảng trong nhà hội và thúc giục dân chúng giữ mọi khoản luật vô cùng tỉ mỉ, nhưng thực tế cho thấy họ chẳng khác nào như những mồ mả được sơn phết đẹp mắt bên ngoài!
Trong trạng huống bi thảm đó, Chúa vẫn dùng miệng lưỡi các sứ ngôn để nhắc bảo họ quay về với Ngài, đồng thời cho họ biết Ngài luôn giang tay chờ đợi họ thống hối, với tấm lòng tràn ngập yêu thương. Như tiên tri Isaia đã từng lên tiếng: “Đâu có người mẹ nào quên được con mình sinh ra! Mà dù họ có quên chúng đi nữa, Ta đây, Chúa của các ngươi, cũng sẽ không bao giờ quên các ngươi”.
Chính Chúa còn linh ứng cho bao nhiêu tác giả viết nên những tập sách giáo dục giúp họ đi vào con đường khôn ngoan của Chúa, nhưng dân riêng Ngài vẫn chọn nẻo đi riêng. Qua bài giảng của tiên tri Ôsê, thái độ của dân này giống như cách cư xử của một cô gái điếm kia, sau khi được một người thương yêu muốn cứu vớt ra khỏi cuộc sống tối tăm khốn khổ, và sau còn cưới làm vợ, nhưng rồi vẫn quay về nẻo đường bất trung phản bội. Tình thương của Chúa đã liên tục bị lạm dụng, bị coi thường trong suốt lịch sử dân Dothái.
Điều lạ lùng là Ngài vẫn đêm ngày chờ đợi để thứ tha, để quên đi lỗi lầm của họ. Lịch sử dân Chúa vì thế cũng là lịch sử của lòng khùng điên của chính Ngài.
2. Qua việc Cứu Chuộc khó hiểu.
Chúa xem ra điên dại vì thương yêu nhân loại một cách cụ thể nhất qua sự kiện sai Con Một Ngài xuống thế làm người và rồi chọn cái chết để chuộc tội cho họ. Đang lúc đó, con cái loài người không có lấy mảy may một chút điều chi đáng hấp dẫn kéo lôi trái tim của Ngài. Tất cả chỉ là tội lỗi xấu xa, là bất trung cứng đầu.
Thành ra Thánh nữ Maria Mađalêna đệ Pazzi, sau một buổi suy gẫm về việc Chúa Giêsu chịu chết cho trần gian, đã khóc ròng và lớn tiếng kêu la “Chúa ơi, sao Chúa dại khùng quá độ như vậy?”, khiến cả nhà dòng chạy tới tưởng thánh nhân bị sảng trí.
Từ sự kiện chọn được sinh ra trong một gia đình nghèo hèn, nơi sinh lại là chốn hang lừa hôi hám, cho tới việc phải sớm chạy qua Ai Cập lánh nạn, rồi về sống thầm lặng khổ cực tại Nazareth, Chúa đã gây sững sờ cho nhân loại, đang khi người ta chờ đợi Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện giữa cảnh sang trọng quyền uy.
Trước đây, Đức Giám Mục Bùi Tuần có giảng một bài gây nhiều xúc động về lối xử sự “ngược đời” của Chúa:
“Tôi tưởng Chúa xuống trần cứu thế thì phải tính chuyện đó cho cấp kỳ, sớm ngày nào hay ngày đó. Ai ngờ Ngài cứ lẳng lặng sống âm thầm suốt 30 năm rồi mới ra mặt giảng dạy.
Tôi tưởng Chúa phải ra mắt trong một cuộc đại lễ rầm rộ, có cờ xí phất phới, có tiền hô hậu hét, có tuyên ngôn nẩy lửa, có dân chúng hoan hô. Ai ngờ Ngài lại trà trộn giữa đám đông đến xin Gioan Tiền Hô làm phép rửa cho mình như một người tội lỗi.
Tôi tưởng Chúa sẽ tuyển lựa rất nhiều cán bộ học thức và thế giá. Ai ngờ Ngài chỉ chọn mười hai trong đám bình dân ít học. Tôi cũng tưởng Chúa sẽ chọn một người có nhiều bằng cấp và không có chút tì ố làm đại diện Ngài lãnh đạo Giáo Hội. Ai ngờ Ngài chọn Phêrô là người dân chài quê mùa đã công khai ba lần chối Chúa.
Tôi tưởng Chúa sẽ căn dặn môn đệ phải lo năng đi nhà thờ, xem lễ, chịu khó ăn chay đánh tội để chứng tỏ mình thánh thiện. Ai ngờ Ngài chỉ nhấn mạnh đến đức bác ái và gọi đức này là điều răn mới và hệ trọng nhất trong đạo.
Tôi tưởng Chúa có dư quyền phép làm những điều lạ lùng để bắt dân tin theo và tuân giữ điều Ngài truyền để có thể ban Ơn Cứu Chuộc cho họ trong vinh quang. Ai ngờ Chúa chọn cái chết nhục nhã đau thương trên Thánh Giá để thực hiện kế hoạch Cứu Thế”.
Và còn nhiều điều nữa… Dĩ nhiên Đức Giám Mục đã kết luận rằng dẫu Chúa chọn cách “ngược đời” như thế, nhưng tình yêu sâu thẳm nhiệm lạ của Người đã đủ sức cắt nghĩa tại sao.
Với ta, cho tới lúc này, chả mấy ai hiểu được kế hoạch Cứu Chuộc lạ lùng ấy, để rồi nhiều khi ta không đủ tin hoặc coi nhẹ giá trị Ơn Cứu Chuộc. Chúa cho chúng ta ơn đó cách nhưng không, ta dễ coi thường và ít lưu tâm, nhất là tìm cách bắt chước và đáp đền.
Thánh Antôn tu rừng đã xúc động tột độ và quyết định sống đời khổ hạnh thanh vắng dài lâu, sau khi ngài đọc đọan Phúc Âm: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ để gối đầu”.
Phải rồi, cho tới lúc nằm chết trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cũng chẳng có chi gối đầu. Cái chết nhuốc nha của Người, theo lời thánh tông đồ Phaolô, bị người Dothái cho là xấu xa ô nhục và dân ngoại cho là dại dột. Nhưng Thiên Chúa thượng trí khôn ngoan đã thực sự lựa chọn con đường ấy.
Ngài đã mong ước có dịp dạy chúng ta về sự xấu của tội lỗi khiến Con Một Chúa tìm cách đền bù như thế. Ngài cũng nhắc bảo chúng ta phải tìm đến vinh quang của phúc trường sinh qua cửa ải Thánh Giá. Có điều trí óc loài người chúng ta chả bao giờ hiểu cho thấu. Ta không hiểu về những sự kiện Chúa thực hiện trong khi Ngài chịu khổ đau vì chúng ta, mà ta càng không hiểu về tình yêu sâu đậm của Ngài đang lúc chịu đựng như thế. Cho nên, chỉ khi nào ta đi sâu vào lòng Chúa như thánh Phaolô, ta mới thấm thía để nói lên được như Ngài: “Tình yêu thương của Chúa Kitô ngày đêm thôi thúc hồn tôi”.
Nào ai tin được, theo lẽ tự nhiên, rằng Đấng Tạo Hóa chịu chết vì yêu loài thụ tạo. Đấng có đầy đủ mọi sự cách tuyệt đối lại phải cần có nhân loại để chia sẻ tình yêu, Đấng toàn năng uy quyền lại chịu bó tay để bị hành hạ rồi đóng đinh trong cảnh tượng yếu đuối tuyệt vọng như thế!
Mà giả thử Chúa đạt được kết quả tối đa là nhân loại sẽ đền đáp bằng cách dành hết tâm trí để thương yêu Ngài lại, sau đó Ngài sẽ được hạnh phúc sướng vui thêm là bao đâu! Trong Ngài đã có đủ nguồn hoan lạc và phúc lộc rồi cơ mà! Phương chi, với trí sáng láng vô song, Chúa dư biết nhân loại trước sau vẫn toàn gồm những phần tử vô ơn bạc nghĩa… Thế mà Chúa vẫn yêu thương để rồi chết cho họ cách hết sức “dại khờ”.
Nỗi đau của Chúa đã thực sự tăng gấp mấy lần khi Ngài bị chối bỏ do chính dân riêng của mình. Đám dân trước đây tung hô Ngài là Vua, bây giờ trở mặt la hò đòi đóng đinh Ngài. Thánh Vịnh 55 trong Cựu Ước đã diễn tả từ trước về tâm tình của Chúa Kitô: “Giả như kẻ thù thóa mạ Ta, Ta sẽ đành nhịn. Giả như phường đối nghịch lên án Ta, Ta cũng đành cúi đầu ngoảnh mặt. Nhưng đây là những kẻ thân quen bằng hữu, những người đã từng với Ta mặn mà khúc nôi, lại nỡ tâm ra tay hành nhục Ta!”
Dù ở hoàn cảnh tăm tối đó, Chúa vẫn một niềm yêu. Yêu để thành con chiên ngoan ngoãn bị đem đi xén lông và giết làm lễ vật. Yêu để gò lưng xuống gánh cho nổi sức nặng ngàn cân của tội lỗi người đời. Yêu để chịu tâm tư đớn đau tuyệt vọng nơi Vườn Dầu. Yêu để cho tới lúc gục đầu trút hơi thở cuối đời vẫn lên tiếng xin Cha Ngài tha thứ cho nhân loại vì chúng… lầm chẳng biết việc chúng làm!
Chúa Giêsu đã tự nguyện trở thành nạn nhân, tất cả chỉ là vì hạnh phúc của chúng ta. Những giọt máu oan khiên trên ngọn đồi Canvê ngày nào vẫn hùng hồn chứng minh một trái tim yêu thương cuồng điên khờ dại. Đỉnh Golgotha sẽ mãi mãi là đỉnh trời Dấu Ái của chính Con Thiên Chúa.
Trần đời vẫn triền miên đặt câu hỏi: Chúa yêu con người mà làm gì? Yêu để rồi phút giây nghiêm trọng nhất lại bị môn đệ mình kẻ thì phản bội đem nộp, kẻ thì leo lẻo chối từ, kẻ thì bỏ chạy mong thoát thân ư? Bao giờ trần gian mới hiểu được mối tình lạ lùng khó hiểu này? Chắc muôn đời vẫn chịu bó tay. Hóa ra việc Nhập Thể và Cứu Chuộc của Con Chúa ngàn năm vẫn là chuyện Nhiệm Mầu.
3. Qua tình thương ngàn đời.
Tấm lòng thương quá độ của Chúa xem chừng không bao giờ chịu ngừng để đóng khung với thời gian. Các thánh đều tin rằng Chúa càng thi thố tình yêu và nhân loại càng thờ ơ lãnh đạm thì Ngài càng muốn gia tăng mối tình ấy cho mọi người được thấy.
Sau cái chết thương đau khốn cùng trên Thánh Giá, cơ hồ Chúa vẫn chưa thấy bằng lòng. Động tác đầu tiên Chúa làm là làm sao được ở lại cùng đoàn con trần thế một cách gần gũi và cụ thể nhất, để nhắc bảo chúng về tình yêu đầy săn sóc lo lắng của Ngài, để an ủi chúng ở những phút giây nản lòng nhất, cũng như để tăng cường sinh lực cho chúng trên đường lữ thứ trần gian.
Thế là Ngài đã lập ra Bí Tích Thánh Thể, một tuyệt phẩm tình yêu mà, theo lời thánh Augustinô, dẫu Chúa có toàn trí đến mấy cũng chỉ nghĩ ra được một thứ quà tặng ý nghĩa và thực tế đến thế là cùng. Với Bí Tích này, Chúa đã tự giam mình trong Nhà Tạm để đợi, để chờ chúng ta đến tâm sự xẻ chia, với mục đích thực hiện cho bằng được giấc mơ “niềm sung sướng của Ta là được ở cùng với con cái loài người!”
Ôi kỳ lạ vô cùng vô tận! Thiên Chúa lại đi lấy chính Thịt Máu mình làm của ăn thiêng liêng cho người trần! Nếu đây không phải là chuyện thần thoại hoang đường, thì nhất định phải là một phép lạ của tình yêu. Có lẽ ta chỉ có thể hiểu được điều này nếu ta cũng có trái tim như của chính Chúa. Mà với Chúa thì chuyện gì cũng ngoại lệ, cũng vô hạn định, còn ta thì chỉ như hạt muối bỏ biển.
Tặng phẩm tình yêu qua Phép Mình Thánh ở đây quả thực đã là một món quà siêu đẳng mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể sáng chế ra được. Loài thiên thần dẫu thông sáng mấy cũng không hề dám nghĩ tới, chứ đừng nói chi nhân loại. Thành ra, một lần nữa, được hưởng món quà này cách nhưng không, con người lại xem chừng lãnh đạm coi thường! Trong lúc đó, người ngoại giáo thì nhìn vào đó như tượng trưng của những rồ dại, những điên khùng ghê gớm nhất; Sao lại có thể ăn Thịt và có thể uống Máu Thiên Chúa của mình?
Với các thánh, Phép Thánh Thể được coi như cố gắng cuối cùng của Chúa để minh chứng tình yêu. Riêng Công Đồng Triđentinô thì mô tả đây là việc Chúa vận dụng hết mọi nguồn mạch khả năng của trái tim đầy yêu thương của mình mà hiến trao cho nhân loại. Thành ra, khi suy gẫm lời Thánh Vịnh 8 mô tả “Nào con người có là chi để chính Thiên Chúa cao sang phải bận tâm đến”, các thánh đã không thể cầm lòng, để rồi tìm mọi cách đền đáp lại tình Chúa thương.
Mối tình thương cao cả ấy được Chúa nhắc đi nhắc lại ở những lần hiện ra với thánh nữ Magaritta Maria và tỏ rõ trái tim “sầu muộn vì yêu” của mình: “Hãy ngắm nhìn con tim Ta để biết Ta yêu nhân loại như thế nào!” Rồi khi hiện ra cùng bà thánh Angela đệ Folignô, Chúa Giêsu còn nói rõ hơn: “Con hãy biết rằng Ta yêu con cái loài người không phải chỉ là như để chơi đùa!”
Phải rồi, tình thương Chúa với ta quả thật nghiêm chỉnh, quả thật thiết tha khôn lường. Ở mỗi phút giây, Người săn sóc lo lắng cho ta và tìm cách cho ta được thấy niềm an vui thật: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai gồng gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức đỡ nâng cho các ngươi”.
Có bao nhiêu dụ ngôn đầy ý nghĩa trong Phúc Âm về lòng xót thương hải hà của Chúa đối với nhân loại, Người đem ra áp dụng triền miên qua tháng năm. Này là tỉ dụ về chiên lạc được chủ chiên vất vả tìm về. Nọ là câu chuyện đứa con trai hoang đàng trở về với vòng tay ôm tha thứ của người cha. Kia lại là hình ảnh một Maria Mađalêna thống hối được tha hết mọi tội giữa sự ngỡ ngàng của nhóm Biệt Phái… Nhất nhất đều là do tình thương khó hiểu của một Vị Thiên Chúa không biết mỏi mệt để đợi chờ, kiên nhẫn, để bỏ qua lỗi lầm.
Và như thế, Bí Tích Hòa Giải đến với nhân loại như một ân huệ lớn lao khôn lường. Thiên Chúa mượn đôi tay linh mục luôn sẵn sàng giơ lên cao để ban ơn Xá Giải, mỗi khi tội nhân hối hận quay về. Xem chừng thứ tha nằm trong bản tính sâu xa của chính Chúa. Tha ngàn vạn lần, để rồi nhân loại vẫn tái phạm thường xuyên. Với đa số nhân loại chúng ta, chẳng hiểu ta không hiểu nổi lòng nhân từ lạ lùng của Chúa, mà ở những trường hợp ta cho là đương sự không đáng hưởng ơn tha thứ của Người, ta thường không muốn chấp nhận đường lối “quá dễ” của Chúa. Y hệt trường hợp người anh trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” hoặc trường hợp tiên tri Giona trong Cựu Ước: Cả hai đều tỏ vẻ tức bực khi thấy, một mặt là người cha quá tốt để quên lỗi lầm đứa con phung phá, mặt khác là Thiên Chúa hủy ngay ý định trừng phạt dân thánh Ninivê đầy tràn tội lỗi.
Nào ai hiểu nổi lời Chúa tuyên bố: “Một người tội lỗi thống hối sẽ làm Thiên Đàng vui mừng hơn chín mươi chín người lành không cần ăn năn!” Mà Chúa tha và quên thật sự, chứ không chỉ làm bộ bên ngoài. Chúa cũng không tha thứ vì mưu đồ chính trị như khi Khổng Minh của chuyện Tam Quốc tha tướng giặc Mạnh Hoạch. Người cũng không chỉ hạn định có bảy lần như họ Khổng, giống như ý nghĩ của Phêrô khi lên tiếng hỏi Người, nhưng phải là bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha mãi tha hoài!
Có câu chuyện biến ngôn bên Tây phương kể về một linh hồn vừa mãn hạn đền tội ở Luyện ngục. Lúc đứng tại cửa Thiên Đàng, anh ta lên tiếng phỏng vấn Thánh Phêrô:
– Thưa thánh nhân, phải chăng vào Thiên Đàng thì chỉ còn vui sướng, hết chán buồn?
– Sướng vui tuyệt đối.
– Phải chăng họ sướng là vì hiểu được hết mọi mầu nhiệm?
– Đâu có, vẫn còn vài điều khó hiểu.
– Điều nào lớn nhất?
– Họ luôn tự hỏi vì sao Chúa nhân từ tốt lành dường ấy với nhân loại mà người ta không nhận ra.
– Thế sao có Chúa kề bên, họ không hỏi Ngài?
– Họ hỏi Ngài hoài, nhưng Chúa bảo chính Ngài cũng không hiểu nốt!
Câu chuyện tưởng tượng đó phần nào đã nói lên một sự thật phủ phàng, chỉ “tội nghiệp” cho Chúa với trái tim quá bao la từ ái mà chả mấy người nhận ra để đáp đền.
Phần chúng ta, ai nấy phải biết dựa vào ân sủng và Thần Linh của Chúa để mon men học cho biết phần nào tâm tình đại lượng của Người, được cụ thể thực hiện qua Ngôi Hai Nhập Thể và ở cùng chúng ta.
Dĩ nhiên, theo bản tính nhân loại, không ai biết được Thánh Ý và đường lối Chúa. Càng chẳng có ai dám, như kiểu trình bày của thánh Phaolô, chỉ vẽ dạy bảo cho Chúa.
Thế là, thay vì bắt chước dân ngoại mà chê bai kế hoạch thương yêu của Chúa là dại dột khùng điên, ta phải cúi đầu xuống mà thán phục, mà tạ ơn, mà xin lỗi, để rồi tìm cách đền bù lại, dù chỉ là một phần rất bé nhỏ chẳng đáng kể chi trước mặt Người.