THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,13-21
Chớ Tham Mê Của Cải
– Sau một thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã có uy tín lớn và được dân chúng nể trọng như một vị kinh sư có thế giá. Nhiều người có vấn đề khúc mắc đã tìm đến với Ngài, mong được Ngài cho ý kiến hoặc can thiệp. Hôm nay trong lúc Chúa Giêsu đang giảng có một người trong đám đông lên tiếng xin Ngài xử việc hai anh em ruột tranh nhau phần gia tài được công bằng.
– Theo luật, người anh được hưởng hai phần ba, còn người em được một phần ba gia tài. Ở đây, có lẽ vì tham lam người anh đã vơ toàn bộ số tài sản.
– Đức Giêsu từ chối không nhận lời yêu cầu can thiệp, vì điều đó không thuộc sứ mệnh của Ngài. Nhưng nhờ việc thuận tiện này, Ngài dạy cho dân chúng đừng tham mê của cải.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dựa vào việc hai anh em tranh chấp gia tài để dạy dân chúng đừng ham mê của cải đời này, vì của cải lôi cuốn con người khiến con người sinh ra bất công ích kỷ, của cải không phải là nguồn mạch sự sống.
Để dân chúng dễ hiểu giáo huấn của Ngài về vấn đề của cải, Đức Giêsu đã diễn giải bằng một dụ ngôn: “Người Phú Hộ Giàu Có”. Giới thiệu người phú hộ giàu có, nhưng lòng tham vô đáy, Chúa Giêsu muốn trình bày lòng tham của cải của con người và sức mạnh lôi cuốn của vật chất, của cải. Người phú hộ chỉ chăm chú nghĩ đến mưu kế làm giàu thêm, tìm cách hưởng thụ để thỏa mãn mọi khoái lạc trần thế mà không hề nghĩ đến người nghèo, người xấu số bên cạnh ông. Khi cư xử như vậy, người giàu có ở đây bị Chúa gọi là “ngốc”. Ông ta ngốc không phải vì ông ta thu tích được nhiều của cải, nhưng vì ông ta không biết sử dụng của cải để lập công phúc đời sau, nên khi chết, ông ta đến trước tòa phán xét với hai bàn tay trắng. Chúa Giêsu nhắn nhủ rằng tài sản vật chất ở đời này không làm cho ta hạnh phúc thật. Chỉ có của cải thiêng liêng là những việc lành phúc đức trước mặt Thiên Chúa là đáng giá cho đời này và đời sau.
Con người có khuymh hướng tạo an toàn cho cuộc sống của mình bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ. Nhưng tất cả những thứ mà con người cho là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người, nó nằm trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. (c.21)
Người phú hộ “ngốc” kia đã lấy của cải vốn không bền mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Còn người khôn thì phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc bố thí để mua lấy của cải bền vững đời sau.
Qua dụ ngôn người phú hộ giàu có, Chúa dạy chúng ta: Chúa không ngăn cấm chúng ta làm giàu, vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giàu là cách chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa: làm ra của cải vật chất để phục vụ con người… nhưng Chúa cảnh giác chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất làm giàu cho sự sống đời sau nữa, bằng cách giúp đỡ người nghèo và bằng cách kìm hãm những hưởng dụng bất chính về của cải vật chất. Nói tóm lại có 2 cách sử dụng đồng tiền đưa đến hai kết quả khác nhau: dùng tiền của một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả không bảo đảm cho sự sống đời đời; còn dùng tiền của làm giàu trước mặt Chúa, kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.
Do đó giàu hay nghèo, chúng ta phải luôn luôn ở tư thế sẵn sàng ra trước tòa phán xét Chúa bất cứ lúc nào bằng cách sống theo lời sách huấn ca nhắc nhở: “Trong hết mọi việc con làm, con hãy nhớ đến cứu cánh của mình thì không bao giờ vấp phạm”.
Xin Chúa Giêsu giúp chúng con có thái độ sống như Ngài, biết tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực cho yêu thương, phục vụ, tha thứ, biết quí chuộng sự nghèo khó để cuộc sống chúng con trở nên dấu chỉ đáng tin về sự có mặt và về giá trị chắc chắn của Nước Trời.
THỨ BA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,35-38
Hãy Tỉnh Thức
Sau khi Đức Giêsu giảng dạy dân chúng về vấn đề:
– Đừng ham mê của cải
– Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng
– Hãy tích trữ của cải cho đời sau
Thì ở đây Chúa nhắn nhủ phải thực hiện những điều giáo huấn đó để luôn luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời để bước vào sự sống đời sau.
Bắt đầu bài giáo huấn về việc phải sẵn sàng và tỉnh thức để đợi chủ đi ăn cưới về, Chúa Giêsu bảo: “hãy thắt lưng cho gọn”. Đây là lối ăn mặc của người đang làm việc theo phong tục của người Do Thái. Theo nghĩa bóng là phải sẵn sàng, tức là loại bỏ tất cả những gì làm cản trở sức sống thiêng liêng của ta: như các đam mê theo dục vọng bất chính. Về điểm này thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: “phải tỉnh thức và tiết độ”.
Chúa nói tiếp: “hãy thắp đèn cho sẵn”. Đó là thái độ tỏ lòng mong đợi Đấng Cứu Thế (Xh 12,11), nghĩa là phải có một đời sống đức tin cậy mến sáng ngời để chờ đợi Chúa đến trong giờ chết của mình. Nhưng việc Chúa đến lại thường vào thời điểm khuya khoắt và bất ngờ không đoán trước được, vì thế người đầy tớ phải có tư thế sẵn sàng như người đợi ông chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về thì mở cửa ngay cho chủ và như thế người tôi tớ sẽ được phần thưởng bội hậu.
Lời Chúa hôm nay muốn in khắc vào tâm trí ta niềm hân hoan và an bình của kẻ biết mình được cứu rỗi, để ta giữ vững lòng tin và lòng trung thành đối với Chúa, để ta sống phấn khởi và mới mẻ, chứ không rầu rĩ ủ dột như kẻ chưa có đích trong cuộc đời. Thế nhưng sau khi nắm chắc diễm phúc và có lòng tin sắt đá rồi, ta cũng phải là những con người hành động để chứng tỏ lòng tin đó. Chúa căn dặn ta hãy là những con người làm việc và ở trong tư thế sẵn sàng, hãy cầm đèn sáng trong tay mọi lúc, nghĩa là sống trong sáng làm những việc tốt lành. Đó là cách để ta thẳng bước đến ngày vui, khi Chúa đến với ta và cho ta muôn đời hưởng nếm bàn tiệc Nước Trời.
Thánh Phêrô đã giải thích thái độ của người tỉnh thức là “đừng chiều theo những đam mê… sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”.
Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh giành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình ảnh một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể phát huy nơi chúng con tư cách của kẻ đã chịu phép rửa, đã nhận nến trong tay vừa để đánh dấu ngày cuộc đời chúng con bước vào sự sáng, vừa để nhắc nhở chúng con luôn sống nên con cái sự sáng. Qua việc Ngài dọn bàn tiệc Thánh Thể cho chúng con, xin Ngài ban ơn sức đỡ nâng dìu dắt chúng con trong suốt thời gian đợi chờ Ngài trở lại, để chúng con luôn là những người tỉnh thức và trung tín cho đến ngày hân hoan gặp Chúa.
THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,39-48
Quản Lý Trung Thành
Sau khi dạy dỗ dân chúng về việc phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ giờ Chúa đến, Đức Giêsu dùng dụ ngôn về người quản lý trung tín để dạy các môn đệ bài học tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách kiên trì và trung thành với trách nhiệm của mình.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến dưới những hình ảnh khác nhau:
– Hãy thắt lưng: tư thế đang làm việc nghĩa là luôn bảo vệ và giữ gìn ơn nghĩa Chúa.
– Thắp đèn cho sẵn: tư thế người lữ hành đang mong đợi nghĩa là phải khao khát, chăm chú vào việc đón Chúa đến.
– Như người đợi ông chủ đi ăn cưới về; tư thế kiên trì và trung thành chờ đợi, việc bảo vệ phần rỗi là việc phải làm liên tục, bền đỗ cho tới khi Chúa đến.
– Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến: lý do tỉnh thức và sẵn sàng là vì tính cách bất ngờ của việc Chúa đến.
Người ta thuật lại câu chuyện sau đây: một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut (Mỹ) bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không, nếu không thì không cần hoãn họp, còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa, xin thắp nến lên (Drin kwater).
Việc tỉnh thức và sẵn sàng càng cần thiết cho hết mọi người sống ở trần gian này, nhưng đối với các vị lãnh đạo trong Hội thánh thì tư cách sẵn sàng và tỉnh thức là biết chu toàn bổn phận đã được trao phó bằng cách trung thành và khôn ngoan khi thi hành. Chúa Giêsu đã cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ. Trong Nước Ngài kẻ càng được trao nhiều quyền hành càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Lời Chúa hôm nay mời gọi người Kitô hữu tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ, càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong tư cách vương giả của Ngài. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực vì “cho thì có phúc hơn là nhận”. Ước gì chúng ta luôn tỉnh thức trong hướng đi ấy.
Xin ơn thiêng do Bí tích Thánh Thể của Chúa giúp chúng con luôn sống nên những môn đệ xứng đáng và trung kiên để rao truyền mầu nhiệm Chúa cho mọi người, và lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng nghênh đón Chúa lại đến.
THỨ NĂM TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,49-53
Những Thử Thách Của Việc Trung Thành
Sau những lời giảng huấn của Chúa Giêsu về việc phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến, có nhiều người trong môn đệ tỏ vẻ bỡ ngỡ. Nhân dịp này Đức Giêsu nhấn mạnh về lý tưởng hy sinh, bằng cách tuyên bố sứ vụ của Ngài đến thế gian. Chúa gọi “đau khổ” này là“lửa” và cái chết trên thánh giá là “phép rửa”. Ngài mời gọi những ai muốn theo Ngài cũng phải chung số phận đó.
Chúa Giêsu báo trước Ngài sẽ phải chịu đau khổ và các môn đệ cũng sẽ chịu đau khổ. Phép rửa mà Tin Mừng nói đến hôm nay, chính là cái chết của Ngài. Mối “chia rẽ” mà Người tuyên báo, là tình trạng khủng hoảng thường xuyên do Tin Mừng đưa đến trong nhân loại, và trong chính bản thân cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu đem đến là tinh thần của sự thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, đi ngược với tinh thần thế gian là thích hưởng thụ và ham khoái lạc. Nên những ai theo Chúa thì thường bị thế gian bách hại. Theo Chúa là chấp nhận hy sinh và mất mạng sống mình vì Chúa: “ai không bỏ cha mẹ, vợ con… thì không đáng làm môn đệ Thầy” và “ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống”
Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, sự đày đoạ mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta muốn theo làm môn đệ Chúa, chúng ta phải chiến đấu:
– Chống lại khuynh hướng xấu của xác thịt và tội lỗi nơi bản thân.
– Chống lại sự quyến rũ của thế gian, vì sức mạnh cám dỗ của ma quỉ còn nằm trong thế gian.
– Chống lại những trở ngại do tha nhân: như tình bạn, tình gia đình ruột thịt có thể gây ra tai hại cho đời sống đức tin của chúng ta.
Chúa mời gọi từng người chúng ta phải trở lại: là sửa đổi con người cũ thành con người mới, bỏ nếp sống trần tục để sống đời làm con cái Chúa.
Chúng ta hãy hướng về thánh giá Chúa Giêsu để cảm tạ tình thương hy sinh của Chúa, nhờ đó chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để tỏ lòng trung thành với Chúa. Chúng ta tiếp tục đi con đường của Chúa Kitô; chúng ta chấp nhận đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi thù ghét thua thiệt vì tin rằng chỉ có tình yêu mới thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Pricilla, người vợ đầu tiên của Elvis đã thốt lên như sau: về cái chết của Elvis, khi trở thành ngôi sao trong nền âm nhạc, anh ta còn quá trẻ để có thể biết cách sử dụng tiền tài danh vọng đang đến với anh. Anh chỉ là nạn nhân, anh bị hủy diệt bởi những người ái mộ anh. Anh cũng chính là nạn nhân của chính hình ảnh mà anh tạo ra. Anh chưa bao giờ giống như một con người thực sự, anh chưa bao giờ trưởng thành, anh chưa bao giờ ra khỏi vỏ ốc ấm áp của anh để cảm nghiệm được thế giới bên ngoài.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lửa tình yêu Chúa, và thanh huyện chúng con, để chúng con trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa cuộc sống của chúng con.
THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,54-59
Nhận Xét Thời Đại, Tìm Hiểu Các Hiện Tượng Trời Đất
Đức Giêsu giáo huấn dân chúng, Ngài trách họ vì họ biết xem điềm trời mà đoán được thời tiết, nhưng lại không biết cách xét các việc đang xảy ra để nhận biết thời giờ cứu rỗi.
Người ta có thể nhìn vào các hiện tượng gió mây trên trời và dễ dàng nói trước là sắp bão hay nắng tốt, còn đối với chuyện liên quan đến phần rỗi là chuyện hệ trọng hơn nhiều thì một là ta u mê không mau mắn tinh anh; hai là ta đoán được, hoặc biết được, nhưng lại cố tình coi như không có vấn đề và tiếp tục sống ung dung, ơ hờ.
Đối với chúng ta sống thời gian chờ Chúa đến, thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy lo sống bác ái và hiệp nhất, mọi người ý thức mình có một Cha chung, một niềm hy vọng chung, nên sống với nhau trong sự hòa thuận bình an. Đây chính là bằng chứng cụ thể nhất về việc ta biết đánh giá thời buổi nghiêm trọng và biết gầy tạo cho mình một tư cách xứng đáng khi Chúa gọi chúng ta đến với Ngài. Đây là cách bảo đảm nhất cho ta trong việc dùng hiện tại mà xây tương lai, tức là xây phần rỗi đời đời của mình.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải biết nhìn vào những dấu chỉ của thời đại mà nhận ra ý Chúa để thực thi. Về phương diện siêu nhiên, tức là những gì liên quan đến Thiên Chúa và sự sống đời đời của ta, Chúa muốn ta nhìn vào các sự kiện đang xảy ra – trong thời đại hay cuộc sống của ta – như là dấu chỉ nói lên thánh ý Chúa, tức là những điều cần phải tránh, hoặc cần phải làm để vinh danh Chúa và mưu ích cho sự sống đời đời. Qua dụ ngôn tòa án, Chúa Giêsu nhắn nhủ ta phải cấp bách giải quyết các ngăn trở phần rỗi của mình, đồng thời biết đón nhận ngay những giáo huấn của Chúa và đem ra thực hành trong đời sống chứ đừng trì hoãn kẻo không kịp. Ngay ở đời này ta phải chăm lo phần rỗi cho mình bằng cách luôn thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân để lập công đền tội ở đời này, chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu đời sau.
Xin Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, để chúng con đừng mù lòa, đừng cố chấp khi những giây phút ân sủng Chúa đến thăm chúng con, cảnh trời sắc đất thì các người biết rõ, còn thời đại này, thời đại ân sủng dấu chỉ mời gọi và thức tỉnh của nó tại sao các ngươi không biết đến? Xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa mời gọi hôm nay trong giây phút này để chúng con luôn sống phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 13,1-9
Mau Mắn Hối Cải
Sau khi giáo huấn dân chúng phải để ý đến các dấu chỉ của thời đại để sám hối, bây giờ Chúa dựa vào hai biến cố có tính thời sự và thêm một dụ ngôn về cây vả để hối thúc họ phải sám hối và trở về với Thiên Chúa.
Bài phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy được một thí dụ cụ thể là Chúa Giêsu đã đọc thấy hai dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy ra: việc quan tổng trấn Philatô giết chết một số người Galilêa nơi đền thờ và việc tháp Silôê sập đè chết 18 người; và Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về cây vả không sinh hoa trái, lấy lại những lời đe dọa cổ điển, nhưng báo trước một kỳ hạn cuối cùng và chứng tỏ lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bảo mọi người hãy tận dụng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối. Do đó, chủ đích của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này là muốn kêu gọi người ta thay đổi toàn diện về tâm hồn, hãy lo xét chính mình, bởi vì chưa chắc những người đang còn sống đây đã thánh thiện hơn những người bị chết kia. Sở dĩ họ chưa bị chết, chính vì Thiên Chúa còn đang khoan dung, còn hoãn thời gian để họ có dịp hối cải sửa đổi đời sống, và quay về với Thiên Chúa. Tình cảnh của họ giống như tình cảnh của cây vả đã ba năm chưa sinh hoa kết trái. Nó chưa bị chặt đi nhờ lời xin của người làm vườn: “xin ông cứ để nó lại năm nay nữa”. Một năm sống này vừa là bằng chứng về việc nó được thương xót, châm chước do lòng nhẫn nại của người chủ, vừa là cơ hội cuối cùng để nó quyết định về số phận của nó.
Dĩ nhiên lời mời gọi và cảnh cáo đó của Chúa cũng có giá trị cho chính chúng ta nữa. Chúa cũng đang nhẫn nại với ta, gia hạn cho ta và mong chờ những kết quả tốt đẹp nơi ta. Đó là lý do vì sao ta vẫn còn được sống yên hàn. Chính vì thế, hiện tại cũng là lúc để ta lo làm cho đời trổ sinh hoa trái thánh thiện.
Câu chuyện về một nhà vua nọ sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về, ông ra lệnh thắp lên một cây nến rồi nói với họ: “ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết, các người hãy suy nghĩ kỹ. Khi ngọn nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy, Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt nghiêm trọng, không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng con sống nên đoàn con thảo của Cha trên trời, vừa ý thức về lòng nhẫn nại và thương xót của Cha, để chúng con biết sám hối, biến đổi tâm hồn nên giống Cha là Thiên Chúa tình yêu.
Lm. Giuse Phạm Thanh Minh
Gp. Mỹ Tho