Ân Ban Của Thánh Thần

0
139

Ân Ban Của Thánh Thần

Cần phải để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần tràn ngập chúng ta, để Người rộng mở con tim của chúng ta cho Thiên Chúa và phải khẩn nài Chúa Thánh Thần mỗi ngày trong suốt cuộc sống kitô hữu”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong một lần gặp gỡ với hơn 120.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô.

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, kết thúc mùa Phục Sinh; với ý nghĩa Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chính ánh sáng của Thánh Thần đã tràn ngập trên các tông đồ, để Ngài mở rộng con tim của họ cho Thiên Chúa, để họ trở thành dụng cụ đắc lực cho Thiên Chúa. Hãy để Chúa Thánh Thần mở rộng con tim để chúng ta đi vào phụng vụ lời Chúa hôm nay.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Cv 2, 1-11

Vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái năm đó, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Đồ một sự thay đổi ngoạn mục. Thay đổi từ bên ngoài qua việc họ chỉ nói tiếng Aram của người Do Thái, nhưng người khác, kể cả người nước ngoài có thể nghe được tiếng bản xứ của họ. Thay đổi tận bên trong, từ những con người nhút nhát trở nên can đảm; từ những con người chối Chúa, bỏ Chúa trở nên những con người rao giảng về Chúa…

  1. Bài Đọc II: 1Cr 12, 3b-7.12-13

Thánh Phaolô khẳng định: Chúa Thánh Thần chính là nguồn gốc mọi hoạt động trong Giáo hội. Người này làm việc này, người kia làm việc kia; người này Chúa ban cho khả năng này, người nọ Chúa ban cho khả năng nọ; người này ăn nói có duyên, người kia có tài quyến rũ; người này nhiệt tình xông xáo, người kia sâu lắng nhẹ nhàng…:“Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung”. (1Cr 12,7 )

  1. Tin Mừng: Ga 20, 19-23

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay gần giống với bối cảnh của bài đọc I trích trong sách Tông Đồ Công Vụ. Vẫn là căn phòng đóng kín. Vẫn là những con người sợ hãi. Vẫn là ân ban Thánh Thần. Khác chăng là cách thức ban phát. Sách Công Vụ ghi:“Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần” (Cv2, 2-4). Còn Tin Mừng Gioan viết:“…Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đứng giữa các ông và nói: bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh tha tội cho ai thì tội người ấy được tha: anh em cầm giữ tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga, 20 19-23). Mục đích cuối cùng vẫn là Chúa Thánh Thần được ban cho các môn đệ, nhưng có khi tự động Ngài ngự đến, có khi Thầy Giêsu ban cho họ. Giống như một người cho chúng ta một món quà, đích thân người đó đem lại, hoặc qua trung gian một người nào đó, điều quan trọng là chúng ta nhận được món quà. Như vậy phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy quà tặng quan trọng nhất của Chúa Thánh Thần là sự bình an và ơn tha thứ.

II. ÂN BAN CỦA THÁNH THẦN

  1. Bình an:

Bình an là “đặc sản của Chúa Thánh Thần”. Ơn bình an này được ban trước hết cho các môn đệ khi các ông đang gặp bất an vì niềm hy vọng của các ông đã bị đánh mất. Mọi công sức, thời giờ, kể cả phí tổn nữa bỏ ra coi như mất hết. Tưởng rằng bỏ vợ con, gia đình, nghề nghiệp để theo ông Giêsu sẽ được một cái gì quý giá hơn, ai ngờ chẳng được gì ngoài chuyện nguy hiểm, thậm chí đến tính mạng. Thế nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự đến, tận cõi sâu thẳm tâm hồn của các ông đã tìm lại được sự bình an. Bằng chứng là các ông không còn sợ sệt nữa, các ông không còn khép kín mình lại nữa mà mở tung các cánh cửa, và đến với mọi người chứ không phải chỉ quây quần bên nhau.

Cuộc sống của chúng ta rất cần sự bình an, vì theo lời của Đức nguyên Giáo hoàng Ben16: “ơn gọi căn bản của con người là được bình an”, nhưng bình an này phải là sự bình an đích thực, bình an phát xuất từ Chúa Thánh Thần, chứ không phải bình an theo kiểu con người. Bình an này cũng là cùng đích của đời kitô hữu khi chúng ta được an nghỉ bên Chúa theo lời Thánh Vịnh 115: “Hồn con an nghỉ trong Chúa, Đấng cứu độ con”. Bình an này dĩ nhiên là “đặc sản của Chúa Thánh Thần”, Ngài chỉ ban cho những ai tha thiết van nài với lòng tin tưởng. Hay nói cách khác chính lòng tin sẽ lôi kéo ơn Chúa Thánh Thần khiến chúng ta được bình an.

Một đứa bé lủi thủi theo cha nó vào rừng đi săn. Một lát sau, người cha quay lại, hốt hoảng, sự hoang mang, sợ hãi hiện lên trong giây lát, sau đó ông bình tĩnh lại, chĩa mũi súng về đứa con và nói: “Con nằm im đó! Con có tin tưởng vào cha hay không?”Đứa con rất sợ, không hiểu chuyện gì, nhưng nó gật đầu có ý nói: “Có, con tin cha”.Người cha nói tiếp: “Nếu con tin cha, con hãy nhắm mắt lại”. Một tiếng súng vang lên, đứa bé mở mắt ra, ngay trước mắt nó là một con rắn hổ mang to đùng vừa bị bắn hạ. Đứa bé chạy đến ôm chầm lấy cha nó với lòng xác tín hơn nữa rằng: Cha thương con. Chúng ta càng tin tưởng phó thác cuộc đời vào bàn tay của Chúa, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần ban cho sự bình an nội tâm, dù bên ngoài đầy sóng gió: “Thản nhiên trước bão táp đời, búp sen tâm nở nụ cười an vui”.

  1. Tha thứ:

Nếu bình an là “đặc sản của Chúa Thánh Thần”, thì tha thứ là “món ruột của Ngôi Ba Thiên Chúa”. Chúa Giêsu khi hiện ra với các môn đệ đã: “Thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm giữ tội ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23). Nghĩa là với tác động của Thánh Thần, các Tông Đồ có quyền nhân danh Chúa mà tha thứ cho người khác.

Ơn tha thứ đó trước hết được thực hiện trên các Tông Đồ. Từ Phêrô chối Chúa; Tôma cứng lòng tin; hai anh em Giacôbê và Gioan quá khích, muốn Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt một thành phố không đón tiếp Chúa; đến Saolô bắt bớ đạo Chúa… họ đã được Thánh Thần thanh tẩy để trở thành những con người mới, không còn mặc cảm với quá khứ tội lỗi của mình: “Quên đi chặng đường đã qua để lau mình về phía trước”. Ngày hôm nay mỗi khi chúng ta đến với Bí Tích Giải Tội, chúng ta sẽ được linh mục đọc công thức: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội…”.

Một bà già đạo đức đến gặp cha sở, khoe là hồi đêm bà gặp Chúa, bà nói chuyện với Chúa. Cha sở nghe cũng hơi bực mình, mấy bà đạo đức tối ngày mơ chuyện viễn vông. Vì vậy cha thách thức: “Nếu tối nay bà gặp Chúa, bà hỏi Chúa xem cha sở phạm tội gì, rồi bà lại bà kể cho tôi nghe với với!” Tưởng đâu nói vậy bà ta bỏ được ảo tưởng của mình. Sáng hôm sau bà lại nữa, mặt hớn hở hơn hôm qua. Cha sở hỏi có chuyện gì bà vui vậy? Bà nói đêm qua con gặp Chúa, Chúa có gởi lời thăm cha nữa! Cha sở nóng lên: “Vậy bà có hỏi Chúa tôi phạm tội gì không?” Bà nói: “Dạ có, mà Chúa nói Ta quên rồi!”.

Sở dĩ Chúa không nhớ đến tội chúng ta là bởi vì tha thứ là “món ruột của Chúa Thánh Thần”. Tác động của Ngài là làm cho chúng ta trở thành một con người mới. Nếu Chúa cứ nhớ hoài sự lỗi, thì làm sao chúng ta chịu nỗi, làm sao chúng ta có thể trở thành một con người mới?

Như vậy bình an và tha thứ là ân ban của Chúa Thánh Thần. Với hai ân ban này chúng ta quyết tâm trở thành những con người mới dù cuộc đời chúng ta đầy dẫy những khó khăn thử thách, dù quá khứ chúng ta có những lỗi lầm chất chứa, nhưng từ đây chúng ta sẽ trở thành những con người mới nếu để Thánh Thần tác động trên cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến và biến đổi chúng con để chúng con được đổi mới. Amen.